"Con mắt còn lại": "Nên gọi là lấy cảm hứng hơn là đạo"

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 13/04/2011 12:09:00 +07:00

(VTC News) – Chúng tôi đã trao đổi với trưởng Box nhạc Trịnh tại TTVNOL và một nhà nghiên cứu âm nhạc uy tín về sự tương đồng giữa Con mắt còn lại và...

(VTC News) – Trước mong muốn tìm hiểu rõ hơn về sự tương đồng giữa hai tác phẩm Con mắt còn lại của Trịnh Công Sơn (1992) và bản phối The Syncopated Clock của Gontiti (1983), chúng tôi đã trao đổi với trưởng Box nhạc Trịnh tại TTVNOL và một nhà nghiên cứu âm nhạc uy tín.

>>
Nghe các bản nhạc có liên quan

Nguyệt Ca – người đã có thời gian rất dài làm trưởng Box nhạc Trịnh tại TTVNOL và nghiên cứu khá kỹ về âm nhạc cũng như cuộc đời của Trịnh Công Sơn tỏ ra không bất ngờ về sự giống nhau của hai bản phối này. Sau khi nghe hai bản phối chúng tôi cung cấp, Nguyệt Ca chia sẻ: “Về hòa thanh thì có vài nét giống, giai điệu thì không giống. Đoạn đầu có vẻ hơi hơi na ná, nhưng càng về sau càng khác. Đoạn đầu, khoảng 2 - 3 câu nhạc đầu, có cảm giác như The Syncopated Clock có thể dùng nó làm đoạn dạo nhạc của bài Con mắt còn lại nhưng càng về sau giai điệu càng khác hẳn. Nếu nói giống, tôi chỉ thấy giống 5 nốt nhạc đầu thôi còn đoạn điệp khúc thì hoàn toàn khác. Tôi thấy chỉ có 2 câu nhạc là có hòa thanh khá giống đoạn đầu của Con mắt còn lại. Nghe lần 1 có thể thấy hơi giống nhưng nghe đến khoảng lần thứ 5 thì thấy nó đúng là không liên quan”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 

Nguyệt Ca cho biết thêm: “Ở trong Box Trịnh, chúng tôi cũng hay nói đùa là Trịnh Công Sơn đạo bài Boulevard vì 4 nốt đầu của bài Chiếc lá thu phai giống hệt 4 nốt đầu của bài Boulevard. Tuy nhiên, tôi không rõ khái niệm giống bao nhiêu % thì mới gọi là đạo nhạc nhưng nếu chỉ là vài nốt nhạc hao hao giống thì chắc có rất nhiều trường hợp bị gọi là "đạo nhạc”.

“Theo tôi, Trịnh Công Sơn không bao giờ nghĩ đến việc đạo nhạc vì ông ấy viết nhạc dễ dàng lắm, bản thân ông ấy là người sống phẳng lặng, ngây thơ, không bon chen tranh giành và cũng không mong danh lợi hay tiền bạc từ việc sáng tác nhạc” - Nguyệt Ca đưa ra nhận xét riêng của mình.  

Chúng tôi tiếp tục mang hai bản nhạc này để lấy ý kiến của một nhạc sĩ - nhà nghiên cứu âm nhạc (anh đề nghị được giấu tên). Nghe xong hai bản nhạc, anh khẳng định: “Đây không thể gọi là đạo nhạc được vì nó không giống hoàn toàn một câu nhạc nào cả”.

Cụ thể hơn, anh cho biết, hai ca khúc giống nhau về màu sắc giai điệu. Về chất liệu âm nhạc, nếu là trong trường nhạc hoặc trong sáng tác âm nhạc cổ điển có một dạng tác phẩm gọi là biến tấu trên chủ đề hoặc lấy cảm hứng từ một tác phẩm để viết lên một tác phẩm. Con mắt còn lại nằm ở dạng này thì đúng hơn. Tuy nhiên, nếu là dạng này thì phải ghi rõ biến tấu trên chủ đề hoặc ngẫu hứng từ tác phẩm. Còn nếu không ghi có nghĩa là hai tác phẩm độc lập và vì là hai tác phẩm độc lập mà nó lại có nét tương đồng như thế nên người ta có quyền nghi ngờ về nguồn gốc của tác phẩm ra đời sau.

Ở bài Con mắt còn lại của Trịnh Công Sơn, câu chủ đề, câu 1 là "Còn hai con mắt khóc người một con, còn hai con mắt một con khóc người". Theo bố cục âm nhạc được chia thành 2 tiết. Tiết một là "Còn hai con mắt khóc người một con". Tiết 1 này lại được chia thành 2 mô típ: một là “còn hai con mắt”, hai là "khóc người một con". Nếu nốt nhạc thì cái mô típ đầu tiên được coi là một trong hai chất liệu (chất liệu 2 là mô típ 2) dùng để phát triển cho toàn bài. Trong sáng tác âm nhạc, câu 1 quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của toàn bộ tác phẩm. Ở trường hợp này, chất liệu 1 ở "Con mắt còn lại" hoàn toàn giống với chất liệu của bài The Syncopated Clock của Leroy Anderson, Mô típ (hoặc chất liệu 1) là rê mi fa# hoàn toàn giống mô típ (hoặc chất liệu 1) là rê mi fa# (giọng rê trưởng). Bên cạnh đó, cả hai bản nhạc đều viết trên giọng trưởng có nhịp độ giống nhau, chất liệu giống nhau. Sự phát triển của giai điệu âm nhạc trong quá trình sau mô típ 1 của cả hai bài tuy có khác nhau song nó vẫn có nhiều nét tương đồng ngay cả âm khu được sử dụng trong tác phẩm của cả 2 bài cũng giống nhau.
Bản nhạc Con mắt còn lại của Trịnh Công Sơn 

Tóm lại, khi bản nhạc The Syncopated Clock do guitare thể hiện được vang lên trước người nghe nhạc Việt Nam, sẽ có rất nhiều người không biết đó là một tác phẩm nước ngoài mang tên The Syncopated Clock mà nhiều người trong tâm hồn vang lên hoặc miệng sẽ buột ra câu hát "Còn hai con mắt khóc người một con..." trong ca khúc Con mắt còn lại của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và cũng có thể mọi người sẽ nghĩ tiếng đàn đấy là của một ai đó yêu nhạc Trịnh có tâm hồn nghệ sĩ phiêu theo cảm hứng từ bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Gọi là đạo thì hơi khó nhưng gọi là lấy cảm hứng từ bản nhạc này nhưng quên không ghi rõ nguồn gốc thì hợp lý hơn. Có thể, Trịnh Công Sơn có nghe bất chợt đâu đó cái giai điệu ấy rồi bỗng nổi cảm hứng viết ca khúc này.

"Theo Hội nhạc sĩ Việt Nam thì phải giống liên tục 12 nốt liền nhau mới gọi là đạo nhạc nên cái này chưa đủ để nói tác phẩm của Trịnh Công Sơn đạo tác phẩm. Thực ra thì ở phương Tây, công chúng sẽ nghĩ khác về trường hợp này. Nhưng ở ta vì Trịnh Công Sơn là một cái tên nhạy cảm rồi nên sẽ rất ít người chấp nhận từ "đạo nhạc” – vị nhạc sĩ này kết luận.

Chúng tôi sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến của các nhà chuyên môn và những người có liên quan để gửi tới bạn đọc.

Trần Lê

>>
Nghe các bản nhạc Còn hai con mắt và The Syncopated Clock 
Bình luận
vtcnews.vn