Chuyện về mẹ chàng sinh viên câm điếc ở ĐH Mỹ Thuật

Tổng hợpThứ Hai, 02/08/2010 04:15:00 +07:00

Không ít lần bà Thảo gục ngã, buông xuôi, muốn bỏ con để đi đến một nơi thật xa, không còn những trận đòn kinh hoàng từ người chồng nghiện rượu...

Không ít lần bà Thảo gục ngã, buông xuôi, muốn bỏ con để đi đến một nơi thật xa, không còn những trận đòn kinh hoàng từ người chồng nghiện rượu, không còn rơi nước mắt chịu đựng nỗi đau câm lặng, tật nguyền của con. Nhưng bà không bao giờ làm được...

 Sinh viên Đoàn Phạm Khiêm và mẹ. 

Khi hay tin về chàng trai khuyết tật câm - điếc Đoàn Phạm Khiêm trở thành sinh viên câm - điếc đầu tiên của Trường đại học Mỹ Thuật TP HCM, tôi tìm đến, và trong căn nhà nhỏ chưa đến 18m2 nằm trên đường Lê Thánh Tôn, ngay chợ Bến Thành, tôi lại nghe câu chuyện về bà Phạm Cao Phương Thảo - mẹ Khiêm, người đã chịu đựng đủ những nhọc nhằn, cay đắng nuôi dạy cậu bé Khiêm trưởng thành, một câu chuyện như cổ tích...

Bà Thảo ngồi trước mặt tôi, vóc người nhỏ, nụ cười hiền, chưa đến 60 tuổi nhưng mái tóc đã bạc quá nửa. Kể về con, bà hay cười, nhưng khi nói về mình, bà lại không cầm được nước mắt...

Ngay khi bà Thảo cùng chồng về ra mắt gia đình, gia đình bà đã kịch liệt phản đối, bởi chồng bà nghèo quá, vì yêu, bà chấp nhận từ bỏ... gia đình, vì nghĩ, dù có nghèo, hai vợ chồng biết thương yêu, đùm bọc, lo lắng cho nhau là đủ. Hai người lao vào làm, tối mặt tối mày kiếm tiền tổ chức một đám cưới nho nhỏ. Ngày về làm dâu, căn phòng tân hôn chẳng có gì ngoài một manh chiếu rách, bà chẳng ta thán gì! Cuộc sống của vợ chồng bà cứ lặng lẽ trôi, nghèo nhưng thực sự hạnh phúc. Sự ra đời của cậu con trai vào năm 1982 khiến tình cảm đôi vợ chồng trẻ thêm gắn bó. Khiêm sinh ra bụ bẫm, trắng trẻo, rất đáng yêu.

Nhưng bất hạnh ập đến, Khiêm bị dịch tiêu chảy, hai vợ chồng đưa con đến bệnh viện, trong phòng điều trị có 3 đứa trẻ đều bị bệnh như nhau, 2 đứa chết, chỉ mình Khiêm được cứu sống, nhưng từ một cậu bé bụ bẫm, chỉ còn lại một thân thể còm nhom. Khi ấy, vợ chồng bà Thảo không hề biết Khiêm đã bị câm - điếc, họ vẫn mừng rỡ đưa con về nhà. Khiêm càng lớn, vợ chồng bà càng cảm thấy có gì đó không bình thường ở con mình, nó hoàn toàn vô cảm trước tiếng động và không biết nói, đến bệnh viện, lời khẳng định của bác sĩ khiến cả vợ lẫn chồng đều bật khóc: Khiêm đã bị câm - điếc hoàn toàn. Nhưng vì Khiêm không phải bị bẩm sinh, Khiêm bị khi cậu bé điều trị bệnh tiêu chảy ngày nọ, nghĩa là, Khiêm còn có thể phục hồi chức năng...

Bao nhiêu tiền của vợ chồng dành dụm được đều dồn vào chữa chạy cho Khiêm, ra Bắc, vào Nam, lên rừng, lên núi, thuốc tây, thuốc ta, kể cả thầy cúng, thầy mo... họ đều đưa Khiêm đến, hai vợ chồng làm ngày, làm đêm để có tiền lo cho con. 3 tuổi, Khiêm vẫn chỉ biết ú ớ, vô cảm với tiếng động...

Cha Khiêm vì quá buồn, quá lo lắng, ông tìm quên trong rượu, sau những cữ rượu là ông về gây sự với vợ từ những trận đòn nhẹ, rồi nặng dần trút lên người phụ nữ nhỏ bé. Không ít lần bà vào nằm viện chỉ vì những trận đòn tàn khốc của chồng. Bà Thảo cắn răng chịu đựng. Nhưng rồi một đêm, ông đi nhậu về, đánh cả bà lẫn con, khi ấy Khiêm vẫn còn rất nhỏ, thương con, bà đi đến quyết định ly hôn. Khi tỉnh rượu, nghe bà nói, ông lại lao đến ôm bà, áp đầu bà vào ngực mình xin lỗi, ông hứa sẽ không thế nữa, sẽ không để 2 mẹ con phải đau khổ, bà lại mủi lòng, lại tha thứ cho ông. Nhưng tật xấu của ông nào có bỏ, rượu làm cho ông mụ mị, hai mẹ con bà lại thay nhau chịu những trận đòn, bà uất lắm, không ít lần nằm trong bệnh viện, bà đã tính quyên sinh, nhưng Khiêm lại xuất hiện, ú ớ nắm tay bà áp vào má mình, bà chỉ biết khóc thầm, nước mắt nuốt ngược vào trong...

Mẹ chồng bà biết chuyện, thương con dâu, cháu nội, dọn đến ở với vợ chồng bà, phụ chăm sóc cho Khiêm, bà hết lời khuyên giải con trai mình, nhưng chỉ có thể khuyên giải khi ông tỉnh, khi  say đến mẹ mình ông cũng chẳng nhớ là ai. Bà Thảo nói với mẹ chồng quyết định ly hôn, mẹ chồng bà cũng không phản đối. Ly hôn, chồng bà dọn ra ngoài ở, lấy rượu làm bầu bạn, nhưng mẹ chồng bà vẫn sống với hai mẹ con bà, cho đến ngày bà qua đời...

Sau khi ly hôn, việc kiếm tiền lo cho con, chăm sóc, dạy dỗ con một tay bà gánh vác. Bà từng làm việc ở Công ty Fafilm, thông cảm với cuộc sống của hai mẹ con, cơ quan đã cho họ ở một căn phòng tập thể, bên trên một rạp chiếu bóng cũ, số 122 Lê Thánh Tôn, đối diện với cổng Nam chợ Bến Thành. Ngày ấy, để có thêm thu nhập, bà nhận làm cả chân bảo vệ cơ quan buổi tối, để Khiêm nằm ngủ kế bên rồi bán thêm thuốc lá, ngày thì đi bán dép, quần áo. Khi ấy, vào cuối những năm 80 thế kỷ XX, vẫn chưa có một trường học nào dành cho người câm - điếc.

Trong một dịp nói chuyện với một cô giáo hiểu về khuyết tật câm - điếc tại Lái Thiêu, người ta bảo, dù cậu bé có câm - điếc nhưng vẫn có thể hòa nhập cộng đồng. Tại nước ngoài, người câm - điếc đã có thể giao tiếp tốt với xã hội, nhìn đôi mắt thông minh của con, bà lại thêm hy vọng. Trở về nhà, bà cố gắng "dạy" con "nói chuyện". Đi đâu, bà cũng dẫn Khiêm theo, để Khiêm có thể nhìn, giao tiếp dù bằng ánh mắt, ra dấu với thế giới bên ngoài, để Khiêm không thụ động. Nhưng cậu bé Khiêm này lại hiếu động quá mức, cứ sểnh mắt là cu cậu lại lỉnh đi chơi, không nói được, không nghe được, không biết đường.

Có lần, cậu bé cứ đi, đi mãi rồi bị lạc. Không thấy con, bà bỏ việc, cuống cuồng đi tìm, bà đi từ phố này qua phố khác, từ quận 1, quận 3 đến quận 5, hơn một ngày trời, bà mới tìm thấy Khiêm đang nằm co ro ở cửa một trung tâm văn hóa quận, bởi nó giống cái rạp chiếu bóng mà mẹ hay làm việc, thấy con, bà muốn đến đánh cho Khiêm một trận nhớ đời, nhưng khi thấy con lấy tay xoa bụng, bà hiểu, nó đói, chắc cả ngày qua con bà vẫn không ăn gì, mà cũng không biết xin ăn người ta, bà ôm con vào lòng, bật khóc!

Đến năm 1992, ngay khi hay tin về Trường Hy Vọng I - ngôi trường dạy văn hóa cho trẻ câm - điếc, bà đưa con đến học. Cuộc sống của Khiêm bắt đầu sang một trang khác khi cậu bé được đến trường, học văn hóa và học "chuyện trò". Từ đây, mỗi ngày bà Thảo phải đến lớp học múa dấu cùng con để về nhà nói chuyện và giúp Khiêm học nhanh hơn. Bà kể: "Dạy Khiêm hiểu được một câu tục ngữ "Có chí thì nên" tôi phải mất hết 4 tiếng đồng hồ, với đủ mọi hành động, cử chỉ... Khi Khiêm hiểu được các con chữ, tôi lại mua sách báo về cho Khiêm đọc để viết được câu tốt hơn".

Theo ANTG

Bình luận
vtcnews.vn