Cơ sở dữ liệu nội dung số chưa có quy chuẩn

Khoa học - Công nghệThứ Ba, 11/01/2011 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Theo đánh giá của Viện trưởng viện công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam: Công tác tạo lập nội dung số ở nhiều cơ quan thiếu tiêu chuẩn.

(VTC News) – Theo đánh giá của TS Hoàng Lê Minh, Viện trưởng viện công nghiệp phần mềm và nội dung số (CNPM và NDS) Việt Nam, công tác tạo lập nội dung số ở nhiều cơ quan thiếu tiêu chuẩn, qui trình, qui phạm.

Bất cập từ cơ sở dữ liệu (CSDL) không có chuẩn

Trong năm 2010, viện CNPM và NDS Việt Nam đã thực hiện công tác xây dựng chuẩn và định mức kinh tế kỹ thuật (KTKT) nhằm phục vụ phát triển ngành CNPM và NDS.

Hầu như gần 100% các đơn vị nhận được văn bản, hồ sơ chỉ số hóa công văn đến, không số hóa tài liệu gửi kèm.  

Quá trình khảo sát sơ bộ tại 22 bộ ngành và địa phương cho thấy một vấn đề tồn tại phổ biến là việc tạo lập và trao đổi các nội dung số giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc với Bộ chủ quản; giữa các đơn vị với nhau và giữa các Bộ hiện chỉ là các văn bản soạn thảo bằng phần mềm soạn thảo văn bản và không có giá trị về pháp lý.


Đơn vị nhận văn bản luôn phải đợi văn bản giấy, có dấu mới triển khai được. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, quá trình tạo lập và trao đổi nội dung số còn nhiều tồn tại bất hợp lý.

Ví dụ như công tác tạo lập nội dung số ở mức độ đơn giản là số hóa tài liệu, văn bản, tạo lập một số thông tin mô tả, đăng ký vào hệ thống thông tin để quản lý và trao đổi trong và với các hệ thống thông tin khác tại các đơn vị bộ, ngành là chưa được thực hiện tốt, thiếu mô hình, qui trình qui phạm, thiếu chuẩn mực.

Hầu như gần 100% các đơn vị nhận được văn bản, hồ sơ chỉ số hóa công văn đến, không số hóa tài liệu gửi kèm. Nhiều đơn vị còn không số hóa công văn gửi đến mà chỉ tạo lập một số thông tin mô tả để nhập vào CSDL.Việc này dẫn đến một thực trạng là không có dữ liệu gốc số hóa, và đơn vị ngoài một số thông tin không có tính pháp lý trao đổi qua mạng, vẫn phải làm việc trên hệ thống hồ sơ giấy. Ông Minh cho rằng: “Thiếu tiêu chuẩn, qui trình, qui phạm cho công tác tạo lập nội dung số này là nguyên nhân chính của hiện trạng này”.

Hiện, công tác lưu trữ tài liệu số hóa được thực hiện bởi các phần mềm quản lý CSDL, quản lý nội dung của những nhà cung cấp phần mềm lớn như IBM, ORACLE, MICROSOFT. Tuy nhiên, các CSDL nêu trên đã được thiết kế không độc lập dữ liệu với phần mềm khi nâng cấp phần mềm hoặc chuyển đổi sang phần mềm khác là một vấn đề khó khăn, nhiều khi phải thiết kế lại CSDL hoặc phần mềm. Đa số trường hợp là không chuyển sang phần mềm khác được. Như vậy, nếu không dùng phần mềm đang sử dụng thì hầu như không đọc được dữ liệu. Bất cập này là do chưa có tiêu chuẩn, qui trình, qui phạm cho công tác lưu trữ tài liệu số hóa.

TS Hoàng Lê Minh cho rằng: “Tại các cơ quan nhà nước, công tác trao đổi văn bản giữa các đơn vị chủ yếu bằng email, hoặc dựa trên nền email, chỉ chuyển được dữ liệu số hóa, các thông tin mô tả về người dùng, quyền, bản quyền...  là những thông tin quản lý cần phải được chuyển giao giữa hai hệ thống thông tin thì không được chuẩn hóa thành qui trình qui phạm. Người nhận phải tự trích xuất, đăng ký lại vào hệ thống, rất bất cập cho người sử dụng. Bất cập này làm cho việc trao đổi giữa các hệ thống thông tin hiện nay là không quản lý được”.

Vì vậy, theo TS Hoàng Lê Minh: “Để tài liệu, dữ liệu được số hóa, lưu trữ hình thành các CSDL nội dung số phục vụ khai thác, trao đổi trên mạng, nhiệm vụ cần thiết phải làm ngay là đưa các hoạt động tạo lập, lưu trữ, trao đổi nội dung số vào qui củ, chuyên nghiệp, trở thành ngành công nghiệp về nội dung. Việc ban hành các chuẩn về tạo lập, lưu trữ và trao đổi nội dung số chính là cơ sở để ngành công nghiệp phần mềm phát triển.
Trước những bất cập này, viện CNPM và NDS đã nghiên cứu, xây dựng chuẩn “Quy chuẩn quốc gia về hệ thống CSDL trong cơ quan nhà nước”; nghiên cứu về các chuẩn qui trình tạo lập kho dữ liệu nội dung số phi cấu trúc; nghiên cứu xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dữ liệu đặc tả (metadata) áp dụng trong cơ quan nhà nước…

Ngoài ra, viện cùng với các vụ Khoa học Công nghệ, vụ Kế hoạch tài chính để xây dựng các chuẩn về nhân lực CNTT, chuẩn tạo lập nội dung số, chuẩn về lưu trữ nội dung số, chuẩn về trao đổi và bảo vệ bản quyền nội dung số. Viện và các vụ trên cũng xây dựng định mức KTKT lựa chọn, hoàn thiện và đóng gói sản  phẩm phần mềm.

Sẽ có chính sách thúc đẩy phát triển nội dung số

TS Hoàng Lê Minh, Viện trưởng viện công nghiệp phần mềm và nội dung số (CNPM và NDS) Việt Nam: viện CNPM và NDS sẽ tập trung nghiên cứu luận cứ khoa học để xây dựng một số chính sách  thúc đẩy phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số phục vụ Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT.
Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) có vai trò như một lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật ngày càng đóng vai trò quan trọng, là nền tảng hạ tầng vững chắc để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của các ngành công nghiệp và dịch vụ khác như công nghiệp thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vật liệu và năng lượng mới, công nghệ sinh học và môi trường, ngành tài chính - ngân hàng, y tế - chăm sóc sức khoẻ, giải trí và du lịch.

Đánh giá về sự phát triển của ngành CNPM & CN NDS Việt Nam theo cơ chế thị trường trong thời gian qua, ông Hoàng Lê Minh nhận định: “Tuy đạt tốc độ tăng trưởng nhanh về doanh số, về quy mô và phạm vi, nhưng cũng bộc lộ không ít bất cập và khó khăn, nhất là về khả năng làm chủ thị trường và sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước, nhu cầu xuất khẩu. Để tạo ra các động lực mới đảm bảo cho sự phát triển của ngành CNPM và NDS theo đúng định hướng và bền vững, cần có sự điều tiết và hỗ trợ từ phía Nhà nước”.

“Trong năm 2010, Viện CNPM và NDS Việt Nam đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát, đánh giá thị trường CNTT Việt Nam, tìm hiểu nhu cầu đổi mới công nghệ của các DN phần mềm và nội dung số Việt Nam, tìm hiểu khả năng mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế, nghiên cứu chuyển giao và làm chủ công nghệ, nhất là các công nghệ nguồn, công nghệ lõi”.

Dự kiến, trong năm 2011, viện CNPM và NDS sẽ thành lập và đăng ký hoạt động Phòng Thí nghiệm về kiểm định chất lượng phần mềm quốc gia  theo hướng dẫn của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ TT-TT.

Viện đã hoàn thành dự thảo đề án đầu tư xây dựng "Quỹ hỗ trợ phát triển Công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số" theo Quyết định 50 để trình lãnh đạo Bộ TT-TT cho ý kiến định hướng, tiếp tục hoàn thiện đề án, chuẩn bị triển khai hoạt động của Quỹ trong năm 2011.

Thực tế phát triển hơn 10 năm của ngành CNPM và gần 5 năm ngành NDS cho thấy việc làm chủ công nghệ, sáng tạo ra sản phẩm và dịch vụ CNTT do chính doanh nghiệp Việt Nam cung cấp ra thị trường đã không được coi trọng, một phần do các doanh nghiệp với mục tiêu “vì lợi nhuận” trong kinh doanh, đã không đầu tư cho nghiên cứu – phát triển sản phẩm và dịch vụ, một phần các cơ quan nghiên cứu và đào tạo CNTT do Nhà nước thành lập cũng không làm tốt công việc này do không gắn nghiên cứu với nhu cầu thị trường.

Vì vậy, theo viện trưởng viện CNPM và NDS, trong năm 2011, viện sẽ nghiên cứu chuyển giao công nghệ, xây dựng giải pháp và các chuẩn công nghệ để hình thành các kho dữ liệu văn bản số hoá, tăng cường số hoá các nội dung thông tin văn bản. Nhiệm vụ này sẽ phục vụ cho chương trình chính phủ điện tử, các dịch vụ thu thuế, giao dịch tài chính không dùng tiền mặt, phục vụ ngành ngân hàng, tài chính, y tế, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục – đào tạo.

Nghiên cứu các cơ sở khoa học để tham mưu xây dựng chính sách kích cầu đầu tư, chính sách khai thác sử dụng hạ tầng, tạo nguồn vốn, thành lập các quỹ đầu tư, chính sách thuế đặc thù cho ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số.

Bên cạnh đó, viện sẽ tham gia khảo sát nhu cầu nâng cao năng lực chuyên môn của các doanh nghiệp nhằm xây đựng định hướng chiến lược hỗ trợ đào tạo và thu hút nguồn nhân lực cho ngành CNPM và NDS.

Nghiên cứu, phân tích thị trường tài liệu số hóa tại Việt Nam, khuyến cáo một số hướng đầu tư phát triển thị trường tài liệu số hóa cũng là nhiệm vụ quan trọng của viện trong năm 2011.

Cũng trong năm nay, viện CNPM và NDS sẽ tập trung nghiên cứu luận cứ khoa học để xây dựng một số chính sách  thúc đẩy phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số phục vụ Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT.

Về nhiệm vụ  của viện CNPM và NDS trong năm nay, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng chỉ đạo: “Đề án Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT” đã được Thủ tướng phê duyệt. Vì vậy, tôi mong viện CNPM và NDS tham gia mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng cơ chế, chính sách và trình Bộ TT-TT để bộ có thể ban hành hoặc đề xuất ban hành nhằm góp phần đưa CNPM và NDS phát triện mạnh hơn nữa”.


Bài, ảnh: Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn