Công ty gia đình Cường đô la dồn lực cho canh bạc cuối

Kinh tếThứ Hai, 02/09/2013 06:54:00 +07:00

Với quyết tâm sống chết cùng bất động sản, dường như công ty của gia đình Cường đô la muốn dồn hết nguồn lực tài chính để đánh canh bạc cuối cùng.

Hàng tiêu thụ chậm, lại thêm gánh nặng trả lãi vay, Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCG) đang vô cùng khốn đốn. Thế nhưng, với quyết tâm sống chết cùng bất động sản, dường như công ty này muốn dồn hết nguồn lực tài chính để đánh canh bạc cuối cùng.

Dồn lực

QCG, một doanh nghiệp ngành gỗ, đã chuyển sang lĩnh vực bất động sản vào năm 2005 với việc liên doanh thành lập Công ty Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh. Hai sản phẩm bất động sản đầu tay của Công ty là khu căn hộ cao cấp Hoàng Anh 1 và Hoàng Anh 2. Đến năm 2008, QCG bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực trồng cao su và đầu tư vào các dự án thủy điện.

Sau khi chuyển hướng, QCG đã liên tục gọi vốn để gia tăng sức mạnh tài chính. Trong năm 2010, sau những đợt tăng vốn, vốn điều lệ QCG đã tăng gần 4 lần, lên hơn 1.200 tỉ đồng. Công ty cũng đạt được mức lợi nhuận khả quan, với lợi nhuận ròng năm 2010 tăng hơn gấp đôi so với năm trước đó.

Tuy nhiên, từ năm 2011, QCG thường xuyên bị lỗ vì mảng bất động sản gặp nhiều khó khăn do thị trường ảm đạm. Tính đến cuối quý II/2013, hàng tồn kho của QCG đã lên tới gần 4.400 tỉ đồng; riêng các dự án bất động sản dang dở là trên 4.000 tỉ đồng, chiếm 60% tổng tài sản. Trong khi đó, Công ty lại phải trả lãi vay cả trăm tỉ đồng mỗi năm. Với lợi nhuận chỉ vài tỉ đồng mỗi năm, thậm chí lỗ, con số lãi vay này quả là một gánh nặng lớn đối với QCG.

Quốc cường gia lai
Với lợi nhuận chỉ vài tỉ đồng mỗi năm, thậm chí lỗ, chi phí lãi vay cả trăm tỉ đồng là gánh nặng lớn đối với QCG. Ảnh: Trường Nikon 
Số liệu thống kê năm 2011 và 2012 cho thấy có tới 60% doanh nghiệp địa ốc báo lỗ. Một số nằm im bất động, số khác đóng cửa, số còn lại cố gắng xoay sở bằng cách bán dự án, thoái vốn hoặc chuyển công năng dự án. Thế nhưng, QCG vẫn kiên trì bám bất động sản, tiếp tục dồn nguồn lực cho các dự án đang triển khai.

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2013, QCG sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho 20% còn lại của dự án Phước Kiển (quận 7, TP.HCM) và đóng tiền sử dụng đất. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, con số này dự kiến vào khoảng hơn 700 tỉ đồng cho toàn dự án.

Ở dự án Giai Việt (quận 8), QCG đang xây thô đến tầng 24 trong tổng số 30 tầng. Còn đối với dự án 24 Lê Thánh Tôn (quận 1), Detesco (quận 2) và Marina (Đà Nẵng), Công ty cũng chỉ mới xong phần móng cọc.

Cần phải bỏ thêm nhiều vốn nhưng tiền và tương đương tiền tính đến cuối quý II/2013 của QCG chỉ còn hơn 12 tỉ đồng. Trong khi đó, Công ty sẽ phải chờ đến cuối năm để có thể thu tiền từ việc bán dự án Giai Việt block B và 1/3 dự án 24 Lê Thánh Tôn.

Không chỉ vậy, hai dự án thủy điện Lagrai 2 và Ayntrung (dự kiến xây dựng trong năm nay) sẽ ngốn của QCG thêm khoảng 480 tỉ đồng nữa, theo tính toán của Tổng Giám đốc một công ty chứng khoán (không muốn nêu tên).

Rõ ràng, việc tiếp tục rót số vốn lớn vào các dự án trong khi tài chính eo hẹp là bài toán không dễ giải quyết. “QCG giống như đang đánh canh bạc cuối cùng khi dồn hết nguồn lực vào bất động sản. Nếu không thắng canh bạc này, QCG sẽ khó trụ được trên thị trường”, một nhà đầu tư cổ phiếu QCG nhận xét.

Ai cứu QCG?

Hiện nay, QCG đang tìm cách tự cứu mình. Ngoài việc chuyển trụ sở về nhà riêng của bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch QCG, để giảm chi phí, Công ty còn đặt ra mục tiêu giảm nợ vay bằng nhiều cách, trong đó có việc xin ngân hàng giảm lãi vay đối với dự án Phước Kiển, dự án có giá trị đầu tư lớn nhất của Công ty. QCG cũng bán một số dự án để có nguồn thu. Công ty đã bán được một phần dự án Giai Việt ở 2 block A và B. Dự án 24 Lê Thánh Tôn cũng đang được Ngân hàng BIDV làm thủ tục mua lại 1/3 diện tích.

QCG cũng đang thực hiện kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu hơn 600 tỉ đồng cho cổ đông. Kế hoạch chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu từ quỹ đầu tư VOF Investment Limited cũng sẽ phần nào giảm bớt gánh nặng trả nợ khi đến hạn với quỹ này.

Thế nhưng, bao nhiêu đó cũng chưa đủ giúp QCG thay đổi cục diện. Năm nay, nguồn thu của Công ty phụ thuộc các dự án đã bán, khoảng 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, nguồn tiền thu về sẽ được dùng để trả bớt nợ vay và bổ sung vốn cho các dự án đang xây dựng. Do đó, chỉ tiêu lợi nhuận và nguồn tiền mặt của QCG vẫn chưa thể khả quan trong ngắn hạn.

Theo ông Lê Quang Phúc, Thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Tư vấn Bất động sản BDSC, muốn tái cơ cấu dòng tiền, QCG phải bán bớt tài sản. Tuy nhiên, bán cho ngân hàng như bán 1/3 dự án 24 Lê Thánh Tôn cho BIDV hẳn sẽ không thu được tiền. “Đây chỉ là một hình thức cấn trừ nợ giữa ngân hàng với doanh nghiệp”, ông nói.

Hiện nay, một số nhà đầu tư muốn mua lại dự án. Trong đó, có Công ty Đất Xanh. Tuy nhiên, hầu hết các dự án được mua lại thuộc phân khúc thấp và nằm ở vùng ven thành phố. Trong khi đó, các dự án của QCG đều là dự án cao cấp.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết hoạt động chuyển nhượng dự án vẫn diễn ra trong 2 năm qua. Những dự án chuyển nhượng được là các dự án mà chủ đầu tư thiếu tiền triển khai tiếp và đã bán được một ít. Người mua là các chủ đầu tư trước đây ít đầu tư nên còn nhiều tiền mặt. Họ mua lại, đầu tư thêm, rồi bán ra với giá thấp hơn giá của chủ đầu tư cũ.

Những đơn vị mua lại dự án thời gian qua, ngoài Đất Xanh, còn có Phúc Khang, Hưng Thịnh, Hoàng Quân. Người mua, ngoài công ty có tiền, còn có các công ty bất động sản là sân sau của các ngân hàng. “Tuy nhiên, để bán được, hầu hết chủ đầu tư đều phải giảm 50-70% giá vốn”, ông Đực cho biết. Các dự án nhà giá rẻ 11-13 triệu đồng/m2 gần đây đều ra đời từ những cuộc chuyển nhượng như thế.

Theo Ngọc Dương/Nhịp Cầu đầu tư

Bình luận
vtcnews.vn