Cuộc sống thường ngày của nữ phó giáo sư ngôn ngữ học 8X

Giáo dụcThứ Sáu, 20/11/2015 02:39:00 +07:00

Mặc dù bận rộn trong việc nghiên cứu, giảng dạy, nhưng nữ giảng viên trẻ tuổi vừa được công nhận chức danh phó giáo sư vẫn chu đáo chăm sóc con cái và gia đình.

Mặc dù bận rộn trong việc nghiên cứu, giảng dạy, nhưng nữ giảng viên trẻ tuổi vừa được công nhận chức danh phó giáo sư vẫn chu đáo chăm sóc con cái và gia đình.

 Trong số 522 giáo sư và phó giáo sư vừa được công nhận chức danh ngày 12/11/2015, có 5 người thuộc thế hệ 8X. Nổi bật trong số đó là chị Nguyễn Thị Phương Thùy - giảng viên khoa Ngôn ngữ học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.


Một ngày của phó giáo sư, tiến sĩ sinh năm 1981 bắt đầu bằng việc đưa con gái lớn đến trường từ sớm. "Cả hai vợ chồng đều bận. Tôi không muốn con thấy bị áp lực từ việc học tập. Tuy nhiên, việc rèn luyện nề nếp từ bé không chỉ có ích với việc học, mà còn ảnh hưởng tới tính cách, cuộc sống sau này của trẻ", chị Thuỳ chia sẻ. 

 Sau khi đưa con gái lớn đi học, nếu không có tiết giảng, người mẹ về nhà cho con gái bé (hơn 1 tuổi) ăn sáng trước khi đến lớp mẫu giáo. Do em bé sinh thiếu tháng nên thời gian đầu việc chăm sóc rất vất vả. Có những hôm bà mẹ hai con phải thức đến 4h sáng, vừa bế con vừa đọc sách. Hôm sau đi dạy, nữ giảng viên buồn ngủ đến mức phải chạy ra ngoài vã nước vào mặt. Vì vậy, theo chị Thuỳ, nghiên cứu khoa học và nuôi con có điểm chung là phải kiên trì.

"Nhà tôi không tích trữ nhiều thức ăn trong tủ lạnh mà hầu như ngày nào cũng đi chợ. Thú thật, tôi không phải là người giỏi nấu nướng, vì thế để bù lại thì thức ăn cần tươi, đảm bảo dinh dưỡng cho cả gia đình", chị Thùy cho biết. 

Người phụ nữ này thích bữa ăn có đầy đủ các thành viên trong gia đình, bởi đây là lúc cả nhà cùng chia sẻ, quan tâm đến nhau sau những giờ làm việc căng thẳng.
 


Phó giáo sư trẻ tuổi cho biết, phải chuẩn bị việc giảng dạy trước cả học kỳ, luôn phải cập nhật kiến thức và kỹ năng trình bày để bài giảng sinh động. Không những thế, khi bước vào lớp, giảng viên phải gạt bỏ tất cả việc riêng, tạo tâm thế thoải mái cho bản thân và sự hưng phấn cho người học
 

Ngoài giảng dạy, nghiên cứu, các giảng viên đại học còn đảm nhiệm việc hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho sinh viên. "Tôi rất thích công việc này vì khi hai người cùng suy nghĩ, vấn đề sẽ được khai thác sâu rộng hơn. Ngoài ra, tôi cũng học hỏi được nhiều điều bởi các em có những ý tưởng mà bản thân mình không nghĩ tới", nữ tiến sĩ nói.
 

Trong giờ giải lao, chị Thuỳ tranh thủ gặp và trao đổi chuyên môn với cha mình là PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt. Chị tiết lộ: "Có bố mẹ làm cùng ngành là lợi thế lớn, vì tôi sẽ có sẵn nhiều tài liệu chuyên ngành, dễ dàng học hỏi kinh nghiệm hơn, nhất là khi mới vào nghề. Tuy nhiên, đôi khi nó cũng là áp lực để tôi cố gắng phấn đấu khẳng định năng lực".
 

Phó giáo sư Nguyễn Thị Phương Thuỳ còn tham gia dạy tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài. Đây là việc không dễ, vì giảng viên còn phải giúp sinh viên hiểu và yêu mến văn hoá, đất nước Việt Nam qua lăng kính ngôn ngữ. Đồng thời, công việc này cũng đem lại những kinh nghiệm và nguồn tư liệu cho các nghiên cứu ngôn ngữ học. 


 Kết thúc một ngày làm việc, thay vì ở nhà sau bữa tối, gia đình chị Thuỳ thường ra ngoài thư giãn. Với phó giáo sư trẻ tuổi nhất ngành Ngôn ngữ học, niềm hạnh phúc là sự hoà thuận trong gia đình, vợ chồng cùng nhau gánh vác, chia sẻ, yêu thương.


Nguồn: Thành Long - Thanh Hà/Zing
Bình luận
vtcnews.vn