Cuộc chiến “ếch nuốt sao Thái Bạch”

Thể thaoThứ Năm, 23/02/2012 02:03:00 +07:00

Hôm qua ngồi cafe với anh bạn vốn là dân chơi chứng khoán và cũng đam mê bóng đá. Chuyện một hồi, anh này nói: “Hóa ra vụ ếch định nuốt sao Thái Bạch, phức tạp"

Hôm qua ngồi cà phê với một anh bạn vốn là dân chơi chứng khoán và cũng đam mê bóng đá. Chuyện một hồi, anh này nói: “Hóa ra vụ ếch định nuốt sao Thái Bạch, phức tạp và hấp dẫn thật”.

Hỏi ra mới biết “ếch” là tiếng lóng chỉ mã EIB – Ngân hàng Eximbank, còn “sao Thái Bạch” là mã STB của Ngân hàng Sacombank.

Cuộc chiến ngân hàng, hay nói thẳng ra là Eximbank định “thôn tính” Sacombank bằng cách gom đủ 51% cổ phần và yêu cầu bầu lại HĐQT Sacombank.

Đúng là căng thẳng, có những tuyên bố đanh thép và trái chiều, khả năng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, thậm chí không loại trừ liên quan đến vấn đề pháp lý và nhờ tòa phân xử.

 (Minh họa: Hà Thành)

Rất giống cuộc chiến bản quyền trong bóng đá.

Một bài phân tích nhỏ đăng trên Nhịp cầu đầu tư về chuyện “ếch nuốt sao Thái Bạch” có nhắc đến một nhân vật đang rất “hot” trong bóng đá hiện nay là ông Nguyễn Đức Kiên với giả thuyết: “Một nhân vật khác cũng gây ra nhiều tranh cãi là ông Nguyễn Đức Kiên, thành viên hội đồng Sáng lập Ngân hàng Á Châu. Có tin cho rằng ông Kiên liên quan đến nhóm đi thâu tóm và ông mua cổ phiếu STB thông qua Eximbank. Giới tài chính thì đồn đoán ông nắm Eximbank thông qua hai tổ chức: Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp (Generalexim) và Công ty Cổ phần Á Châu với tỷ lệ nắm giữ 20%”.

Thông tin khác cho hay, sự kiện này còn liên quan đến Ngân hàng Phương Nam, rằng Eximbank cũng thông qua Phương Nam để gom tỷ lệ cổ phần.

Lại nhớ trong một mẩu tin bé xíu mà Công ty Cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) thông báo: cảm ơn Ngân hàng Phương Nam về việc trao tặng 1,5 tỷ cho VPF để mua hai chiếc xe Ford Everest phục vụ công tác tổ chức thi đấu. Có liên quan gì không?

Đúng là có những sự việc chẳng liên quan gì đến nhau nhưng thực chất được liên kết chặt chẽ như phần chìm của tảng băng.

Vấn đề bản quyền truyền hình, sự tranh chấp có phải chỉ là phần nổi của tảng băng?

Có vẻ như người ta qua tập trung vào có số 6 tỷ/năm trong bản hợp đồng. Vấn đề ở đây không phải là đắt rẻ, hay nói như ông Nguyễn Đức Kiên: “không phải làm chuyện miếng bánh to hay nhỏ”.

Thực tế thì bản quyền truyền hình, hay bản quyền đa phương tiện là vấn đề sống còn của VPF và các CLB, nó không nằm ở chuyện họ được chia bao nhiêu trong số 6 tỷ, hoặc con số rất đẹp 76 tỷ/3 năm mà các ông bầu tiết lộ với một bản hợp đồng ghi nhớ với VTV.

(Minh họa: Người Việt cổ) 

Hôm qua, lãnh đội của một CLB bóng đá đã trần tình rằng: “Bóng đá là của xã hội. Nhưng chúng tôi phục vụ lợi ích của xã hội mà lại không có quyền lợi nào. Doanh nghiệp nào dám nhảy vô khi nền bóng đá hiện tại không cho họ những quyền gọi là cơ bản nhất. Với những hợp đồng đã có, bóng đá Việt Nam đã triệt tiêu hết mọi giá trị có thể thu được tiền của doanh nghiệp để có thể trang trải cho CLB”.

Điều này lý giải cho sự quyết liệt của VPF, có lẽ “ai nắm bản quyền” không quan trọng bằng việc cho doanh nghiệp nhìn thấy quyền lợi và giá trị có thể thu được tiền khi quyết định đầu tư vào bóng đá.

Thời buổi này thật khó tin vào tuyên bố nào về việc “bổ tiền đầu tư nhưng không màng đến lợi nhuận” cũng như thật khó tin vào câu trả lời của vị Chủ tịch VFF khi được hỏi: “Nếu VPF ký được hợp đồng hơn 70 tỷ đồng với VTV, VFF có ủng hộ không?”. Thì ông trả lời: “Cái này thì phải bàn, dù có lợi đến mấy cũng phải bàn”.

Hỏi một đằng, trả lời một nẻo.

Nói theo các cụ xưa: “Lợi thì có lợi nhưng răng… chẳng làm”.

Lại một giả thuyết, có thể bận việc khác chăng?

Thái Hoàng (Thể thao 24H)

Bình luận
vtcnews.vn