Cùng VTC10 đi “chơi chợ”

Tổng hợpThứ Ba, 29/05/2012 02:50:00 +07:00

Chợ Ký sự sẽ đưa khán giả đi “chơi” tất cả các Chợ nổi tiếng và đặc trưng của các vùng miền trong cả nước để khám phá...

Serial Phim Tài liệu - Chợ Ký sự sẽ đưa khán giả đi “chơi” tất cả các Chợ nổi tiếng và đặc trưng của các vùng miền trong cả nước để khám phá tìm hiểu nét văn hóa truyền thống đặc sắc đang có nguy cơ liệt vào Sách đỏ bởi sự thay thế của các Siêu thị trong nền kinh tế hiện đại.

 

 

Góc nhìn mới từ chủ đề đời thường…

Trao đổi hàng hóa, sản phẩm là nhu cầu đã được hình thành rất sớm của xã hội loài người. Ở Việt Nam, nơi diễn ra hoạt động đó thường gọi là Chợ. Cùng với sự phát triển của xã hội, Chợ đã trở thành nét văn hóa vừa mang tính phổ biến vừa mang tính đặc trưng vùng miền. Khám phá những nét đặc trưng của các Chợ trên các vùng miền của cả nước là nhu cầu không chỉ của những người muốn mua sắm ở Chợ mà còn rất ý nghĩa với những người thích du lịch và tìm hiểu văn hóa. Đặc biệt đối với du khách nước ngoài thì đây là một “đặc sản” hấp dẫn.

“Chợ ký sự” còn được gọi với cái tên “Chơi chợ” là chương trình truyền hình thực tế với chủ đề khám phá tìm hiểu đặc trưng Văn hóa Chợ của Việt Nam trên các vùng miền, các dân tộc trên cả nước. Phim được chia làm nhiều tập, nhân vật trong phim đồng thời là người kể chuyện sẽ xuyên suốt các tập, mỗi tập khám phá cả nét đặc trưng và tính phổ biến của một Chợ ở một vùng miền nào đó. Mỗi tập sẽ là bức tranh đầy đủ về một Chợ đặc trưng, từ những thương hiệu, sản phẩm hàng hóa tiêu dùng phổ biến đến những đặc sản vùng miền, đồng thời tìm hiểu sự khác nhau về giá cả hay cách thức buôn bán… Chương trình được phát mỗi tuần một số, với thời lượng 30 phút.

Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam có riêng một Serial chương trình truyền hình chuyên làm về các khu chợ. Không chỉ giới thiệu văn hóa chợ, “Chơi chợ” còn là sự khám phá với góc tiếp cận mới từ một chủ đề rất đời thường.

Phần đầu “Chạm ngõ” với thời lượng 1 phút, sẽ để cho nhân vật của chương trình tự giới thiệu về khu chợ mà hôm nay chương trình sẽ khám phá. Tiểu mục thứ hai là “Vào chợ” với thời lượng 3 phút, nhân vật sẽ bắt đầu chuyến trải nghiệm của mình bằng việc đi vào chợ, giao tiếp và chuyện trò với những người bán hàng hoặc người đi chợ. Thông qua trò chuyện, nhân vật sẽ tìm hiểu về nhu cầu tiêu dùng và giá cả ở chợ. Khu chợ nào cũng có những đặc trưng riêng về các loại hàng hóa đặc sản hoặc phong cách buôn bán, và phần “Khám phá đặc trưng” dài 7 phút sẽ để cho nhân vật tìm hiểu về đặc trưng của khu chợ mình đang có mặt. Đây được xem như phần “đinh” của chương trình. Còn lại tiểu mục “Góc khuất” sẽ tìm hiểu thêm những góc khuất ít được để ý ở khu chợ, tâm sự của những người phục vụ chợ và các chủ tư thương bán hàng. Trong phần cuối của chương trình, nhân vật sẽ chia sẻ những trải nghiệm thú vị, những cảm nhận sau chuyến “chơi chợ” vừa trải qua. Trong quá trình ghi hình, đôi khi ê-kip sử dụng máy quay ẩn và cho nhân vật vào vai người mua hoặc kẻ bán để thử nghiệm một số phản ứng vui nhộn, hài hước với khách trong chợ. 

 

 

“Có lẽ, tôi đảm đang hơn nhờ... Chơi chợ”

“Mỗi lần đi làm chương trình, tôi lại được khám phá thêm một khu chợ, hiểu hơn về nét đặc trưng của mỗi nơi và nắm bắt giá cả để so sánh với các khu chợ khác. Thế là bỗng dưng tôi trở thành một người đảm đang, rất “sành” đi chợ trong mắt bạn bè và gia đình”- BTV Hoài Quyên hớn hở khoe.

Chị cũng cảm thấy thật may mắn khi “Chợ ký sự” đã mang đến cho chị rất nhiều chuyến đi thú vị, đến những vùng đất mà chị chưa từng đặt chân đến, tận mắt khám phá văn hóa của những khu chợ mà trước đây chị cũng chỉ biết đến qua sách báo, truyền hình. Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm khó quên.

“Lần đầu tiên đi làm “Chợ ký sự”, cũng là lần tôi cùng với e-kip phía Nam của kênh VTC10 làm chương trình thử nghiệm trước khi phát sóng. Chợ được lựa chọn là Chợ nổi Cái Răng – thuộc Ninh Kiều, Cần Thơ. Đã từ lâu tôi ao ước được một lần đến Cần Thơ đi chợ nổi và đây là cơ hội cho tôi thực hiện điều đó. Chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm tham quan đặc sắc nhất ở Cần Thơ, là một nét văn hóa đặc sắc ở vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Ðến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng thì kể như chưa biết về đất Tây Ðô này.

Chúng tôi phải có mặt và bắt đầu hành trình của mình từ lúc 4h sáng. Vì thời điểm đó là lúc người ta bắt đầu “nhóm chợ” (theo ngôn ngữ địa phương). Là chương trình đầu tiên nên được chuẩn bị khá công phu với lực lượng hùng hậu: 2 MC, 2 Đạo diễn, 1 quay phim và 1 biên tập viên. Khi rạng đông bắt đầu cũng là lúc chúng tôi bắt đầu bấm máy với những khung cảnh lung linh nhất: cảnh những con thuyền trôi nhẹ nhàng trên dòng sông;  cảnh những người dân bắt đầu buộc các món hàng của mình lên “cây bẹo” – như một hình thức treo biển quảng cáo cho thuyền hàng của mình. Thuyền đậu chật cả một khúc sông, hàng hóa đầy ăm ắp, nhộn nhịp, khách muốn mua thức gì chỉ việc tìm cây “bẹo” treo thức ấy mà tới. Nào khóm, nào dưa, nào dâu da, bưởi bòng … toàn những thức đặc sản của miệt vườn Nam Bộ.

Ở đây, người ta sống, sinh hoạt, mua bán ngay trên sông, vậy nên xuồng là phương tiện di chuyển chủ yếu giống như chiếc xe đạp, xe máy của người dân sống trên bờ. Chúng tôi nhắm mắt tận hưởng cảm giác bồng bềnh trên sông Hậu, hít thở những làn gió mát rượi, tinh tươm vào buổi sớm mai, chút phù sa châu thổ rẽ mũi tàu, tiếng máy nổ, tiếng mái chèo khua nước, sóng vỗ mạn thuyền, tiếng gọi chào, nói cười rộn rã của khách đi chợ xen lẫn tiếng í ới ngã giá bán mua... xé toạc không gian yên tĩnh của cả khúc sông. Ngoài mặt hàng chủ lực là các loại hàng nông sản thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng, chợ nổi còn có đủ dịch vụ từ sửa máy, sửa cân, ghe bán xăng dầu, đến những hàng bách hóa như quần áo, hóa mỹ phẩm, mắm muối, thuốc tây, bánh kẹo...

 

Đấy là lần đầu tiên trong đời tôi được ăn một bát bún riêu và nhâm nhi tận hưởng một ly cà phê ngay trên chiếc xuồng đang chòng chành sóng nước. Chỉ tội cho quay phim Văn Chỉnh, trong khi cả nhóm hí hửng ăn uống, chuyện trò thì anh vẫn phải vác trên vai cái máy quay nặng trịch chạy hết chỗ này đến chỗ kia để tác nghiệp. Cũng bởi theo lời những người dân địa phương thì khoảng 9h sáng là chợ nổi tan nên quay phim phải làm việc hết công suất để có thể lưu lại những thước phim sống động nhất ở phiên chợ này. Đạo diễn Hải Hà cũng vất vả không kém, lúc nào cũng kè kè quay phim để chỉ đạo từng hình.

Một lần khác, tôi lại được đến với xứ sở mộng mơ Đà Lạt và chắc chắn tôi cũng như nhiều du khách đến đây không thể bỏ qua chợ Đêm và chợ Hoa. Có đến nơi này mới thấy được cái tình người Đà Lạt. Ở mỗi khu chợ, không quá ồn ào, không quá ầm ĩ, mà chỉ thấy mọi thứ được mặc thêm một tấm áo nghệ sỹ, lãng mạn, nên thơ. Ngay trên mảnh đất Đà Lạt, vào một buổi Chợ Đêm, tôi đã gặp cả những anh họa sỹ vẽ ký họa chân dung đến từ những vùng miền khác. Có chị bán bún riêu cua với đôi má ửng hồng, chân thành mộc mạc, có một mong muốn là nhiều du khách sẽ biết đến mảnh đất Đà Lạt của mình. Hay chị bán len xinh đẹp cặm cụi ngồi đan áo giữa chợ để bán.

Tôi không ngờ thành phố trên cao nguyên ban đêm lại lung linh và kỳ ảo đến thế. Đà Lạt về đêm khá lạnh, nhưng đó là cái lạnh của miền ôn đới. Cái lạnh dễ chịu và cho tôi một cảm giác lãng mạn, thanh bình. Đà Lạt là một thành phố du lịch nổi tiếng nhưng nơi đây không chỉ có ánh sáng lung linh từ các khách sạn, nhà hàng, Đà Lạt còn có đời sống rất bình dị của những người dân lao động ở các khu chợ. Ở đó có tiếng rao của những người bán hàng đêm, tiếng rao với rất nhiều chất giọng: Bắc, Trung, Nam. Tất cả tạo nên một nét đẹp bình dị, rất riêng của miền đất Đà Lạt”…

Đó chỉ là một vài kỷ niệm từ những chuyến “chơi chợ” của BTV Hoài Quyên. Để có thể ghi lại tất cả những chuyến đi của chị, có lẽ sẽ mất rất nhiều ngày. Từ chợ Nam ra chợ Bắc. Từ những khu chợ sầm uất ở thành phố, thủ đô đến những phiên chợ đặc trưng của dân tộc miền núi, vùng cao. Đủ các mặt hàng đặc trưng, từ chợ gốm, chợ lụa đến chợ chim, chợ dừa…  Mỗi khu chợ như một xã hội thu nhỏ, mỗi ngôi chợ đều phản ánh được đặc trưng văn hóa của mỗi vùng miền. Và mỗi chuyến “chơi chợ” thực sự là một trải nghiệm thú vị không chỉ với Hoài Quyên mà còn với tất cả những người trong ê-kip làm chương trình, mang đến cho họ cơ hội tìm hiểu, cảm nhận về con người và cuộc sống của mỗi vùng miền…

Y Bình

Bình luận
vtcnews.vn