ICT Index đong đếm từng chỉ tiêu hiện trạng CNTT-TT VN

Khoa học - Công nghệThứ Hai, 27/12/2010 01:00:00 +07:00

(VTC News) - Vietnam ICT Index vừa công bố hoàn toàn sát với thực tế và tương hỗ với các đánh giá khác dù chúng được thực hiện độc lập.

(VTC News ) – Theo ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin – Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam (Vietnam ICT Index) mà hội vừa công bố hoàn toàn sát với thực tế và tương hỗ với các đánh giá khác dù chúng được thực hiện độc lập.

Ông Nguyễn Long - Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam trao đổi nhanh với VTC News xung quanh sự kiện công bố chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam 2010 (Vietnam ICT Index 2010)

- Thưa ông, nhiều độc giả thắc mắc VAIP thống kê chỉ số ICT Index như thế nào khi ICT vốn là lĩnh vực rất rộng?

- Chúng tôi đã nghiên cứu và thấy rằng theo thông lệ quốc tế, tất cả các xếp hạng của Việt Nam về lĩnh vực kinh tế hay CNTT đều do các tổ chức phi chính phủ độc lập của các hội, hiệp hội. Chúng ta cần nói đến vấn đề này từ khía cạnh quản lý Nhà nước và cộng đồng xã hội trong hoạt động CNTT.

Ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam: Vietnam ICT Index có vai trò giúp các cơ quan quản lý Nhà nước hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển CNTT-TT

Ở khía cạnh quản lý Nhà nước thì những công bố của các cơ quan này nằm trong niên giám thống kê nhà nước. Và hiện nay, trong mục lục niên giám thống kê của Nhà nước chưa có mục cho CNTT vì vậy sẽ rất khó khăn khi đánh giá những đóng góp của CNTT trong GDP của quốc gia.

Về vai trò của những chỉ số thống kê trong lĩnh vực CNTT-TT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý: “Hàng năm, chúng ta nên công bố chỉ số về CNTT-TT, có đánh giá, xếp hạng về CNTT-TT tại các địa phương. Từ đó, thành lập hội đồng cố vấn cho chính phủ thông qua ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT”.
Về phía đơn vị quản lý CNTT – TT thì Bộ TT – TT đã có Sách trắng CNTT nhưng khía cạnh của nó là những số liệu chỉ tiêu hiện trạng đo đếm được tương đối rõ ràng. Đây cũng là một bước tiến quan trọng nhưng cũng không thể thiếu những báo cáo của tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, nghề nghiệp.

Theo đó, Hội Tin học Việt Nam cách đây gần 10 năm cũng xem xét các báo cáo từ quốc tế và lựa chọn ra được phương pháp đánh giá của Harvard Index. Chúng tôi lựa chọn phương pháp này để đưa ra bộ chỉ tiêu để đánh giá thực trạng CNTT.

Đến nay, VAIP đã thực hiện được 5 năm về công bố ICT Index. Báo cáo này có số liệu tương đối chính xác của thời điểm đánh giá. Ví dụ số liệu đánh vừa công bố ngày 22/12 là con số tính đến tháng 6/2010.

Còn những con số do thế giới đưa ra thì chỉ số của chúng ta tương đối thấp vì họ dùng thông tin thống kê về CNTT của ta từ cách đây 1 – 2 năm. Khi chúng ta đủ số liệu về thực trạng CNTT tại thời điểm đánh giá sẽ có ý nghĩa lớn. Ngoài việc xếp hạng đánh giá, nó còn là bộ số liệu thực trạng theo hệ số các chỉ tiêu đánh giá để nhìn nhận rõ hơn thực trạng phát triển CNTT – TT của Việt Nam.

Báo cáo này cùng những báo cáo thực trạng khác về internet Việt Nam, đánh giá về thương mại điện tử…sẽ là thương hiệu chúng tôi đang xây dựng với tên gọi: “Vietnam ICT Insight” (thực trạng CNTT-TT Việt Nam - PV). Cách đây 10 năm chúng ta chỉ có báo toàn cảnh bên ngoài. Hiện chúng ta cố gắng có những số liệu thực trạng bên trong.

- Những thống kê ICT Insight có gì khác những thông tin trong sách trắng của Bộ TT-TT và những con số thống kê về CNTT-TT của IDG không, thưa ông?

- Những báo cáo này hoàn toàn tương hỗ với nhau. IDG là doanh nghiệp nước ngoài, Bộ TT-TT là cơ quan quản lý Nhà nước, VAIP là tổ chức  nghề nghiệp xã hội nên có những ý nghĩa khác nhau.

IDG lấy số liệu từ bên ngoài qua phỏng vấn, qua các doanh nghiệp lớn như Microsoft, Intel… theo phương pháp số liệu đám đông hay từ đầu mối từ nhà cung cấp. Bộ TT-TT với những báo cáo có ý nghĩa về khía cạnh Nhà nước. Còn báo cáo của VAIP có ý nghĩa rộng rãi. Và khi chỉ số này có ý nghĩa thúc đẩy phát triển CNTT-TT thì mọi người, mọi ngành sẽ cùng tham gia.

Bộ Tài chính đứng thứ 2 trong xếp hạng chung các cơ quan bộ trong Vietnam ICT index 2010. Điều này cũng dễ hiểu vì ngay với  người dân, doanh nghiệp đến làm việc tại cục thuế Hà Nội cũng được trang bị máy tính để sử dụng.


- Vậy nhìn vào chỉ số này, các Bộ ngành sẽ nhìn nhận lại về việc đầu tư và ứng dụng cho CNTT-TT?

-Chắc chắn qua những chỉ số này, các Bộ, ngành sẽ xem xét lại mức độ đầu tư cũng như ứng dụng CNTT trong lĩnh vực của mình. Ví dụ như ngành tài chính có hệ thống ứng dụng CNTT mạnh nhất Việt Nam. Họ đã làm 3 năm và cảm nhận thấy hiệu quả của nó.

Theo thông tin mà ông Đỗ Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm thông tin, Bộ Lao động – Thương binh xã hội (LĐ-TBXH) vừa đưa ra thì qua hệ thống đánh giá này, Bộ LĐ-TBXH mới thấy sự thiếu kết nối từ các cán bộ quản lý cấp ngành với các địa phương.

Các bộ ngành sau khi nghiên cứu những chỉ số chúng tôi cung cấp sẽ nhận thức được vai trò của đầu tư, chỉ đạo sát sườn của lãnh đạo trong lĩnh vực CNTT với đơn vị mình. Từ đó, có biện pháp tăng cường về nguồn lực, phương tiện để đưa hoạt động ứng dụng CNTT đi lên.

Tôi hy vọng trong năm tới các bộ ngành sẽ tiếp tục tích cực tham gia đánh giá cùng VAIP.

- Nhưng một điều mà nhiều người quan tâm là những con số báo cáo của các bộ, ngành, đơn vị liệu có bị báo cáo khống, thưa ông?

- Chúng tôi có phương pháp đầu tiên là làm sạch số liệu, rà soát và kiểm tra chéo. Tất cả những biện pháp đó có thể loại trừ rất nhiều dù không loại trừ hết. Tuy nhiên, có một điều thấy rằng chỉ số này được đánh giá hàng năm nên đơn vị nào có báo cáo số liệu đột biến sẽ bị thiệt. Và khi số liệu thật được đưa ra thì đơn vị đó sẽ không giải thích được với cơ quan quản lý, cộng đồng về số liệu báo cáo sai.

Trong phương pháp tính của chúng tôi, nếu số liệu bị báo cáo sai, thiếu thì có phương pháp dùng số liệu cũ để làm tròn. Nên anh không báo cáo trung thực thì chưa chắc đã được lợi.

- Xin cảm ơn ông!

Bài, ảnh: Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn