Công nghệ E-Ink: Đối thủ xứng tầm của máy tính bảng LCD

Khoa học - Công nghệThứ Bảy, 28/05/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) – Song song với trào lưu máy tính bảng sử dụng LCD đang phát triển mạnh mẽ, công nghệ E-Ink trên các máy đọc sách cũng đang có những bước tiến lớn.

(VTC News) – Song song với trào lưu máy tính bảng sử dụng LCD đang phát triển mạnh mẽ, công nghệ E-Ink trên các máy đọc sách cũng đang có những bước tiến lớn.

Đôi nét về E-Ink

Công nghệ E-Ink là thuật ngữ chỉ loại màn hình đặc biệt do công ty E Ink Corporation, thành lập năm 1997, sản xuất dựa trên nghiên cứu của phòng thí nghiệm thuộc Học viện MIT, Hoa Kỳ. Đặc trưng của loại màn hình này là dùng tông màu xám, đen trắng, cho hình ảnh tương tự như giấy in và thường được sử dụng trong các thiết bị như máy đọc sách điện tử, một số loại điện thoại, đồng hồ…

Khác với công nghệ hiển thị thông thường, với màn hình E-ink, khi một phần tử màu được đặt tại một vị trí trên màn hình, nó sẽ gần như luôn được giữ ở đấy, và cũng không cần cung cấp điện để duy trì trạng thái đó. Điều này dẫn tới hai đặc điểm nổi bật của màn hình E-Ink: tần số refresh (làm tươi) rất thấp, và tiêu thụ điện năng rất ít.

 
Do đó màn hình E-ink luôn được quảng cáo là đỡ hại cho mắt hơn những màn hình LCD thường, cũng như thời gian sử dụng pin của chúng có thể kéo dài nhiều ngày. Tuy nhiên, cũng vì tần số refresh thấp nên màn hình E-ink khó có thể được sử dụng để trình chiếu video, cũng như các hình ảnh có màu sắc khác.

Xư hướng mới: Màn hình E-ink tích hợp cảm ứng

Tuy nhiên, không vì thế mà công nghệ này kém đi phần hấp dẫn. Bằng chứng là trong thời gian gần đây, hàng loạt các thiết bị đọc sách sử dụng công nghệ E-ink kết hợp với màn hình cảm ứng lần lượt được ra mắt, điển hình là Nook của Barnes & Noble và Kobo eReader Touch Edition.

Nook thế hệ mới của Barnes & Noble sử dụng màn hình Pearl E-Ink có tích hợp khả năng cảm ứng, một trào lưu phổ biến hiện nay, và có giá bằng đúng với đối thủ cạnh tranh truyền kiếp là Amazon Kindle 3: 139 USD (khoảng 2,9 triệu VNĐ).

Với màn hình Peral E-ink, tốc độ lật trang sẽ được tăng lên đáng kể, và bởi dùng màn hình cảm ứng nên Nook có số nút bấm ít hơn hẳn so với đối thủ Kindle 3, chỉ có 1 nút so với 38 nút của Kindle 3. Màn hình chính được thiết kế lại với danh sách đang đọc và các tựa sách đáng chú ý. Một số tính năng mới như FastPageZoom cho phép người dùng chuyển nhanh tới một trang bất kỳ, và hiển thị số trang còn lại.

Máy sử dụng hệ điều hành Android 2.1; bộ nhớ 2Gb và có thể mở rộng thêm qua khe cắm microSD, kết nối WiFi nhưng đáng buồn là không có 3G. Người dùng có thể chia sẻ các đoạn trích, cho mượn sách hay cập nhật trạng thái trên các mạng xã hội với Nook Friends, vốn đã được giới thiệu từ năm ngoái khi Nook Color ra mắt.

 

Nook mới mỏng hơn 15% và nhẹ hơn 35% so với phiên bản cũ. Thời gian sử dụng pin được nhà sản xuất quảng cáo lên tới 2 tháng. Ngay từ bây giờ, người dùng có thể đặt mua và nhận được hàng vào 10/6, hoặc có thể mua tại các cửa hàng bán lẻ như BestBuy, Walmart, Books-A-Million hay Staples với giá 139 USD.

Ngày 23/5 vừa qua, Kobo cũng giới thiệu thiết bị đọc sách điện tử Kobo eReader Touch Edition với giá 129 USD (khoảng 2,7 triệu VNĐ), trước chỉ một ngày so với Nook của Barnes & Noble. Thiết bị mới này sở hữu màn hình 6 inch, màn hình cảm ứng và rẻ hơn 10 USD so với Amazon Kindle 3.

Tương tự Nook, Kobo eReader Touch Edition cũng sử dụng màn hình công nghệ Pearl E-ink và bộ vi xử lý Freescale i.MX507 cho phép lật trang nhanh hơn. Bộ nhớ trong 1Gb, cho phép tối đa 32Gb qua khe cắm thẻ nhớ microSD, có khả năng kết nối WiFi chuẩn 802.11 b/g/n, bàn phím ảo. Hỗ trợ các định dạng ePub, PDF và các chuẩn mở khác, do đó số lượng đầu sách có thể đọc sẽ rất thoải mái.

 
Thiết kế nút điều hướng trên Kobo eReader Touch Edition có nhiều khác biệt so với phiên bản trước đó: chỉ còn duy nhất một nút nhấn nằm giữa bêndưới màn hình, các nút điều hướng khác đều nằm trên giao diện cảm ứng.

Kobo eReader Touch Edition cung cấp 2 kiểu chữ và 12 kích thước chữ, có chứa sẵn từ điển Merriam-Webster Collegiate Dictionary, phần mềm đồng bộ thư viện, các đoạn văn bản được đánh dấu nổi bật, các bookmark… với nhiều nền tảng khác nhau như điện thoại và máy tính bảng BlackBerry, Apple, Android có sử dụng phần mềm Kobo eReader.

 
Người dùng có thể đặt trước từ bây giờ tại các cửa hàng như Borders, BestBuy hay Walmart và nhận được hàng vào tháng 6 tới. Có các màu đen, bạc, xanh dương và trắng để lựa chọn.

 

E-ink vs LCD – Cuộc chiến trong tương lai

Khi mới ra mắt, công nghệ E-ink rất đắt đỏ. Một chiếc Kindle đời đầu có giá tới 400 USD, nhưng theo nhiều nhà phân tích thì Amazon hoàn toàn có thể bán Kindle 3 với giá dưới 100 USD. Đã đến lúc thiết bị đọc sách điện tử với màn hình E-ink không phải là một thử đồ xa xỉ nữa.

 
Tuy nhiên, điểm yếu của màn hình E-ink vẫn là màu sắc đơn điệu. Mặc dù công nghệ E ink màu đã được nhiều “ông lớn” như Amazon hay Sony nghiên cứu nhưng chưa có hãng nào tung ra được sản phẩm hoàn chỉnh. Cá biệt có một nhà sản xuất Trung Quốc đã giới thiệu máy đọc sách sử dụng màn hình E ink màu nhưng giá thành vẫn còn rất đắt đỏ, lên tới trên 500 USD và màu hiển thị cũng rất kém.

Trong khi đó, điểm yếu của E ink lại là thế mạnh của những máy tính bảng sử dụng màn hình LCD, tiêu biểu là iPad của Apple. Lợi thế của sản phẩm này chính là màu sắc rực rỡ, sống động, là môi trường tuyệt vời để xem phim, chơi game, hay đọc truyện tranh, tạp chí điện tử.

Như vậy, với giá thành vẫn còn khá cao và màu sắc hiển thị không mấy ấn tượng, có lẽ phải mất một thời gian nữa màn hình E ink nói chung và E Ink màu nói riêng mới có thể có chỗ đứng rộng rãi hơn trên thị trường. Từ giờ tới lúc đó, thị trường máy tính bảng sử dụng màn hình cảm ứng vẫn sẽ chứng kiến sự độc chiếm của công nghệ LCD.

Hoàng Ngọc (Tổng hợp)


Bình luận
vtcnews.vn