Cụ bà 91 tuổi và cuộc mưu sinh cơ cực, lạ lùng

Thời sựThứ Hai, 08/03/2010 11:31:00 +07:00

(VTC News) - Bà phải túc tắc đi bộ gồng gánh từ 3h sáng. Bà đi chân đất trong cái lạnh tê tái, trong khi cả ngày chỉ dám ăn một bát cơm...

(VTC News) - Đó là cuộc mưu sinh rất cơ cực nhưng lạ lùng của cụ bà 91 tuổi giữa lòng Thủ đô: Cả ngày chỉ ăn 1 bát cơm nhưng vẫn gánh hàng rong bán từ sáng đến tối; con muốn nuôi nấng phụng dưỡng nhưng kiên quyết tự kiếm ăn; giữa mùa đông giá buốt vẫn chân đất miệt mài dạo phố phường...

Để đến được khu đô thị Mỹ Đình, bà phải túc tắc đi bộ gồng gánh từ 3 giờ sáng. Gánh nặng, lưng còng, chân đất trong cái lạnh căm, nhưng dọc đường hễ thấy ai  tới gần là bà cất giọng rất hút người: "Thím ơi, mua bưởi, mua rau cho nhà cháu đi, vườn nhà đấy...".

Từ trên tòa chung cư cao tầng nhìn xuống, chỉ thấy chỏm lưng của bà di động băng qua đường từ khu đô thị Mỹ Đình 2 sang Mỹ Đình 1. Đôi quang gánh thay bằng ở trên vai thì lại đung đưa trên... lưng bà, hai bên nào rau muống, nào ngải cứu, nào bưởi.

Tôi chỉ kịp chụp được bức hình bà từ xa rồi vội chạy bắt kịp bà khi bà dừng chân bán mấy trái bưởi, những quả bưởi bé, vỏ héo quắt và vài mớ rau hái ngọn ngắn ngủn nhưng bà rất hãnh diện bảo rau quả vườn nhà. Thấy ai đi qua bà cũng cát tiếng: "Thím ơi, mua bưởi đi, bưởi này là bưởi vườn nhà tôi đấy, bưởi Diễn đấy...'', tiếng chào mời của bà rành rẽ ít thấy ở một bà lão gầy còm, yếu đuối với cái lưng còng khiến phần trên người bà song song với mặt đất.

Bà bảo, rau của bà tuy xấu mã nhưng trồng ở vườn nhà. "Thím ăn vô tư, chả sợ!". Còn bưởi, bà khoe vốn là bưởi Diễn, nhưng "nhà cháu" trảy những quả nhỏ, nhỏ nhưng mà nặng, "tinh nước" (toàn là nước - PV), phải trảy tỉa, còn quả to để các bà các cô ăn quen đến mua tận vườn nhà.

Bà bị nặng tai, mỗi lần ai dừng lại hỏi mua phải nói năm lần bảy lượt bà mới nghe được, thành ra bà nói nhiều hơn là nghe. Tết Canh Dần vừa ồi bà tròn 91 tuổi, bà có 3 người con nhưng 2 cô con gái lấy chồng, làm ruộng, còn người con trai thì đi làm công nhân, nên bà sống một mình với cái vườn trên là bưởi dưới "giồng" (trồng - PV) rau này.

Bữa nay bà gánh được 15 quả bưởi và 15 mớ rau đi bán, túc tắc đi từ 3 giờ sáng từ Diễn ra đến khu đô thị Mỹ Đình cũng gần tới trưa. Nhiều người thấy bà già gầy gò, còng quá nên thương mà mua, có cô nhân viên tòa chung cư Mỹ Đình 1 còn mua vét luôn cho bà chỗ bưởi 7 quả lỏn nhỏn nhỉnh hơn quả cam và 2 mớ rau muốn héo quắt để bà đỡ phải đi rong.

Bà cụ bán xong gánh rau bưởi vườn nhà và túc tắc đi bộ hơn chục cây số  từ  khu đô thị Mỹ Đình về nhà. Bà bảo khi nào mặc áo đẹp sẽ đồng ý chụp ảnh chân dung (Ảnh: Kiều Minh)


Bà bị còng, điếc, nhưng khéo nói nên cũng bán được 25 nghìn/quả bưởi, rồi hạ xuống 10 nghìn, rồi 7 nghìn/quả. Có người nói với bà, ở nhà ai mua đắt hay rẻ thì cứ bán, chứ gánh đi xa thế này xe cộ giao thông kinh lắm, nhưng bà cười bảo, ở làng bà, nhiều gia đình đều có bưởi, mời người ta chả buồn ăn huống chi là bán. Vì vậy, tiếc của, bà gánh gồng đi hơn chục cây số để ra khu đô thị, cứ đi thủng thẳng là bán hết.

Bà đi bằng chân đất, trong khi cái rét mùa đông vẫn còn dùng dằng xói vào da thịt dù trời đã sang xuân, hỏi bà sao không đi giày cho ấm chân, bà bảo ''đi chân đất thôi, đi giày chân yếu ngã chúi mũi chết''. "Nhà cháu ngã mấy lần rồi, có hôm đi bán bị ngã đổ hết cả rau, đi chân đất tuy lạnh nhưng chắc chân", bà kể.

Mỗi lần đi bán rau, bán bưởi, mất cả ngày trời, sáng sớm đi, chiều muộn hoặc tối mới về đến nhà. Bà kể, chỉ ăn một bát cơm từ tối hôm trước, ngày đi bán không dám ăn, ăn nó cứ "rực" lên ở cổ, nóng sõng sượt cả người nên đành nhịn đói. "Người ta ăn no vác nặng nhưng nhà cháu vác nặng mà vẫn chịu đói. Đi bán nhiều người thấy thương cho bà mấy quả chuối, cái bánh, nhưng bà nhận và để đó, về nhà mới dám ăn.

Nhiều lúc thấy mệt, bà bảo cô con gái là ''mày bán cho mẹ được đồng nào thì được'', nhưng cô con bảo bà không bán thì vứt đi vì "nhà nó cũng đầy''. Bà chép miệng, "muốn có tiền thì đi bán thôi".

"Thím bảo giờ bán ở đây các thím còn mua, chứ ở nhà, 10 người thì cả 10 người ta có như mình: cũng rau, cũng bưởi, mà họ bán kìn kìn, ầm ầm bằng xe đạp, xe máy, chứ mình đi bán bằng chân thôi". Năm ngoái bà còn đi bán được 4 buổi liền nhau, nhưng năm nay đi từng buổi rời, lần này là cách 16 hôm bà mới đi lại, tiếc của phải đi chứ sức cũng kiệt rồi, lắm lúc ở nhà bà còn ăn bưởi... trừ cơm.

Bà cho biết, con cái bảo nuôi bà nhưng ở nhà ''nó'' khổ, mình đến ở lại vất vả cho con cháu nên còn sức cứ làm. "Nhà cháu đảm lắm, không đảm thì chết, cứ làm suốt cho khỏi buồn chân tay, giờ vẫn làm cỏ cho các con đấy, chả đứa nào địch được. Lắm khi làm cho con gái 2 sào cỏ, nó bảo ai khiến cụ làm, chúng nó cũng thương nhà cháu lắm".

Con bà có người cũng cho bà tiền, có người cả năm cũng chả cho được xu nào vì cũng nghèo, vậy nên có cây trái trong vườn bà vẫn phải đi bán để kiếm đồng ra đồng vào. Mỗi lần đi bán rau, bán bưởi, bà cũng thu về được trên dưới trăm nghìn đồng, nhưng số tiền đó thì "đồng khóc, đồng cười, đồng giỗ, đồng Tết, còn đồng để ăn chả đáng là bao''. Giờ bà cũng không đi được nhiều như trước nữa, ''hôm nay đi thì mai nhà cháu ở nhà, về đến nhà là đi nằm, mỏi lắm, tuổi cao rồi, cứ đi về đến nhà là ốm" - bà nói.

Lặn lội ngoài đường, gió và bụi, trời thì rét, nhưng bà chỉ bận một chiếc áo khoác cũ kỹ với chiếc áo cánh mỏng manh và một chiếc yếm bên trong. Nhiều cô nhiều chị khi mua bưởi của bà còn trầm trồ vì lâu lắm mới thấy người mặc yếm. Bà bảo mặc như vậy mới gánh vác được chứ những áo kia lùng bùng lắm.Bà khoe, cái áo khoác là bà tự may từ năm 23 tuổi, sau nó chật bà bỏ xó, khi người "ngót" bà lại mặc, rồi lại bỏ, năm nay mang ra bận thấy vừa... lại mặc.

"Yếm tôi cũng tự may đấy, may hàng chục cái liền, may nhiều tôi lại cho biếu các bà các cụ, có một bà trong làng cứ mặc hết rồi lại xin, bà ấy xin tôi tới 12 cái yếm rồi, hôm nọ bà ấy mới chết, kém tôi 2 tuổi mà chết rồi. Mới đây lại có cụ hỏi tôi vẫn khâu yếm được à, tôi bảo được, thế là cụ nhờ khâu hộ cụ 2 cái yếm". Bà tự hào, cái yếm bà mặc là để đi lao động, còn ngày Tết thì bà mặc yếm mới, yếm trắng.

Hỏi bà "ông nhà đâu?", bà kể, "ông cháu" (tức chồng của bà - PV) mất lâu rồi, bà ở vậy nuôi con từ năm 26 tuổi, lúc đó, con lớn lên 3, đứa bé nhất mới đẻ. Hỏi bà sao bà không đi bước nữa, bà bảo, khổ lắm, chồng mất bà gồng gánh nuôi "5 cái mồm" (4 mẹ con và bà mẹ chồng - PV) nên phải làm đủ việc, phải đi hót phân trâu, nuôi bò, cấy thuê rất giỏi...

Cuộc sống vất vả nhưng bà cũng nuôi các con khôn lớn, dựng vợ gả chồng. Nhiều lúc bà bảo với các con là bao nhiêu người chết mà "tao" khổ thế, mãi chả chết (cười). "Tết này là nhà cháu sang 91 tuổi rồi, các em kết nghĩa, em gái, em rể chết cả rồi, còn mỗi chị cứ phải đi ăn giỗ em".

Xin ghi lại tấm hình của bà làm kỷ niệm, nhưng bà ngại, bà bảo "hôm nào tôi mặc áo đẹp thì thím chụp, hôm nay mặc xấu quá". Bà hỏi: "Mấy giờ rồi thím? 11 rưỡi trưa à, về đến nhà chắc phải 3 - 4 giờ, hẹn thím 1 tuần nữa nhà cháu lại ra đây bán rau bán bưởi''.

Hỏi nhà bà, bà bảo: "Nhà cháu ở Diễn, thím có mua bưởi tại gốc cho nhà cháu thì đi đến chợ cầu Diễn, vào thêm 3 cây, đến chùa Đức Diễn, nhà cháu ở cạnh chùa, ngay đầu làng, làng tên Đức Diễn, nơi có bưởi Diễn ngon nhất đấy, nhà cháu tên gọi là bà Đình".

Kiều Minh

* Bạn có suy nghĩ, cảm xúc gì khi đọc câu chuyện này? Hãy cùng chia sẻ với độc giả VTC News thông qua box thảo luận ở cuối bài (gõ tiếng Việt có dấu). Trân trọng!


Hơn ngàn lần giảng bài đạo đức

[email protected]

Thật đáng trân trọng biết bao, qua câu chuyện chúng ta không chỉ thông cảm với bà cụ mà còn là bài học quý báu cho thế hệ trẻ chúng ta về giá trị sức lao động và niềm tin, nghị lực trong cuộc sống và sức sống tuyệt vời của con người.

Ngưỡng mộ cụ Đình

Trương Hải Vân

Bà cụ này hôm nào cũng đi qua chỗ mình.. nhìn bà thấy thương và khổ thân nhưng lúc nào cũng thấy mặt bà cụ hớn hở hạnh phúc… Thật là ngưỡng mộ!

 Sự hi sinh thầm lặng

[email protected]

Đọc xong bài viết này tôi chợt nhớ lại về người bà thân yêu của tôi. Những người phụ nữ lặng thầm hi sinh cuộc sống. Phải chăng trái tim giản dị ấy đã làm cảm động ông trời, ban cho bà cụ sức khỏe. Với tôi luôn luôn trân trọng những tấm lòng cao cả vì cuộc sống mưu sinh, không ỷ lại đó. Nhưng tuổi bà cụ cũng đã cao nên rất cần sự quan tâm của gia đình và xã hội.




Bình luận
vtcnews.vn