Cuộc gom xương rùng rợn và hành trình xuống cõi "âm ty"

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 22/04/2011 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Một cuộc khám phá đầy hấp dẫn và rùng rợn; những bãi xương người, những suối xương người, la liệt...

(VTC News) - Chúng tôi bắt đầu một cuộc khám phá đầy hấp dẫn và rùng rợn. Những bãi xương người, những suối xương người, những khúc xương người la liệt…


Từ khu vực Bãi Ba Sào, hay còn gọi là tầng thứ 3 của “9 tầng địa ngục” trong núi Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội), tôi chọn một tảng đá ở giữa khu vực rộng lớn này, quấn sợi dù mấy vòng rồi định hướng đường để đi tiếp.

Soi đèn pin ra tứ phía, thấy hàng loạt con đường là những khe vách. Có con đường như cái cống, có con đường hẹp phải lách người mới qua được, nhưng có con đường rộng thênh thang, có đường ngay mặt đất, song có đường ở lưng chừng vách núi.

Đường xuống "tầng địa nguc thứ 3". Ảnh: Đặng Bá Hiệp. 

Tôi bắt đầu từ con đường lớn phía tay trái. Từ con đường này, lại mở ra hàng loạt ngóc ngách, nhưng ngách nào cũng kịch, không thấy lối đi tiếp. Các con đường khác cũng vậy, tuyệt nhiên đều dẫn đến vách núi, không thể tìm được đường xuống “tầng địa ngục thứ 4”. Đi mãi, đi mãi, từ ngách này, dẫn sang ngách kia, rồi lại vòng về chỗ đã đi qua. Ngóc ngách ở khu vực Bãi Ba Sào như một ma trận, nếu không chăng dây, có thể bị lạc, không tìm được đường về.

Trọn một ngày loanh quanh ở khu vực Bãi Ba Sào, tôi không thể tìm được đường đi tiếp, đành phải ngược lên hang Cắc Cớ. Lúc lên miệng hang, đã là 5 giờ chiều. Quần áo bẩn thỉu, mặt mũi nhem nhuốc và hai lỗ mũi đen sì như hai ống khói, chẳng khác gì xuống hầm than ở vùng mỏ. Không hiểu sao trong hang lại có bụi đen, hệt như bụi than.

Nhiều đoạn phải dùng thang dây mới đi nổi. Ảnh: Đặng Bá Hiệp. 

Thấy tôi chán nản ngược lên cửa động, bà Hoa hớn hở bảo: “Không thấy cháu lên, cô đang định gọi người đi tìm”.

Tôi kể rằng, đã đi khắp các ngóc ngách, mà tuyệt nhiên không thấy bộ xương nào, thì bà Hoa bảo: “Ở tầng động thứ 3, người ta đã dọn hết xương cốt từ 70 năm trước rồi. Những người biết lối xuống tầng động khác cũng đã chết cả, nên không còn ai biết đường. Nhưng nhóm thằng Hiệp ở Đông Anh biết đường đi đấy. Chúng nó đã thám hiểm hang động này nhiều lần lắm rồi, còn tha lên cả ba lô xương người nữa cơ”.

Tác giả chui vào một ngách nhỏ để chụp ảnh xương cốt. 

Nghe bà Hoa kể vậy, tia hy vọng tìm thấy suối xương, kho xương trong lòng núi lại được thắp lên. Tôi gọi điện cho nhóm bạn leo núi Đặng Bá Hiệp hỏi về xương cốt trong hang, không ngờ Hiệp rất nhiệt tình: “Khi nào anh đi, anh chỉ việc thông báo ngày giờ, bọn em sẽ có mặt”.

Đúng hẹn, vào ngày cuối tuần, sáng sớm, nhóm leo núi Đặng Bá Hiệp gồm 4 chàng trai đã có mặt ở chân núi Sài Sơn đợi tôi.

Hiệp bảo rằng, nhóm chinh phục hang động chùa Thầy của Hiệp đã nhiều lần đi sâu vào lòng núi, khám phá vô số chuyện thú vị. Thế nhưng, họ vẫn chưa tìm được đường đi tiếp xuống con suối với bãi cát trắng nằm sâu trong lòng núi, mà theo lời kể của người dân có loài cá lạ, thậm chí có cả những mảnh thuyền.

Dựng lều qua đêm trong "tầng địa ngục thứ 3". Ảnh: Đặng Bá Hiệp. 

Riêng xương cốt thì nhóm của Hiệp đã tìm được rất nhiều. Hồi cuối năm 2010, nhóm của Hiệp đã chuẩn bị rất kỹ, mang đầy đủ đồ ăn, nước uống, cả lều bạt vào trong hang ngủ qua đêm, xác định đi dài ngày. Xương cốt thì tìm được rất nhiều, nhưng con đường đi tiếp thì chưa thấy.

Tôi ngỏ ý muốn được nhóm của Hiệp dẫn đến khu vực có xương người, nhưng Hiệp bảo: “Bọn em nhặt hết xương mang lên bể đổ rồi”. Hiệp thông báo một tin khiến tôi buồn hẳn. Nếu chuyến đi mà không  tìm thấy khúc xương nào, thì mất hết ý nghĩa. Tuy nhiên, Hiệp bảo, trong lòng núi còn vô số ngóc ngách. 70 năm trước, đã từng diễn ra cuộc gom xương lớn nhất lịch sử, kéo dài suốt 3 năm liền, mà còn chưa hết được xương người, thì chuyến đi của Hiệp có vỏn vẹn mấy ngày đâu nhặt được nhiều. Nghe Hiệp nói vậy, tôi hào hứng hẳn lên. Hy vọng tìm được xương cốt còn rất lớn.

Hôm trước Tết, sau 2 ngày lần mò trong lòng núi, nhóm của Hiệp đã gom được mấy ba lô, chật cứng là xương người. Những khúc xương gom được chủ yếu là xương lớn, còn nguyên vẹn như xương ống, xương sườn, xương sọ.

Những khúc xương nhóm Hiệp gom được chủ yếu trong khác khe hẹp mà chỉ những người nhỏ nhắn mới chui vừa. Có thể đó là những điểm mà người xưa bỏ sót trong quá trình thu gom xương, hoặc cũng có thể họ chưa tìm tới khu vực đó.

 
Những ba lô xương mà nhóm của Hiệp gom được. Ảnh: Đặng Bá Hiệp. 

Hiệp kể: “Hôm bọn em vác ba lô xương lên, trời đã tối, nên đành phải để ba lô xương ở chỗ bàn thờ Lữ Gia, rồi ra khách sạn ngủ. Sáng hôm sau, bọn em tìm vào, thấy rất nhiều người đứng ở cửa hang, không ai dám vào. Họ kể, trong đó có mấy ba lô xương người, nên sợ không dám xuống hang. Kể cả mấy người bán hàng bên bể xương, cũng không dám lại gần. Bọn em vào, họ đi theo, rồi xì xụp khấn vái, khói hương nghi ngút”.

Hôm đó, sau khi sắp lễ, thắp hương, nhóm của Hiệp đã trút hết xương cốt vào bể xương ở cuối hang Cắc Cớ. Hầu hết xương cốt trong bể chuyển sang màu đen, vì sự thiếu ý thức của người tham quan. Sau khi dùng đuốc soi để nhìn xương, họ tiện tay ném luôn đuốc vào bể. Có người đốt cao su, lốp xe xuống động, rồi cũng ném luôn vào bể, lửa vẫn cháy đùng đùng, ám muội, khiến xương cốt ngả màu đen như củi cháy. Những chiếc sọ, những dóng xương vẫn giữ được màu trắng đặc trưng trong bể xương là do nhóm của Hiệp mới mang lên đổ vào.

Xương cốt tràn ngập trong lòng núi. 
 

Sau khi chuẩn bị đầy đủ phương tiện xuống núi, nhét đầy ba lô đồ ăn, nước uống, chúng tôi lên đường chinh phục “địa ngục” trong lòng núi Sài Sơn.

Do đã quen đường, nên các bạn trẻ vào hang như thể vào nhà mình. Họ bám vào vách núi đu như khỉ, chui qua “lỗ giun” dễ dàng như chuột, lách tuồn tuột qua các khe vách. Những đoạn nào nguy hiểm thì thả thang dây, hoặc đu thừng tuột xuống. Họ quả thực là những nhà leo núi chuyên nghiệp.

Vừa chạm vào Bãi Ba Sào, hay còn gọi là “tầng địa ngục thứ 3”, chúng tôi không tiếp tục đi xuống, mà lại ngược dần lên cao. Như vậy, hướng đi ngược lại hoàn toàn với hướng mà tôi đã đi lần trước. Đi một lát, thì lại thấy một tia sáng yếu ớt từ đỉnh động cao cả trăm mét chiếu xuống. Trời ạ! Một bãi rác khổng lồ, với đủ các thứ rác rưởi có trên trần gian.

Theo phán đoán của tôi, thì bãi rác này là sản phẩm của du khách từ nhiều chục năm nay. Du khách, những người bán hàng xả rác bừa bãi trên động Cắc Cớ, rồi những trận mưa lớn, nước chảy thành lũ, đã cuốn rác đổ cả về khu vực này. Khu vực này là một cái túi chứa rác.

Lần dò qua bãi rác, một khoảng không lớn hiện ra. Từ đây, có vô số ngóc ngách. Nếu không thám hiểm trước, không quen đường, thì không thể biết đi tiếp đường nào.

Từ bãi rác, rẽ vào ngách bên trái, liên tục trèo lên, tụt xuống, rồi chúng tôi cũng đến một khu vực tuyệt đẹp, có hàng trăm tác phẩm thiên tạo kỳ vĩ. Theo truyền thuyết, thì đây là Thung Lũng Tình Yêu.

Từ đây, chúng tôi bắt đầu một cuộc khám phá rùng rợn. Những bãi xương người, những suối xương người, những khúc xương người la liệt…

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn