Công nghệ tinh chế và sản xuất titan từ sa khoáng ven biển Việt Nam

Sản phẩmThứ Sáu, 30/06/2017 17:30:00 +07:00

Vừa qua, nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Phan Đình Tuấn, Trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài mang tên “Nghiên cứu công nghệ sản xuất và tinh chế TiCl4 từ sa khoáng ven biển Việt Nam và chế tạo bột TiO2”.

anh3

Khai thác titan tại Việt Nam 

PGS.TS Phan Đình Tuấn cho biết, titan là kim loại quý hiếm, có các tính năng ưu việt so với các kim loại khác như nhẹ, chịu nhiệt, ít ăn mòn hóa học, độ cứng cao nhưng vẫn giữ độ dẻo khá. Những chi tiết, thiết bị chế tạo bằng titan đáp ứng mọi yêu cầu trong công nghiệp dân dụng, hàng không, vũ trụ. Tiềm năng cho ngành khai thác, chế biến titan ở Việt Nam cao bởi vùng nguyên liệu dồi dào, trữ lượng tại các mỏ titan ở khu vực miền Trung khá lớn.

Trải qua 2 năm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả khả quan: nghiên cứu và vận hành ổn định quy trình công nghệ sản xuất và tinh chế TiCl4 từ xỉ titan và tinh quặng rutil, công suất 1L/h (TiCl4), nghiên cứu thành công quy trình công nghệ chế tạo bột TiO2 từ TiCl4 đạt tiêu chuẩn bột màu, xây dựng được quy trình công nghệ xử lí môi trường, đảm bảo an toàn trong quá trình chế tạo,…

Đặc biệt, những nghiên cứu này sẽ đóng góp vào công nghệ chế biến sâu quặng titan trong sa khoáng ven biển Việt Nam để sử dụng tài nguyên trong nước, nâng cao giá trị sản phẩm, thay thế hàng hoá nhập khẩu, đồng thời nghiên cứu sâu vào lĩnh vực mới là công nghệ vật liệu bột và hạt.

anh2

Thanh quặng titan đã được khai thác và tinh chế 

Được biết, việc nghiên cứu thành công công nghệ chế biến tinh quặng titan có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp các công ty, các nhà nghiên cứu làm chủ một công nghệ mới mà nước ngoài không khuyến khích xuất khẩu, dần dần làm chủ công nghệ, sản xuất thử từ quy mô PTN đến quy mô pilot và tiến tới sản xuất quy mô lớn. Các nghiên cứu trong đề tài cũng đã khẳng định khả năng làm chủ công nghệ, vật liệu và thiết bị để sẵn sang xây dựng một pilot sản xuất thử nghiệm sản phẩm TiO2 từ sa khoáng ven biển Việt Nam và các sản phẩm titan khác.

Các sản phẩm titan sản xuất từ nguyên liệu trong nước có khả năng thay thế các sản phẩm nhập ngoại, tiết kiệm ngoại tệ, đồng thời giúp cho các ngành chủ động phát triển công nghệ mới trên cơ sở ứng dụng các sản phẩm này, hình thành những ngành sản xuất mới, tạo thêm việc làm cho người lao động trong lĩnh vực công nghệ cao.

Ngoài ra, kết quả của đề tài cũng góp phần bảo đảm an toàn môi trường trong quá trình phát triển công nghệ mới, đặc biệt công nghệ có sử dụng clo là hoá chất rất độc hại và giúp tạo cơ sở công nghệ cho việc xây dựng một xưởng sản xuất pilot sản xuất thử TiO2 cũng như các sản phẩm titan khác.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn