Cố Thủ tướng Anh Churchill và cuộc di quân định mệnh

Thế giớiThứ Sáu, 27/05/2011 10:45:00 +07:00

(VTC News) - "Nếu chiến dịch này không thực hiện kịp thời thì nước Anh, một nước không còn quân đội sẽ chấm dứt sự tự do ở châu Âu".

(VTC News) - “Trận chiến nước Pháp”, hay theo cách gọi của người Đức là “Chiến dịch phía Tây – Westfeldzug”, là một chiến dịch tấn công của Quân đội Đức Quốc xã vào Pháp, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg bắt đầu từ ngày 10/5/1940, chính thức châm ngòi cho chiến sự bùng nổ tại Tây Âu trong Đệ nhị Thế chiến.

Sau khoảng hai tuần diễn ra, Quân đội Đức Quốc xã đã đánh nghi binh và lực lượng thiết giáp Đức đã tấn công mạnh về phía eo biển Manche (Pháp), cô lập chủ lực quân Đồng minh tại châu Âu. Tại thời điểm đó, Đức đã dồn quân Đồng minh đến phía Tây của bờ biển nước Pháp, lực lượng chủ yếu gồm quân viễn chinh của Anh, quân chủ lực của Pháp và Bỉ.

Nhiệm vụ đặt ra lúc này là phải giải cứu số quân này và không còn cách nào khác là di quân bằng đường biển để sang nước Anh. Vì vậy, chiến dịch Dynamo (từ 27/5 – 5/6/1940) do cố Thủ tướng Anh Winston Churchill đưa ra nhằm giải cứu quân đội viễn chinh Anh (BEF) (gồm toàn bộ quân đội trong thời bình) khỏi bị xóa sổ bởi quân Đức. Nếu chiến dịch này không thực hiện kịp thời thì nước Anh, một nước không còn quân đội sẽ chấm dứt sự tự do ở châu Âu.


Binh lính Pháp được cứu lên tàu chiến 

Khi toàn bộ thị trấn Dunkirk đã bị quân đội Đức bao vây, con đường giải cứu duy nhất chỉ có thể là vượt biển để sang nước Anh. Trong chiến dịch này, quân Anh đã phải sử dụng mọi loại phương tiện có thể, thậm chí là cả xuồng và tàu đánh cá nhỏ. Lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh và hạm đội giải cứu được huy động để hoàn thành các sứ mệnh khó khăn, trong đó có nhiệm vụ dọn mìn và thủy lôi để tiến về Dunkirk. Họ vừa làm nhiệm vụ vừa phải ứng cứu, đối phó với các cuộc đánh phá của quân Đức.

Ngày 23/5, Tướng Lord Gort, Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Anh, sau khi nhận thấy không thể hoàn thành mệnh lệnh rút quân đến Somme, đã ra lệnh rút quân khỏi Arras để tránh bị bao vây. Trong khi đó kế hoạch tạo ra một mạng lưới phòng thủ tại Somme của tướng Maxime Weygand, lúc đó là Tổng chỉ huy tối cao của quân đội Pháp, đã không thể thực hiện được.

Ngày 25/5 tại Dunkirk, Sư đoàn Thiết giáp số 1 Đức trong tư thế sẵn sàng tấn công nhưng đã phải dừng lại theo mệnh lệnh của Hitler. Nguyên do là Tư lệnh Không quân Đức, Hermann Göring, đã khẳng định với Hitler rằng, lực lượng không quân Đức có thể phong tỏa được cuộc sơ tán. Trong khi đó, Thống chế Đức Rundstedt cảnh báo rằng, các sư đoàn thiết giáp đã quá kiệt sức. Hitler đã chấp nhận đề xuất của Rundstedt bất chấp sự phản đối của các thành viên khác tại Tổng Hành dinh như Halder và Brauchitsch. Do vậy, mệnh lệnh này trở thành một trong những quyết định gây tranh cãi nhất của toàn cuộc chiến. Đây là cơ hội hiếm có cho cuộc rút lui của quân Đồng minh.

Ngày 25/5/1940, mặc dù London nhận được chỉ thị phải hợp tác với Pháp thực hiện “kế hoạch Weygand”, nhưng tướng Lord Gort đã tự quyết định đưa quân lên phía Bắc gánh chiến tuyến của quân Bỉ đang vỡ để giữ đường rút ra Dunkirk - hải cảng duy nhất chưa bị chiếm giữ. Sau đó, ông ta đã báo cáo tình hình với cố Thủ tướng Churchill và thông báo thành lập một tiền lũy xung quanh thị trấn của Dunkerque tại Pas de Calais (Phía bắc nước Pháp).

Công việc đầu tiên trong toàn bộ kế hoạch cuộc di tản mang mật mã “Chiến dịch Dynam” của BEF đã bắt đầu vào ngày 19/5, chỉ 9 ngày sau cuộc tấn công thứ nhất của quân Đức. Đô đốc Ramsay đã được giao phó nhiệm vụ tập hợp các loại tàu của thường dân để trợ giúp cho cuộc di tản này. Các sỹ quan hải quân đã bí mật đi tìm các vũng neo tàu ở London và những thành phố khác để điều động các  loại tàu nhỏ từ bờ biển chờ sẵn để chuyên chở binh lính từ ngoài vào.

Thời gian quý giá nhờ mệnh lệnh dừng tấn công của Hitler đã giúp Quân viễn chinh Anh kịp rút về Dunkirk và lập được vàng đai chặn hậu, đồng thời giúp cho Hải quân Hoàng gia Anh tập hợp đủ tàu bè và máy bay.

Tàu đánh cá của Anh tại Dunkerque 

Chiến dịch giải cứu bắt đầu từ ngày 26/5 đã diễn ra dưới mưa bom của Luftwaffe. Từ ngày 27 đến ngày 30/5/1940, BEF đã củng cố hợp lực quanh Dunkerque cùng với một nửa đội quân thứ nhất của Pháp. Năm sư đoàn lính Pháp triển khai thành một hàng rào chắn tại Lille, nơi mà trong 4 ngày họ đã kiên trì chống lại 7 sư đoàn lính thiết giáp của Đức. Điều này cho phép quân đội của Anh và Pháp tại Dunkerque có thể thiết lập được một vành đai phòng thủ và đợi thời cơ di quân.

Trong 9 ngày diễn ra chiến dịch, hơn 850 lượt tàu thuyền lớn nhỏ đủ loại được huy động, 224.320 binh sĩ Anh và 139.097 binh sĩ Pháp được sơ tán, với phần lớn binh sĩ Pháp được trả về miền Nam Pháp sau đó.

Quân Đồng minh đã có được một may mắn, kể cả trong hoặc ngoài dự kiến do Tổng tham mưu trưởng của quân đội Đức Quốc xã, Tướng Halder nhận được mệnh lệnh của Hitler hơi muộn. Ý định của Hitler là muốn truy sát đường rút của quân Đồng minh, buộc Anh phải ngồi vào bàn đàm phán để thương lượng. Trong một tài liệu khác cũng nêu rõ: Quân thiết giáp đóng quá xa bộ binh nên đã không kịp kết hợp với sự tác chiến của Đức. Dù trong bất kỳ trường hợp nào thì quân Đức cũng bị chậm trễ 4 ngày then chốt nhất để ngăn chặn đường rút của quân Đồng minh. Binh lính Anh bắt đầu di tản vào ngày 29/5. Có một cơn mưa rất lớn đã ập xuống bãi biển khi tốp binh sĩ đầu tiên khởi hành.

Cuộc sơ tán diễn ra không dễ dàng. Về đường không, chỉ nhờ gần căn cứ hơn mà toàn bộ các phi đội tiêm kích của Anh đã thực hiện được 2.739 lượt xuất kích so với 1.997 của Luftwaffe, thiệt hại 177 máy bay so với tổng cộng 240 máy bay Đức bị hạ trong chiến dịch, ngoài ra 89 tàu hàng bị đánh đắm, 6 tàu khu trục của Hải quân Anh và 2 khu trục của Hải quân Pháp bị chìm.

Về đường bộ, việc vua Bỉ Leopol III đầu hàng vào ngày 27/5 khiến cho Dunkirk nhanh chóng bị bao vây từ phía Bắc, phải nhờ đến tinh thần chiến đấu dũng cảm của các đơn vị chặn hậu, trong đó có 2 sư đoàn Pháp, mới giữ được thành phố và khu cảng cho đến ngày 4/6.

 
Trong khi đang tiến hành chiến dịch chuyển quân, đội phi cơ Không lực Hoàng gia Anh cũng đã giao đấu một một trận không chiến ác liệt. Có 3 tàu khu trục cùng với 21 chiến tàu loại nhỏ bị đánh chìm trong ngày 29/5. Theo kế hoạch, 48.000 binh lính đã di chuyển. Đến chiều ngày 30/5 đã có 120.000 người được giải thoát nhưng trong đó chỉ có 6.000 lính Pháp, vấn đề này đã làm cho Churchill rất lo lắng. Ông yêu cầu binh sỹ Pháp di tản nhiều hơn nữa, kể cả Lord Gort cũng cần khẩn cấp di rời. Ngày hôm sau tướng Lord Gort đã tuân lệnh khởi hành.

Ngày 1/6, Không quân Đức đã mở cuộc một công kích  khiến 31 tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh bị đánh chìm. Trong trận này có đến 132.000 quân Đồng minh xung trận nhưng vành đai phòng thủ càng ngày càng co lại. Vào đêm hôm đó lệnh rút binh được ban hành. Trong ngày 4/6, ngày cuối cùng của chiến dịch Dynamo, có khoảng 26.000 binh sỹ Pháp đã di tản đến nước Anh.

Hầu hết các các binh sỹ Pháp khác đã trở về quê hương chiến đấu nhưng chiến dịch giải cứu của BEF đã mạng lại nỗi đau mất mát quá lớn đối với nhân dân Anh. Để xoa dịu dư luận, Churchill đã diễn thuyết trước các thành viên hạ nghị viện Anh trong ngày 4/6 rằng: “Trong chiến tranh không thể chiến thắng bằng sự di tản”.

Kết thúc chiến dịch, khoảng 218.000 lính Anh, 120.000 lính Pháp và Bỉ được giải cứu, và khoảng 68.000 quân viễn chinh Anh bị thiệt mạng hoặc bị bắt làm tù binh. Tuy mức thiệt hại của quân Anh không nhỏ nhưng khí tài và quân trang có thể sản xuất lại, chiến dịch giải cứu quân lính được đánh giá là “kỳ tích” ở Dunkirk. Chính những binh sĩ sống sót là hạt nhân của lực lược đánh bại phát-xít Đức sau này.

Phương Mai(Tổng hợp)


Bình luận
vtcnews.vn