Cụ bà tám mươi tuổi vẫn say lô đề

Kinh tếThứ Năm, 16/06/2011 07:03:00 +07:00

(VTC News) - Không vật vã, đau đớn như ma túy nhưng những ai đã trót nghiện lô đề thì cũng thật khó để dứt ra khỏi sự biến ảo của các con số.

(VTC News) – Bà cụ ngồi trước mặt tôi, nói say sưa về phật, về thánh, về hỉ, nộ, ái, ố,… nhưng cũng liên tục nghe điện thoại và bắt “bóng đề”. Cụ bảo: “Say lắm, cái giống đỏ đen này theo tôi từ thời con gái”.

Muôn vẻ bi hài từ lô đề

Cụ L trên phố Hàng Giày – Hà Nội có tiếng là người đàn bà sắc sảo, tháo vát và….say lô đề. Tám mươi tuổi, cụ vẫn giữ tác phong nhanh nhẹn, đôi mắt tinh nhanh, giọng sang sảng và nói chuyện hoạt ngôn. Không phải người gốc Hà thành nhưng cụ lại làm dâu đất kinh kỳ từ năm 20 tuổi nên tác phong, cách ăn nói của cụ thì lại mang đậm chất của người Hà Nội. 

Cụ L kể, từ những ngày còn trẻ, cụ đã tham gia buôn bán trên các khu phố cổ của Hà Nội rồi. Cụ tự ví mình  giống vợ của Tú Xương “nuôi đủ năm con với một chồng” nhưng cụ không đầu tắt mặt tối như bà Tú. Nhờ tháo vát, cụ buôn gốc, bán ngọn, lời lãi dư sức có của ăn của để trong nhà. Thế nhưng nhà cụ đến giờ vẫn chật chội, bé bỏng nằm trên phố Hàng Giày là vì dư ra chút nào thì cụ lại ném vào trò đỏ đen chút ấy. “Khéo co khéo nằm” lắm thì đủ 7 miệng ăn trong nhà.

Vốn của một thư ký đề thường chỉ đơn giản là một hộp đựng vé số và cái ghế đề ngồi.  

Chị H, con gái cụ thở dài: “Ngày còn trẻ thì cụ ham xóc đĩa, tổ tôm. Chục năm trở lại đây thì cụ mê đắm vào lô đề. Tiền cho thuê nhà, tiền con cái biếu thì cụ đều để dành ghi đề với ghi điểm cả”. Cụ L sắm một cái di động không chỉ để con cái liên lạc mà để còn cập nhật nhanh kết quả xổ số hàng ngày. Ngồi nói chuyện với tôi, cụ hỉ hả: “Hôm qua vừa trúng cầu số 5 được kha khá. Cô có giấc mơ nào không, kể đi, tôi nghiên cứu cho cô xem”.

Tôi nghĩ ra một giấc mơ về việc đi lạc vào một thung lũng rắn. Ngay lập tức, cụ bà 80 tuổi linh hoạt hẳn lên và tính: “Rắn là số 2, bóng dương của 2 là 7, bóng âm của 2 là 4. Kẹp số 27 -72 và 24 – 42, kiểu gì cũng ăn”. Tôi hỏi đùa cụ: “Ngày nào cụ cũng tính toán những giấc mơ kiểu vậy à?”. Cụ L lắc đầu : “Không, chỉ những người mới gặp lần đầu kể về giấc mơ thì mới linh thôi. Chứ với những người ngày nào cũng gặp thì hết nghiệm rồi”.

Thế nhưng cụ L cũng ngậm ngùi cho biết: “Chơi mười lần may lắm thắng được 1 đến 2 lần. Tính ra cũng thua nhiều lắm nhưng không bỏ được cô ạ. Nó ăn vào máu rồi, không chơi, thấy thiếu thiếu và ngày dài quá, không có gì để đợi mong ngoài giờ quay soi cầu xổ số”.

Cụ L đánh đề, đánh lô cũng có tiếng là “máu mặt” khi chơi đến hàng triệu đồng mỗi ngày. Có dạo chơi thua nhiều quá, bao nhiêu của nả để dành khi “hai năm mươi” cụ cũng nướng sạch vào những dãy số như ma thuật đó. Rồi cụ sinh ra “trầm cảm” vì mất hết, con cái hốt hoảng đưa cụ đi nghỉ ở Sầm Sơn cả mấy tháng trời, hy vọng “cai nghiện” được cho cụ. Được 1 tuần cụ nằng nặc đòi về Hà Nội vì… nhớ bà bán xổ số ở góc phố.

Chuyện của cậu nhân viên phục vụ bàn tên T tại quán cà phê M trên đường Thụy Khuê – Hà Nội lại khác. T bảnh bao, nhanh nhẹn và ngoan. Đấy là nhận xét của bà chủ quán về nhân viên của mình. Nhiệm vụ của T là chạy bàn nhưng khi có việc khác, T vẫn nhiệt tình làm cho bà chủ. 

Duy nhất một điều, T không bao giờ nhận làm ca 2 từ 15h đến 22h hàng ngày. Dù bà chủ hứa sẽ tăng lương và dành cho nhiều ưu đãi khác nhưng T vẫn dứt khoát từ chối. Hỏi chuyện mới biết, tầm chiều tối là giờ “làm ăn” riêng của T, nhất định không được để việc gì ảnh hưởng đến. T tâm sự: “Nói thật, em đi làm chạy bàn là vì muốn có tiếng ổn định cho vợ em và ông bà nhạc yên tâm. 

Lương chạy bàn 1 tháng là 1,8 triệu chẳng đủ để em làm ít điểm lô mỗi tối. Vì thế, ca tối của em căng thẳng hơn nhiều”. T cho biết, mỗi buổi chiều, sau khi hết giờ làm, “trụ sở” tiếp theo của T là các điểm ghi lô đề. Ngày nhiều ngày ít, số tiền T ném vào trò may rủi này cũng từ 1,5 – 2 triệu/ngày. 

Khéo tính toán, ngày được bù ngày thua, T bảo cũng đủ chi phí cho cả nhà nhưng cũng nhiều phen lao đao vì nợ nần. Mặc dù hiểu rất rõ, không ai giầu được từ nghề cờ bạc nhưng chơi mãi thành ham, thành quen, không dứt ra được – T tỏ ra chững chạc.

Chuyện nhiều gia đình phải đi trả nợ cho con em mình ở các quán ghi lô đề tại các tỉnh, thành phố có nhiều trường cao đẳng, đại học đã trở thành “chuyện ngày thường ở huyện”. Nhiều học sinh, sinh viên say sưa vào trò đỏ đen này đến bê trễ học hành, bị đình chỉ học tập cũng không phải là chuyện hiếm của nhiều trường học nữa. Không khó để tìm ra các điểm ghi lô đề công khai ở cổng trường, quán nước, trên hè phố.

Lại có những công chức nhà nước hết sức đạo mạo, được coi là cán bộ nguồn hẳn hoi mà vẫn không thoát được sự quyến rũ của các dãy số ma thuật. V là một ví dụ. Tốt nghiệp trường Đại học Luật loại  ưu, nhanh chóng được nhận vào làm tại một ủy ban tỉnh và cũng sớm được cất nhắc vào vị trí nhân sự nguồn chủ chốt. 

Nhưng ít ai biết đằng sau sự xông xáo, năng nổ của V là cả một thế giới chìm đắm bởi lô đề. Lương, thưởng và bao nhiêu khoản thu nhập từ chính thức đến không chính thức, V nướng cả vào các con số mỗi ngày. Thời gian làm việc, V tranh thủ nghiên cứu sự nhảy múa của các con số, luận đề, phân tích… 

Hiệu quả làm việc giảm sút, V bắt đầu bị để ý hơn khi đi vay tiền khắp cơ quan để thỏa cho sự đam mê của mình. Khi các chủ nợ tìm đến cơ quan V để đòi nợ thì cũng là lúc cơ quan ký quyết định đình chỉ công tác với nhân sự ưu tú một thời như V.

Còn anh H. một người làm cơ khí ở Đan Phượng vì mê lô đề, anh mắc nợ chủ đề tới 230 triệu đồng. Giờ nhà đang xây mà không có tiền để làm tiếp, anh đành sang tên mảnh đất để có tiền trả nợ chủ đề và làm nhà.

“Thư ký đề” – không vốn đống lời

Có cung ắt có cầu, các điểm ghi lô đề dưới hình thức bán xổ số mọc “như nấm sau mưa” ở hầu khắp các con phố, khu chợ dân sinh. Các quán bán trà đá ven đường cũng góp mặt vào đội ngũ “thư ký đề” đông đảo này. Sau khi đánh bạo ghi một “con lô” tại một điểm ghi sau trường Đại học Thủy Lợi – Hà Nội, tôi bèn lân la hỏi cách để được làm thư ký đề. 

Chị H, nhìn tôi thận trọng rồi nhát gừng: “Cứ đến chủ xị mà đăng ký rồi xin làm thôi”. “Có cần điều kiện gì không hả chị?” – Tôi rụt rè hỏi. “Cũng còn tùy, quen thì đơn giản, lạ thì phải có điều kiện”. Sau khi trình bày hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng ly hôn, một nách nuôi hai con nhỏ của mình, tôi nhận được cái nhìn “cảm thông” của chị H. 

Chị bắt đầu chia sẻ: “Làm cái này cũng không phải tự dưng mà làm được đâu. Thường thì phải có người quen giới thiệu, đảm bảo chỗ uy tín chủ đề mới nhận. Chứ người lạ, chủ đề họ sợ “cớm” (công an – PV), họ từ chối ngay”. Chị H cho biết làm thư ký đề thực ra không khó, không mất vốn nhưng cái chính phải nhanh và có khách quen. 

Nếu có khách quen thì số điểm ghi mỗi ngày có thể lên tới hàng nghìn điểm (mỗi điểm tương đương với 10.000đồng – PV. Thường thì, với 27 dãy số kết quả trong xổ số thì mỗi thư ký đề sẽ nhận 23 hoặc 22 “nháy”. Thực tế khi nộp lại với “cái” (chủ đề - PV), các thư ký được trích % hoa hồng. Mỗi điểm, trung bình các thư ký đề được chiết khấu lại 1%. Chị H cho hay, con số 1% tưởng nhỏ bé nhưng khi nhân lên hàng nghìn điểm thì lại là con số “mơ ước” của nhiều người lao động.“Buôn” chuyện một hồi, chị H cũng tận tình hướng dẫn tôi về cách tính điểm, kỹ thuật ghi chép nhanh, gọn. Tuy vậy, chị cũng “cảnh báo” : “Tôi thấy cô vất vả thì hướng dẫn để cô làm mà kiếm thêm tiền nuôi con. Nhưng tuyệt đối không được tham gia chơi đâu nhé! Nhiều thư ký chơi rồi bán cả nhà đi cũng không đủ tiền mà trả nợ đâu đấy!”.

Chị kể nếu làm thư ký đề “chân chỉ hạt bột”, tức là chỉ làm đúng nhiệm vụ ghi chép thôi thì phải có thời gian lâu mới có lượng khách quen. Nhiều thư ký đề sẵn sàng “ôm lô” và đã “sống dở chết dở” khi không đủ tiền mà trả nợ cho khách. Chị H khuyên tôi: “Cứ chịu khó ghi chép thôi cô ạ, lâu dần cũng sẽ quen và đủ sống, ai chết cứ chết, ai lên vua cứ lên vua, còn thư ký thì sống thọ là được rồi”. 

Vào nhiều ngày “đẹp trời” (cách nói của chị H) thì số điểm ghi được lên đến vài nghìn điểm. Tính % hoa hồng được hưởng, chị cũng có bạc triệu trong tay. Thời gian chị làm chỉ từ 15 đến 19h mỗi ngày. Đồ nghề của chị chỉ có 1 cái hộp bán xổ số, 1 cái ghế để chị ngồi,  bút và thẻ giấy. Thậm chí, giấy để ghi đề, ghi lô giờ cũng chẳng mất vì các công ty quảng cáo dịch vụ nhắn tin kết quả lô đề cũng cung cấp. Khách hàng của chị cũng đủ mọi tầng lớp, sinh viên, công chức, đàn ông, đàn bà đủ cả.

Thậm chí giấy để làm "thẻ lô đề" cũng được các công ty quảng cáo dịch vụ nhắn tin lấy kết quả cung cấp cho các thư ký đề. 

Mặc dù chị H đã rất cởi mở về nghề cho tôi nghe, nhưng khi nhờ chị giới thiệu giúp với chủ đề để được làm thư ký thì chị thẳng thắn từ chối. Chị H bảo, tôi đi tìm mối khác để giới thiệu, nếu được làm mà có gì chưa rõ thì quay lại chị hướng dẫn thêm chứ không thể trực tiếp đưa tôi đến chủ đề được.

Buồn bã chia tay chị H, tôi vẫn nhận được sự động viên của chị: “Sống được em ạ! Chịu khó bán nước rồi cố gắng xin làm thư ký đề là ổn, nuôi hai đứa con thoải mái”.

 Kỳ II: Luận đề và lô đề thời công nghệ cao

Hoài Nam


Bình luận
vtcnews.vn