Chuyện tình của lính Phòng không N73

Tổng hợpThứ Năm, 16/12/2010 10:30:00 +07:00

Ở Đoàn Phòng không N73, cứ sau mỗi mùa chim én về lại thêm hàng chục chàng trai trẻ giã từ cuộc sống “phòng không".

Mùa xuân là mùa các đôi uyên ương đi xây tổ ấm. Ở Đoàn Phòng không N73, cứ sau mỗi mùa chim én về lại thêm hàng chục chàng trai trẻ giã từ cuộc sống “phòng không”. Từ đây, cùng với những đồng đội thân thiết, họ đã có hậu phương ấm nồng làm điểm tựa, để thêm chắc tay súng canh giữ bầu trời Tổ quốc.
 
Nhanh như... tên lửa

Cách đây 2 năm, Trung úy Trần Phước Xạ, nguyên Phó Đại đội trưởng Quân sự Đại đội 2, Phân đội 1, nhận nhiệm vụ về thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) xác minh lý lịch cho quân nhân chuẩn bị đi học tại Trường Quân sự Quân khu 5.

Ngay tối đầu tiên về vùng quê mới, ngồi nói chuyện với chủ nhà trước mái hiên, anh cứ có cảm giác gáy mình nóng ran. Quay lại, anh bắt gặp đôi mắt đen thăm thẳm của cô hàng xóm đang đăm đắm nhìn không chớp. 

Tiếng sét ái tình làm chàng trai trẻ cả đêm không sao chợp mắt. “Nàng” đúng như hình bóng của những giấc mơ mà “chàng” vẫn hằng ấp ủ. Những ngày sau đó họ yêu nhau qua điện thoại và chỉ một tháng sau, đoàn nhà trai từ Quế Sơn (Quảng Nam) mang lễ vật rồng rắn lên Tây Nguyên làm đám hỏi, một tuần sau là đám cưới.

Hiện nay, Trung úy Trần Phước Xạ vừa chuyển công tác về làm Trợ lý Phòng không Huyện đội Hiệp Đức (Quảng Nam). Tổ ấm của anh chị đã có thêm một thành viên mới. Biết chuyện, ai cũng bảo: Lính phòng không cưới vợ như… tên lửa.

Được cả đời bố lẫn đời con

Chuyện tình của Trung tá Nguyễn Ngọc Phận, Chính trị viên Phân đội 1, được cánh lính trẻ “chấm điểm” rất cao. Anh Phận quê Hưng Yên, da ngăm đen, chiều cao “khiêm tốn”, tính tình củ mỉ cù mì. Ai ngờ “tẩm ngẩm tầm ngầm” thế mà lại cưới được vợ cao ráo, da trắng, tóc dài, dịu dàng, duyên dáng. Gạn hỏi mãi, anh mới tiết lộ: “Cô ấy được mẹ tôi “dấm” sẵn đấy.

Tôi là con út, lại công tác xa, mẹ thương lắm, bảo sẽ chọn cho con “vợ ra vợ”. Khi bà giới thiệu, chẳng phải ai xa lạ, cũng trong xóm với nhau. Mới gặp tôi đã ưng cái bụng, thế là “quyết” luôn. Hồi ấy, cũng có nhiều đám mai mối, song nàng bảo, bố em là bộ đội, từ nhỏ em đã đinh ninh nhất định sẽ lấy chồng bộ đội”.

Vợ chồng Thượng úy Đinh Xuân An trong ngày cưới. 

Làm dâu nhà lính chịu lắm thiệt thòi, hai lần chị mang bầu, “vượt cạn” đều không có anh bên cạnh. Cha về phép lúc các con đã biết lẫy, biết bò. Bù lại, quãng thời gian bên nhau luôn là “tuần trăng mật”. Chị dành những bộ quần áo đẹp nhất, nấu những món ăn ngon nhất đợi anh về. Người ta vẫn đùa, lấy vợ cao to hơn là “hy sinh đời bố”, anh Phận lại quả quyết: “Tôi được cả đời bố lẫn đời con”.

Yêu nhau chẳng ngại đường xa

Tháng 9.2008, Thượng úy Đinh Xuân An (dân tộc H’rê; quê ở Trà Xuân, Trà Bồng, Quảng Ngãi), Trợ lý Phòng Chính trị, Đoàn Phòng không N73, ra Học viện Phòng không - Không quân học lớp chuyển loại chính trị.

Một lần vào kỳ nghỉ cuối tuần, anh tình cờ gặp Thanh Hương. Cô gái Hà Nội này say sưa nghe anh kể về cuộc đời quân ngũ, rồi ao ước: “Giá như em được một lần ghé thăm nơi anh đang công tác”. Ngay cả khi bận bịu cho những kỳ thi, họ vẫn không ngừng nhắn tin, gọi điện.

Mối tình xuyên Việt đẹp như một giấc mơ, nhưng khi bàn đến chuyện cưới xin, bạn bè, họ hàng nhà gái không ít lời bàn ra: “Lấy chồng H’rê để về vùng cao sống à? Phong tục tập quán mỗi nơi mỗi khác. Người ta tìm mọi cách để về Thủ đô còn mình lại làm chuyện ngược đời…”. “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo”, tình yêu mãnh liệt đã vượt lên tất cả.

Sau đám cưới rộn ràng, cô gái Hà Nội khăn gói theo chồng về Bình Định, nơi đơn vị anh đóng quân. Hai vợ chồng trẻ với một suất lương, phải thuê nhà để ở, cuộc sống trước mắt còn bộn bề khó khăn, song họ luôn rạng ngời hạnh phúc. 

Biết ơn Quân đội, cảm ơn vợ hiền

Nếu chỉ nhìn ngoại hình cao ráo, điển trai, giao tiếp lịch thiệp, khiêu vũ điệu nghệ, chơi organ “có nghề”, dẫn chương trình rất duyên, dễ lầm tưởng Thượng úy Đặng Hoàng Lâm, Trợ lý Thanh niên Đoàn Phòng không N73, là “công tử”.

Quê gốc ở Quảng Bình, sinh tại Hà Nội, lớn lên ở Bình Định, đang học lớp 11 thì gia đình Lâm gặp biến cố, kinh tế sa sút, anh phải bỏ học, phiêu bạt làm đủ mọi nghề: thợ nề, thợ sắt, bốc vác, điêu khắc mộ… kiếm sống.

Song những lúc chán nản nhất, cô bạn gái Thu Hương, cùng học những năm cấp 3, luôn bên anh, động viên an ủi. Hết cấp 3, cô vào đại học, trong khi anh vẫn “chưa đâu vào đâu”. 

Cha mẹ bắt con gái phải từ bỏ mối quan hệ “không sáng sủa”, khiến anh càng tự ti hơn…Mùa xuân năm 1994, Đặng Hoàng Lâm trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, đầu quân ở Đoàn Phòng không N73. Nhờ huấn luyện giỏi, rèn luyện kỷ luật nghiêm, anh được cử đi đào tạo lớp khẩu đội trưởng rồi trung đội trưởng ngắn hạn.

Biết hoàn cảnh và nguyện vọng của Lâm, đơn vị tạo điều kiện cho anh đi học văn hóa tại Trường Quân sự Quân khu 5. Năm 2002, anh thi đậu vào Học viện Chính trị Quân sự. Đám cưới diễn ra vui nổ trời sau 11 năm quen biết, yêu nhau.

Hiện giờ, vợ chồng Thượng úy Đặng Hoàng Lâm đang sống cùng bố mẹ vợ tại TP Quy Nhơn. Các cụ thương con rể như con đẻ. Vợ anh là Phó phòng Tổng hợp, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Bình Định.

Hai “công chúa” đều học giỏi, ngoan ngoãn. Gia đình anh mới sắm được ô tô, cả nhà ríu rít vi vu trong những ngày nghỉ cuối tuần. Nhớ lại quãng đời bĩ cực, Đặng Hoàng Lâm tâm sự: “Có được hôm nay, mình luôn biết ơn Quân đội và cảm ơn vợ hiền”.

Theo Báo Bình Định

Bình luận
vtcnews.vn