‘Cú đấm thép’ của Công an Hà Nội vào tội phạm công nghệ cao

Pháp luậtThứ Năm, 30/01/2014 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Những chuyên án do PC50 triệt phá đều là những chuyên án lớn, tấn công mạnh mẽ vào tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Tháng 8/2013, Bộ Công an và Công an TP Hà Nội thành lập thí điểm Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) với lực lượng nòng cốt chuyển từ hai đội của Phòng Cảnh sát hình sự và Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về trật tự quản lý và chức vụ chuyển sang.

Bốn tháng sau khi thành lập, Phòng chưa có trụ sở chính thức và hiện vẫn đang ở tạm, phân tán ở 4 nơi khác nhau, công tác hậu cần còn nhiều bất cập… khó khăn còn chồng khó khăn nhưng vượt lên trên hết, cán bộ chiến sỹ Phòng PC50 đã nêu cao tinh thần phòng chống tội phạm, thực hiện các đợt tấn công mạnh mẽ vào tội phạm sử dụng công nghệ cao, bắt gọn nhiều đối tượng.

Theo Đại tá Lê Hồng Sơn – Trưởng phòng PC50 CA Hà Nội, sau 4 tháng thành lập, Phòng PC50 đã thực hiện tốt đảm bảo an ninh, triệt phá được 31 vụ việc, ổ nhóm với 53 đối tượng, chuyển cơ quan điều tra đề nghị khởi tố 11 vụ với 31 đối tượng; chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố hành chính 20 vụ với 21 đối tượng.

Một trong những vụ án bị triệt phá gây rúng động phải nói đến vụ làm giả thẻ tín dụng chiếm đoạt tiền tỷ.
Ngay sau khi thành lập, PC50 phát hiện một đường dây gồm các đối tượng trong nước câu kết với đối tượng nước ngoài sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng của người khác làm giả thẻ ngân hàng (Visa, Master…), sau đó sử dụng thẻ giả này mua các loại thiết bị điện tử đắt tiền như điện thoại Iphone 5, máy tính bảng Ipad… để sử dụng hoặc bán lại nhằm chiếm đoạt tiền.

Phong và Hảo cùng tang vật tại cơ quan điều tra.

Các đối tượng còn móc ngoặc với một số đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ thanh toán khống dịch vụ, hàng hóa qua thiết bị thanh toán thẻ (POS) rút tiền của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tham gia vào đường dây này có rất nhiều đối tượng ở các tỉnh, thành trên toàn quốc.

Sau một thời gian trinh sát, nắm tình hình và điều tra, PC50 xác định hai thanh niên gồm Vũ Phong (32 tuổi, HKTT ngõ chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Đống Đa); Bùi Đình Hảo (22 tuổi, quê  Uông Bí, Quảng Ninh, tạm trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là thủ phạm chính trong vụ án.

Vốn quen nhau qua các diễn đàn về công nghệ thông tin trên mạng Internet, Phong - Hảo (là một sinh viên đại học về công nghệ thông tin ở Hà Nội) đã kết hợp thành bộ đôi chuyên tấn công trái phép (hack) vào website kinh doanh tiền điện tử, sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng của người khác rồi làm giả thẻ ngân hàng.

Các đối tượng bước đầu khai nhận, với thủ đoạn trên, chỉ từ tháng 7 đến đầu tháng 9/2013 đã sử dụng thẻ ngân hàng giả mua hàng hóa chiếm đoạt được khoảng 1 tỉ đồng.

Khác với các loại tội phạm khác như hình sự, ma túy… tội phạm sử dụng công nghệ cao đều là những người trẻ, có trình độ và hiểu biết về công nghệ thông tin nên gây án một cách đơn giản và tinh vi, không có giới hạn về vị trí… đặc điểm đó đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sỹ phòng PC50 vừa phải có bản lĩnh, nghiệm vụ của người cảnh sát, vừa phải có trình độ để “chiến đấu bằng trí tuệ” với tội phạm.

Một trong những cuộc đấu trí đó phải kể đến vụ án nam thanh niên từng là du học sinh ở Nga dùng tài khoản ảo để đặt phòng khách sạn, rút tiền chia nhau.

Tháng 8/2013, Hà Nội xuất hiện một số kẻ sử dụng thông tin tài khoản ngân hàng trộm cắp được để đặt phòng tại các khách sạn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước thông qua hai trang web http://expedia.com và http://agoda.com, sau đó câu kết với các khách sạn để rút tiền ra chiếm đoạt, Công an Hà Nội giao Phòng PC50 thành lập chuyên án để điều tra.

Là người học Thạc sỹ ở Nga, Hoàng Anh về nước sử dụng những gì mình đã học để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Gần 4 tháng điều tra, cảnh sát đã làm rõ 5 người liên quan đến vụ việc gồm Nguyễn Hoàng Anh, 27 tuổi, HKTT tại phường Hồng Sơn, TP Vinh, Nghệ An, hiện thuê trọ tại quận Cầu Giấy); Nguyễn Hải Hà, 32 tuổi; Đào Việt Anh, 28 tuổi, cùng trú tại quận Đống Đa; Mai Quốc Việt, 25 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai; Võ Việt Phương, 33 tuổi, trú tại quận Ba Đình.

Theo đó, năm 2013, Hoàng Anh đã thử dùng thông tin thẻ tín dụng trộm cắp được trên mạng để đặt phòng khách sạn tại Singapore và thành công. Do vậy, đến tháng 6/2013, Hoàng Anh đã bàn bạc với Mai Quốc Việt và Nguyễn Hải Hà sử dụng "cc chùa” để đặt phòng (booking) các khách sạn tại Việt Nam thông qua 2 trang web: http://expedia.com và http://agoda.com.

Tuy nhiên, chúng đã móc nối với các đối tượng ở khách sạn để rút tiền từ Công ty Expedia chia nhau.

Cụ thể, chúng đặt phòng khách sạn và chuyển tiền từ thông tin ăn cắp tới tài khoản của Công ty Expedia, công ty này sẽ hưởng lợi phần trăm trung gian, sau đó phần lớn còn lại chuyển về cho khách sạn.

Tuy nhiên, phòng mà các đối tượng này đặt vẫn được khách sạn kinh doanh bình thường cho khách khác. Số tiền từ Công ty Expedia chuyển về sẽ được bọn Hoàng Anh và các đối tượng ở khách sạn ăn chia theo thỏa thuận như sau: Hoàng Anh được 50%, Hà và Việt được 10%, khách sạn và các đối tượng khác được 40% trên tổng số tiền rút ra từ khách sạn.

Để thực hiện hành vi phạm tội của mình, Hoàng Anh vào trang web: http://Feshop... để tìm mua "cc chùa” với giá từ 3 USD đến 15 USD/1 “cc chùa”, sau đó vào trang web: http://vip72... mua tài khoản sử dụng thay đổi IP (“acc shock”) để khi đặt phòng khách sạn nếu hai trang này yêu cầu "cc" của nước nào, thì thay đổi cho phù hợp.

Nguyễn Hải Hà cùng các đối tượng Đào Việt Anh và Võ Việt Phương có nhiệm vụ tìm kiếm các khách sạn có ký hợp đồng với Công ty Expedia để thông đồng với nhân viên khách sạn thực hiện việc đặt phòng.

Với thủ đoạn trên, từ tháng 6-12/2013, nhóm thanh niên đã thực hiện thành công việc đặt phòng tại 19 khách sạn tại Việt Nam, trong đó có 9 khách sạn tại Hà Nội và 10 khách sạn tại các tỉnh, thành trên cả nước, với tổng số tiền đặt phòng khoảng 1,4 tỷ đồng, chúng đã rút ra khoảng 700 triệu đồng để chia nhau.

Đáng chú ý là trong vụ án này, kẻ cầm đầu là Hoàng Anh - một trí thức trẻ, rất giỏi về công nghệ thông tin, từng có chục năm du học và có bằng thạc sỹ tại Cộng hòa LB Nga về tự động hóa và là giám đốc một công ty thương mại và du lịch.

Cũng trong tháng 12/2013, PC50 liên tục đánh sập hàng loạt các trang web có nội dung đồi trụy sau khi triển khai 3 chuyên án. Điều khó khăn nhất trong chuyên án này là việc người đăng ký tên miền đều bằng tên, tuổi, địa chỉ không chính xác.

Tuy nhiên, với quyết tâm cao và nghiệp vụ tinh thông, các trinh sát của PC50 đã xác định nhóm người điều hành gồm Hồ Văn Điệp (SN 1987, ở Nho Quan, Ninh Bình), Bùi Quyết Tiến (SN 1990, ở Ý Yên, Nam Định), Đào Phúc Thắng (SN 1990, ở Văn Chấn, Yên Bái), Nguyễn Duy Bình (SN 1987, ở Thanh Oai, Hà Nội) và Nguyễn Hoàng Minh (SN 1993, ở Cầu Giấy, Hà Nội).

Tại trụ sở cơ quan CA, Điệp khai nhận vào tháng 12/2012, đã tạo website www.zingphim... và thuê server với chi phí là 1,2 triệu đồng/tháng.


Giao diện một trang web có nội dung đồi trụy bị PC50 đánh sập.

Để thu hút người truy cập nhằm tăng thứ hạng của website và thu hút các tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng cáo, Điệp đã sao chép địa chỉ đường dẫn các phim có nội dung đồi truỵ từ một số web “đen” khác. Tính đến ngày 25/11, đã có hàng triệu lượt người truy cập.

Đến tháng 6/2013, Điệp lập thêm website www.phimhan.... và sau đó chuyển quyền quản trị cho Tiến là bạn học cùng khoa Tin học một trường CĐ tại tỉnh Nam Định.

Tiến cũng đã đăng tải khoảng 200 phim trong thư mục “phim 18+”. Tính đến thời điểm kiểm tra đã có hơn 1,5 triệu người truy cập vào xem phim tại website này.

Tiếp tục mở rộng điều tra, thực hiện chuyên án, ngày 10/12, PC50 Hà Nội tiếp tục đánh sập 3 trang web sex khủng, đồng thời triệu tập ba người Phùng Thanh Sơn (SN 1986, trú tại phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) và Hoàng Văn Hữu (SN 1982, trú tại Hồ Đắc Di, phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) và Lương Văn Toàn ( SN 1986 HKTT tại xã Nhật Tân, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) để làm rõ các hành vi liên quan đến trang web sex lauxanh..., upanh..., gaichoi...

Không tự mãn với những chiến công đã lập được, PC50 Hà Nội tiếp tục thực hiện các chuyên án đã được vạch ra, và đến những ngày cuối năm, tin thắng trận lại liên tiếp báo về khi các chiến sỹ Đội 4 Phòng PC50 tìm ra câu trả lời cho những giao dịch mua bán hàng hóa trên 5 tỷ đồng qua thẻ tín dụng, diễn ra liên tục vào lúc 0 giờ trong những ngày gần đây tại Hà Nội.

Kết thúc chuyên án trinh sát, toàn bộ ổ nhóm tội phạm quốc tế, câu kết với đối tượng trong nước, đã tra tay vào còng trong sự ngỡ ngàng, bởi hành vi phạm tội của chúng tinh vi đến mức đã “lòe” được cảnh sát nhiều nước.

Theo tài liệu vụ án, cuối tháng 12/2013, các trinh sát phát hiện một đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng của ngân hàng Viet… có mua bán hàng hóa với số tiền lớn vào buổi đêm. Chỉ trong 10 ngày, điểm chấp nhận thanh toán thẻ này đã phát sinh 77 giao dịch của 33 mã thẻ do ngân hàng nước ngoài phát hành, tổng số tiền đã giao dịch hơn 5 tỷ đồng, trong đó có 6 giao dịch thành công với 432 triệu đồng đã thanh toán cho khách hàng.


Nhóm nghi phạm trong vụ án chiếm đoạt tiền của ngân hàng Viet... bằng các thủ đoạn công nghệ cao.

Từ nước ngoài, các chủ thẻ bắt đầu có ý kiến khiếu nại rằng không đến Việt Nam để thực hiện các giao dịch này. Manh mối vụ án bắt đầu được nghi ngờ có sự cấu kết giữa các đối tượng là người nước ngoài.

Lần theo những dấu vết từ sau các cuộc giao dịch, PC50 xác định địa điểm phát đi những giao dịch bất thường được xác định tại Công ty TNHH Thương mại & Du lịch Khánh Minh (văn phòng tại tầng 4, tòa nhà 297 Bạch Mai, Hà Nội).

Bí mật tiếp cận, được biết Chủ đầu tư và sở hữu công ty này là Vũ Thanh Quang - sinh năm 1982, ở tại số 20/9, Vân Hồ 3, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, còn giám đốc là một phụ nữ do tên này thuê.

Trong công ty còn có một nam thanh niên khác là Nguyễn Huy Long - sinh năm 1988, trú tại phòng 10.T18 - chung cư 16B Nguyễn Thái Học, Hà Đông, Hà Nội. Tên này thường đến Ngân hàng Viet... để giao dịch.

Xác định nhóm tội phạm hoạt động tinh vi nên phương án theo dõi để bắt giữ được cảnh sát chuẩn bị kỹ lưỡng. Từ bí mật theo dõi chúng thực hiện giao dịch trên máy tính, sáng 7/1/2014, cảnh sát bắt giữ Nguyễn Huy Long rời công ty đến Ngân hàng Viet.. để rút tiền thanh toán thẻ với số tiền 432 triệu đồng.

Thời điểm bị bắt, Long khai Vũ Thanh Quang, lúc này hắn đang ở nhà với vợ, lập tức một mũi trinh sát được cử đi bắt giữ Quang.

Nhóm tội phạm chuyên lập website có nội dung đồi trụy, đăng ảnh gái mại dâm khai nhận hành vi phạm tội với công an.

Qua đấu tranh khai thác, Quang khai nhận về đồng bọn gồm hai tên người Trung Quốc và một phụ nữ thường gọi là Minh làm nghề phiên dịch. Chúng di chuyển liên tục và không liên lạc với Quang nên hắn không thể biết đồng bọn đang ở đâu.

Khẳng định trong suốt quá trình đón bắt hai tên Long và Quang đã đảm bảo tuyệt đối bí mật và vô hiệu hóa ngay điện thoại của chúng, nên những tên còn lại chưa thể biết việc đã bại lộ, Ban chuyên án quyết định tung quân truy lùng nhóm này.

Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xác định được Minh có địa chỉ tại Phạm Tử Nghi, Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng, các trinh sát lập tức lên đường.

Xác định đúng người phụ nữ bước xuống từ xe khách Hoàng Long là Minh, các trinh sát tiến lại rút thẻ yêu cầu về cơ quan Công an làm việc.

Từ lời khai của Minh, PC50 tiếp tục bắt giữ hai tên người Trung Quốc là JIANG YONG - sinh năm 1975, trú tại Đinh Hoa Doanh, Giang Tô, Nam Kinh, Trung Quốc và YU WEI - sinh năm 1984, trú tại Thủ Phân, huyện Tiến Hiền, Nam Xương, Giang Tây, Trung Quốc.

Mở rộng điều tra, Đội 4 phát hiện tên Long còn là tay chuyên lừa đảo. Y đã giả danh cán bộ Công an để thực hiện trót lọt 8 vụ lừa đảo với hơn 1,3 tỷ đồng bằng thủ đoạn nhận "chạy việc" vào ngành Công an. Khám xét nhà y đã thu được 2 bộ quần áo cảnh sát, 1 khẩu súng bắn đạn bi, 1 dùi cui điện, 1 khóa số 8 cùng hàng loạt tài liệu nghi là giả mạo của các cơ quan, tổ chức.

5 tháng hoạt động với một phòng nghiệp vụ của công an Hà Nội chưa phải là nhiều, nhưng nếu tính đến các vụ án đã bị triệt phá về tội phạm lừa đảo gian lận trong thương mại điện tử, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, làm thẻ tín dụng giả, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy... thì PC50 xứng đáng là một “ngôi sao mới tỏa sáng” trong lực lượng công an thủ đô, cùng với PC45, 141… PC50 trở thành “cú đấm thép” mới của công an Hà Nội vào các loại tội phạm.

Bình luận
vtcnews.vn