Cơm nguội bữa sáng

Tổng hợpThứ Ba, 14/05/2013 11:53:00 +07:00

Có lẽ cả thành phố này chỉ còn mẹ bữa sáng ăn cơm nguội.

      Tháng giêng là tháng ăn chơi. Câu ca xưa của ông bà xem ra giờ chẳng còn đúng với nhiều người, nhất là với vợ chồng tôi. Cứ ăn tết xong, tháng giêng là tháng chúng tôi phải lo lắng nhiều hơn, phải bươn chải hơn và… tiết kiệm hơn. Bởi tháng giêng các sinh viên sau kì nghỉ tết tới trường phải đóng tiền học phí, phải trả tiền nhà trọ, phải mua sách vở cho học kì mới…

      Nhưng sự vất vả của tôi thì không chỉ thể hiện ở tháng giêng. Con gái tôi nhận xét: Có lẽ cả thành phố này chỉ còn mẹ bữa sáng ăn cơm nguội. Người sang thì ăn phở, ăn hủ tiếu trong những tiệm quán sang trọng. Giới bình dân có thể ăn ở những quán rẻ tiền hơn. Thậm chí mấy bác thợ xây, xe ôm hay mấy bà ve chai còn có thể ăn xôi hay tô bún riêu vỉa hè. Chỉ riêng mẹ, bữa sáng chỉ là chén cơm dư và một chút đồ ăn thừa từ tối hôm trước được làm nóng lại.

 

      Thật ra, vì tôi chúa ghét mì gói nên rốt cuộc chỉ có thể ăn cơm nguội. Cũng thật ra thu nhập của gia đình tôi không đến nỗi nào. Chồng tôi lương chuyên viên. Thi thoảng anh còn có tiền nhuận bút của một bài thơ, bài báo nào đó. Tôi có lương hưu non do cơ quan giải thể và một quầy tạp hóa nhỏ nên thu nhập nếu chỉ lo cho 2 con tôi ăn học thì cũng sẽ bình thường như nhiều người khác. Vậy tại sao tôi phải sinh hoạt tiết kiệm đến như vậy? Ðơn giản là chú em chồng tôi vì sinh con một bề nên có đến 4 cô công chúa. Cô chị học dở dang rồi lấy chồng. Còn lại đều tuần tự lên lớp. Khỏi phải nói là một gia đình công chức bình thường mà nuôi ngần ấy đứa con ăn học thì cũng vất vả đến thế nào huống hồ chú thím ấy chỉ là nông dân “rặc” ở một vùng quê nghèo đất ruộng ít và hầu như không có nghề phụ như quê tôi.

Vậy là ngay từ khi con bé thứ 2 đậu đại học Ðà Nẵng, chồng tôi đã phải gửi tiền đều đặn nuôi cháu. Năm tiếp theo, con thứ ba đậu ÐH sư phạm Vinh thì lương chồng tôi phải sẻ làm 3 phần. Phần còn lại chỉ đủ cho anh giải quyết nhu cầu hiếu hỉ và sinh hoạt cá nhân một cách tằn tiện trong tháng. Còn tôi phải lo tất cả chi tiêu cho cả nhà và tiền học cho 2 con tôi. Bố mẹ chúng đáng lẽ gánh trách nhiệm chính nuôi con thì với thu nhập ít ỏi chỉ đảm nhiệm vai trò phụ. Mùa thu năm ngoái, đang mừng vì con bé thứ 2 tốt nghiệp ra trường thì nhận thư con út rụt rè báo tin đậu ÐH Huế kèm theo nỗi băn khoăn lo lắng. Tôi phải viết thư trấn an cháu và gửi ngay tiền trường đầu năm để cháu an tâm nhập học.

     Tôi nói với chồng: Mỗi đứa chỉ học ÐH  4 năm chứ đâu học cả đời. Mình ráng một chút là chúng thay đổi được số phận. Các cháu cũng biết 2 bác phải hi sinh nhiều, cũng muốn tự túc lấy một phần tiền sinh hoạt nhưng ngặt nỗi mấy trường đó đều đóng xa trung tâm thành phố nên kiếm việc làm thêm không dễ. Tôi động viên các cháu cứ yên tâm học, bác tiết kiệm tối đa chi tiêu gia đình có vẻ dễ hơn bắt chúng phải bươn chải, rồi sợ ảnh hưởng đến kết quả học.

 

      Thế là tôi cố gắng cắt giảm mọi chi phí của bản thân và gia đình. Việc ăn cơm nguội buổi sáng để đỡ tiền quà cũng bắt đầu từ đó. Không phải chỉ thi thoảng mà gần như là đều đặn cả ba mươi ngày mỗi tháng. Không những thế, là đàn bà nhưng mọi thứ gọi là xa xỉ tôi đều tiết chế sắm sanh như mĩ phẩm, quần áo, giày dép…

      Sự cần kiệm của tôi có ảnh hưởng lớn đến con cái. Con gái tôi đang học ÐH cũng sinh hoạt rất dè xẻn, giản dị. Thâm chí cháu còn chịu khó nhặt nhạnh áo quần bạn thải ra gửi về cho các em họ. Nhiều lúc thiếu thốn, phải đi vay đầu nọ đập đầu kia, bạn bè tôi có đứa ái ngại: Sao số mày lại long đong thế không biết. Quả thật nhiều lúc tôi cũng cám cảnh cho mình. Tuy nhiên lòng tôi dịu lại khi đọc thư các cháu. Con Ba viết: Nếu trên thế gian này chỉ còn lại 2 người tốt thì đó là bác và mẹ cháu. Cháu không biết phải cố gắng thế nào để đáp đền lại sự hi sinh của 2 bác. Con Út thật thà: Mỗi lần cầm trên tay tiền bác gửi cháu chỉ muốn khóc. Cháu hứa sẽ luôn sống xứng đáng …

      Vâng, tất cả mọi cố gắng của vợ chồng tôi cũng chỉ mong được như thế. Người ta thường nói: Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó. Nếu các con các cháu của chúng tôi sau này biết sống xứng đáng, biết hi sinh, chia sẻ với người thân và cả những người dưng khác gặp khó khăn xung quanh thì những cực khổ mà chúng tôi đang gánh chịu trở nên nhẹ nhàng hơn. Và thêm một bài học nữa: nếu không thể có thu nhập nhiều hơn, để giúp được người thì mình phải biết sống cần kiệm.

      An Việt


Bình luận
vtcnews.vn