Có hay không có vắc xin lẻ để tiêm thay thế Quinvaxem?

Sức khỏeThứ Bảy, 31/10/2015 07:24:00 +07:00

Trước việc vắc xin Qunivaxem được cho là có liên quan đến 2 cái chết của trẻ gần đây, GS.TS Đặng Đức Anh cho rằng không nên bỏ tiêm vắc xin

Trước việc vắc xin Qunivaxem được cho là có liên quan đến 2 cái chết của trẻ gần đây, GS.TS Đặng Đức Anh cho rằng không nên bỏ tiêm và cũng không có đủ vắc xin lẻ để thay thế vắc xin

Vắc xin Quinvaxem được đưa vào Việt Nam từ năm 2010 và đến nay vắc xin này đã trở thành vắc xin tai tiếng nhất và gây bức xúc cho người dân ở các nơi. Nhiều bậc phụ huynh kiên quyết không cho con tiêm vắc xin này.

Từ khi được triển khai tiêm trong chương trình mở rộng, vắc xin Quinvaxem là vắc xin được nhắc đến nhiều nhất đến các bà mẹ ở vùng núi cũng biết. Vắc xin này đã được tạm dừng vào tháng 4/2013 trên toàn quốc, sau khi xảy ra liên tiếp các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm, có 43 trường hợp phản ứng sau tiêm, trong đó có 9 trường hợp được cho là có thể liên quan đến vắc xin.
Quinvaxem.

Hiện nay, nhiều bà mẹ quyết định bỏ tiêm không tiêm nữa dù đã tiêm được 1 hoặc 2 mũi trước đó. Chị Phạm Thị Hương trú tại Mỗ Lao, Hà Nội cho biết con trai gần tháng tuổi đã tiêm được 1 mũi Quinvaxem. Lần tiêm tới, chị Hương quyết định bỏ vì sợ tai biến tiếp. Trong khi đó mong chờ vắc xin tiêm dịch vụ càng trở nên khó khăn vì đến nay số lượng vắc xin về rất hạn hẹp trong khi nhu cầu sử dụng lại lớn.

Nhiều bà mẹ không ngần ngại chi cả chục triệu đồng để tiêm vắc xin 5 trong 1 trong gói dịch vụ nhưng vẫn không có vắc xin. Họ đành mang con ra phường tiêm và thường cho rằng mình đang “đánh đổi” con với vắc xin này.

Ám ảnh về vắc xin Quinvaxem khiến nhiều bà mẹ lo lắng, dư luận bức xúc. Từ năm 2013, sau khi được WHO khuyến cáo tiếp tục sử dụng vắc xin này, tại Việt Nam vẫn thường xuyên xảy ra các ca tử vong sau khi tiêm vắc xin. Dù vậy, các kết luận của hội đồng khoa học y tế đều cho rằng không liên quan đến vắc xin.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, cho biết, vắc xin Quinvaxem là vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn HiB. Đây là vắc xin nhập ngoại, được sản xuất tại Hàn Quốc do Liên minh vắc xin và tiêm chủng toàn cầu viện trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc. Vắc xin này đã được kiểm nghiệm về chất lượng, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành từng lô vắc xin trước khi đưa vào sử dụng đều được kiểm định lại.

Về phản ứng sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem, theo GS Đức Anh WHO khuyến cáo, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm chủng/1 triệu liều vắc-xin sử dụng đối với từng loại như sau: vắc-xin Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván là 20 trường hợp/1 triệu liều sử dụng, Viêm gan B từ 1-2 trường hợp/1 triệu liều, Uốn ván từ 1- 6 trường hợp/1 triệu liều.

GS Anh cho rằng việc các mẹ lo sợ phản ứng sau khi tiêm mà cho con ngưng tiêm, bỏ tiêm là điều không nên vì thời gian vàng để trẻ có thể được hấp thụ được các kháng thể là giai đoạn trẻ từ 2 đến 4 tháng tuổi.

Trước câu hỏi khi nào có vắc xin thay thế vắc xin Quinvaxem, ông Đức Anh cho biết vẫn chưa thể trả lời được vì phải có lộ trình và theo quyết định của Bộ Y tế.

Nhiều bà mẹ cho rằng có thể tiêm lẻ các vắc xin khác thay thế vắc xin 5 trong 1, ông Đức Anh cho biết hiện nay không có vắc xin lẻ phòng ho gà, bạch cầu nên các bà mẹ không thể tiêm lẻ cho con. Ông vẫn khuyên các mẹ nên cho con đi tiêm đúng khuyến cáo. Còn việc khôi phục lại vắc xin 3 trong 1 ngày trước, hiện nay vẫn chưa thể nói được gì.

Nguồn: Infonet
Bình luận
vtcnews.vn