Cô giáo tay trắng dựng trường ở xóm Đất Mũi,Cà Mau

Giáo dụcThứ Bảy, 10/11/2012 07:22:00 +07:00

(VTC News)- Những trường hợp tình nguyện như cô Nguyễn Thanh Thiêm, giáo viên mầm non ở xóm Đất Mũi (Cà Mau) chỉ là một trong 129 gương giáo viên nữ tiêu biểu.

(VTC News)- Những trường hợp tình nguyện như cô Nguyễn Thanh Thiêm, giáo viên mầm non ở xóm Đất Mũi (Cà Mau) chỉ là một trong 129 gương giáo viên nữ tiêu biểu.





129 nữ nhà giáo tiêu biểu đại diện cho khoảng 80.000 nữ nhà giáo nói chung và trên 15.000 nữ nhà giáo đang công tác tại 3.894 xã vùng cao, miền núi nói riêng đã có buổi gặp mặt thân mật.
 Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân biểu dương những đóng góp to lớn của các nữ nhà giáo đang công tác tại biên giới hải đảo, vùng cao,

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ rằng những câu chuyện, mong muốn của 129 cô giáo chỉ là bề nổi. Những hy sinh thầm lặng, những mất mát, vất vả với nghề dường như các cô vẫn chưa nói hết.

Mỗi người một hoàn cảnh và có những khó khăn, vất vả riêng, song tựu chung ở các cô đó là lòng yêu nghề, tận tâm với sự nghiệp “trồng người’.

Cô Nguyễn Thanh Thiêm vốn không phải là người Đất Mũi nhưng hiện tại là giáo viên trường mẫu giáo ở xóm Đất Mũi (Cà Mau). Cô Thiêm về xóm mũi dạy học hoàn toàn tay trắng, vận động chính quyền xã xin được 23 mét vuông mở phòng học. Cô Thiêm nhớ lại sau đó vận động được 24 trẻ tới lớp, cô mừng phát khóc.

Qua một năm với sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của chính quyền, hiện đã có 5 phòng học, 123 trẻ và 8 giáo viên.
Những câu chuyện các cô chia sẻ tại cuộc gặp mặt chỉ là 1/10 những vất vả mà các cô ngày ngày phải đối mặt

Gương của cô Võ Đặng Mỹ Hạnh, Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Đắck Lắc) cũng làm nhiều người cảm phục, cô Thành không phải người Đắck Lắc, sinh ra và lớn lên tại Huế, ở nơi có điều kiện dạy học tốt. Tuy nhiên, cô đã bỏ nơi phồn hoa mà đến với vùng khó khăn nhất với nắng và gió.

Trước tấm gương cô Phan Lệ Hằng ở Trà Vinh, dám nhận học sinh khuyết tật vào lớp của mình. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ sự cảm phục trước nghị lực của cô.

“Chính phủ có hệ số lương cho các thầy cô giáo ở lớp chuyên khuyết tật, nhưng lớp hòa nhập thì không có phụ cấp này, đấy là một điều rất vất vả, các cô rất cực”. Phó Thủ tướng xúc động nói.

Cô giáo Phạm Thị Xuân – Trường Tiểu học xã Nậm Cần, Tân Uyên, Lai Châu đã có 34 năm trong ngành giáo dục và 25 năm trực tiếp làm công tác giảng dạy học sinh tiểu học tại những địa bàn thuộc vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn với 100% học sinh là con em các dân tộc thiểu số, phần lớn gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trung tâm trường cách xa huyện lị, đường xá đi lại hiểm trở, khó khăn, lớp cô đảm nhiệm lại là một lớp có nhiều đối tượng học sinh.

Do đó để các em không bỏ học cô đã không quản ngại khó khăn, vất vả bám trường, bám lớp, đầu tư nhiều thời gian để nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em, từ đó động viên, khuyến khích các em hăng say học tập và đến lớp đầy đủ.
  Tấm gương của các cô giáo vùng sâu, vùng sa luôn là điểm sáng của ngành giáo dục nước nhà

Cô Nguyễn Thị Lan – Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Quảng Đức, Hải Hà, Quảng Ninh bộc bạch: Thực tế công tác dạy và học ở một trường vùng khó đối với mỗi thầy cô giáo không chỉ phụ thuộc vào việc dạy mà còn phục thuộc rất nhiều vào yếu tố chuyên cần của học sinh.

Cô Lan tâm sự: Việc dạy học sinh có kiến thức đã khó vì vốn tiếng Việt của các em còn rất hạn chế nhưng việc chăm nuôi và giữ các em ở lại trường còn khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Trong khi đó nhận thức của phụ huynh học sinh chưa thấu đáo, nên các em không chuyên cần, thường nghỉ học, nhất là vào mùa vụ, lễ, tết thường dẫn đến bỏ học ở các trường vùng cao. Do vậy theo cô Lan nếu giáo viên không nhiệt huyết, không yêu nghề thì không thể bám trường, bám lớp.

Cô Quản Mai Thanh – Trường mầm non Hoa Mai, Đà Bắc, Hòa Bình đã từng phải đến gia đình để vận động phụ huynh cho con em tới lớp.

Cô cũng phải đến từng xóm, từng thôn để vận động mở lớp mẫu giáo và bồi dưỡng chuyên môn cho các giáo viên khác. Với tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề cô đã vượt qua những giai đoạn khó khăn, vất vả và nay phụ huynh đã tin tưởng, gửi con em mình đến trường nhiều hơn.

Từ chỗ, trường chỉ có 1 nhóm trẻ, 2 lớp mẫu giáo và 60 học sinh khi mới thành lập, đến nay đã có tới 6 nhóm trẻ, 9 lớp mẫu giáo và 430 học sinh được phân chia độ tuổi theo quy định.


Khởi Nguyên




Bình luận
vtcnews.vn