“Còn sức khỏe tôi sẽ còn đi tìm đồng đội tôi”

Tổng hợpThứ Năm, 16/12/2010 05:39:00 +07:00

Suốt 17 năm qua, người cựu chiến binh ấy không ngừng bền bỉ đi giúp những gia đình liệt sĩ tìm mộ người thân đã hy sinh...

Suốt 17 năm qua, người cựu chiến binh ấy không ngừng bền bỉ đi giúp những gia đình liệt sĩ tìm mộ người thân đã hy sinh, mặc dù bản thân còn chưa được các cơ quan chức năng công nhận làm “người sống”. Ông là Phạm Văn Nam, người vẫn được những thân nhân liệt sĩ thân mật gọi bằng cái tên “Nam hài cốt”.

Sự trở về của “liệt sĩ”

Năm 1973, ba lô trên vai, chàng trai 17 tuổi Phạm Văn Nam lên đường nhập ngũ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, và gia nhập đơn vị trinh sát thuộc Trung đoàn 141 sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Sau khi nước nhà thống nhất, Phạm Văn Nam lại tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.
Năm 1977, ông bị thương nặng ở đầu trong một trận đánh.

Thấy mất máu quá nhiều, huyết áp đo không được, đồng đội nghĩ ông đã tử trận nên bọc ông vào bao nilon chờ mang về tuyến sau chôn cất. Bị ngất suốt từ 9h sáng tới 9h tối, ông tỉnh dậy khi thấy quanh mình đang được bao bọc kín bởi bao nilon. Bác sĩ trạm phẫu đi kiểm tra, phát hiện thấy bọc nilon cựa quậy, biết ông còn sống, đã chuyển ông về ngay tuyến sau để điều trị. Chỉ khoảng 2 tiếng sau khi ông Nam được chuyển đi, trạm phẫu thuật đó lại bị trúng bom quân Pôn pốt, toàn bộ những người có mặt đều hy sinh, trong đó có cả đồng đội đã phát hiện ông còn sống. Khi đơn vị mới vào tiếp quản trạm phẫu, chỉ thấy bọc nilon mà đồng đội quấn cho ông trước đó với những thông tin tên tuổi, đơn vị,... Họ hoàn tất thủ tục và gửi giấy báo tử về cho gia đình ông vào năm 1978.

Nằm điều trị tại Quân y viện 175 ở Gò Vấp được 6 tháng, tuy vết thương chưa lành hẳn, nhưng ông vẫn xin quay trở lại để sát cánh cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ông Nam bị thương lần thứ hai vào năm 1979 với vết thương ở đầu và vai, và được chuyển về tuyến sau. Sức khỏe yếu dần, ông hết nằm điều dưỡng tại miền Nam lại chuyển ra các trại điều dưỡng ở miền Bắc. Năm 1991, ông trở lại quê nhà cùng người vợ, Nguyễn Hồng Khánh, trong sự ngạc nhiên của cả gia đình và hàng xóm, vì mọi người tưởng ông đã mất từ lâu.

Ông Nam xem lại những giấy tờ liên quan tới quá trình đi tìm quyền sống cho mình. 

Sau khi các vết thương đỡ nhiều, năm 1995, ông Nam bắt đầu hành trình tìm lại quyền làm “người sống”. Ông đến Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây (cũ) để trả giấy báo tử và bằng Tổ quốc ghi công. Sau đó, ông tìm đến các đồng đội cũ và các cơ quan chức năng có liên quan từ Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Tài chính, rồi năm lần bảy lượt vào Nam tìm đơn vị cũ để chứng minh cho việc mình còn sống.

15 năm đã trôi qua, những nỗ lực của ông vẫn chưa có kết quả. Các vết thương cũ vẫn hằng ngày hành hạ ông, nhưng vì "là liệt sĩ" nên ông Nam vẫn không được hưởng chế độ của nhà nước dành cho thương binh. Gần đây nhất, vào ngày 10/2/2009, Ban chỉ huy quân sự thành phố Hà Đông vẫn có giấy mời ông đến nhận Huân chương chiến công hạng Ba, nhưng ông từ chối, vì hiện tại ông vẫn là “liệt sĩ” trên giấy tờ. “Tôi cần là cần cái đúng chứ không cần cái để xoa dịu…”, ông Nam cho biết.

Hành trình đi tìm mộ hài cốt

Dù chưa được công nhận làm “người sống” nhưng ông Nam luôn cho mình là người may mắn vì được trở về với quê hương và gia đình. Biết bao đồng đội của ông đã ngã xuống, tới giờ phút này thân xác vẫn nằm lại nơi chiến trường, chưa được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Nhìn nỗi đau của những thân nhân liệt sĩ khi ngày ngày ngóng tin người thân, ông quyết định một lần nữa ba lô trên vai, quay lại các chiến trường, nơi ông và đồng đội đã một thời “đầu súng trăng treo” để tìm mộ những đồng đội mà chính tay ông đã chôn cất.

Câu chuyện bắt đầu cho hành trình đi tìm mộ của ông cũng giống như sự sắp đặt của số phận. Trong một chuyến tàu đêm về Bắc Giang dự đám cưới vào tháng 10/1993, ông tình cờ nghe được tiếng khóc của ba mẹ con hành khách trên tàu. Quay sang hỏi chuyện, ông biết ba mẹ con họ cả tháng nay đi tìm mộ người chồng, người cha mà không thấy. Sau khi nghe câu chuyện, ông Nam chợt nhận ra có rất nhiều chi tiết rất quen thuộc với bản thân mình. Ngay lúc ấy, những kỷ niệm về người đồng đội “hiền như cục đất” Phạm Đình Hòa (quê Hoành Bồ, Lê Lợi, Quảng Ninh), hy sinh năm 1975 tại Bình Phước, được tái hiện như một cuốn băng quay chậm trong đầu ông. Ông chính là người đã chôn cất và đánh dấu phần mộ của bạn. Sau đó là chuyến đi vào Bình Phước cùng gia đình ba mẹ con trở lại chiến trường xưa. Chuyến đi 11 ngày đêm ấy đã đưa liệt sĩ Phạm Đình Hòa được trở về quê hương đoàn tụ cùng vợ con, họ hàng. Đó cũng là cái mốc giúp ông thực hiện tâm niệm đi tìm mộ đồng đội của mình, sau bao năm ấp ủ.

Bức thư của một người đồng đội khi biết được việc làm cao đẹp của ông. 
Từ đó đến nay, những chuyến trở lại chiến trường xưa của ông Nam luôn nối tiếp, trung bình mỗi năm ông đi 5 - 7 chuyến, năm nhiều đi gần 20 chuyến. Sau khi nhận được thư của gia đình liệt sĩ, ông lại vào Nam khảo sát và đánh dấu trước địa hình, khi chắc chắn 90% mới dám báo gia đình họ vào cùng. Để vào được tận những nơi chôn cất đồng đội hy sinh, ông đi xe ôm vào bìa rừng, rồi tháo giày lóc cóc chống nạng đi bộ, có khi nước ngập ngang người,… Những vất vả trên đường đi không thể kể hết được, nhưng mọi khó khăn không ngăn được tinh thần thép và ý chí quyết tâm trong ông.

Với ông Nam, mỗi chuyến đi đều mang những suy tư và nỗi niềm riêng. Trước khi cho khai quật mộ, nhiều khi ông phải dặn dò và chuẩn bị tinh thần rất chu đáo cho gia đình liệt sĩ, vì nhiều khi những hình ảnh còn lại có thể làm người thân liệt sĩ bị xúc động mạnh. Trong chuyến đi suốt 45 ngày cùng 16 gia đình ở Hà Tây (cũ), Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Thái Bình để tìm mộ của 16 liệt sĩ trong chiến trường B2, B3 Tây Nguyên năm 2000, ông cùng mọi người bị kẹt mất ba ngày ở Nha Trang vì mưa lụt. Có những chuyến đi 28 tết mới được về. Ông kể chúng tôi nghe lần đi tìm mộ liệt sĩ Lại Đức Tuấn (quê Mỹ Đức, Hà Nội) mà giọng không khỏi nghẹn ngào. Nhà có 5 người con, hai người là liệt sĩ. Tuy hai anh em cùng trong một sư đoàn nhưng khi anh mất em không hay biết. Thân xác mỗi người được chôn ở một nơi, người anh Lại Đức Tuấn nằm ở chiến trường miền Đông, người em nằm lại chiến trường miền Tây. Phần mộ liệt sĩ Lại Đức Tuấn khi bới lên mới được cân nặng 1,1kg, gồm cả đất cát bọc trong túi nilon. Phần xác còn lại chỉ là một bàn chân…

Trong gần 20 năm qua, ông Nam không nhớ nổi mình đã vào Nam ra Bắc bao nhiêu lần. Đã có 236 mộ hài cốt được tìm thấy, trên gác còn hơn 20 bức thư của các gia đình thân nhân liệt sĩ đang chờ hành trình của ông. Nhiều người nghĩ ông có giác quan thứ 6 nhưng ông chỉ mỉm cười “mình đi tìm là theo cái tâm dành cho người đã khuất”. Lặn lội khắp nơi với một chữ tâm, ông chưa bao giờ nhận bất kỳ một sự cảm ơn nào về vật chất. Ông cười nói vui: “có rất nhiều gia đình “thù” tôi vì tôi không nhận những món quà cảm ơn của họ, họ “giận””.

Ngoài dành công sức cho việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, ông Nam còn đảm nhiệm công tác địa phương như tổ trưởng tổ dân phố, phó chi hội trưởng chi hội Cựu chiến binh phường, phó ban bảo vệ khu phố,… tham gia hòa giải nhiều vụ vợ chồng mâu thuẫn, giải quyết kịp thời nhiều vụ trộm cắp, tai nạn xảy ra trên địa bàn. Quán nước ven đường, ở 110 Bế Văn Đàn, Hà Đông, Hà Nội, của ông đã trở thành một địa chỉ tin cậy để giúp những thân nhân liệt sĩ tìm mộ. Thỉnh thoảng, mọi người trong phố lại thấy ông ngồi bán nước. Ông mở quán nước này không chỉ cho khuây khỏa tuổi già, mà còn để làm một “cột mốc” giúp các thân nhân liệt sĩ có thể dễ liên lạc và tìm gặp ông khi hỏi thăm đường. Với tấm lòng trăn trở khi vẫn còn những đồng đội ngã xuống mà chưa được trở về với người thân, cựu chiến binh Phạm Văn Nam cho biết, ngày nào còn sức khỏe, ông sẽ còn quay trở lại các chiến trường để tìm và đưa hài cốt đồng đội trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Theo báo GD & TĐ 

Bình luận
vtcnews.vn