Cuộc chiến Libya sau 3 tháng nhìn lại: Vẫn bế tắc !

Thế giớiThứ Ba, 14/06/2011 04:02:00 +07:00

(VTC News) – Sau gần 3 tháng, cuộc nội chiến ở Libya vẫn chưa đến hồi kết, nhất là khi NATO lại vừa thực hiện thêm một cuộc không kích bất chấp dư luận quốc tế.

(VTC News) – Không hề lay chuyển trước những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng ở Libya, NATO lại vừa thực hiện thêm một cuộc không kích mạnh nhất từ trước đến nay nhằm chống lại chính quyền Gaddafi ở thủ đô Tripoli.

Mặc dù vậy, tương lai nền chính trị của Libya dường như vẫn chưa thể ổn định kể từ ngày NATO bắt đầu các hành động can thiệp quân sự vào đất nước này cách đây 3 tháng. Kết quả của cuộc nội chiến “dài hơi” này là ngày càng có nhiều bế tắc, nhất là khi nó trở thành các mục tiêu chính trị của NATO, đặc biệt là các mục tiêu của Mỹ, Pháp và Anh.

 

Theo nghị quyết của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, việc can thiệp quân sự của NATO vào Libya là nhằm bảo vệ thường dân chứ không phải để thay đổi chế độ. Tuy nhiên, các nước phương Tây tham chiến lại đang tìm cách để lật đổ ông Gaddafi và thiết lập một chế độ dân chủ do chính họ đặt ra.


 

Dường như họ đã “như diều gặp gió”, có động lực để tiếp tục thực hiện các mục tiêu của mình sau khi xuất hiện những thay đổi về quyền lực gần đây ở Tunisia và Ai Cập. Nhưng trước khi đưa ra một nhận định rõ ràng về tương lai của Libya, có nhiều vấn đề bế tắc cần phải được giải quyết.


1. Tổng thống Libya Gaddafi

Trong suốt 3 tháng xảy ra chiến sự, đã có nhiều tin đồn không hay về nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi từ việc ông đang bị thương, tới việc ông phải lẩn trốn hay mất quyền kiểm soát lực lượng của mình. Tuy nhiên, đáp lại tất cả những lời đồn thổi đó, những lời tuyên chiến đầy thách thức của Gaddafi lại nổi lên. Thậm chí nhà lãnh đạo này còn thề sẽ chiến đấu tới cùng.

 

Quân đội của Gaddafi đã chuyển từ thế tấn công sang phòng thủ, tuy nhiên vẫn còn quá sớm để nói rằng họ đang nắm quyền kiểm soát thủ đô Tripoli. Nhất là khi NATO mở rộng các cuộc không kích thêm 3 tháng nữa thì một số người thậm chí còn đang đoán già đoán non về việc có thể ông Gaddafi sẽ ra đi hoặc về thời điểm điều đó xảy ra.


2. Những người trung thành với Gaddafi

Những ngày Gaddafi cầm quyền có thể đang được đếm trên đầu ngón tay, tuy nhiên, những người ủng hộ vẫn luôn sát cánh bên ông. Thật quá ngây thơ khi tưởng rằng phe đối lập có trụ sở ở Benghazi sẽ dễ dàng tiếp quản đất nước theo cách của họ một khi ông Gaddafi ra đi.

 

Nếu lực lượng chiến đấu vì nhà lãnh đạo này không được chấp nhận ở thể chế chính trị thời hậu Gaddafi thì vấn đề an ninh cơ bản và sự ổn định ở Libya sẽ bị đe doạ. Tính đến nay, chưa hề có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy các bên muốn có một sự thoả hiệp.


3. Các bộ lạc và thị tộc

Điều làm Libya khác biệt với Ai Cập và Tunisia là cấu trúc nhân khẩu học của nó. Nhìn chung, nền tảng xã hội ở đất nước này chưa hề thay đổi qua hàng trăm năm nay. Những hình ảnh được phát sóng trên truyền hình Libya mới đây nhất về việc ông Gaddafi gặp gỡ những thủ lĩnh của các bộ lạc cho thấy rõ ràng nền tảng quyền lực của ông ta trong suốt 4 thập kỉ qua đã được xây dựng phần lớn dựa trên sự ủng hộ về mặt chính trị từ các bộ lạc và thị tộc.

Có các báo cáo rằng các bộ lạc ở vùng nông thôn của Libya đang cố gắng tự trang bị các loại vũ khí nhập lậu cho mình. Nếu các bộ lạc không thể hợp nhất trong khuôn khổ chính trị của Libya trong tương lai thì đất nước này có thể vẫn sẽ không ổn định hoặc thậm chí bị lún sâu hơn nữa vào một cuộc nội chiến.

4. Các phần tử cực đoan và các phần tử khủng bố

 

Theo nhiều nguồn tin, những kẻ khủng bố Hồi giáo ở bên ngoài Libya vừa mới xâm nhập vào đất nước này nhằm chiếm giữ vũ khí và các thiết bị quân sự. Có thể chúng đang tranh thủ tận dụng lợi thế từ việc bất ổn định chính trị ở đây, lấy cớ chống phương Tây để gây thêm sự hận thù giữa những người dân Libya đồng thời gia nhập lực lượng khủng bố cùng với những kẻ cực đoan ở địa phương. Đó cũng chính là điều cuối cùng mà NATO muốn thấy.


5. Chi phí cho chiến tranh

Vấn đề cuối cùng không kém phần nhức nhối là việc NATO không dễ dàng gì có thể xoá bỏ được sự yếu kém của phiến quân nổi dậy ở Libya ở cả lĩnh vực quân sự lẫn chính trị. Nếu NATO đưa bộ binh tới đây để lập lại trật tự, họ sẽ phải đối mặt với các yếu tố như thời gian, chi phí và các con số thương vong cũng như các áp lực chính trị từ cả trong nước lẫn quốc tế.

 

Các nhà phân tích chính trị khi luận bàn về thời kì hậu Gaddafi cho rằng vấn đề Libya phải đối mặt không phải là dân chủ mà là sự hình thành nhà nước. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tỏ ra không mấy lạc quan về những gì đã xảy ra tại một số quốc gia Ả Rập, tại Bắc Phi và tại Trung Đông.


Những nước phương Tây tham chiến cũng cần phản ánh một cách nghiêm túc về ai hoặc thứ gì sẽ lấp đầy khoảng trống còn lại sau khi ông Gaddafi ra đi, đồng thời sẽ phải chịu trách nhiệm trước những hậu quả nghiêm trọng có thể phát sinh tại đây.

Kiều Vui(theo Tân Hoa Xã)


Bình luận
vtcnews.vn