Chuyện trong đêm cuối cùng viếng Đại tướng

Thời sựThứ Sáu, 11/10/2013 11:00:00 +07:00

(VTC News) - Dòng lệ tiếc nuối, ân hận vì đã không thể đến sớm hơn để viếng Đại tướng đã lăn dài trên má hàng ngàn người.

(VTC News) - Dòng lệ tiếc nuối, ân hận vì đã không thể đến sớm hơn để viếng Đại tướng đã lăn dài trên má hàng ngàn người.

Người mẹ tay cầm hoa sụt sùi bên gốc cây cổ thụ, hai đứa trẻ ngơ ngác, trách mẹ vì không đến sớm hơn để được vào viếng Cụ Giáp.

Người đàn ông lặng thinh, đôi mắt ứa lệ, nhìn xa xăm về cánh cổng sắt. Một cụ già vượt quãng đường 150km từ Thái Bình lên Hà Nội để thực hiện tâm nguyện “khóc Đại tướng tại nhà Đại tướng” vái lạy bên hàng rào sắt, đã thể không đến sớm hơn…

viếng Đại tướng
Biển người trước tư gia Đại tướng Võ Nguyên Giáp tối 10/10. Ảnh: Nguyễn Dũng

Bên cạnh bà, một cô gái đôi mươi đẫm nước mắt sau cặp kính cận ân hận vì đến giây phút cuối cùng cũng không thể vào nhà viếng Đại tướng…


Đó là những hình ảnh trong vô vàn những hình ảnh khác khi cánh cổng sắt nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp khép lại vào hồi 21h30 ngày 10/10, kết thúc 5 ngày đón hàng vạn đồng bào vào viếng.

Tối 10/10, dòng người nối từ đường Nguyễn Cảnh Chân, đi qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - đường Điện Biên Phủ đến số nhà 30 Hoàng Diệu viếng Đại tướng vẫn dài hàng km.

Bụng đã đói, chân đã mỏi… nhưng không ai nản chí, từ cụ già đến em nhỏ vẫn lê từng bước chân chậm rãi, hy vọng đến kịp để một lần vào nhà tiễn biệt vị Đại tướng của nhân dân.Đáp lại lòng mong mỏi của người dân, gia đình Đại tướng đã quyết định kéo dài thêm giờ viếng từ 18h như đã thông báo đến 21h30… Thế nhưng, dòng người, dòng nước mắt vẫn tiếp tục nối dài như vô tận.

Cánh cửa sắt của số nhà 30 Hoàng Diệu cuối cùng cũng phải khép lại, hàng trăm tình nguyện viên xiết chặt tay làm hàng rào chắn người đi về nhà Đại tướng.

đại tướng
Cánh cổng nhà Đại tướng khép lại sau 5 ngày đón khách. 
Người vào trong thấy mình may mắn, xúc động và òa khóc khi đứng trước bàn thờ Đại tướng…

Hàng ngàn người đến muộn đứng ngoài hàng rào òa khóc, hai tay chắp lên đầu vái lạy từ xa… Họ òa khóc vì đã không thể vào viếng Đại tướng… Hai dòng nước mắt đã tuôn trào trong buổi tối kết thúc thăm viếng tại căn nhà số 30 Hoàng Diệu, nơi Đại tướng ở.

Nép mình bên gốc cây cổ thụ, tay cầm nhánh hoa ly để dâng lên Đại tướng, chị Trần Thị Minh Hạnh (38 tuổi, ở phố Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân) khóc nghẹn vì 4 lần đến viếng Đại tướng thì cả 4 lần đều lỡ hoặc đã hết giờ.
viếng đại tướng
Chị Trần Thị Minh Hạnh tiếc nuối vì mình đã đến trễ. Ảnh: Nguyễn Dũng
“Lần này thì hết thật rồi, tôi đã không thể vào viếng Đại tướng được nữa rồi…” – chị Hạnh òa khóc.

Nói với phóng viên trong tiếng nấc nghẹn ngào, chị Hạnh kể rằng, dù chưa một lần được gặp gỡ nhưng trong tiềm thức, chị luôn kính trọng và yêu mến Đại tướng.

Trong gia đình, cả bố mẹ chồng đều từng công tác trong quân đội, được làm việc với Đại tướng nhưng khi hay tin Cụ mất, bố mẹ chồng do tuổi cao sức yếu nên không thể đến viếng nên nhờ các con thực hiện tâm nguyện đến viếng Đại tướng.

“Tôi vô cùng ân hận vì đã đến muộn” – Chị Hạnh giận mình. Dưới chân chị, hai đứa con nhỏ ngậm ngùi, chúng tỏ vẻ trách mẹ vì đã không thể đến sớm hơn…

Không còn được vào viếng, hàng ngàn người dân đã vây kín tuyến đường Hoàng Diệu, cố chen mình đến trước hàng rào để vái vọng, tiễn biệt vị Tướng của nhân dân. Trong lúc này, các chiến sỹ Cảnh vệ đã được cắt cử để nhận hoa của nhân dân viếng Đại tướng.

Bên hàng rào sắt, hình ảnh một cụ bà mếu máo, mắt đỏ hoe, tay chắp lên đầu vái vọng Đại tướng khiến những người chứng kiến không thể kìm được cảm xúc.
viếng đạo tướng
Bà Vũ Thị Đãi vái vọng vị Đại tướng của nhân dân vì không thể vào viếng.
Ảnh: Nguyễn Dũng

Gần 70 tuổi, bà Vũ Thị Đãi (65 tuổi, quê ở Hưng Hà, Thái Bình) sống và chứng kiến từ những ngày Đại tướng còn chiến đấu, chỉ huy quân đội giành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác. Trong trái tim bà, Đại tướng giữ một vị trí thiêng liêng nên ngày Đại tướng mất, bà quyết định đi xe khách từ Thái Bình lên để “khóc Đại tướng tại nhà Đại tướng”.

Thế nhưng, vào giây phút bà sắp thực hiện được tâm nguyện của mình thì cánh cổng sắt kia đã khép lại, nó khép lại khi bà chỉ cách đó có mấy bước chân. Giọng run run, bà nói với phóng viên rằng mình vẫn hiểu việc đóng cửa là để đảm bảo an ninh, đảm bảo sức khỏe cho thân nhân Đại tướng nhưng thực sự tiếc nuối và đau đớn…

Đứng ngay sau bà Đãi, cô gái có tên Mai Anh (sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa Hà Nội) tỏ rõ niềm ân hận vì mấy ngày qua bận học nên không thể đến viếng.
viếng đại tướng
Mai Anh tiếc nuối vì phút cuối cùng không thể vào viếng Đại tướng.
Ảnh: Nguyễn Dũng
“Hôm nào em cũng đi học về muộn, không thể đến nhưng vẫn luôn theo dõi thông tin qua báo chí, đọc xong rồi hai hàng nước mắt em chảy dài, Đại tướng trong em vĩ đại và đáng kính vô cùng. Chiều nay biết tin lịch viếng lùi lại một ngày nên em vội vàng đến xếp hàng nhưng đến phút cuối thì đã muộn màng” – Mai Anh nói khi hai dòng lệ vẫn rơi sau cặp kính cận của mình.

>> Video: Giây phút cuối cùng của Đại tướng tại Quân y viện

Chung dòng lệ tiếc nuối, người đàn ông tên Thuấn đứng lặng lẽ giữa dòng người đông đúc, anh lặng thinh, mắt nhìn chăm chăm về ngôi nhà Đại tướng mà hai hàng lệ lăn dài trên má…

Càng về khuya, dòng người tụ về số nhà 30 Hoàng Diệu càng đông đúc, dù không thể vào viếng nhưng ai cũng đứng ngay ngắn, thành tâm và hướng về Đại tướng với những gì tốt đẹp nhất.

Dắt chiếc xe đạp, thẫn thờ bước giữa phố phường đông đúc, bà Mai Thị Liên (83 tuổi, ở Mễ Trì) cảm thấy mình là số ít những người may mắn cuối cùng được vào viếng Đại tướng.
viếng đại tướng
Bà Liên thẫn thờ, day dứt với hình ảnh Đại tướng. Ảnh: Nguyễn Dũng
“Mấy ngày qua, ruột gan tôi nóng như lửa đốt vì con cái bận đi làm, không có ai đưa đi viếng Đại tướng. Nay vinh dự được vào viếng, lòng tôi nhẹ nhõm nhưng không thể nén lòng mình trước anh linh Đại tướng, hình ảnh Cụ vẫn quanh quẩn trong suy nghĩ khiến tôi cảm giác như Cụ vẫn còn đâu đây bên chúng ta” – bà Liên xúc động.

Vinh dự được viếng Đại tướng vào những giây phút cuối, ông Lê Công Trãi (80 tuổi, ở quận Thanh Xuân – người lính trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa đắng lòng khi về tiễn biệt người “Anh Cả”.

“Con cái đều bận nên mấy ngày qua không có người đưa, chiều nay tôi và bà nhà quyết tâm đến viếng, may mắn là vẫn còn kịp, tâm niệm của tôi như được toại nguyện, cầu mong cho Đại tướng an nghỉ” – ông Trãi chia sẻ.
viếng đại tướng
Người đàn ông lặng thinh, khóc nghẹn trước cổng nhà Đại tướng.
Ảnh: Nguyễn Dũng
Theo thống kê chưa đầy đủ, 5 ngày qua đã có gần 9 vạn người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại số nhà 30 Hoàng Diệu.

Liên tục trong 5 ngày phố phường đông đúc nhưng không hề lộn xộn. Trong dòng người và dòng nước mắt dài vô tận, ta bắt gặp ánh mắt yêu thương, thân ái giữa con người và con người; thấy sự trang nghiêm, thành kính của ngàn người dân đối với vị Đại tướng.

Họ, có thể là những người chưa từng quen biết đến từ khắp các địa phương trong cả nước, họ khác nhau về nghề nghiệp, tính cách, sang hèn… nhưng cùng chung một dòng nước mắt khóc thương Đại tướng của nhân dân.
viếng đại tướng
Cơm được phát miễn phí cho người dân đến viếng Đại tướng. Ảnh: Hà Minh
Đến viếng Đại tướng, người dân chia nhau ăn từng ổ bánh mì, từng giọt nước giữa trời nắng nóng, quạt mát cho nhau để tuần tự xếp hàng 5-6 tiếng đồng hồ mà không hề chen lấn, xô đẩy, tranh giành…

Quả đúng như lời nhận xét của Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc: “Cả dân tộc như đang nắm tay nhau”.





Nguyễn Dũng
Bình luận
vtcnews.vn