Con người đang gián tiếp ăn nhựa thải trên đại dương

Kinh tếThứ Tư, 11/02/2015 04:19:00 +07:00

270.000 tấn nhựa đang trôi nổi trên bề mặt của các đại dương và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái và chuỗi thức ăn của các loài sinh vật và con người

(VTC News) - 270.000 tấn nhựa đang trôi nổi trên bề mặt các đại dương ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái biển và chuỗi thức ăn tự nhiên, thậm chí con người cũng đang ăn nhựa thải một cách gián tiếp mà không hề hay biết.

Theo một báo cáo trên tạp chí khoa học PLoS ONE, hiện nay có 5.000 tỷ mảnh nhựa đang trôi nổi trên bề mặt của các đại dương trên thế giới. Theo ước tính lượng nhựa này có tổng trọng lượng là 270.000 tấn và có thể chất đầy hơn 38.500 xe rác cỡ lớn.


Đây là nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học về những loại chất liệu tổng hợp đang tồn tại ở đại dương và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái biển.

 Ước tính có khoảng 270.000 tấn nhựa đang trôi nổi trên bề mặt các đại dương
Tác giả chính của nghiên cứu này là Markus Eriksen tới từ Viện 5 Gyres - một tổ chức hoạt động nhằm mục đích giảm thiểu lượng nhựa đang bị thải ra ngoài đại dương hiện nay.

Để thu thập dữ liệu, các nhà nghiên cứu đã cho kéo lưới để thu gom các vật nổi nhỏ trên bề mặt của một khu vực biển mà họ lựa chọn để khảo sát. Cùng với đó, các quan sát viên trên tàu sử dụng mô hình máy tính để đếm các vật nổi lớn hơn rồi sau đó tính toán cho những vùng biển không được khảo sát.

Tuy nhiên cách nghiên cứu này chỉ đo được lượng nhựa trôi nổi trên bề mặt đại dương mà không bao gồm lượng nhựa vẫn đang nằm dưới đáy.

Một con chim biển bị chết do ăn phải quá nhiều nhựa

Theo thống kê, những mảnh nhựa có kích thước lớn hơn khoảng 8 inches (tức hơn 20 cm) chiếm khoảng 3/4 tổng lượng nhựa trong các đại dương hiện nay.

Còn đối với những mảnh nhựa nhỏ có kích thước chỉ khoảng 1/5 của 1 inch (tức khoảng 5 mm) được gom lại và cân lên sẽ có tổng trọng lượng khoảng 35.540 tấn, trong khi một nghiên cứu khác trước đây tại Tây Ban Nha cũng đã tính có khoảng 7.000 đến 35.000 tấn nhựa kích thước này đang trôi nổi trên đại dương.

Một con cá ăn phải quá nhiều mảnh nhựa nhỏ

Kara Lavender Law đến từ Hiệp Hội Giáo Dục biển ở Woods Hole, Massachusetts, người không tham gia vào nghiên cứu này đã nhận xét rằng sẽ rất khó để có thể đo lường được hết lượng nhựa trên các đại dương hiện nay, bao gồm Ấn Độ Dương, phía Nam Dương gần Nam Cực và cả khu vực Nam Đại Tây Dương.

Tuy nhiên với nghiên cứu này, các nhà khoa học có thể hiểu được tác động của rác thải không thể phân hủy tới môi trường và chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái tự nhiên như thế nào.

Kara Lavender Law đưa ra một ví dụ, rằng chúng ta có thể ăn một con cá ngừ đã nuốt một con cá đã ăn phải nhựa hoặc đã ăn một con cá khác nhỏ hơn cũng có nhựa ở trong ruột. Chưa kể nếu ta ăn phải những con cá đã bị những chất độc hại từ nhựa ngấm vào cơ thể cũng đồng nghĩa với việc ta đang đưa những chất độc đó vào cơ thể mình.


Ảnh minh họa

"Như vậy chẳng phải là tôi đang bị đầu độc khi đang ăn cá trên đĩa của mình hay sao?". Cô nói thêm: "Thực tế chúng ta đang có quá ít kiến thức về chuỗi thức ăn tự nhiên mà có thể dẫn đến những trường hợp như thế. Hơn nữa có một giả thuyết cho rằng tuy khả năng hấp thụ của nhựa vào cơ thể ở mức độ thấp nhưng lại có thể gây ra hậu quả ở cấp độ cao nếu chúng có mặt ở trong chuỗi thức ăn."

Theo thống kê của trang Clean Air, cứ mỗi phút lại có hơn 1 triệu túi nilon được con người sử dụng và sau đó chủ yếu sẽ bị thải ra biển cả và đại dương. Rác thải, phế phẩm từ nhựa như chai, lọ, túi nilon sẽ theo các dòng hải lưu chu du khắp thế giới. Chỉ tính riêng dòng hải lưu Bắc Thái Bình Dương trong 40 năm qua, lượng phế thải nhựa gia tăng tới 100 lần. 

Diệp Trang
Bình luận
vtcnews.vn