CLB Hà Nội không bầu Kiên: Qua nổi giông gió?

Thể thaoThứ Sáu, 24/08/2012 02:43:00 +07:00

Có một cảm giác gần như là thường trực ở CLB Hà Nội, tồn tại kể từ khi còn là LG-HN-ACB, đó là sự thấp thỏm.

Có một cảm giác gần như là thường trực ở CLB Hà Nội, tồn tại kể từ khi còn là LG-HN-ACB, đó là sự thấp thỏm.

Thấp thỏm về chuyện chuyển giao, sáp nhập thay tên đổi họ. Thấp thỏm về chuyên môn khi năm nào cũng mục tiêu trụ hạng. Thế nhưng hầu hết các thành viên đều tin tưởng vào chỗ dựa vững chắc của họ: ông bầu Nguyễn Đức Kiên.

 

Câu chuyện bầu Kiên bị bắt tạm giam vì tội kinh doanh trái phép thì đội bóng thực sự bấn loạn.

CLB BĐ Hà Nội sẽ rẽ sang một lối khác sau biến cố bầu Kiên? (Ảnh: Quang Minh) 


Xuất phát tốt, nhưng...
 

Câu hỏi đặt ra là, bầu Kiên bước vào làm bóng đá từ sớm, trước cả bầu Đức, bầu Thắng nhưng tại sao chưa bao giờ các đội bóng của bầu Kiên trở thành một thế lực của bóng đá Việt.

Xuất phát điểm, bầu Kiên ở vị trí và lợi thế tốt hơn hai ông bầu trên. Nếu như những năm đầu, từ 2000 đến 2003, đội bóng của bầu Kiên còn thừa hưởng truyền thống 50 năm của CLB Đường sắt Việt Nam. Đến năm 2004 với sự sáp nhập đội HKVN, đội bóng của bầu Kiên còn có thêm cái hồn của đội CLB CAHN lừng lẫy một thời. Thế nhưng điều ấy không giúp cho CLB LG.HN.ACB thoát khỏi cảnh phải đá trận playoff với TT.Huế năm 2005 mà phải nhờ đến bàn thắng vàng của T.Lajos mới trụ hạng.

 

Nên nhớ, đó là thời điểm cực thịnh của hai đội bóng HAGL và ĐT.LA.

 

Nói bầu Kiên tiết kiệm trong cách làm bóng đá chưa chắc đã đúng.

 

Có thể kể ra thương vụ đình đám năm 2003, khi bầu Kiên săn ngôi sao người Thái là Chaiman về chơi cho LG.HN.ACB. Thời điểm ấy, mức lương cho một cầu thủ ngoại, cỡ vua phá lưới V.League như Amaobi hay Achilefu chỉ 900USD/tháng thì bầu Kiên đã dám chấp nhận bỏ ra khoản tiền 5000USD/tháng mời Chaiman về thi đấu, chưa kể khoản chuyển nhượng lên tới 65.000USD. 

 

Thế nhưng những chiếc áo mang tên Chaiman đã được in, hợp đồng được thảo chờ ký thì đúng phút 89, Chaiman quay ngoắt về thi đấu cho một đội bóng ngân hàng khác là Ngân hàng Đông Á. Đây có thể coi là một thất bại để đời và rất cay đắng với ông bầu Nguyễn Đức Kiên.

 

Một minh chứng khác, đó là việc bầu Kiên mời một huyền thoại bóng đá Hungrari- Detary về làm HLV với mức lương cao tới mức cả làng bóng đá tròn mắt thán phục.

 

Chỉ có điều, đầu tư như vậy và cũng mất nhiều tâm huyết, thứ hạng cao nhất mà đội bóng của bầu Kiên có được ở V.League chỉ là hạng 5/12 tại mùa bóng 2005. Còn lại luôn ở vị trí nhóm cuối BXH.

Từ năm 2000 đến 2003, đội bóng của bầu Kiên còn thưởng hưởng truyền thống 50 năm của CLB Đường sắt Việt Nam. Đến 2004 với việc sát nhập với Hàng không Việt Nam, đội bóng của bầu Kiên có thêm cái hồn của đội CLB Công An Hà Nội lẫy lừng một thời.  


Bất quá tam?
 

Ít nhất hai lần, đội bóng của bầu Kiên xuống hạng nhưng lại được trở lại thi đấu tại V.League nhờ phương pháp sáp nhập chuyển phiên hiệu.

 

Năm 2004, LG.HN.ACB ở lại thi đấu tại V.League nhờ lất suất của Hàng không Việt Nam.

 

Năm 2011, CLB Hà Nội ACB trụ hạng nhờ lấy suất của Hòa Phát Hà Nội.

 

Năm nay, CLB bóng đá Hà Nội trụ hạng ở vòng đấu cuối nhưng tương lai bất định.

 

Khi ông bầu Nguyễn Đức Kiên mời Lê Công Vinh về thi đấu, chắc hẳn câu chuyện không đơn giản là tiền lương hay chuyển nhượng mà có lẽ câu chuyện phải cao hơn.

 

Bây giờ chắc chắn chỉ có Công Vinh mới là người hiểu sâu sắc nhất rằng bầu Kiên đã hứa hẹn điều gì. Người ta chỉ có thể đoán, là tham vọng của bầu Kiên, muốn biến CLB bóng đá Hà Nội trở thành một thế lực thực sự ở V.League.

 

Giấc mơ của bầu Kiên và có thể là của Công Vinh có khả năng dang dở. Chưa bao giờ CLB Hà Nội mất phương hướng như lúc này. Tệ hơn, họ có thể trở thành một món hàng mà không ai muốn mua ở thời điểm này.

 

Nhưng cũng lại hơi sớm để khẳng định, hơn 10 năm gây dựng đội bóng của một ông bầu, lại có thể sụp đổ một cách nhanh chóng đến thế.


Theo Thể thao 24h

Bình luận
vtcnews.vn