Ngồi tại Việt Nam… kiếm tiền tỉ trên khắp thế giới

Khoa học - Công nghệThứ Ba, 14/06/2011 06:20:00 +07:00

(VTC News) - Rất có thể, chỉ cần tư duy, bạn sẽ có thứ mà mọi đại gia thèm muốn và sẵn sàng trả cái giá rất đắt để mua lại thứ mà bạn có.

(VTC News) – Có một ngày bạn ngồi ở Việt Nam, trước mặt bạn là Steve Jobs hoặc bất cứ vị CEO nào của Apple vào thời điểm đó và ra giá: “10 triệu USD, nếu không các anh sẽ không có được tên miền mà mình mong muốn”, thì chắc hẳn việc đó sẽ rất thú vị.

Apple là một trong những hãng phải mua lại các tên miền liên quan tới mình nhiều nhất và đắt đỏ nhất.

Mua bán tên miền có thể mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ, hơn cả việc buôn bán ma túy, kinh doanh cờ bạc và mại dâm bất hợp pháp – những ngành được coi là “siêu lợi nhuận” hiện nay.

Chữ i triệu USD

Quay trở lại với thương vụ bán tên miền cho Apple kể trên, có thể Jobs hoặc đại diện Apple sẽ từ chối và nói rằng: “10 triệu là một cái giá quá cao, chúng tôi chỉ bỏ ra 4.5 triệu USD cho iCloud.com, 1 triệu cho iPhone.com và đang thương thảo tên miền iPad.com nhưng không phải là với 10 triệu USD… cái giá 1.5 triệu USD thì anh nghĩ sao?”

Chưa bao giờ chữ i lại có giá đến thế, hàng loạt tên miền có chữ i đằng trước, đi sau là một từ có nghĩa đều đã đăng kí cách đây cả chục năm.

Chữ i trong các sản phẩm của Apple, ví dụ như iPod, iMac, iPad được giải thích: i = tôi, i = internet, i = intelligent (thông minh), i = individual (độc đáo, riêng biệt…)

iCloud được đăng kí từ ngày 15/01/1999, nếu tính phí duy trì là 10.5 USD/năm (đăng kí miễn phí) thì tới năm 2011 chủ của iCloud chỉ mất tổng phí duy trì là 126 USD (2.646.000 đồng). Apple đã mua lại tên miền này, được cho là có giá 4.5 triệu USD – tương đương với 94.5 tỉ đồng tiền Việt.

Những gì liên quan đến "Táo" đều tỏ ra khá đắt đỏ 

Đây là một con số lợi nhuận khổng lồ, lợi nhuận cao như vậy chỉ có thể tồn tại ở những phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật cổ đại, như việc các đại gia Trung Quốc mua một chiếc bình cổ, hay đại gia vùng Ả Rập mua những chiếc biển số độc nhất dành cho các siêu xe.

Ngoài việc phải mua lại iCloud với giá “cắt cổ”, Apple cũng đã từng phải mua lại iPhone.com với giá 1 triệu USD, mua lại iPod.com (không rõ giá) và có thể sẽ phải thương thảo việc mua iPad.com - nếu hãng này muốn thâu tóm tất cả tên miền liên quan đến sản phẩm của mình.

Vậy thì Steve hay chính xác hơn là Apple sẽ nhắm đến những tên miền nào?


Có những điều thú vị mà chúng ta có thể dựa vào đó để tư duy về một tên miền tiềm năng mà có thể Apple sẽ thèm muốn:

Các sản phẩm di động cầm tay nổi tiếng của Apple đều bắt đầu bằng chữ i, tiếp sau là chữ P, sau nữa là một nguyên âm và kết thúc bằng chữ d.

Chúng ta đã biết được những thiết bị của Apple là iPod, iPad trùng hợp với quy tắc này, mặc dù xuất xứ của cái tên iPod thì nhiều người biết rằng được truyền cảm hứng từ bộ phim "2001: A Space Odyssey", iPhone thì đơn giản là việc ghép chữ i với chữ phone (điện thoại), cái tên iPad vẫn là điều bí ấn. Nhưng nếu đúng logic, thì cái tên iPud.com, iPid.com sẽ là những tên miền bạn nên sở hữu.

Sau iPod, iPhone và iPad có thể là... iPud, iPid chăng?

Thêm một điều nữa, trụ sở Apple đặt tại Cupertino (Mỹ), nên rất có khả năng iCupertino.com sẽ đem lại tiền cho bạn.

Steve Jobs là người có khả năng tác động to lớn nhất tới cộng đồng công nghệ hiện nay, ông cũng là người có ảnh hưởng nhất đối với các sản phẩm của Apple, vậy thì một sản phẩm của Apple để ghi dấu ấn này hoàn toàn có thể xuất hiện một khi Steve không còn nữa. Chắc hẳn sẽ có một sản phẩm “made by Apple” có tên iSteve Jobs, hoặc iSteve, iJobs.

Thế nhưng trong khi Steve Jobs còn là Ceo của Apple thì ông có quyền đặt tên cho một sản phẩm hay không? Nếu ông có quyền này thì một câu chuyện kể rằng Steve Jobs có một cô con gái riêng tên là Lisa… wow, iLisa có thể là một tên miền béo bở…

Tuy nhiên, có thể bạn sẽ thất vọng bởi những tên miền nói trên đều đã được đăng kí, ví dụ như tên miền đang được Apple thèm muốn nhất là iPad.com đã được tạo ra từ ngày 21/4/1997 và ngày hết hạn là 22/4/2011 (đấy là trong trường hợp chủ nhân không tiếp tục gia hạn), trong khi chiếc máy tính bảng iPad chỉ mới ra đời trong năm 2010.

Và tất cả các tên miền tôi đã liệt kê ra ở trên thì đều đã có chủ nhân, thậm chí trước cả khi Apple đưa ra những sản phẩm đắt khách của mình: iPod.com được đăng kí từ năm 1998, iPhone.com từ năm 1995 và iPad đã được đăng kí từ năm 1997.

Nên đầu tư vào tên miền về... các loại quả?


Rất nhiều người biết rằng, logo hiện nay của Apple bắt nguồn từ câu chuyện Isaac Newton ngồi dưới gốc táo, bị quả táo rơi trúng đầu và ông suy nghĩ về sức hút của vạn vật và sau đó tìm ra định luật “vạn vật hấp dẫn”.

Logo đầu tiên của Apple là hình ảnh Newton ngồi dưới gốc cây táo, sau đó giản lược đi thành quả táo cắn dở như hiện tại. Nguyên nhân tại sao lại là một quả táo khuyết thì có nhiều cách lí giải khác nhau, từ việc đấy đơn giản chỉ là một dấu hiệu nhận dạng, hoặc cũng có thể là quả táo khuyết vì trong câu chuyện Newton bị táo rơi trúng đầu, ông ấy đã lau sạch sẽ quả táo và… cắn đi một miếng.

Câu chuyện kể trên có thể chỉ ra rằng, bạn nên đầu tư những tên miền liên quan đến điển cố, điển tích… tất cả những vị thần trong Thần thoại hy lạp đằng trước .com đều đã được đăng kí, nhưng không sao, có thể còn rất nhiều câu chuyện thú vị khác để bạn tư duy và đăng kí dưới dạng một tên miền.

Thêm nữa, có vẻ như là mốt khi hãng công nghệ Apple lấy tên là Apple (táo), Microsoft cho ra đời hệ điều hành Mango (xoài)… những cái tên liên quan đến các loại quả thực sự rất hấp dẫn, hấp dẫn không chỉ trong ngành công nghệ. Riêng tên miền mango.com thì đang thuộc quyền sở hữu của hãng thời trang tên tuổi Mango. Còn xung quanh Apple thì sản phẩm của hãng luôn liên quan đến táo, ví dụ như cái tên Macintosh (mã của một dự án viết hệ điều hành) bắt nguồn từ một giống táo mà Jef Raskin – nhân viên của Apple ưa thích; một cái tên rất hay xuất hiện khi các CEO của Apple muốn minh họa về việc họ sẽ gọi tới ai đó là John Appleseed – tên của một nhà cách mạng, đồng thời cũng là người làm vườn đam mê các loại táo.

Việc "dây mơ dễ má" không chỉ liên quan đến loại quả, Mozilla lấy tên hệ điều hành của mình là Firefox, sau đó hãng này lại giới thiệu về hệ điều hành Fennec (cáo sa mạc) cho mobile… firefox.com thì đã thuộc về Mozilla, còn fennec.com đang được rao bán với giá 14.410 USD.

Mua bán tên miền tại Việt Nam


ebay.vn, hsbc.com.vn… là những tên miền đã đem lại nhiều triệu cho những người đã nhanh tay đăng kí, có thông tin rằng ngân hàng HSBC đã phải bỏ ra từ 30.000 – 50.000 USD để mua lại hsbc.com.vn.

Công thức đơn giản của những người đầu cơ là đăng kí những tên miền thuộc quốc gia liên quan đến những thương hiệu lớn.

Hiện, các tên miền liên quan đến ngân hàng đang “nóng”, sau đó là các tên miền liên quan đến luật. Nguyễn Sĩ Hà (nhân viên kinh doanh của nhà đăng kí tên miền Mắt Bão) khẳng định, ngoài  ngành ngân hàng thì việc đăng kí các tên miền liên quan đến các hãng luật đang sôi động nhất trên thị trường.

Theo TS. Lê Linh Lương (giám đốc của Công ty GLTEC – 29 Lạc Trung – HN): trong 2 quý đầu năm, việc đăng kí tên miền đang có xu hướng tăng mạnh. Hiện, tên miền quốc tế .com; .net đang miễn phí, tên miền .com.vn và .vn có phí lần lượt là 350.000 và 480.000 đồng, chưa kể phí duy trì hàng năm. GLTEC là Nhà đăng ký chính thức tên miền.VN do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC - Bộ TT&TT ) ủy nhiệm.

Các bạn có thể click vào đây để kiểm tra xem tên miền đó đã có ai đăng kí hay chưa, hiện tại thì nguyên tắc cấp tên miền vẫn đang là “đăng kí trước, cấp phát trước”.

Tuy nhiên, trong hoạt động đăng kí, sở hữu và thương thảo việc mua bán tên miền vẫn còn nhiều rủi ro khá cao, trước hết là việc tên miền không bán được mà vẫn mất phí duy trì, thứ hai là việc tranh chấp những tên miền liên quan đến việc nhầm lẫn với nhãn hiệu thương mại được bảo hộ sẽ gây ra những rắc rối liên quan đến khía cạnh pháp lý.

Thế nhưng, cách tốt nhất mà tôi nghĩ là bạn nên sáng tạo nên công ty của mình, tạo ra những sản phẩm và chắc rằng chưa có ai đăng kí tên miền liên quan đến chúng và sau đó làm cho chúng nổi tiếng.

Tên miền có thể là chỉ dẫn quan trọng, nhưng chất lượng, sản phẩm dịch vụ mới là thứ quyết định xem nó đáng giá bao nhiêu tiền.

Cả Yahoo, Youtube, Google, Facebook đều bắt đầu bằng những cái tên tưởng chừng vô nghĩa và bây giờ bạn phải trả hàng trăm triệu cho đến hàng tỉ USD để có những tên miền .com phía trước những cái tên như vậy.

Bài, ảnh:Thành Lương





Bình luận
vtcnews.vn