Cơ hội nào cho DN Việt khi Nhật tái thiết đất nước?

Kinh tếThứ Hai, 04/04/2011 08:13:00 +07:00

(VTC News) – Nhật Bản sẽ tái thiết lại đất nước sau động đất và song thần vừa qua, liệu đây có phải là cơ hội cho DN Việt xâm nhập thị trường khó tính này?

(VTC News) – Hầu hết các DN Việt đều cho rằng, cơ hội để thâm nhập hàng hóa Việt vào thị trường Nhật Bản khi đất nước này tái thiết lại đất nước sau động đất, sóng thần vừa qua là rất ít vì nguồn cung nội địa của thị trường này còn đáp ứng đủ nhu cầu tái thiết lại đất nước.

 

Thị trường Nhật vốn nổi tiếng là khó tính, các mặt hàng khi xuất khẩu vào đều được kiểm duyệt chặt chẽ về số lượng cũng như chất lượng. Tại thị trường này, sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào chủ yếu là lương thực- thực phẩm và đồ gốm mỹ nghệ. Trong thời gian qua, Nhật Bản chịu ảnh hưởng mạnh bởi trận động đất, sóng thần. Khó khăn đã đi qua, nước Nhật tiến hành tái thiết lại đất nước. Liệu đây có phải là cơ hội cho các các Doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu và chưa xuất khẩu vào tiếp cận và mở rộng thị trường Nhật với một số mặt hàng mới như vật liệu xây dựng, nội thất…

 

Gần đây sau vụ động đất của Nhật Bản, các Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật cũng gặp không ít thử thách (Ảnh minh họa internet)
 
 

Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ xây dựng) trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt chủ yếu xuất sang thị trường Nhật và một số nước như Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu,… các mặt hàng chiếm tỉ trọng cao như Gốm sứ xây dựng, kính xây dựng, xi măng,… trong đó gốm sứ xây dựng đi đầu trong xuất khẩu vật liệu xây dựng có mặt hơn 40 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên gần đây sau vụ động đất của Nhật Bản, các Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật cũng gặp không ít thử thách như, lượng hàng ứ đọng không xuất khẩu được cho nên nhiều khó khăn kéo theo cho doanh nghiệp.

 

Theo ông Hoàng Văn Lược, Phó tổng giám đốc công ty xi măng Nghi Sơn- Thanh Hóa cho biết: Xi măng Nghi Sơn sau 15 năm xây dựng và phát triển đã trở thành một biểu tượng hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam- Nhật Bản. Trong giai đoạn này, mặc dù biết Nhật Bản đang trong giai đoạn thiết lập lại đất nước nhưng sản phẩm của công ty ông cũng không có cơ hội xuất khẩu thêm sang Nhật. Sở dĩ có hiện tượng như vậy bởi “ Tại Nhật, công suất sản xuất xi măng của họ đạt 80 triệu tấn/ năm. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ dừng lại ở 40 triệu tấn/năm nên Nhật không có nhu cầu sử dụng thêm”.

Còn với Tập đoàn kính KaLa Hải Phòng cũng là đơn vị cung ứng nhiều các loại kính xây dựng có chất lượng và uy tín trong nước và nước ngoài nhưng để tiếp cận được thị trường Nhật là rất khó.

 

Cơ hội không nhiều cho các Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa

 

Với các Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam- đây cũng được xem là thời cơ tốt cho các công ty có niềm năng về chất lượng sản phẩm được tiếp cận thị trường Nhật Bản nhưng nó không nhiều và cơ hội không lớn. Đây cũng là nhận định của ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam.

 

Cũng theo ông Nam cho biết, việc các công ty muốn tiếp cận thị trường này, đòi hỏi phải có mặt hàng có thương hiệu với chất lượng tốt, mẫu mã bền, đẹp. Hiện nay, Nhật Bản có dự thảo Luật về sự ưu đãi đặc biệt cho các vùng bị tàn phá nên đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam tiếp cận cơ hội thị trường ở những vùng Nhật đang tái thiết lại cơ sở vật chất hạ tầng. Bởi theo ông Nam phân tích, Việt Nam số Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ chiếm 97%. Đây là lực lượng có nhiều niềm năng cho kinh tế nước nhà. Đồng thời đây cũng là tiềm lực cho các Doanh nghiệp thử sức với thị trường lớn và khó tính như Nhật Bản.

 

Đồ gỗ là mặt hàng được DN Việt đánh giá là có tiềm năng xâm nhập vào thị trường Nhật khi Nhật bắt tay tái thiết đất nước (Ảnh minh họa internet)


Về phía Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng có nhiều chính sách hỗ trợ, mở các buổi hội thảo, tư vấn cho các Doanh nghiệp có tiềm năng nhằm tìm kiếm và thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, ông Nam cũng cho biết thêm, để các Doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được với thị trường Nhật, rất cần có sự quan tâm của chính phủ cần có những kí kết hiệp định và thỏa thuận giữa hai quốc gia nhằm mở đường cho các Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường Nhật Bản. Bởi thực tế các Doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến các vấn đề này. Tuy nhiên, việc các Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam để có cơ hội đạt tới là rất hạn chế.

 

Theo ông Trịnh Xuân Hảo, Tổng giám đốc FBM WinDow và chủ tịch HĐQT ASG Group  (Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, công ty chúng tôi cũng rất quan tâm đến thị trường xuất khẩu này. Tuy nhiên để bước vào thị trường Nhật hiện nay là rất khó. Bởi chính bản thân ông vừa đi tham quan thị trường ở nước ngoài về. Ông cũng cho biết thêm, hiện nay nước Nhật dù bị thiệt hại nặng nhưng nguồn dự trữ để tái thiết đất nước còn đủ sử dụng chưa cần đến nguồn xuất khẩu của các nước nhiều.       

 

Ông Đào Xuân Lai, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu hàng hóa Việt Nam (tại Hải Phòng) cho biết, Công ty chúng tôi có hàng năm liên tục có thị trường ở các nước Châu Á nhưng trong thời điểm này, chúng tôi có tìm kiếm cơ hội để vào thị trường Nhật Bản nhưng hơi khó vì các mặt hàng vật tư hiện nay Nhật Bản chưa có nhu cầu cao. Tuy nhiên chúng tôi luôn đợi cơ hội để có thể tiếp cận thị trường này.

 

Như vậy, hiện nay tham gia vào thị trường Nhật đang là cơ hội cho tất cả các Doanh nghiệp có mặt hàng thương hiệu uy tín và đã làm quen với thị trường Nhật nhưng là khó khăn và thách thức với các Doanh nghiệp nhỏ và Vừa cùng các Doanh nghiệp chưa làm quen với thị trường Nhật Bản. Với các DN Việt đã tham gia vào thị trường này với các mặt hàng truyền thống như, may mặc, giày da, hàng lương thực- thực phẩm và gỗ hiện nay hàng hóa đã được lưu thông và xuất khẩu vào thị trường Nhật. Đây cũng hướng đi tốt cho các DN có thế mạnh những mặt hàng trên trong thời điểm này.

 

Ngọc Liên

Bình luận
vtcnews.vn