PTT Nguyễn Thiện Nhân: Khuyến khích DN mở cơ sở đào tạo

Khoa học - Công nghệChủ Nhật, 05/12/2010 11:30:00 +07:00

(VTC News) – Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khuyến khích các doanh nghiệp tự mở trường đào tạo và xây dựng các công viên công nghệ.

(VTC News) – Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ những mong muốn đầy tâm huyết với việc phát triển công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT – TT). Một trong những mong muốn ấy là khuyến khích các doanh nghiệp tự mở trường đào tạo và xây dựng các công viên công nghệ.


2020: Mức CNTT – TT đóng góp vào GDP đạt từ 8 – 10% là khả thi

Đánh giá về mục tiêu tổng quát của đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT – TT”, Phó Thủ tướng cho rằng: CNTT – TT, đặc biệt là công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào GDP và xuất khẩu.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Nếu nói là 100% được như mong muốn thì chưa thể nhưng chúng ta đã phát triển một nền CNTT – TT từ không đến có".

"Chúng ta hãy cùng trả lời xem, hiện nay công nghiệp CNTT có phải ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội không? Nếu không có CNTT thì cơ quan Nhà nước không thể tổng hợp báo cáo, không thể giao dịch với cơ quan khác và người dân một cách nhanh chóng. Các doanh nghiệp không ứng dụng CNTT sẽ khó để phát triển.  Ngoài ra, dịch vụ nội dung số ngày càng có đóng góp tích cực đáp ứng nhu cầu của nhân dân”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Nếu nói là 100% được như mong muốn thì chưa thể nhưng chúng ta đã phát triển một nền CNTT – TT từ không đến có".

Tăng trưởng doanh thu bình quân toàn ngành công nghiệp CNTT trong giai đoạn 2001-2009 đạt 20-25%/năm, gấp 3 lần tăng trưởng bình quân GDP của cả nước. Đến cuối năm 2009, doanh thu công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số đã đạt trên 1,5 tỷ USD. Doanh thu công nghiệp phần cứng đạt trên 4,6 tỷ USD. Doanh thu dịch vụ viễn thông đạt gần 6,9 tỷ USD, đưa tổng doanh thu toàn ngành viễn thông và công nghiệp CNTT đạt trên 13 tỷ USD, gấp 15 lần so với năm 2000, đóng góp khoảng 6,7% tổng GDP của cả nước.

Như vậy CNTT – TT trở thành một ngành công nghiệp thực sự, vì chỉ trên 5% tổng GDP được coi là một nền công nghiệp rồi.

"Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn là trong thống kê không có về CNTT – TT nên thời gian tới, chúng ta cần quan tâm, thống kê chính các các chỉ số về CNTT. Vì hiện nay, vị trí CNTT – TT của Việt Nam đã đi từ không thành có”.

Bên cạnh việc nêu rõ vai trò, sự phát triển đáng nể của CNTT –TT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu rõ những hạn chế như, nhận thức, quan tâm về CNTT – TT còn chênh lệch, việc phát triển CNTT – TT còn tự phát, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì các dự án CNTT – TT khó thực hiện. Ví dụ như việc xây dựng các công viên phần mềm, nếu không có hỗ trợ của Nhà nước thì cũng rất khó hoàn thành.

Thứ trưởng Bộ TT - TT Nguyễn Minh Hồng cùng các đại biểu lắng nghe chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

Việc liên kết các doanh nghiệp theo chiều dọc và ngang còn hạn chế. Sản phẩm tạo thương hiệu quốc gia còn ít. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một số sản phẩm như phần mềm diệt virus BKAV, ngay khi bị virus tấn công, nhiều nước cũng muốn hỏi ý kiến ta. BKIS trở thành 1 trong 5 công ty bảo mật có uy tín thế giới.

Về phát triển công nghệ phần cứng còn lúng túng, ở Việt Nam sản phẩm của nước ngoài vẫn giữ vị trí đầu bảng.

Phó Thủ tướng cho rằng, các chính sách với CNTT – TT còn chậm ban hành. Ví dụ như chính sách cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này còn chậm. Chúng ta có giám sát việc thực hiện nhưng lại chưa có chế tài, cơ chế chưa tạo động lực để phát triển nhanh. Ví dụ như việc ứng dụng CNTT  - TT, tỉnh làm tốt thì cũng có khen thưởng nhưng với tỉnh làm chưa tốt thì cũng không sao. Hơn thế, việc hợp tác giữa doanh nghiệp và Nhà nước chưa nhiều.

Phó Thủ tướng cho rằng: Nếu không có CNTT – TT thì GDP của chúng ta cũng không được như hiện nay. Tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm đạt từ 2 – 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trở lên, đến năm 2020, tỷ trọng CNTT – TT đóng góp vào GDP đạt từ 8 – 10%, theo tôi là khả thi. Từ chỗ chỉ có 1% vào năm 2000, lên 6,7% vào năm 2010 thì mục tiêu trên sẽ đạt được”.

Doanh nghiệp nên mở trường, mở công viên công nghệ

Về ý kiến cá nhân, Phó Thủ tướng bày tỏ, cần phải có đột phá về quản lý Nhà nước về CNTT – TT. Cần phải nhân rộng các điển hình tiên tiến quản lý Nhà nước có hiệu quả cao từ ít thành nhiều và có quy mô rộng. Như tỉnh Lào Cai, việc ứng dụng CNTT là rất rộng rãi, mỗi cán bộ cấp huyện đều có 1 máy tính. Đó là điển hình sáng khi địa phương có thu nhập bình quân thấp lại đạt được kết quả như vậy.

Công viên phần mềm mở ra sẽ tập trung được nguồn nhân lực CNTT - TT

Ông cho rằng VN cần xây dựng các công viên phần mềm, quản lý đồng bộ ở địa phương. Để thực hiện việc này, nên làm đề án riêng. Nếu xây thêm 3 – 5 cái công viên mới mà mỗi điểm tập trung khoảng 10 ngàn người làm việc thì sẽ có khoảng 30 -  50 ngàn người làm việc trong lĩnh vực này.

Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Cần có bước đột phá trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lãnh đạo doanh nghiệp đễ họ nắm vững chính sách và xây dựng doanh nghiệp thành công. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ sáp nhập để xây dựng những sản phẩm có thương hiệu quốc gia”.

Vấn đề hợp tác công tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp để chia sẻ vốn và giám sát lẫn nhau, vấn đề tạo ra một môi trường cạnh tranh, môi trường quản lý lành mạnh... cũng được Phó Thủ tướng quan tâm sâu sát.

Đào tạo nhân lực CNTT cũng được Phó Thủ tướng chú trọng đề cập.

Về phát triển các cơ sở đào tạo, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính các doanh nghiệp nên phát triển cơ sở đào tạo để đáp ứng nhu cầu của mình đồng thời cung cấp cho thị trường. Nhà nước cần hỗ trợ và nhân rộng các mô hình tốt. Vì vậy, cần khuyến khích các doanh nghiệp thành lập trường”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gợi ý: “Sớm hình thành Hội đồng hiệu trưởng, trưởng khoa về thống nhất giáo trình giảng dạy và giảng dạy qua mạng. Nhân rộng các chương trình giảng dạy tiên tiến. Kiểm tra và cấp chứng chỉ hành nghề CNTT quốc tế”.

Ngoài ra, việc thiết lập một cổng giao tiếp giữa Bộ TT –TT với doanh nghiệp và người dân, tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, người dân 2 lần/năm để lấy ý kiến về cơ chế chính sách, hoạt động quản lý, xây dựng các chỉ số đánh giá về CNTT – TT, xếp hạng tại các địa phương cần thực hiện. Hoạt động nghiên cứu, điều tra về nhu cầu nhân lực CNTT – TT cũng rất cần thiết cũng là những vấn đề Phó Thủ tướng đề cập.

Bài, ảnh: Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn