Có nên hạn chế số lượng doanh nghiệp viễn thông?

Khoa học - Công nghệThứ Bảy, 15/01/2011 04:00:00 +07:00

(VTC News) - Bài toán đặt ra cho cơ quan quản lý là có nên hạn chế số lượng doanh nghiệp viễn thông?

(VTC News) – Hiện Việt Nam có 11 doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng trong đó 7 doanh nghiệp thiết lập mạng và kinh doanh dịch vụ di động. Với số lượng doanh nghiệp như vậy, câu hỏi đặt ra là có nên khống chế số lượng doanh nghiệp viễn thông?

Chênh lệch lớn về thị phần viễn thông

Trước năm 1995, ở Việt Nam chỉ có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thiết lập mạng và kinh doanh dịch vụ viễn thông. Tới năm 1995, thị trường viễn thông có thêm sự tham gia của Viettel và Saigon Postel. Sau đó FPT và Netnam tham gia kinh doanh dịch vụ internet. 

Thị phần viễn thông vẫn do VNPT chiếm phần lớn.

Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông được ban hành năm 2002. Công tác quản lý Nhà nước được xác định rõ ràng và được tăng cường theo xu hướng thế giới. Việt Nam ký Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, ASEAN, gia nhập WTO (năm 2006) với các cam kết về mở cửa thị trường viễn thông cho đầu tư nước ngoài. Nhiều Luật và văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Từ đó, thị trường viễn thông, internet đã có những kết quả khả quan, đạt được và vượt mức hầu hết các mục tiêu đã đề ra, phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Tuy vậy, trước năm 2006 về cơ bản VNPT vẫn chiếm giữ vị trí độc quyền đối với mọi loại hình dịch vụ viễn thông, internet.

Mà một trong các mục tiêu của Quy hoạch giai đoạn 2006-2010 về “thị phần của các doanh nghiệp mới" (ngoài VNPT) đã đạt và vượt tỷ lệ 40 - 50%. Thị trường đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp mới và có mức cạnh tranh cao, nhất là đối với dịch vụ di động. Số lượng doanh nghiệp nhiều, nhưng thị phần tập trung chủ yếu ở một số ít doanh nghiệp có thị phần khống chế.

Số liệu thống kê năm 2009, về điện thoại cố định VNPT, Viettel và EVN chiếm hơn 99% thị phần. Lĩnh vực di động gồm VNPT (có mạng Vinaphone, Mobifone) và Viettel chiếm hơn 88% thị phần. Trong lĩnh vực internet, VNPT, FPT và Viettel chiếm hơn 93% thị phần.

Theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT): “Các doanh nghiệp còn lại có thị phần rất nhỏ, mức độ chênh lệch lớn. Hầu hết các doanh nghiệp đều đầu tư vào cả mạng cố định và di động, trên phạm vi toàn quốc mà chưa tập trung vào một số thị trường ngách của riêng mình. Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp rất khác nhau. Các doanh nghiệp nhỏ nếu tiếp tục đầu tư dàn trải, rộng khắp toàn quốc thì có lẽ khó nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Các doanh nghiệp lớn thì muốn chiếm toàn bộ các thị trường. Điều đó, làm cho thị trường  phát triển chưa bền vững, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ vì có khả năng xuất hiện nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh”.

Ngoài ra, theo quy định của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông, tất cả các doanh nghiệp có hạ tầng mạng đều là Nhà nước chiếm cổ phần chi phối. Như vậy, có thể dẫn đến sự đầu tư chưa hiệu quả đồng vốn của Nhà nước.

Đánh giá về sự phát triển của viễn thông thời gian qua, Thứ trưởng Lê Nam Thăng cũng cho rằng: “Viễn thông của chúng ta phát triển nhanh nhưng cần phải phát triển bền vững trong thời gian tới”.

Quá nhiều DN viễn thông ?

Tính đến nay, Việt Nam có 11 doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng trong đó 7 doanh nghiệp thiết lập mạng và kinh doanh dịch vụ di động.

Theo con số mà Vụ viễn thông đưa ra thì số lượng doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng (FBO) tại các quốc gia rất khác nhau, ví dụ Mỹ hơn 2000, Nhật hơn 1000, Australia hơn 100, Pháp 4, Trung Quốc 5, Ấn độ 241, Singapore 49, Malaysia 106, Thái lan 23, Căm pu chia 9, Lào 5. Trong đó, số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ di động lại rất ít, Anh 5, Australia 3, Pháp 4, Trung quốc 3, Ấn độ 15, Singapore 3, Malaysia 4, Thái lan 5, Căm pu chia 9, Lào 4, Bandalesh 7.

 Doanh nghiệp viễn thông mới xuất hiện kèm theo là sức cạnh tranh gay gắt hơn nhưng người tiêu dùng được lợi. Đây cũng là khía cạnh khi hoạch định chính sách cần cân nhắc.
Như vậy, tại các quốc gia, tuỳ theo quan điểm phát triển và mức độ cạnh tranh, có chính sách cấp phép và số lượng doanh nghiệp di động và cố định rất khác nhau.

Vụ phó vụ Viễn thông cho rằng: “Mặc dù số lượng các mạng di động tại Việt Nam là khá cao, trong đó có cả hai công nghệ CDMA (2 Doanh nghiệp) và GSM (5 Doanh nghiệp). Nhưng khi định hướng xây dựng quy hoạch mới nên xem xét có thể có hay không có chỉ tiêu giảm khoảng cách chênh lệch giữa doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế và các doanh nghiệp không chiếm thị phần không chế hơn là việc xác định số lượng doanh nghiệp viễn thông. Vì quy định về cạnh tranh trong WTO không cho phép quy định số lượng doanh nghiệp sẽ cấp phép”.

Còn ông Lê Xuân Lan, Viện trưởng Viện chiến lược Thông tin – Truyền thông lại khá vui mừng vì những bước tiến của các doanh nghiệp. Nhất là khi các doanh nghiệp viễn thông đã vươn ra thị trường quốc tế: “Đến năm 2010 đã có 11 doanh nghiệp hạ tầng mạng, 81 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet (ISP), các doanh nghiệp viễn thông và internet Việt Nam khai thác có hiệu quả thị trường trong nước, đã mở rộng kinh doanh và đầu tư ra thị trường nước ngoài. Hiện nay các doanh nghiệp đã đầu tư kinh doanh tại thị trường nước ngoài như: Viettel đã đầu tư ở Campuchia, Lào, Myanmar, Haiti, Mozambique, VNPT đã mở văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ để khai thác thị trường viễn thông nước ngoài”.

Ngoài ra, các nhà mạng đã phát triển các mạng viễn thông di động, tiến tới hệ thống thông tin di động thế hệ thứ 3 và thế hệ thứ 4. Năm 2010 Việt Nam đã có 04 nhà khai thác dịch vụ di động đã cung cấp dịch vụ 3G và đã cấp phép thử nghiệm dịch vụ do động thế hệ thứ 4.

Ông Lan cho rằng: “Số lượng doanh nghiệp khai thác hạ tầng mạng viễn thông đặc biệt là số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di dộng (07 doanh nghiệp) cần có sự nghiên cứu lại. Nếu so với các nước có số dân như Việt Nam thì tại Pháp chỉ có 3 – 4 doanh nghiệp. Thụy Sĩ tuy ít dân nhưng có 5 – 6 doanh nghiệp. Trung Quốc với thị trường rất lớn nhưng chỉ có 3 doanh nghiệp. Vấn đề tồn tại ở Việt Nam là chênh lệch thị phần giữa một số doanh nghiệp còn quá lớn, mức độ phát triển không đồng đều dẫn đến thị trường phát triển không bền vững”.

Như vậy, việc hạn chế số lượng doanh nghiệp viễn thông ở con số cụ thể sẽ vi phạm quy định về cạnh tranh khi gia nhập WTO, nhưng không khống chế thì làm sao để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nhất là khi những doanh nghiệp đó có vốn nhà nước.

Ông Lê Xuân Lan, Viện trưởng Viện  chiến lược Thông tin – Truyền thông có đưa ra một giải pháp cần cân nhắc là: “Nhà nước có thật sự cần đầu tư thêm cho các doanh nghiệp viễn thông hay Nhà nước chỉ cần nắm cổ phần chi phối ở một số nhất định các doanh nghiệp viễn thông chủ lực. Các doanh nghiệp còn lại có thể huy động vốn đầu tư nước ngoài, vốn từ xã hội”.


Bài, ảnh: Nguyễn Tâm

“Chung sức vì đồng bào nghèo cả nước” - Ủng hộ đồng bào nghèo cả nước qua cổng thông tin 1400.

Nhắn tin theo cú pháp UHgửi 1409 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực vì đồng bào nghèo cả nước.




Bình luận
vtcnews.vn