Điện thoại Việt và chuyện "Trung Quốc hóa"

Khoa học - Công nghệThứ Hai, 27/12/2010 09:00:00 +07:00

(VTC News) - Mặc dù đang gặt hái được những thành công ban đầu trên thị trường nhưng tương lai nào sẽ dành cho những chiếc điện thoại mang thương hiệu Việt?

(VTC News) - Mặc dù đang gặt hái được những thành công ban đầu trên thị trường nhưng nếu vẫn đi theo con đường hiện tại, liệu tương lai nào sẽ dành cho những chiếc điện thoại mang thương hiệu Việt?

Từ năm 2008 trở lại đây, khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhảy vào thị trường điện thoại với mong muốn đưa những sản phẩm mang thương hiệu Việt chiếm lĩnh thị trường VN. Có thể kể đến các cái tên tiêu biểu như: Q-mobile, F-Mobile, Viettel, MobiStar, Mobell, Cayon, WellcoM... Hướng đi chung mà các doanh nghiệp này nhắm tới đều là phân khúc khách hàng bình dân với những chiếc điện thoại nhiều tính năng nhưng giá cả lại cạnh tranh hơn so với các sản phẩm ngoại nhập.

Điện thoại Việt mới chỉ có những thành công ban đầu  

Chủ yếu cung cấp các loại điện thoại có giá từ 700 nghìn đồng đến 2 triệu đồng, những chiếc dế thương hiệu Việt này ban đầu cũng đã tạo được tập khách hàng của riêng mình. Theo một thống kê mới đây của các đại lý bán lẻ điện thoại thì nhãn hiệu Q-Mobile hiện chiếm gần 30% thị phần điện thoại giá rẻ trong nước, chỉ xếp sau Nokia. với khoảng 50%.

Thực tế cũng chứng minh những con số trên khi càng ngày chúng ta càng chứng kiến nhiều người dùng sở hữu những chiếc điện thoại được gán mác "hàng nội". Tuy nhiên sau những thành công ban đầu này, con đường trước mắt của những chiếc điện thoại thương hiệu Việt vẫn còn rất nhiều gian truân đang chờ đón.

Mỏi mòn đi tìm "bản sắc"

Nếu nhìn vào quá khứ có thể nhận thấy, hướng đi cũng như những thành công ban đầu của điện thoại thương hiệu Việt cũng gần giống với các nhãn hiệu máy tính "Made in Việt Nam" trước kia. Cũng khởi đầu là nhắm vào khách hàng bình dân, cũng tạo dựng được tập khách hàng nhất định nhưng rồi đến thời điểm này liệu mấy ai còn nhắc tới những sản phẩm đó nữa?

Tại thời điểm đầu 2006, Việt Nam có tới hơn mười doanh nghiệp tập trung vào các dòng laptop cũng như desktop bình dân nhưng bây giờ ngoài các cái tên FPT Elead, CMS hiện đang thoi thóp thì hầu hết các đơn vị còn lại đều "vỡ mộng" với giấc mơ sản phẩm Việt. Liệu ai dám chắc điện thoại thương hiệu Việt lại không đi vào con đường trên khi hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này đều dập khuôn y nguyên hướng phát triển của thế hệ đàn anh.

Qmobile F680 nhái y chang kiểu dáng của Nokia 8800  

Ông Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội điện tử Việt Nam, từng chia sẻ về thực trạng hiện nay của điện thoại thương hiệu Việt: "Phần lớn điện thoại Việt hiện nay, doanh nghiệp hầu như không làm gì mà chỉ có cái tên". 

Cái mà máy tính Việt đã thiếu cũng chính là cái mà điện thoại Việt đang thiếu bản sắc. Mặc dù gắn trên mình cái mác "Điện thoại của người Việt" nhưng giống "đàn anh" máy tính, hầu hết các linh kiện của những chú dế này đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Thậm chí có những chiếc điện thoại của Q-Mobile, nếu mở nắp phía sau ra người dùng còn có thể thấy đề rõ nguồn gốc Trung Quốc đề ngay trên cục pin của máy. 

Tuy nhiên về mặt này, phía doanh nghiệp Việt ưa ra phản bác khi cho rằng việc đặt hàng Trung Quốc gia công thiết bị sẽ khiến giá thành sản phẩm giảm đi rất nhiều, qua đó người có lợi sẽ là khách hàng. Mặc dù vậy khi quan sát trên thị trường có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết các điện thoại Việt cũng thể hiện một phong cách rất Trung Quốc khi đều làm nhái một mẫu máy của một hãng nổi tiếng nào đó.

Thực sự là quá khó để tìm thấy một chiếc điện thoại đặc trưng cho Q-Mobile hay F-Mobile, điều mà người dùng có thể dễ dàng nhận ra khi cầm trên tay sản phẩm của Nokia hay Samsung. Việc "Trung Quốc hóa" từ khâu thiết bị cho đến mẫu mã không chỉ khiến cho hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp giảm sút trong mắt người dùng mà qua đó giá trị của sản phẩm sẽ mất dần theo thời gian.

Dễ dàng nhận ra kiểu phong cách BlackBerry ở F-Mobile B800  

Linh kiện nhập, mẫu mã bắt chước, những gì là điểm riêng có trên những chiếc điện thoại mang mác Việt? Thật khó để đi tìm câu trả lời cho đâu là bản sắc của những chú dế "made in Việt Nam".

Sẽ sớm "chìm xuồng"?

Trong khi các hãng điện thoại danh tiếng quốc tế đang tập trung khai thác thị trường Việt Nam ở mảng khách hàng trung và cao cấp thì việc chọn đối tượng bình dân có thu nhập thấp rõ ràng là một hướng đi đúng của điện thoại Việt. Tuy nhiên, hướng đi này chỉ mang tính chất nhất thời, khi các "đại gia" đang mải cạnh tranh nhau, nhưng khi "đấu đá" chán chê, họ lại quay sang thị trường này thì liệu còn đâu chỗ đứng cho các sản phẩm đến từ Việt Nam?

Thị phần dành cho điện thoại Việt sẽ bị cạnh tranh mạnh trong thời gian tới  

Còn nhớ vào cuối năm 2005, GCC, một doanh nghiệp sản xuất laptop Việt, tung ra thị trường mẫu laptop trang bị bộ xử lý Celeron 1,5 Ghz với giá rẻ "giật mình" vào thời điểm đó là 699 USD. Tuy nhiên, đúng một tuần sau đó, "đại gia" laptop Acer đã tung cú đòn phản công với sản phẩm có cấu hình tương đương và cũng chỉ có giá 699 USD. Kết cục của chiêu cạnh tranh này chắc không phải nói thì ai cũng biết, laptop của GCC mau chóng rơi vào quên lãng ngay sau đó.

Nhìn vào bài học trên có thể thấy, việc chiếm lĩnh thị trường điện thoại giá rẻ của sản phẩm thương hiệu Việt sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Khi các hãng điện thoại lớn khác như Nokia, Samsung... chú ý vào thị phần này thì "đất sống" cho dế Việt sẽ là cực kì ít ỏi và thời điểm này đã sắp đến gần khi chắc chắn các "ông lớn" trên đã nhận ra tiềm năng của điện thoại giá rẻ ở Việt Nam. Đó là còn chưa kể đến mối nguy hiểm tiềm tàng đến từ các hãng Trung Quốc đang gia công điện thoại cho doanh nghiệp Việt Nam, nếu họ đổ bộ vào thị trường nước ta, chắc chắn thương hiệu Việt sẽ lép về hoàn toàn.

Ngoài đặc điểm nổi bật là mức giá rẻ thì điện thoại Việt hoàn toàn thua kém các sản phẩm cùng loại đến từ nước ngoài. Không chỉ kém bắt mắt về kiểu dáng hay mẫu mã mà ngay cả về chất lượng, điện thoại Việt cũng không thực sự làm hài lòng người dùng. Phím bấm cứng hơn, cảm ứng không mượt, quá ít ứng dụng... Đó là nhận định chung của nhiều người dùng khi mang so sánh điện thoại Việt với sản phẩm cùng loại của hãng nổi tiếng khác.

Nếu vẫn tiếp tục đi theo con đường hiện tại và quoanh quẩn bên "chiếc cối xay" như hiện nay thay vì tìm cách mở rộng thị trường sang các nước có tiềm năng như Lào, Campuchia... hay nâng cao chất lượng về thiết bị cũng như bổ xung các ứng dụng hỗ trợ... không sớm thì muộn các dự án điện thoại "made in VietNam" cũng chìm xuồng...



Từ Tâm


Bình luận
vtcnews.vn