Công nhân đi vệ sinh phải có... thẻ

Kinh tếThứ Ba, 18/04/2017 11:38:00 +07:00

Tại một nhà máy lắp ráp điện thoại, công nhân được chủ nhà máy phát “thẻ vệ sinh” nhằm giới hạn thời gian nghỉ đi vệ sinh.

Công nhân đi vệ sinh phải có thẻ là một trong những thực trạng được nêu ra tại Hội thảo tập huấn Chiến dịch thanh tra lao động năm 2017 trong ngành điện tử do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng nay 18/4.

Theo các chuyên gia, mặc dù Việt Nam đã tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu trong nhiều ngành nghề khác nhau trong đó có lĩnh vực điện tử. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất phần lớn vẫn chỉ giới hạn ở các công đoạn lắp ráp có giá trị gia tăng thấp, sử dụng lượng nhân công lớn với mức lương thấp và dễ dẫn tới các nguy cơ vi phạm quyền và lợi ích của người lao động.

ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp điện tử vi phạm về giờ làm việc, nghỉ ngơi đối với công nhân. (Ảnh minh họa) 

Thời giờ làm việc, nghỉ ngơi là một trong những vấn đề các doanh nghiệp điện tử ở Việt Nam có nhiều vi phạm. Các doanh nghiệp thường không tuân thủ về thời gian làm thêm giờ do thực tế sản xuất theo đơn hàng của nhà máy hoặc do áp lực của các bên liên quan.

Khảo sát 17 doanh nghiệp điện tử cho thấy, có 2 doanh nghiệp huy động làm thêm hơn 100 giờ/tháng trong các tháng cao điểm, 2 doanh nghiệp huy động gần 60 giờ làm thêm/tháng và 1 doanh nghiệp huy động gần 50 giờ làm thêm/tháng. Trong khi quy định doanh nghiệp chỉ được huy động người lao động làm thêm không quá 30 giờ/tháng và 200 giờ/năm.

Đáng chú ý, tại các xưởng sản xuất, thời gina của công nhân được quy định nghiêm ngặt theo nhiều hình thức khác nhau. Như tại một nhà máy lắp ráp điện thoại, nhằm giới hạn thời gian nghỉ đi vệ sinh, công nhân được phát “thẻ vệ sinh”.

Mức lương trung bình chưa tính đến làm thêm giờ ở các doanh nghiệp là 3.789.000 đồng, khi làm thêm giờ người lao động được hưởng cao nhất là 9 triệu đồng. Có doanh nghiệp, 100% công nhân phải làm thêm giờ trong thời gian cao điểm của chu kỳ sản xuất.

Về tiền lương và phụ cấp, tại các nhà máy vẫn xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật lao động về tiền lương, tiền làm thêm giờ, trả tiền bảo hiểm, trả tiền khi làm việc vào ngày nghỉ phép, nghỉ lễ. Ngoài ra, doanh nghiệp còn sử dụng một số hình thức phụ cấp không bắt buộc như phụ cấp chuyên cần, chấp hành kỳ luật lao động… để kiểm soát hành vi của công nhân.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2017, Bộ phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai Chiến dịch thanh tra lao động trong ngành điện tử với chủ đề "Tuân thủ pháp luật lao động vì sự phát triển bền vững doanh nghiệp điện tử". Chiến dịch sẽ diễn ra từ tháng 3 đến hết tháng 11/2017.

Video: Doanh nghiệp nợ lương trường kỳ, 3.700 công nhân điêu đứng

(Nguồn: An ninh Thủ đô )
Bình luận
vtcnews.vn