Chuyện tử tế ở hẻm 'Ô Tiên' Sài Gòn

Thời sựThứ Bảy, 27/12/2014 12:14:00 +07:00

Chuyện tử tế ở hẻm 'Ô Tiên' Sài Gòn, từ thiện, hẻm ô tiên, sửa xe miễn phí, trà đá miễn phí,

(VTC News)- Từ trà đá, đi xe ôm, bơm vá xe hay cả những chiếc hòm dành cho người chết đều được sử dụng miễn phí trên con hẻm nhỏ 96 đường Phan Đình Phùng (P.2, Q. Phú Nhuận, TPHCM).

Con hẻm của những tấm lòng từ thiện

Chúng tôi ghé thăm hẻm 96 đường Phan Đình Phùng, nơi được người dân nghèo gọi với những cái tên thân mật 'hẻm Ô Tiên", "Ông Tiên" hay "hẻm của những tấm lòng từ thiện".
 Hẻm 96 Phan Đình Phùng nơi được người dân nghèo gọi với cái tên gần gũi hẻm Ô Tiên, hay hẻm của những tấm lòng từ thiện

Thời điểm chúng tôi có mặt cũng là lúc cái nắng đang đỏ lửa. Trên đường phố, dòng người thưa thớt, dường như ai ai cũng choáng ngợp và phải chạy trốn cái nắng.

Vừa có mặt tại con hẻm, một chiếc xe máy vụt tới, người cầm lái vội vàng tấp vào gần khu vực cột điện bên đường Phan Đình Phùng nơi có một bình trà đá. Người đàn ông mồ hôi nhễ nhại bước vội xuống xe, ghé đến cầm ly rót đầy nước trà đá mát lạnh và uống liên tục hai ly đầy. 

Video chàng trai tốt bụng  

Tiếp đó, một chị bán vé số dạo, một bác tài xế lái xe ba gác máy cũng nhanh chóng tiếp chỗ người đàn ông chạy xe máy máy. Những ly trà đá mát lạnh cứ thế được nhiều người tận hưởng trong cơn khát…

Hỏi chuyện chị bán vé số tên Nga (36 tuổi, quê Phú Yên) chị cho biết ngày nào cũng vậy, chị lang thang bán vé số dọc trên tuyến đường Phan Đình Phùng đến ngã tư Phú Nhuận. Mỗi khi khát nước chị lại quay về hẻm Ô Tiên để uống trà đá miễn phí, giải cơn khát.
Người lái xe ba gác máy đang thỏa cơn khát bên bình trà đá mát lạnh

“Mỗi lần khát khô cả cuống họng là tôi liền nghĩ đến bình trà đá ở hẻm Ô Tiên. Trà đá mát lạnh, nhờ nó mà tôi có thể tiếp tục làm việc và tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể để gửi về quê cho gia đình…”- chị Nga nói.

Chị Nga cho biết, thùng trà đá này không phải là của một người giàu có mà là của người thợ vá, sửa xe ngay đầu hẻm.

Chỉ tay về phía con hẻm, tại khu vực đặt tấm bảng có dòng chữ “Bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật” có người đàn ông đang lúi húi sửa xe cho khách, chị Nga nói: “Chú ấy là chủ nhân của bình trà đá ấm lòng cho người nghèo tụi tui đó”.

Tiếp cận người thợ sửa xe, chúng tôi được biết ông tên là ông Đỗ Văn Út (52 tuổi). Ông Út tâm sự: Trước đây ông từng có nhà cửa khang trang ở thành phố này. Tuy nhiên do kinh doanh thua lỗ phải bán nhà để cầm cố, trả nợ.

“Tôi cũng từng có thời gian nghèo khó, sống màn trời chiếu đất, thiếu thốn trong cuộc sống mưu sinh và cũng có người giúp đỡ mình. Giờ đây, khi đã qua cái thời khốn khó, có điều kiện thì tôi đã quay lại làm từ thiện. Tôi chuẩn bị bình trà đá cho những người nghèo khó có thể dùng miễn phí”, ông Út kể.
Ông Đỗ Văn Út (52 tuổi) đang châm trà cốt vào bình trà cho người đi đường uống 
“Bình nước bình dân vậy thôi chứ không chỉ có người nghèo, người tàn tật uống mà có nhiều người chạy xe tay ga cũng ghé uống lắm. Nhiều người ngại vào quán để mua một ly trà đá, hay đơn giản gấp việc nên ghé uống trà đá của tôi.

Mỗi ngày tôi phải dậy sớm nấu khoảng 50 lít nước để nguội. Sau đó, tôi làm thêm 8 lít trà cốt từ trà cám mua ở các tiệm trà. Nhiều người hảo tâm thấy việc làm của tôi không vụ lợi đã ủng hộ tôi khoản trà này. Đến sáng, tôi dọn hàng. Đi kèm máy bơm hơi, dụng cụ sửa xe là thùng trà đá”,
ông Út cười nói.

Để tiện cho việc tiếp cận và dễ nhìn thấy bình trà đá, ông Út đã đặt bình trà đá trước trụ điện trên lề đường. Khu vực kệ để bình trà đá luôn có sẵn 2 cái ly nước sạch sẽ, một thùng đựng nước dư thừa với dòng chữ “giữ gìn vệ sinh chung, xin đừng đổ ra đường…”

Không chỉ là người châm trà, trông coi bình trà đá miễn phí, ông Út còn là người chuyên vá xe miễn phí cho những người tàn tật.

“Mỗi lần tôi vá ruột xe với khoảng 10.000 đồng, tuy nhiên nếu gặp những người tàn tật, nghèo khó thì tôi không lấy”, ông Út cười nói.
Ông Nguyễn Văn Phúc (50 tuổi) hành nghề lái xe ôm từ thiện cho người tàn tật và là người đề xuất ý tưởng lập tủ thuốc từ thiện 

Cũng giống như ông Út, ông Nguyễn Văn Phúc (50 tuổi) hành nghề lái xe ôm và là người đề xuất ý tưởng lập tủ thuốc từ thiện. Trước đây, mỗi lần ra đường thấy nhiều người bị tai nạn té ngã. Có những vụ tai nạn xảy ra vào đêm khuya, nhiều người chạy đi khắp các tuyến đường để mua thuốc, băng bó vết thương cho người gặp nạn nhưng không có.

Từ đó, ông Phúc cùng với bà con trong hẻm chung tay đóng góp để lập ra tủ thuốc miễn phí ngay đầu hẻm cách đây 10 năm. Tủ thuốc nhỏ nhắn nhưng đầy đủ trong trường hợp cấp cứu thông thường và thuốc trị bệnh cảm cúm, đau bụng...

Chiếc tủ thuốc đã kịp thời giúp đỡ nhiều người bị tai nạn, được bà con nơi đây dìu vào sơ cứu trước khi đưa đến bệnh viện. "Nhiều người già neo đơn không đủ tiền mua thuốc thường ghé xin thuốc cảm cúm, dạ dày... Họ quý tủ thuốc lắm", ông Phúc nói.

Làm từ thiện để đời được thanh thản

Không chỉ là người nảy ra ý tưởng mở hộp thuốc, ông Phúc còn là người chạy xe ôm miễn phí cho người tàn tật.

Ông Phúc nói: “Tôi chạy xe ôm và gắn liền với con hẻm này đã được hơn chục năm nay. Khách tôi chở toàn là người quen. Nếu người nghèo thì tôi lấy đủ tiền chi phí xăng dầu đi lại. Còn người tàn tật thì tôi không lấy đồng nào”.

Trong lúc trò chuyện cùng ông Phúc, chúng tôi bất chợt nhìn lên vách. Một tấm panô với dòng chữ: ''cơ sở mai táng Vạn Phúc, điểm giúp hòm từ thiện, trợ táng miễn phí phục vụ 24/24 kể cả ngày lễ và chủ nhật'' đập vào mắt tôi. Tò mò, chúng tôi hỏi chuyện thì mới hay đó là tấm bảng của ông thợ bơm, vá xe cho người khuyết tật dựng lên.
Tủ thuốc từ thiện trên con hẻm Ô Tiên 

Trò chuyện tiếp với ông Út, người này kể lại: Cách đây 15 năm, mỗi lần ra đường ông chứng kiến bao nhiều cái chết thương tâm. Trong số những nạn nhân có người thân họ hàng đang sống ở TPHCM thì có nhiều trường hợp trái ngang. Những người vô gia cư hay nghèo khó đến nỗi không thể mua một cái hòm để cho người chết.

“Có lần tôi chạy xe trên đường thì chứng kiến một vụ tai nạn nghiêm trọng. Một nam thanh niên đang trùm kín, xung quanh không một người thương thích. Hỏi ra, tôi biết người này ở miền Trung, vào thành phố này mưu sinh bằng nghề lượm ve chai. Một số người thân của nạn nhân, biết tin chạy đến nhưng gia cảnh ai nấy đều nghèo khổ không kham nổi tiền mua hòm, tiền mai táng.

Chứng kiến cảnh này, ông Út chợt nhớ đến lời một người bạn mách có trại hòm Vạn Phúc chuyên làm từ thiện tặng hòm cho người nghèo nên lao đến ngay. Sau khi nghe ông Út trình bày, chủ trại hòm xuất ngay một chiếc và cho xe chở đến tận nơi.

Tuy nhiên, lòng tốt cũng giới hạn, chủ trại hòm chỉ có thể cho hòm, còn chi phí mai táng, vận chuyển về quê ông Út phải chạy vạy khắp nơi để vận động các mạnh thường quân giúp đỡ.
Tấm Pano cho quan tài của cơ sở mai táng Vạn Phúc và hình ảnh những chiếc hòm sẽ được cơ sở này cho miễn phí người nghèo, người vô gia cư khi lâm nạn 

“May thay, lần đó có một mạnh thường quân đã sẵn lòng giúp đỡ. Người thanh niên đã được hỗ trợ tất tần tật chi phí và được đưa về quê an nghỉ.”, ông Út nhớ lại.

Được biết, cách đây 3 năm ông Út mới bắt đầu treo bảng cho hòm từ thiện cùng các dịch vụ mai tang miễn phí.

“Thú thật, tôi chỉ bỏ công sức để đi vận động mạnh thường quân giúp đỡ thôi chứ không có tiền để làm từ thiện. Một ngày tôi kiếm chỉ được hơn trăm ngàn thôi”, ông Út cười và nói về công việc của mình đang làm.

Ông nói tiếp, ở đây ai cần giúp đỡ, miễn đúng là người nghèo, vô gia cư thì ông đều cho hòm miễn phí. Chi phí mai táng nếu vận động được mạnh thường quân lo hết thì tốt, còn không thì ông, trại hòm Vạn Phú chuyên làm từ thiện cho quan tài và người dân hẻm 96 sẽ quyên góp nhau trợ táng cho gia đình.

“Tôi không mưu lợi với việc làm này. Chỉ cố làm, giúp đỡ người kém may mắn hơn mình. Tôi làm từ thiện cốt để tâm hồn mình thanh thản và đem phúc đức cho con cháu sau này”, ông Út nói.

Phạm Nguyễn
>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn