Chuyện tình xúc động ở Thái Bình: Nhường chồng cho… em gái

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 07/10/2015 06:48:00 +07:00

Dặn dò em gái xong, dặn dò chồng con kỹ lưỡng rằng phải đối tốt với em gái, rồi bà Rần ra đi mãi mãi.

(VTC News) - Dặn dò em gái xong, dặn dò chồng con kỹ lưỡng rằng phải đối tốt với em gái, rồi bà Rần ra đi mãi mãi.


Kỳ 2 (Kỳ cuối): Nhường chồng cho em gái

Ngày nằm trên giường chờ tử thần mang tên “K não” đưa đi, bà Vũ Thanh Rần chợt nhớ đến cô em út tên Vũ Thanh Xuân. Khi đó, bà Xuân đang ở Điện Biên.

Cuộc sống của bà Xuân cũng khốn khó, nên bao năm rồi, chị em chẳng gặp lại nhau. Rời quê từ năm 18 tuổi, lên Điện Biên theo tiếng gọi khai hoang, rồi làm việc ở nông trường trồng mía. Gắn bó với nông trường, lấy được tấm chồng, sinh được một cô con gái, thì chồng chết vì tai nạn giao thông. Số phận bà Xuân cũng cực kỳ éo le.

Ngày sắp ra đi, bà Rần nắm tay em gái dặn dò: “Các cụ có câu sảy cha theo chú, sảy mẹ bú dì. Chị cũng không sống được mấy ngày nữa. Chị em mình chẳng phải Thúy Kiều, Thúy Vân, nhưng thương chị, em cứ coi anh ấy như Kim Trọng. Chị mất thì em dọn về, thay chị chăm sóc anh ấy và các cháu. Chị có chết, cũng nhắm được mắt”.

Dặn dò em gái xong, dặn dò chồng con kỹ lưỡng rằng phải đối tốt với em gái, rồi bà Rần ra đi mãi mãi.

Suốt mấy năm trời, thương xót người vợ, ông Thuận sa sút hẳn đi. Ông khóc nhiều, không còn mắt, không có tuyến lệ, nên không có nước mắt, chỉ thấy máu tươi rỏ ra ở hốc mắt.

Bà Xuân trước di ảnh chị
Bà Xuân trước di ảnh chị 

Ông bảo: “Ngày đó, tôi đã mủi lòng để bà Rần lấy tôi. Tôi thấy mình ích kỷ quá. Dù tôi có đổ bao nhiêu máu xương ở chiến trường, thì sự hy sinh đó cũng chưa thấm vào đâu so với một đời lam lũ của bà ấy. Giờ tôi lại bắt người đàn bà nữa hy sinh vì tôi. Tôi chả biết phải làm thế nào. Tôi chỉ mong chết sớm để gặp bà Rần. Nhưng còn mấy đứa con…”.

Nghe lời trối trăng của người chị gái, bà Xuân ở lại chăm sóc anh rể và đàn con. Thể theo nguyện vọng của bà Rần, cũng như của toàn thể gia đình hai bên, bà Xuân và ông Thuận đã làm vài mâm cơm, báo cáo gia đình, tổ tiên để được làm vợ làm chồng.

Sự gắn kết của họ là bởi hai chữ trách nhiệm và tình thương, còn cái gọi là tình yêu thì chẳng biết thế nào nữa. Câu chuyện của họ, đã lấy đi bao nước mắt cảm thương của xóm làng. Chẳng ai nghĩ rằng, đó là chuyện tranh chồng đoạt vợ, mà đó là câu chuyện về tình thương, lòng nhân ái, nó vượt xa ý nghĩa nhân văn đơn thuần của cái gọi là tình yêu nam nữ rất nhiều.

Đang một mình nuôi một đứa con, dù không nhàn hạ, song cũng không đầu tắt mặt tối. Từ ngày về chăm anh rể, rồi làm mẹ của mấy đứa cháu, bà Xuân lại lặn lội thân cò như chị, lúc nào cũng chân lấm, tay bùn, quần xắn móng lợn, áo vá tả tơi.

Bà Xuân thay mẹ chăm sóc em Điệp
Bà Xuân thay mẹ chăm sóc em Điệp 

Bản tính tháo vát, chăm chỉ, nên bà Xuân cắt đặt công việc đâu ra đấy. Nhà chỉ có 4 sào ruộng, bà nhận thầu thêm 7 sào nữa. Mỗi mình cấy gặt hơn mẫu ruộng. Mỗi vụ, mỗi sào, phải trả cho người ta 50 đến 100kg tùy loại ruộng xấu, tốt.

Mặc dù thu hoạch chả được bao nhiêu thóc, nhưng vẫn phải làm mới có được miếng ăn. Thời gian rỗi rãi, bà đi làm thuê, làm mướn. Ai thuê việc gì cũng làm, kể cả phu hồ, bốc vác.

Dọc mép con đường làng, những luống rau bé xíu xanh mơn mởn đều là của bà Xuân. Có chỗ đất trống nào, bà cũng gieo hạt để có rau ăn, thừa thì đem bán, đổi mớ tép, miếng đậu.

Điều kỳ diệu là câu chuyện đặc biệt của bà, đã làm cô thôn nữ Nguyễn Thị Tâm trong xóm cảm động, coi đó là tấm gương sáng ngời về đạo lý.

Vợ chồng anh Trần Văn Tộ
Vợ chồng anh Trần Văn Tộ 

Chị Tâm thường xuyên cấy gặt đỡ đần giúp bà Xuân. Rồi những buổi tâm tình, đã khiến chị Tâm có một quyết định bất ngờ: tình nguyện làm vợ anh Tộ, chàng trai bị nhiễm chất độc da cam.

30 tuổi đầu, chị Tâm vẫn lận đận tình duyên, dù tuổi thanh xuân đã có vài mối tình dang dở. Lấy chàng trai nhiễm chất độc da cam, gia đình phản đối ghê lắm. Nhưng chị vẫn quyết tâm gắn đời mình với anh chàng “rất tồ, rất ngố, nhưng rất ngộ”. Chị đã chấp nhận tất cả, bởi trái tim chị, đã được trái tim bà Xuân soi đường, chỉ lối.

Ông trời không cướp đi của ai tất cả. Câu chuyện tình cảm động đến thương tâm đã đơm hoa kết trái khi một cậu bé ra đời và hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường, lại ngoan ngoãn, học giỏi.

Cậu con thứ Trần Văn Tiện của ông Thuận cũng được người dì, kiêm mẹ, dẫn vào tận Nghệ An hỏi vợ.

Gia đình cô công nhân Vũ Thị Nghĩa lúc đầu cũng phản đối ghê lắm. Ai biết được, cái thứ chất độc chết người kia không thức dậy vào một thế hệ nào đó.

Hiểu lòng nhà gái, trong buổi mang trầu, bà Xuân không nói những lời khách sáo, đầy đủ ý nghĩa, đúng như phong tục, mà bà kể về cuộc đời ông Thuận, cuộc đời người chị gái và tiếp đó là cuộc đời bà.

Ông Thuận và bà Xuân
Ông Thuận và bà Xuân 

Nghe xong câu chuyện về cái gia đình bi thương ở Thái Bình đó, về những con người đã phải trả giá rất đắt cho sự hòa bình của đất nước, những người lớn tuổi, đã trả qua cuộc chiến tranh khốc liệt, đều im lặng, gật đầu.

Và họ, đã hiểu rằng, dù có hy sinh cô con gái, để phần nào làm dịu bớt cuộc chiến tranh vẫn dai dẳng trong gia đình đó, cũng là điều tốt đẹp nên làm.

Và giờ, hai vợ chồng Tiện cũng đã hạnh phúc trong một ngôi nhà nhỏ, với đứa con hoàn toàn bình thường, ngay cạnh ngôi nhà cũng nho nhỏ của anh Tộ.

Sau hai ngôi nhà của hai anh em, là ngôi nhà cấp 4 xập xệ, nơi ở của ông Thuận, bà Xuân, em Điệp và cô con riêng đang tuổi mới lớn của bà Xuân.

Còn cô cháu gái Vũ Thị Điệp nữa, bà Xuân xác định phải chăm lo suốt đời, từ ăn uống, giặt giũ, đến… thay băng vệ sinh.


Dương Phạm Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn