Cuộc chiến ung thư, những câu chuyện về niềm hy vọng

Tổng hợpThứ Sáu, 30/07/2010 08:00:00 +07:00

Từ trước đến nay người ta vẫn quan niệm ung thư là căn bệnh nan y, không có khả năng chữa khỏi. Chúng tôi muốn thay đổi nhận thức đó...

“Từ trước đến nay người ta vẫn quan niệm ung thư là căn bệnh nan y, không có khả năng chữa khỏi. Chúng tôi muốn thay đổi nhận thức đó, để người dân hiểu rằng ở đâu có hy vọng, ở đó có sự sống. Trong cuộc chiến, có lúc thắng lúc thua nhưng quan trọng là chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc dễ dàng”- BTV Cao Thủy, kênh VTC14, chủ nhiệm chương trình Cuộc chiến chống ung thư (CCCUT) chia sẻ.

 

 Quay phim Hà Dũng ghi hình tại Bệnh viện K

Cuộc chiến không khoan nhượng

 

Chẳng nói đến bệnh nhân, ngay cả những người đang bình thường khỏe mạnh cũng luôn mang trong mình nỗi ám ảnh về căn bệnh ung thư. Môi trường ô nhiễm, hóa phẩm độc hại, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm kém… tất cả đều tiềm tàng nguy cơ gây bệnh.

Tư tưởng của người phương Đông là “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, bản thân các bệnh nhân cũng không có nhu cầu và không thích lên hình. Vì thế thuyết phục họ là một khâu khó khăn với những người làm chương trình. BTV Phạm Nhung chia sẻ: “Chúng tôi phải hướng họ đến mục đích chung vì cộng đồng chứ không chỉ bản thân mình. Sao cho để họ chịu nói về mình, chịu bộc lộ tình cảm, cuộc sống của bản thân”.

Để đảm bảo một buổi đi quay hiệu quả, bao giờ các BTV cũng phải chuẩn bị rất kỹ từ kịch bản, nhân vật, đến các tình huống có thể xảy ra. Bác sỹ và bệnh nhân không có nhiều thời gian vì thế phải tranh thủ sao cho nhanh gọn, chính xác và không được sai sót. Nhiều hôm đến ghi hình thì bệnh nhân lại sức khỏe kém, hay đang phỏng vấn thì bác sĩ có ca mổ gấp, ê-kip lại ngay tức khắc phải xoay sang phương án khác.

Môi trường bệnh viện hiện nay lại chưa được tốt lắm, số lượng bệnh nhân ung thư lại luôn trong tình trạng quá tải, ngột ngạt. Chưa kể, phải xây dựng được mối quan hệ với các y bác sĩ để họ nhiệt tình cộng tác. Có lần đi quay phẫu thuật ung thư vú, nạn nhân phải điều trị xạ trị, kết thúc cảnh quay mà quay phim vẫn bị ám ảnh bởi mùi khét của thịt cháy.

Tuy nhiên, những chuyến đi lại cho ê-kip được gặp gỡ những con người có nghị lực phi thường và hiểu thêm những giá trị của tình người. Khi những giá trị vật chất đang lấn át những giá trị  của đạo đức thì mỗi tấm lòng nhân ái là một thứ ánh sáng làm nhòa đi những nhỏ nhoi, tham vọng của đời thường, làm cuộc sống tốt đẹp hơn rất nhiều.

Họ xúc động khi biết đến một vị sư thầy hơn 10 năm nay ròng rã đi làm từ thiện, tổ chức những khóa giảng Phật pháp cho 500-800 bệnh nhân. Nhà chùa và các phật tử đến từng bệnh viện lấy danh sách, động viên các bệnh nhân đi nghe Phật pháp, thuê xe đưa đón bệnh nhân tận tình. Hay một nhà sư khác hàng ngày đến từng nơi, từng giường bệnh để gội đầu cho các bệnh nhân ung thư… và rất nhiều tấm lòng hảo tâm, bàn tay nhân ái nữa đã chìa ra để nâng đỡ những con người đang phải chiến đấu giành lại sự sống. Các chị em trong câu lạc bộ ung thư vú, có người là giáo sư, giảng viên đại học, có người chỉ là thợ may, nội trợ… nhưng họ tìm thấy tiếng nói chung và luôn chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

BTV Cao Thủy chia sẻ, đi làm về các bệnh nhân ung thư nhi luôn mang lại cho chị nhiều cảm xúc nhất. Đây cũng là đối tượng tác động mạnh mẽ đến người xem chương trình. Nhiều em bị bệnh ngay từ hồi mới lọt lòng, có em mới vài tháng tuổi đã bị ung thư võng mạc, có em đối mặt với việc khoét đi cả hai mắt.

BTV Cẩm Tú vẫn còn nhớ lần làm chương trình về em Đoàn Thị Hằng, 7 tuổi ở Hải Dương. Một điều đặc biệt ở cô bé ấy là không bao giờ khóc, kể cả khi đau đớn vì điều trị. Một bản lĩnh mà không phải ai ở tuổi em cũng có. Thế nhưng khi nói chuyện điện thoại với ông ngoại thì em bật khóc nức nở “Ông ơi, cháu nhớ ông lắm!”, khiến cho nhóm làm phim xúc động đến lặng người.

Không được học hành, giấc ngủ cũng chẳng bình yên, các em phải chống chọi với những cơn đau triền miên và coi bệnh viện là nhà. Truyền hóa chất nhiều khiến các em không ăn được, nhiều em ăn vào lại nôn. Thương cảm, có lần nhóm làm chương trình đã mua năm máy xay sinh tố tặng cho các em để xay cơm, xay cháo.

Bệnh tật là thế nhưng các em lại vô lo, vô nghĩ. “Tiếp xúc nhiều với bệnh nhân ung thư mới thấy người lớn hay bi quan hơn trẻ con. Nhìn các em ngây thơ chơi đùa mới hiểu cuộc sống này ý nghĩa biết bao. Nhiều khi thông qua các bệnh nhân nhi, người lớn lại thấy cần phải lạc quan hơn”- chị Thủy tâm sự.

 

 PV VTC tác nghiệp tại Bệnh viện K (Cơ sở 2)

Nhịp cầu nối những yêu thương

 

Chuyên mục CCCUT bắt đầu lên sóng từ đầu tháng 2 - 2010, đến nay đã chạy được gần 20 số. Những người thực hiện muốn thông qua chương trình xây dựng một diễn đàn cho các bệnh nhân ung thư, gia đình người bệnh và cả những người chưa bị mắc bệnh được chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp điều trị, khó khăn vướng mắc, rào cản tâm lý…

“Sinh sau đẻ muộn” nhưng CCCUT của VTC14 có đặc thù riêng. Đề tài về bệnh ung thư vốn không xa lạ gì nhưng lần đầu tiên có một chương trình chuyên biệt về căn bệnh này. Không có talk, không trường quay sân khấu, không khai thác dưới góc độ chuyên môn, CCCUT đi theo thể loại phim tài liệu, chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Mỗi chương trình là một số phận, một cảnh đời nhưng điểm chung giữa họ là niềm tin yêu lạc quan và bằng mọi giá níu giữ cuộc sống. Với cách thể hiện mềm mại, trữ tình, dễ đi vào lòng người, qua đó những kiến thức chuyên môn cũng được truyền tải nhẹ nhàng mà không hề khô cứng, giáo điều.

Kết thúc mỗi chương trình luôn có một thông điệp cuộc sống được đưa ra, dù chỉ ngắn thôi nhưng mang tính chất thâu tóm, đúc kết gửi gắm người xem. Mỗi thông điệp là mỗi bước chân nâng đỡ các bệnh nhân trên con đường đấu tranh bệnh tật.

Mặc dù phát sóng qua truyền hình kỹ thuật số nhưng chương trình thường xuyên nhận được những thư từ phản hồi, đóng góp ý kiến từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào tận miền Phan Thiết, Tây Nguyên xa xôi. Đấy chính là động lực cho những người làm chương trình  làm ngày càng tốt hơn. Có những chương trình phát hôm trước, hôm sau đã có người gọi điện xin địa chỉ để ủng hộ hảo tâm. Hay rất nhiều phụ nữ gọi điện hỏi cách thức tham gia câu lạc bộ ung thư vú. Rồi khán giả gọi điện hỏi cách thức nhận biết bệnh, tư vấn điều trị, hoặc đơn giản chỉ để khen chương trình ý nghĩa, nhân văn… Nhiều khán giả cũng viết thư, gọi điện về nhờ chương trình phát lại để học tập tấm gương nghị lực sống của nhân vật. CCCUT thực sự đã bắc những nhịp cầu nối yêu thương tới những yêu thương.

Càng ngày, chương trình càng được khán giả quan tâm nhiều hơn, đồng nghĩa với việc điện thoại của các biên tập viên phụ trách chương trình luôn trong tình trạng… quá tải. Tuy nhiên, đó cũng là những kỷ niệm khó quên, bởi không có huân huy chương nào lớn lao bằng chỗ đứng trong lòng khán giả.

 

Tôi đã gặp những con người phi thường

(Ghi theo lời kể của BTV Phạm Nhung – kênh VTC 14)

 

 Chị Lục Thị Long

Ngày thứ nhất… Bệnh viện K - Hà Nội.

Gầy gò, xanh xao trên giường bệnh, trông chị Lục Thị Mói già hơn nhiều so với tuổi 32. Phút đầu gặp mặt, tôi hơi hoảng sợ và bối rối. Trên mặt chị có ba khối u lớn, trong đó hai khối u đã xâm lấn phần xương hàm hai bên má, đẩy hai mắt vọt lên trên trán.

Nhiều năm làm phóng viên theo dõi mảng y tế, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến một trường hợp bệnh với khối u kỳ dị như vậy. Chị Lục Thị Mói quê ở xã Bàn Đạt- Phú Bình- Thái Nguyên mắc căn bệnh xơ men răng có tính chất gia đình- một căn bệnh hiếm gặp trên thế giới. Nguyên nhân của căn bệnh này được các bác sỹ ở bệnh viện K chuẩn đoán có thể do đột biến gen gây loạn sản xương hàm, tăng sinh xơ, tăng sinh xương tại vùng bệnh lý phát triển.

U lớn dần, gây tổn thương khung xương của cả hàm trên lẫn hàm dưới, tuy nhiên do cấu tạo của xương hàm trên xốp khiến bệnh phát triển nhanh hơn hàm dưới. Do trường hợp mắc bệnh quá ít nên việc phòng ngừa là rất khó khăn, khoa học cũng chưa lý giải được cụ thể nguyên nhân của căn bệnh này. Ứơc lượng khối u và dịch trên gương mặt chị nặng trên 10 kg. Vậy mà chị đã phải mang nó trên mặt hơn 20 năm nay.

 

 Anh Lục Văn Cường

Ngày thứ hai… Bàn Đạt- Phú Bình- Thái Nguyên.

Được biết 4 người em của chị Mói cũng bị căn bệnh quái ác này. Chúng tôi quyết định về tận nhà chị để tìm hiểu thêm những thành viên khác của gia đình.

Quãng đường từ Hà Nội lên Bàn Đạt dường như dài hơn nhiều so với thực tế. Cả biên tập, quay phim ngồi trên xe không ai nói một lời nào. Là một vùng đất thượng du, nơi cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc Sán Dìu, xã Bàn Đạt được xem như một vùng đất xa xôi, hẻo lánh dù chỉ cách Hà Nội hơn 100 km. Xa và hẻo lánh như vậy nhưng vào xã, hỏi thăm nhà anh Lục Văn Quân thì ai cũng biết. Một gia đình có tới 5 trong số 6 người con cùng mang trên mình những khối u kỳ dị.

Nổi tiếng vì những khuyết tật có lẽ là điều không ai mong muốn. Nhìn gương mặt méo mó của Long và Cường - hai người em liền kề của chị Mói mới chỉ 16, 20 tuổi - chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Đã được mổ một lần, khuôn mặt hai em không còn nhăn nheo nữa nhưng di chứng vẫn rõ và có nguy cơ phát triển tiếp khối u.

Nếu bình thường như bạn bè cùng trang lứa thì sức trẻ, sức khỏe của hai em có thể đủ tự tin để hy vọng vào một tương lai tươi sáng. Nhưng giờ đây với họ, mơ ước cháy bỏng nhất là khỏi bệnh hoàn toàn, có một khuôn mặt lành lặn, một công ăn việc làm để nuôi sống bản thân mình. Tuyệt nhiên không ai dám mơ được đi học hay có một mái ấm gia đình. Chỉ miếng ăn qua ngày thôi đã khó khăn lắm rồi. Hai người em út bị nhẹ hơn cũng đã được mổ và may mắn được các tổ chức từ thiện nhận nuôi, cho đi học, đi làm.

Người mẹ đã cạn dòng nước mắt, nghẹn ngào cho biết: cứ lên 10 tuổi là trên mặt những đứa trẻ xuất hiện dấu hiệu lạ, hai bên má ngày một sưng to, phát triển thành những khối u, kéo theo những cơn đau thắt khi trái gió trở trời. Cha mẹ chỉ biết nhìn nhau khóc còn những đứa con thì không dám bước chân ra khỏi nhà suốt mấy năm qua.

Chồng bà trước đây làm ở hợp tác xã, phân phát thuốc sâu. Đã mấy chục năm nay, nhà bà ăn nước giếng cách một cái hố chôn thuốc sâu chỉ 4-5m. Phải chăng sự vô tình đó chính là nguyên nhân gây cho các con bà như ngày hôm nay. Nghĩ thế, nước mắt của người mẹ lại chảy tràn ra.

Bữa cơm của cả gia đình chỉ có rau muống luộc chấm với muối hòa với nước sôi. Thế mà lũ trẻ vẫn ăn ngon lành. Chưa bao giờ, tôi chứng kiến một bữa cơm thương đến thế. Hoàn toàn không có sự giàn dựng hay diễn, bởi chuyến đi của chúng tôi cũng đột xuất, không hề báo trước.

Ngôi nhà không có một vật dụng gì giá trị, chỏng chơ chiếc giường tre với bộ bàn ghế nhựa. Nuôi được con lợn, con gà là đôi vợ chồng lại phải bán đi, dành dụm, chắt chiu để chữa bệnh cho các con. Nhưng với số tiền ít ỏi, không đủ khám và phẩu thuật, nhiều lần đưa con ra Hà Nội rồi lại dắt díu nhau về quê. Chỉ đến khi được các tổ chức từ thiện cho mổ miễn phí, gánh nặng trong lòng đôi vợ chồng già mới được vơi bớt.

Người anh cả may mắn nhất không mắc bệnh giờ đã lấy vợ và có 3 đứa con. Mỗi lúc nhìn lũ trẻ xinh xắn, ngây thơ chơi đùa, anh lại hoang manh lo sợ: liệu đến năm 10 tuổi, chúng có được bình yên không? Câu hỏi đó luôn đè nặng trong lòng đôi vợ chồng trẻ.

 

BTV Phạm Nhung trò chuyện với ông Lục Văn Quân


Ngày thứ 3… Bệnh viện K- Hà Nội

Sau khi cắt bỏ khối u, khuôn mặt chị Mói không có biến chứng gì, hy vọng sống đã đến với chị. Các bác sỹ cho biết có thể giữ lại thị lực hai mắt cho chị nhưng việc ăn uống sau này sẽ gặp khó khăn vì phải cắt bỏ một phần khoang miệng.

Cũng sau mổ, hai gò má của chị lõm sâu khoảng 10 cm so với bề mặt, da dúm lại trông còn dị dạng hơn trước. Gương mặt chị lúc nào cũng phải áp những bông băng, gần như che kín. Thú thật, nếu chưa bao giờ gặp chị, chưa hiểu được nỗi khổ của chị, chắc hẳn tôi cũng không dám nhìn thẳng vào gương mặt ấy như thế. Phải trải qua nhiều ca phẫu thuật chỉnh hình nữa, chị mới có lại khuôn mặt bình thường. Nghĩa là, chị vẫn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn phía trước.

Chị là người bị nặng nhất nhưng lại mổ cuối cùng vì nhường cho các em được mổ trước. Câu chuyện với chúng tôi liên tục bị đứt đoạn vì chị không kìm được nước mắt khi kể về những ngày tháng dài dằng dặc chống chọi với căn bệnh có khối u khổng lồ cùng những cơn đau về thể xác và tinh thần.

Người đàn ông khắc khổ ngồi cuối chân giường lặng lẽ nhìn con. Không có nỗi đau nào lớn hơn khi người cha, người mẹ sinh con ra mà không cho con được một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác. Trường hợp của gia đình ông cũng là duy nhất ở Việt Nam cho đến nay, trên thế giới mới chỉ có 6 ca cùng căn bệnh này. Hiện, con gái ông sẽ được về nhà nghỉ ngơi nhưng hành trình đi đi về về sẽ còn tiếp tục 5 năm, 10 năm, hoặc có thể 15 năm nữa. Hai người em kề với Mói cũng chuẩn bị nhập viện để tiếp tục ca mổ lần hai.

 

 5 chị em Lục Thị Mói khi chưa mổ u

Ngày thứ 4… Hồ Gươm- Hà Nội

Buổi ghi hình cuối cùng, chúng tôi quyết định bố trí cho cả gia đình từ Thái Nguyên xuống bệnh viện thăm chị Mói. Buổi đoàn tụ đông đủ có cả hai người em gái út. Họ vui mừng, chỉ biết nhìn nhau rồi khóc. Những cái ôm, những cái nắm tay xiết chặt như truyền cho nhau sức mạnh.

Trong khoảnh khắc xúc động đó, tôi quyết định đưa cả nhà đi chơi Hồ Gươm. Đây cũng là những cảnh quay mà tôi tâm đắc nhất. Lần đầu tiên trong đời, họ đặt chân lên Hà Nội mà không phải lo nghĩ đến bệnh tật, chỉ có những giây phút quây quần, vui vẻ bên gia đình - cũng là những khoảnh khắc hiếm hoi nhất trong cuộc đời họ. Điều làm chúng tôi cảm động nhất là thái độ của họ.

Đâu đó vẫn có những ánh mắt tò mò, vẫn có những ngón tay chỉ trỏ… nhưng họ không ái ngại, mà vẫn nắm tay nhau cười đùa, hồn nhiên.. Không được bình thường như bao người nhưng họ vẫn dám bước ra xã hội, ngẩng cao đầu và lạc quan đón nhận cuộc sống. Ghi lại những cảnh quay đó, quay phim là con trai cũng không kìm nén được sự xúc động. Gia đình đó - họ là những người phi thường.

Đúng như lời nhà văn Nga Leptonxtoi từng viết “Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng của họ”. Sẽ vẫn còn nhiều gia đình khó khăn hơn nhà chị Mói, nhưng điều khiến tôi ấn tượng và cảm phục những con người đó là nghị lực vượt qua hoàn cảnh. Cuộc chiến phía trước vẫn còn dài nhưng tôi tin rằng, họ sẽ là những người chiến thắng vinh quang nhất.

Phóng sự dài 30 phút. Vui hơn là sau khi phát sóng, chúng tôi nhận được rất nhiều thư từ và điện thoại của khán giả thông qua tổng đài 19001530 của đài TH KTS VTC. Họ bày tỏ sự xúc động sau khi xem chương trình và mong muốn được gửi quà để động viên gia đình chị Lục Thị Mói. Đó là niềm vui có  ý nghĩa nhất đối với những người làm chương trình như chúng tôi.

 Thanh Hương

Bình luận
vtcnews.vn