Cuộc tình Facebook như cổ tích của hai số phận tật nguyền

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 09/07/2015 06:41:00 +07:00

Anh chị gặp nhau mừng mừng tủi tủi, rồi cứ ngồi xe lăn ôm lấy nhau khóc ròng giữa đám cưới.

(VTC News) - Anh chị gặp nhau mừng mừng tủi tủi, rồi cứ ngồi xe lăn ôm lấy nhau khóc ròng giữa đám cưới.

Kỳ 2 (Kỳ cuối): Thiên duyên tiền định

Khi hỏi về mối tình của 2 con người tật nguyền, Hoàng Văn Tuấn (Bản Châu, Tri Lễ, Lạng Sơn) cứ thẹn thùng: “Bọn mình chỉ mới quen nhau được 2 tháng thôi, nhưng đó là do duyên số vậy…”.

Tuấn khao khát một mái ấm gia đình. Khao khát ấy càng cháy bỏng kể từ khi con gái lấy chồng. Tuy nhiên, anh giấu kín khao khát ấy bởi mặc cảm mỗi khi nhìn xuống chân mình. Trong lúc cô đơn cùng cực ấy, Tuấn thường hay trò chuyện với một người bạn ở gần nhà. Cậu này mới học xong đang thất nghiệp. Cậu này có điện thoại kết nối được với thế giới mạng. Trò chuyện, cậu bạn này bảo Tuấn lập nickname để lên Facebook… tán gẫu cho đỡ buồn. 

Trên Facebook có một nhóm kết nối của những con người tật nguyền với nhau có tên là Nghị lực sống. Ngay lần đầu tiên biết đến mạng Internet và Facebook, Tuấn bỡ ngỡ khi thấy hàng trăm, hàng nghìn trường hợp tương tự như mình, anh bấm đại vào một nickname trong đó, rồi theo hướng dẫn của cậu em nhắn tin trò chuyện.

Tuấn kể: “Lúc đó bà xã tôi không để hình ảnh trên “phây”, mà chỉ có một lãng hoa to tướng, cũng chỉ có một thông tin duy nhất là bị liệt 2 chân, ở Thái Bình, có đề cả số điện thoại, tôi không biết đó là bà già hay một cô gái trẻ, chỉ biết là nữ, nhưng nghĩ họ cũng giống mình, có nghĩa là sẽ hiểu và cảm thông cho nhau được, có thể trò chuyện vậy ”.

Nhưng hỏi mấy câu mà không thấy trả lời, Tuấn gọi điện luôn nhưng không thấy ai nhấc máy. Phải 2 ngày, sau mấy cuộc điện thoại liên tiếp, người phụ nữ ấy mới chịu trả lời, nhưng ngập ngừng giải thích không nhắn lại là vì điện thoại đang… hết tiền, với lại chị lên mạng chỉ đến bán những sản phẩm do mình làm ra, chứ không biết tán gẫu.

Kiểm tra tài khoản trong máy còn 20 nghìn đồng, Tuấn chuyển ngay 10 nghìn đồng sang cho số điện thoại của “người ấy” và ngay một lúc sau thì có tin nhắn báo đến. Chỉ trong buổi sáng, tài khoản điện thoại của 2 con người xa lạ hết sạch tiền qua vài chục cái tin trao đổi làm quen.

“Lúc đó tôi không tin là lừa đảo đâu, bởi tôi không có cái gì đáng giá cả mà lừa…”, Tuấn cười lớn khi nhắc lại kỷ niệm đầu tiên quen nhau của 2 vợ chồng.

Hoàng Văn Tuấn: "Vợ chồng tôi có thiên duyên tiền định" 

Sau những tin nhắn ấy, điện thoại hết tiền, không liên lạc được với nhau, Tuấn thấy ruột gan như lửa đốt. Ba ngày sau, đang lúc bứt rứt thì có người trong thôn đến nhờ Tuấn tư vấn làm hộ cái cửa gỗ. Thấy người này có máy điện thoại, Tuấn xin nhờ cuộc điện thoại của họ để gọi cho “người phương xa”. Thấy Tuấn tội nghiệp, người này sau khi được sự tư vấn nhiệt tình của Tuấn đã mua tặng anh chiếc sim khuyến mại.

Anh Tuấn kể, chừng 2 tuần sau, khi người phụ nữ lạ mặt đã bắt đầu trò chuyện cởi mở với mình, Tuấn mấy lần yêu cầu chị Ngọc gửi ảnh nhưng không được. Qua điện thoại, chị Ngọc chỉ khóc, bảo mình xấu lắm, tốt nhất là cứ coi nhau như bạn bè, rồi tâm sự đủ thứ chuyện, trên trời dưới biển. 

Chia sẻ về chuyện tình cảm của 2 vợ chồng, chị Ngọc cho biết, chính bản thân chị cũng không nghĩ là mình lại có thể lấy chồng xa đến như vậy, tít trên biên giới, lại là người Tày. Chị Ngọc bảo, đó là số phận.

Theo lời kể của chị Ngọc thì trước đây, chị cũng có nhiều mơ ước về một tương lai rạng ngời. Thế nhưng, một vụ tai nạn khủng khiếp đã cướp đi tất cả.

Trước đây, chị Ngọc làm ở một công ty may mặc tận trong Bình Dương. Trong lần đi xe khách về ăn tết năm 2006, tới địa phận Quảng Bình, xe chở chị lao thẳng vào chiếc container đỗ bên đường. Tỉnh dậy, Ngọc mới biết mình là một trong hai người còn sống sót, nhưng hai chân đã bị liệt hẳn.

Cả năm trời với bao nhiêu lần vào viện chạy chữa, cũng chừng ấy lần Ngọc định tìm đến cái chết, vì nghĩ bản thân đã hoàn toàn vô dụng, là gánh nặng cho gia đình. Được sự động viên của mọi người, dần dần chị đã lấy lại được niềm tin sống, và quyết tâm sống “tàn nhưng không phế”.

Ở làng có nghề đan móc, kết hoa, Ngọc cũng học theo nghề đấy, rồi lên mạng bán sản phẩm. Bố mẹ rất thương chị, và mọi người gần như cũng xác định là chuyện gia đình của Ngọc gần như không thể, bởi lúc ấy chị đã gần 30 tuổi, lại tàn tật ngồi trên xe lăn.

Hôm Tuấn làm quen, Ngọc thấy bình thường như bao trường hợp mình đã gặp, lại mặc cảm về bản thân, nên chị không nghe điện, cũng không nhắn tin lại. Nhưng trước sự kiên trì của Tuấn, Ngọc cũng có phần lung lay, rồi bắt đầu tâm sự với nhau qua những tin nhắn điện thoại.

Chị Ngọc

Cũng từ đó, hai con người tật nguyền hình thành thói quen nhắn tin cho nhau hàng ngày qua mạng xã hội. Những lúc tài khoản điện thoại hết sạch để nhắn tin, Tuấn lại chia sẻ số tiền ít ỏi trong máy của mình cho Ngọc và ngược lại.

Tuấn kể, từ khi quen Ngọc, anh thấy yêu đời hơn nhiều. Không chỉ bằng tin nhắn, Tuấn còn nhờ người bạn hàng xóm lấy máy điện thoại ra quay cảnh mình chơi đàn, hát những bài tình ca, phát biểu những suy nghĩ, cảm tưởng của mình, rồi nhờ bạn gửi vào nickname của Ngọc.

Nhận được sự tán thưởng từ “người tình ảo”, anh càng hăng say sản xuất clip cho dù khi anh còn chưa thấy mặt người phụ nữ hàng ngày vẫn trò chuyện với mình. “Giọng ca của tôi chỉ hay hơn ca sĩ Lệ Rơi một chút thôi, nhưng đâu có sao, miễn là cô ấy thích. Chúng tôi bắt đầu yêu nhau từ đấy…”, anh Tuấn cười.

Hai tháng sau, Tuấn quyết định tỏ tình. Anh bảo, hôm đó anh phải mất cả ngày kỳ công, ăn mặc thật đẹp, chỉnh tề rồi mới dám ngồi trước camera điện thoại, với sự trợ giúp của bạn bè quanh xóm, anh ôm đàn hát bài “Lời tỏ tình dễ thương”, rồi bảo rằng mình rất yêu Ngọc, mong muốn Ngọc sẽ gắn bó phần đời còn lại với mình.

Đám bạn phải quay đi quay lại mấy lần, có lẽ vì Tuấn quá hồi hộp hay xúc động nên nói cứ lắp bắp, hát cũng chả ra hồn.

Gửi clip qua Facebook cho Ngọc nhưng suốt 3 ngày liền Ngọc mất hẳn liên lạc, không nhắn tin, gọi cũng chả thấy nghe máy. Đến lúc hy vọng tưởng như vụt tắt, Tuấn đang ngồi buồn bã thì bất ngờ nhận được tin nhắn: “Em đồng ý về làm vợ anh, nhưng em sợ lắm”.

Thực ra, những lời tỏ tình của Tuấn đã làm chị Ngọc gần như mất ngủ cả tuần lễ. Qua những gì trò chuyện qua mạng và điện thoại suốt 2 tháng, chị cũng tin rằng anh là một người rất chân thành và cái quan trọng nhất, Tuấn chấp nhận một người con gái tật nguyên như chị.

Điều Ngọc lo nhất là cuộc sống của 2 con người cùng cảnh ngộ sẽ như thế nào, rồi còn sợ họ hàng chê trách. Trước sự băn khoăn trên, Tuấn nói đầy tự tin: “Em cứ yên tâm, 20 năm qua, số phận bạc bẽo với anh, anh vẫn sống chứ không trách cứ gì cả. Anh có thể làm bất cứ việc gì để nuôi sống em…”.

Đám cưới đặc biệt của cặp vợ chồng tật nguyền 

Thấy quyết tâm của đôi trẻ tật nguyền, người thân hai bên cũng hết sức ủng hộ. Ngày cưới, Tuấn chỉ còn 70 nghìn, anh phải vay mượn khắp nơi mới có đủ tiền thuê xe về tận Thái Bình đón dâu.

Mười mấy năm qua Tuấn chưa đi xa bao giờ, không biết Thái Bình ở đâu, đi nhầm đường. Ông bố vợ phải ra đón về nhà mình.

Ngày cưới cũng là ngày đôi tình nhân tật nguyền biết mặt nhau, anh chị gặp nhau mừng mừng tủi tủi, rồi cứ ngồi xe lăn ôm lấy nhau khóc ròng giữa đám cưới. Có lẽ, họ đã tìm thấy được hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình.

Từ ngày đi đón vợ về, vết thương đau, đúng vết mổ ngày xưa bị rách, nên suốt 2 tuần lễ Tuấn nằm bẹp một chỗ. Dù đau đớn nhưng Tuấn vui lắm.

Tuy nhiên, thật lòng anh rất lo lắng về cuộc sống tiếp theo của vợ chồng mình. Bản thân anh có cửa hàng nhỏ, chị Ngọc cũng có nghề kết hoa riêng của mình, nhưng thu nhập cả hai còn rất phập phù, bữa đói bữa no, sau này còn con cái nữa thì không biết thế nào.

Anh Tuấn ước mơ sẽ có một số vốn nho nhỏ, mở một cửa hàng tạp hóa cho vợ buôn bán, rồi cứ nương tựa nhau để mà sống, dù cuộc đời còn lắm chông gai phía trước, nhất là cả 2 người đều không lành lặn.


Hải Minh
Bình luận
vtcnews.vn