Con đường gốm sứ Hà Nội đang bị ứng xử thiếu văn hóa

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 21/04/2011 02:15:00 +07:00

(VTC News) - Chỉ sau khi được ghi nhận kỷ lục Guinness hơn nửa năm, “bức tranh gốm sứ lớn nhất thế giới” đã bị xuất hiện nhiều vết nứt, một số chỗ bị xâm lấn.

(VTC News) - Bức tranh gốm sứ khổng lồ phô bày cả “dặm dài văn hóa Việt” - Kỷ lục Guinness thế giới hiếm hoi về văn hóa của Việt Nam đang phải chịu những ứng xử thiếu văn hóa của người dân thủ đô… 

Với chiều dài 3.850m, bắt đầu từ cửa khẩu An Dương và kết thúc tại cửa khẩu Tân Ấp trên đường Yên Phụ, đạt tổng diện tích 6.950m2  bao gồm 21 trường đoạn, con đường gốm sứ Hà Nội đã chính thức được sách kỷ lục thế giới Guinness ghi nhận là “Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới” vào ngày 05/10/2010, phá vỡ kỷ lục trước đó của một tác phẩm gốm sứ Trung Quốc ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang.

Con đường gốm sứ Hà Nội được ghi danh vào sách kỷ lục Guinness ngày 5/10/2010. 
Chỉ sau ngày được ghi nhận vào sách kỷ lục Guinness thế giới hơn nửa năm, “bức tranh gốm sứ lớn nhất thế giới” đã bị xuống cấp, xuất hiện nhiều vết nứt ngang dọc, bị biển quảng cáo xâm lấn, gây hư hại. Tại nhiều đoạn đường, các quán nước vỉa hè điềm nhiên mọc lên, tập kết hàng hóa thùng sọt, dán tờ rơi quảng cáo che khuất tranh, rất mất mỹ quan. Có đoạn người dân hóa vàng mã, đốt rác làm cháy nham nhở tranh gốm, thậm chí có kẻ còn vô tâm, vô văn hóa đến mức “tè bậy” lên cả… “dặm dài văn hóa”. 

Biển quảng cáo chễm trệ ngự trên Kỷ lục Guinness. 
Và kết quả là... 
Hành động "khó hiểu" (Ảnh: Tiền phong). 
Và đây nữa (Ảnh: Tuổi trẻ). 
Dường như ở Việt Nam, sau mỗi dịp đại lễ, các cơ quan chức năng thường có thói quen thờ ơ với di tích, công trình văn hóa. Hoặc có làm thì cũng không triệt để. Thiết nghĩ, một kỷ lục Guiness thế giới quan trọng của quốc gia mà bị “hắt hủi” như vậy thật khiến nhiều người đắng lòng. Ngay bây giờ, các cơ quan chức năng cần kịp thời tu bổ những đoạn tranh gốm bị nứt, thi hành chính sách quản lý chặt chẽ đối với các hành vi xâm lấn, vi phạm, phá hoại công trình này trên tất cả các đoạn đường. Thậm chí cũng nên lập ra một ban quản lý riêng cho cung đường để mỗi ngày có nhân viên tuần tra, bảo vệ nhằm hạn chế những hành vi gây mất mỹ quan đô thị, làm hoen ố công trình văn hóa tầm vóc này.  

Tập kết hàng hóa... 
 Đốt rác thải tới nỗi chân hạc cũng bị... cháy đen thui!
Vỉa hè đầy rác 
Một tờ rơi vừa được bóc đi vẫn còn để lại vết lem nhem. 
Xuất phát từ ý tưởng độc đáo của nhà báo, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy và phải mất gần 4 năm để hoàn thành (3/2007 – 10/2010). Công trình có sự tham gia của 20 họa sĩ Việt Nam, 15 họa sĩ quốc tế, 500 em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế, 50 sinh viên mỹ thuật, hơn 100 nghệ nhân từ nhiều làng nghề gốm nổi tiếng khắp cả nước.  

Bức tranh gốm sứ khổng lồ sau đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, phác họa lịch sử văn hóa Việt Nam, các danh lam thắng cảnh cùng những tinh hoa của các làng nghề gốm truyền thống như Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Bình Dương, Vĩnh Long, Bàu Trúc… Công trình này là một sự kiện lớn nhằm kỷ niệm thủ đô Hà Nội tròn 1000 năm tuổi.  

Vẻ đẹp mê hồn và sự lắng sâu các giá trị văn hóa, nhân văn, lịch sử, mỹ thuật… của con đường gốm sứ độc đáo này đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của bạn bè quốc tế và nhận được rất nhiều khen ngợi. 

Tại buổi lễ khánh thành công trình kỷ lục này, bà Beatriz Garcia Fernandez, đại diện Tổ chức Guinness Kỷ lục Thế giới ghi nhận: “Đây là một công trình nghệ thuật cộng đồng rất ấn tượng, bởi từ khi được khởi động vào đầu năm 2007 nó đã tập hợp được mọi người ở các hoàn cảnh khác nhau, không chỉ từ Việt Nam mà còn từ khắp nơi trên thế giới…”. 

Giáo sư sử học Lê Văn Lan hết lời ca ngợi: “Tôi cho đây là một ý tưởng hay, là một sáng kiến. Có thể nói cao hơn nữa thậm chí là một phát kiến. Chúng ta hàng ngày đi qua con đường đê xám xịt, bị thu hẹp không gian lại của xi măng vững chãi. Chỉ có chị Thu Thủy trên cái sự cứng hóa đã nảy ra ý tưởng tạo cho nó vẻ đẹp, màu sắc, hình ảnh mà lâu nay ta chẳng nhìn ra…”. 

Những lời khen ngợi chưa dứt thì những tiếng chuông cảnh báo về một vấn nạn ứng xử với công trình văn hóa của người Việt lại được gióng lên giục giã! 

Sau đây là những hình ảnh nứt vỡ, bong tróc trên Con đường gốm sứ:

 
 
 
 
 
 
 
Một mảng bị bong tróc mới được tu sửa nhưng có vẻ thiếu ăn nhập với nền tranh cũ. 

Bài, ảnh: Hoàng Nghĩa


Bình luận
vtcnews.vn