Có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng?

Kinh tếChủ Nhật, 06/10/2013 03:34:00 +07:00

(VTC News) - Liệu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng có chấm dứt tình trạng vàng hóa, đô la hóa hay không,đang được các chuyên gia phân tích rất sôi nổi.

(VTC News) - Liệu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng có chấm dứt được tình trạng vàng hóa, đô la hóa hay không, hiện vẫn đang là vấn đề được các chuyên gia kinh tế phân tích rất sôi nổi.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa  có văn bản gửi Thủ tướng và các bộ ngành liên quan đề xuất “Đưa kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức vào đối tượng của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt như các mặt hàng xa xỉ”. Đề xuất này ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình và phán đối của dư luận.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong: “Đánh thuế vàng từng có tiền lệ. Nếu đánh thuế nhằm giảm nhập khẩu vàng, bớt áp lực về tỷ giá là cũng có lý một phần. Thứ nhất, đánh thuế, vàng trở thành đắt đỏ, giảm nhu cầu mua đi bán lại, giảm áp lực về ngoại tệ.

Thứ hai, buôn bán vàng có lời và chế tác tạo ra giá trị gia tăng thật nên phải thu thuế. Tuy nhiên, nếu đánh thuế, cần cân nhắc xem ngân sách thu về bao nhiêu, gây thiệt hại như thế nào đến công ăn việc làm, đặc biệt là công nghiệp chế tác xuất khẩu”.


“Nếu đã tính toán việc đánh thuế vàng như một nguồn thu không thể thiếu của ngân sách, chỉ nên đánh ở mức độ thấp nhất, dưới 5%. 
Mặt khác, nếu đánh thuế vàng, nên để Nhà nước thu trực tiếp, không nên thông qua ngân hàng, rồi để ngân hàng nộp trở lại ngân sách, tránh tình trạng ngân hàng coi đó là một phần của kinh doanh, một phần của chi phí” -  TS. Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến.
Có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng?
 
Ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính thì cho rằng:  “Việc nghiên cứu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với kinh doanh vàng miếng, thay vì duy trì chênh lệch giá trong và ngoài nước nghe ra có vẻ hợp lý về luật pháp, hiệu quả kinh tế và Ngân hàng Nhà nước ít bị điều tiếng nhưng muốn làm được điều này thì phải phân biệt rất rõ vàng là “hàng đặc biệt” hay “tiền tệ đặc biệt”.

“Nếu coi vàng là hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa đầu tư thì mới có thể đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, còn nếu coi vàng là tiền tệ thì chẳng có lý do gì để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với tiền cả!”, ông Ánh đặt vấn đề.

Theo ông, trước khi vấn đề này ngã ngũ thì nhà nước nên đánh một loại thuế, gọi là “thuế giao dịch” đối với kinh doanh vàng miếng như ở các nước vẫn tiến hành. Giả định nhà nước quy vàng là “tiền tệ đặc biệt” - Một dạng tài sản tài chính thì việc áp loại “thuế giao dịch”, ngoài việc tránh được những rắc rối, tranh cãi xung quanh thuế tiêu thụ đặc biệt như nói trên, chưa kể, còn vướng vào những cam kết khi gia nhập WTO.

Trước đó, VAFI đã đề xuất Chính phủ xem xét đưa kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức vào đối tượng của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt như các mặt hàng bia giải khát, ôtô, xe máy…, “vì bản chất của vàng miếng, vàng trang sức là hàng hóa xa xỉ cần phải thực hiện điều tiết”.

Và theo đề xuất của VAFI, để nguời dân yên tâm thì chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động mua vàng miếng, vàng nữ trang với thuế suất 20%, còn với hoạt động bán vàng cho Ngân hàng Nhà nước theo giá thế giới thì không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chỉ có duy nhất giải pháp này mới chấm dứt được tình trạng vàng hóa, đô la hóa”, văn bản của VAFI nhấn mạnh.

Cũng theo hiệp hội này, giải pháp đấu thầu vàng miếng không giải quyết được tình trạng vàng hóa đất nước và chỉ có lợi cho vài công ty kinh doanh vàng, còn đại bộ phận người mua vàng đều không hưởng lợi và ngược lại là thua lỗ lớn, thực tế trong ba năm qua đã chứng minh điều này.

“Nếu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước quan tâm tới giải pháp này thì sẽ có hàng trăm ngàn tỷ chảy vào hệ thống ngân hàng, tỷ giá ổn định vững chắc và là cơ sở quan trọng để đưa lãi suất tiền gửi VND về mức 3%/năm, đồng thời tăng thêm dự trữ ngoại hối lên 30 tỷ USD nhờ giải pháp này, đưa tổng dự trữ ngoại hối nhà nước lên 60 tỷ USD, lúc đó hình ảnh nền kinh tế Việt Nam sẽ khác hẳn so với hiện nay”, VAFI phân tích.

Minh Loan
Bình luận
vtcnews.vn