Có thể chưa điều chỉnh giá điện tự động từ 1/6

Kinh tếThứ Bảy, 23/04/2011 10:13:00 +07:00

(VTC News) - Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định: “Chưa đủ cơ sở để khẳng định từ 1/6 giá điện được điều chỉnh tự động".

(VTC News) - Tại cuộc họp báo về việc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định: “Chưa đủ cơ sở để khẳng định từ 1/6 giá điện được điều chỉnh tự động theo Quyết định 24/2011/QĐ-TTg”.

Theo Quyết định 24/2011/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quy định giá điện được điều chỉnh khi ba thông số đầu vào cơ bản quyết định giá điện có biến động lớn từ 5% trở lên thì mới xem xét điều chỉnh.

Tuy nhiên, khẳng định trong cuộc họp báo chiều 22/4, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, để quyết định giá điện từ 1/6 có thay đổi hay không còn phụ thuộc vào 2 yếu tố.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng trao đổi với báo chí  
Thứ nhất là, 3 thông số đầu vào cơ bản (tỷ giá, giá nhiên liệu và cơ cấu nguồn phát) có biến động không. Thứ hai là, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất tăng giá điện, Bộ Công Thương phải xem xét việc tăng giá điện có phù hợp không, có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô không.

Theo ông Vượng, những yếu tố này sẽ được tổng hợp từ các dữ liệu quá khứ. Ví dụ, từ ngày 1-3 Chính phủ phê duyệt giá điện mới cho năm 2011. Nếu ba thống số này thay đổi từ tháng 3 đến tháng 6 thì cuối tháng 5 sẽ rà soát, tính toán xem biến động so với giá bình quân đã xây dựng trong tháng 3. Trong trường hợp giá bình quân thay đổi trên 5%, sẽ xem xét có điều chỉnh hay không.

Để thực hiện Quyết định 24/2011/QĐ-TTg về giá bán điện theo cơ chế thị trường thì hai trong số sáu đầu việc mà Bộ Công Thương chịu trách nhiệm phải xong trước 1-6 là hướng dẫn giá bán điện chi tiết cho các nhóm khách hàng và hướng dẫn giá bán điện theo các thông số đầu vào cơ bản, nhưng đến cuối tháng 5 mới có thể ban hành và giá bán điện cũng sẽ khó có thể điều chỉnh ngay vào thời điểm này.

Về phía EVN, Phó tổng giám đốc Đinh Quang Tri cho hay chưa thể nói rõ thời điểm nào sẽ tăng giá điện do phải chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem cách tăng như thế nào mới cân nhắc thời điểm thực hiện. Ông Tri đưa ra nhận định: “1-6 không thể tăng được”.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, trước khi điều chỉnh giá điện, EVN phải báo cáo với Bộ Công Thương. Nếu sau 5 ngày không có ý kiến thì EVN được phép điều chỉnh ở mức 5%, và khi đó phải được sự thẩm định của liên bộ Tài chính-Công Thương, sau đó sẽ tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ. Nếu sau 15 ngày Thủ tướng không có ý kiến thì EVN mới được phép điều chỉnh.

 
“Chính phủ đã rất thận trọng tính toán việc đảm bảo an sinh xã hội, đưa ra các giải pháp hỗ trợ- đặc biệt dành cho nhóm người thu nhập thấp. Trong tương lai, khi giá điện ảnh hưởng lớn tới đời sống nhân dân, Chính phủ sẽ tiếp tục có giải pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất sẽ không được bù chéo nhằm buộc doanh nghiệp phải lựa chọn công nghệ tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Vượng nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, đang chuẩn bị công việc cần thiết để đúng thời điểm 1-7 sẽ vận hành thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh.

Phó TGĐ EVN Đinh Quang Tri 
Trong Quyết định 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, sẽ giao cho Bộ Tài chính chủ trì với Bộ Công Thương để thẩm định và Quỹ này hình thành từ chi phí sản xuất kinh doanh mua bán điện, cơ chế hình thành và sử dụng giá điện này sẽ được xây dựng thận trọng và lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thanh Hương, Phó Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, Quỹ bình ổn giá điện là vấn đề rất phức tạp, không như các mặt hàng khác. “Quỹ bình ổn giá điện theo quyết định của Thủ tướng sẽ huy động kinh phí từ giá bán điện, trong khi EVN còn đang “treo” tất cả các chi phí khác. Do vậy, thời gian trước mắt chưa thể đưa vào giá bán điện”, bà Hương nói.

EVN đang "treo" lỗ 8.000 tỷ đồng

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, theo tính toán của EVN thì khoản lỗ thực tế năm 2010 mà EVN đang phải gánh lên đến hơn 8.000 tỷ đồng. Khoản lỗ này vẫn “treo”, chưa được tính vào giá 2011 do phải chờ kết quả kiểm toán vào khoảng cuối tháng 5 tới. Khoản chênh lệch tỷ giá tính đến ngày 31-12-2010 lên tới 17.000 tỷ đồng cũng “treo” do Chính phủ chỉ đạo lộ trình phân bổ từng bước để giảm sức ép tăng giá điện. Ngoài ra, số vốn EVN đang đầu tư ngoài ngành chỉ có 3.000 tỷ đồng (chiếm dưới 3% tổng vốn đầu tư của Tập đoàn). Phần lớn số vốn này đang được rút lại và sẽ không đầu tư mới trong thời gian tới.

Theo ông Tri, 3 tháng đầu năm 2011, tốc độ tiêu dùng điện chỉ tăng 10% và sau khi tăng giá điện 15,8% từ tháng 3/2011, tốc độ tăng chỉ còn là 5%. Đây là tín hiệu cho thấy mọi người đã có ý thức tiết giảm tiêu dùng điện.

Nguyễn Trần




Bình luận
vtcnews.vn