Công trường Keangnam: Tai nạn là thường?!

Ống kính bạn đọcThứ Tư, 24/02/2010 06:57:00 +07:00

Liệu tôi hay các cán bộ, công nhân trong Keangnam còn phải chịu nỗi lo tai nạn lao động trong bao lâu?


Khi bạn 25 tuổi bạn sẽ làm gì? Chắn chắn chúng ta ai cũng có ước mơ, hoài bão, kế hoạch. Có thể 5 năm nữa ai đó sẽ là 1 giám đốc tài chính, 1 kỹ sư tài năng, 1 nhà chính trị… và có 1 gia đình hạnh phúc. Thế nhưng đối với 1 kỹ sư của Keangnam, tất cả đã chấm dứt vào hôm qua, 22/02/2010.


Không phải là 1 bác sĩ, cũng không phải là người trong ngành y, nhưng tôi biết rằng khi bị thương thì việc cấp cứu là vô cùng quan trọng, “cứu người hơn cứu hỏa”. Vậy mà, sau khi bị 1 cột bê tông đè vào chân, mất máu, hoảng sợ, thay vì việc gọi cứu thương nhanh chóng đưa người bị nạn tới bệnh viện 198 cách đó 1km thì người ta lại gọi 1 xe taxi đưa nạn nhân đến Bệnh viện E xa hơn rất nhiều. Trong giờ cao điểm ấy từ 5h30 chiều thì liệu taxi đó sẽ đi đến bệnh viện trong bao nhiêu lâu? Tôi không biết, nhưng hiện tại tôi biết rằng người kỹ sư đó đã chết vì cấp cứu muộn và mất quá nhiều máu.


Là người cùng làm trong Keangnam, tôi hiểu anh còn nhiều dự định lắm, nhiều ước mơ lắm. Xót xa, đau đớn cho số phận của anh, tôi càng không chịu nổi thái độ chậm trễ khi cứu người bị nạn. Liệu tôi hay các cán bộ, công nhân trong Keangnam còn phải chịu nỗi lo tai nạn lao động đến bao giờ?

Nguyễn Thị Phương, [email protected]

Bình luận
vtcnews.vn