Top những thất bại công nghệ đáng quên nhất năm 2010

Khoa học - Công nghệThứ Hai, 20/12/2010 08:00:00 +07:00

(VTC News) – Tạp chí PCWorld mới đây đã bình chọn những thất bại đáng quên nhất liên quan đến công nghệ trong năm 2010.

(VTC News) – Tạp chí PCWorld mới đây đã bình chọn những thất bại đáng quên nhất liên quan đến công nghệ trong năm 2010.

Năm 2010 là một trong những năm rất thành công của thị trường công nghệ khi hàng loạt những sản phẩm số như Smartphone, Tablet, các thiết bị đọc sách điện tử giá rẻ thay nhau xuất hiện… Tất cả đã góp phần mang đến một cuộc sống đầy tiện nghi đối với người tiêu dùng.

Tuy nhiên bên cạnh những thành công luôn là những thất bại. Khi mà thời điểm những ngày cuối cùng của năm 2010 đã cận kề thì cũng là lúc nhìn lại những dấu ấn đáng quên trong ngành công nghiệp số.

Tạp chí PCWorld mới đây đã bình chọn những thất bại đáng quên nhất của ngành công nghệ trong năm 2010 vừa qua. Các sự kiện sẽ được đánh số ngẫu nhiên mà không tuân theo thứ tự nào.

1. Google Buzz

 

Chứng kiến mạng xã hội Facebook phát triển với một tốc độ quá nhanh chóng, dĩ nhiên “người khổng lồ” Google cũng không thể đứng nhìn và Google Buzz ra đời như là một niềm hy vọng mới.

Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau khi được chính thức ra mắt, người dùng lại phát hiện ra dịch vụ này lại vô tình phơi bày những thông tin nhạy cảm của họ trên mạng thông qua thuật toán tìm kiếm được Google áp dụng trong Google Buzz.

Bên cạnh đó thì việc thẳng thừng từ chối liên kết với Facebook hay những mạng xã hội khác đã góp phần khiến dịch vụ này tự cô lập chính mình.


2. Apple Ping


 

Nếu như những sản phẩm phần cứng của Apple luôn nhận được sự đón đợi của toàn thể những người đam mê công nghệ thì những sản phẩm phần mềm của họ lại chưa nhận được sự ưu ái tương tự.


Dịch vụ Ping của Apple ra đời với cách thức hoạt động khá đặc biệt: tự tách biệt mình với cộng đồng và chỉ hỗ trợ những người sử dụng iTunes. Chính phong cách kỳ lạ này đã khiến Apple Ping cũng được nêu tên trong danh sách những thất bại công nghệ đáng nhớ trong năm 2010.

3. Google Wave

 

Google có lẽ chính là minh chứng rõ nét nhất cho lý thuyết về sự song hành của thành công và thất bại khi một dịch vụ khác của họ là Google Wave lại tiếp tục có tên trong danh sách “đen”. Được ấp ủ từ rất lâu, chính thức giới thiệu từ đầu năm 2009 và ra mắt người dùng vào tháng 5/2010 nhưng chỉ rất nhanh sau 3 tháng, dịch vụ này đã phải đóng cửa và biến mất vĩnh viễn.

Cho đến nay, rất ít người biết được Google Wave là dự án kết hợp mạng xã hội với thư điện tử, một kế hoạch độc đáo nhưng phạm nhiều sai lầm trong việc triển khai cũng như quảng bá.


4. Sự tự do của người dùng Internet


 

Tính trung lập của mạng Internet đã bị thay đổi và kiểm soát khá nhiều sau năm 2010. Đầu tiên là phán quyết của tòa án tối cao Mỹ nhằm bác bỏ quyền ngăn cản các nhà cung cấp dịch vụ ISP điều chỉnh tốc độ của kết nối mạng ngang hàng. Sau đó, Google và hãng viễn thông Verizon đã cùng nhau đề xuất một số quy định mới trong việc kiểm soát người dùng Internet. Dĩ nhiên, một làn sóng phản đối phát sinh sau đó là điều không thể tránh khỏi.


5. Quyền riêng tư trên Facebook

 

Mặc dù rất thành công trong năm 2010 khi giá trị của thương hiệu Facebook đã không hề thua kém gì so với những Google hay Microsoft nhưng một vụ bê bối về quyền riêng tư cũng là một “trái đắng” đối với ông chủ Mark Zuckerberg cũng như những cộng sự của mình. Dù sau đó, Facebook đã tiến hành nhiều thay đổi lớn về tính năng quản lý thông tin người dùng những dẫu sao đây vẫn là một bài học lớn đối với họ.


6. McAfee và sự nhầm lẫn tai hại

 

Vào tháng 4/2010, McAfee, một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới về bảo mật thông tin tuyên bố phát hành bản cập nhật dữ liệu có thể tiêu diệt mọi loại virus trên mạng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, phần mềm này sau đó đã tiêu diệt hàng loạt máy tính sử dụng Windows XP với một quy mô mà đúng là không có loại virus nào trong lịch sử từng thực hiện được. Lý do là bởi McAfee nhận định nhầm một số file hệ thống trong Windows XP là virus và gây ra sự cố đáng tiếc nói trên.


7. Palm Pre và WebOS

 

Palm đã từng là một tượng đài của thị trường điện thoại thông minh nhưng ngày nay, mọi thứ có lẽ sẽ chỉ là hoài niệm. Trong nỗ lực tự cứu lấy chính mình khỏi cảnh phá sản, Palm đã phát hành cả điện thoại Palm Pre lẫn hệ điều hành WebOS.

Tuy nhiên thiết kế quá xấu của chiếc smartphone này đã khiến Palm càng thêm gặp khó. Sau khi chính thức bị HP mua lại, giới đam mê công nghệ có lẽ sẽ tiếp tục phải chờ vào những phép màu trong tương lai gần mới có thể gây dựng lại được thương hiệu Palm ngày nào.


8. HP Slate

 

Trước khi Apple ra mắt iPad, HP tuyên bố thiết bị của họ sẽ là đối thủ chính của “Quả táo” trên thị trường máy tính bảng. Theo lý thuyết, Slate bổ sung tất cả những gì iPad bỏ sót bao gồm duyệt web với flash, Camera trước và sau, USB hay ổ lưu trữ ngoài.


Tuy nhiên, mọi việc bỗng dưng thay đổi đến 180 độ khi HP mua được Palm, biến Slate trở thành thiết bị dành cho các doanh nhân với số lượng hạn chế.

Con số 9000 sản phẩm tiêu Slate thụ được sau 10 ngày phát hành có lẽ chả thấm vào đâu so với 1.5 triệu của iPad nhưng dẫu sao so với mục tiêu khiêm tốn chỉ… 5000 đề ra từ trước đó thì HP vẫn có thể tự hài lòng với chính mình.


9. Máy tính bảng sử dụng HĐH Android

 

Bước vào năm 2010, các chuyên gia đã từng dự đoán đây sẽ là năm của máy tính bảng nhưng thực tế chỉ có duy nhất iPad đang nằm ở vị trí này.


Nếu như Samsung Galaxy Tab, chiếc tablet từng được ví như đối thủ xứng tầm với iPad chỉ có doanh số bán ra rất nhỏ bé so với đối thủ.

Do vậy, đa phần các hãng sản xuất đều thống nhất “sửa lại” tuyên bố thành năm 2011 mới là năm của máy tính bảng. Khi ấy với phiên bản Android 3.0 (tên mã là HoneyComb) được phát triển dành riêng cho tablet, hy vọng là thị trường máy tính bảng sẽ có sức cạnh tranh cao hơn. Còn hiện nay với 95% thị phần máy tính bảng, có lẽ iPad cũng như hệ điều hành iOS không có đối thủ ngang hàng.

10. Google Nexus One

 

Google không chỉ biết cách gây thất vọng cho người dùng trên nền tảng phần mềm mà họ còn rất biết cách làm buồn những ai đã hy vọng vào Nexus One, chiếc điện thoại được kỳ vọng là sẽ tạo ra cuộc cách mạng.

Từ cấu hình phần cứng đến nền tảng phần mềm, Nexus One rất đáng chú ý. Tuy nhiên vấn đề rắc rối ở khâu phân phối sản phẩm cũng như cách bán hàng của Google đã không được lòng người dùng và doanh số bán hàng thảm hại của chiếc smartphone này càng góp phần “tô điểm” thêm vào một bức tranh buồn trong năm 2010 của “ông lớn” trong ngành công nghiệp Internet.

(còn tiếp)

Hoàng Việt
(Theo PcWorld)
Bình luận
vtcnews.vn