Cụ ông 80 tuổi chịu án oan xuyên 2 thế kỷ luôn tin có ngày được 'rửa' tiếng giết người

Thời sựThứ Sáu, 12/08/2016 07:23:00 +07:00

Dù đã vác đơn đi kêu oan hơn 40 năm, sức khỏe trong tình trạng gần đất xa trời nhưng cụ Thêm vẫn tin tưởng sẽ có ngày mình được minh oan.

PV VTC News đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Văn Thêm, thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh ngay sau khi ông nhận được thông báo về việc được minh oan sau 43 năm chịu án là kẻ giết người và tòa tuyên tử hình. 

Video: Cụ ông 80 tuổi chịu án oan xuyên 2 thế kỷ luôn tin có ngày được 'rửa' tiếng giết người

Như đã đưa tin trước đó, từ tháng 3/1970, ông Nguyễn Văn Thêm cùng người em con cô ruột tên là Nguyễn Khắc Văn đi xe đạp lên Vĩnh Phúc để bán thuốc lào và mua trám mang về chợ quê bán.

Vào đêm 24/7/1970, hai anh em ông Thêm trên đường đi buôn không về kịp giờ nên ghé vào ngủ ở lều cắt tóc ven đường thuộc xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Đang ngủ say, hai anh em bị kẻ cướp tấn công, ông Thêm bị thương, còn ông Văn bị thương nặng rồi tử vong do vật cứng đánh vào đầu. Sau đó, ông Nguyễn Văn Thêm bị cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú cáo buộc đã giết em họ để cướp của.

Cuối năm 1973, các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú đưa ra xét xử và kết tội ông Nguyễn Văn Thêm án tử hình về tội giết người, cướp tài sản. Đến năm 1974, Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm kết tội y án sơ thẩm mức án tử hình.

Năm 1975, Phan Thanh Nhàn (17 tuổi, trú tại thôn Phần Thạc xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú) khi cải tạo trong một trại giam ở tỉnh Lào Cai khai nhận giết hại nạn nhân Nguyễn Khắc Văn.

Qua lời khai của đối tượng Nhàn, đối chiếu với hiện trường xảy ra vụ án, tổ chức thực nghiệm lại hiện trường, cơ quan chức năng xác định Nhàn là hung thủ giết ông Văn và đánh ông Thêm bị thương vào ngày 24/7/1970.

Căn cứ vào kết luận của cơ quan chức năng, Ủy ban thẩm phán TAND tối cao đã mở phiên toà theo thủ tục giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm và giao hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý lại theo quy định của pháp luật.

Ngày 27/12/1975, ông Thêm được đưa ra khỏi phòng biệt giam để gặp cán bộ Bộ Công an và Công an tỉnh Vĩnh Phú. Sau 2 ngày ở Bộ Công an, chiều 29/12/1975, ông Thêm được giải thích do có vết thương trên đầu nên Bộ công an cấp cho một giấy miễn lao động nặng, rồi cho về quê. 

Ngày 11/8, ông Thêm chính thức được các cơ quan chức năng minh oan.

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn