Chuyện thú vị quanh cây đào

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 15/01/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Các đại gia dù có cả trăm triệu, cũng không dễ gì mua được một gốc đào Thất Thốn thấm đẫm mồ hôi người nghệ nhân mấy chục năm ròng.

(VTC News) - Luồn chiếc kéo vào nhành đào dài ngồng ngỗng, cụ Công Nghĩa Mùi run rẩy cắt tỉa. Mặc cho giá rét ngằn ngặt của những ngày cuối đông, cụ cứ phơi khuôn mặt nhăn nheo của mình ra vườn đào từ sáng đến đêm. Cụ đã ở cái tuổi 80. Mắt kém. Tay run. Dáng đi lật đật. Tôi xin hầu cụ uống nước. Cụ bảo: “Tôi đang sống những ngày ý nghĩa cuối đời với vườn đào này”. Nỗi buồn phảng phất chợt ngập tràn nơi vườn đào sắc thắm.

Gốc tích đào là ở Phú Thượng

Cụ Mùi run rẩy mở then cài ngôi nhà cấp bốn lúp xúp. Nhấp chén trà nóng, đôi mắt buồn xa xăm. Dường như cụ đang hồi tưởng lại những ngày xưa. Cả thời thơ ấu của cụ lặn ngụp giữa cánh đồng đào đỏ rực mỗi độ xuân về. Cụ trầm ngâm: “Trong hành trình lịch sử của Thăng Long 1.000 năm, làng đào Phú Thượng, Nhật Tân có thể coi là di sản văn hóa sống. Lạ thật, chúng ta đang ra sức phục hồi những gì đã mất vậy mà người lại tàn nhẫn phá đi những gì đang tồn tại. Chúng tôi, những người cuối cùng của làng đào Phú Thượng còn một nỗi buồn nữa khó nói lắm. Trong ý nghĩ của người dân cả nước, thì cây đào có nguồn gốc ở Nhật Tân. Đối với người chơi đào cả nước, khái niệm đào Phú Thượng dường như không có ý nghĩa mấy”.

 

Tôi chợt động tâm về những điều cụ Mùi nói. Ngày xưa, mỗi khi Tết đến, tôi thường lon ton theo ông nội đi chợ. Ông tôi chỉ chôn chân ở hàng hoa đào. Ông thường kể cho tôi nghe sự tích về cây đào Nhật Tân. Cho đến bây giờ, mỗi khi Tết đến, ngắm hoa đào, trong trí óc tôi lại mơ màng hình ảnh kiêu hùng của vua Quang Trung cưỡi voi dẫn đoàn quân chiến thắng, trên lưng giắt cành đào Nhật Tân tươi rói, mang theo cả mùa xuân Thăng Long về với kinh đô của Bắc Bình Vương. Cành đào ấy ông tặng công chúa Ngọc Hân, tô điểm cho thiên tình sử đặc sắc còn sống mãi với thời gian.

Sự tích về cây đào Nhật Tân này được cả nước biết đến, lịch sử ghi lại, thế nhưng giờ đây, cụ Mùi lại khẳng định cây đào có xuất xứ từ đất Phú Gia (nay là đất Phú Thượng).

Cụ kể rằng, tổ họ ngoại của cụ là cụ Lình Mạch ở đất Phú Gia làm nghề thầy đồ gõ đầu trẻ. Trong số môn sinh mà cụ đồ dạy có hai người thông minh xuất chúng. Cụ đồ chỉ dạy vài năm là hết chữ nên phải gửi hai học trò lên phương Bắc học. Khi về nước, học trò mang biếu cụ hai trái đào. Ăn xong, cụ đồ vứt hạt ra gốc cau, dưới chân chiếc vại hứng nước.

Thú chơi đào bắt nguồn từ Nhật Tân hay Phú Thượng? 

Mùa xuân ấm áp, hai hạt đào đó nảy mầm rồi thành cây. Chục năm sau, khắp khu vườn mênh mông của cụ đồ toàn đào mọc. Sau này, một người cháu của cụ đồ là cụ Cả Quán đã biến vườn đào tự nhiên thành vườn đào cảnh đẹp nổi tiếng đất Phú Gia. Mùa xuân, hoa đào đỏ thắm, người Hà thành lũ lượt kéo nhau vào thưởng hoa. Một số người Hoa phát hiện đã mua về chơi Tết. Cụ cả Quán hồi đó trở thành người trồng đào giỏi nhất đất Thăng Long và cũng là người giàu có nhất làng Phú Gia. Cái thú chơi đào Tết phải chăng từ đó mà ra?

Cụ Mùi là hậu sinh của tổ Lình Mạch, được tổ truyền lại bí quyết trồng đào bích. Tuy mắt mắt cụ đã mờ, tay run, nhưng đào Bích cụ trồng hoa vẫn thắm nhất làng Phú Thượng. Giờ ruộng đồng bị Nhà nước thu hồi cả, cụ đem đào về vườn nhà trồng. Mỗi lần chăm sóc vườn đào cụ lại nhớ người xưa. Cụ muốn con cháu mình cũng giữ lấy cây đào để lưu lại niềm tự hào về tổ tông mình, là những người đầu tiên tô sắc thắm cho cái Tết đậm chất truyền thống.

Công phu đào Thất Thốn

Đào có nhiều loại, gồm đào bích, đào phai, đào bạch, đào Thất Thốn… Theo người dân Phú Thượng thì đào bạch và đào Thất Thốn là hai loại cực kỳ quý hiếm. Đào bạch thế khắp đất Thăng Long chỉ còn có hai cây, một cây của gia đình ông Thạch (phố Bạch Mai), một cây của gia đình ông Cảnh, người phố Ngọc Hà. Tuy nhiên, sau khi ông Cảnh mất, gia đình đã bán lại cho bà Nhữ Thị An ở phường Hoàng Văn Thụ.

 

Mặc dù đào bạch rất hiếm, song dân sành đào lại đánh giá đào Thất Thốn đẹp hơn, quý hơn. Nhắc đến cây đào Thất Thốn, người sành chơi đào đất Thăng Long đều biết đến ông Hồ Tý ở làng Phú Thượng.

Hiện nay, ở khắp Hà Nội chỉ còn vài chục cây đào Thất Thốn. Do quý hiếm như vậy nên nhiều người trồng đào đến bạc tóc mà vẫn chưa biết cây đào Thất Thốn hình dáng ra sao. Vậy mà, ông Hồ Tý ở làng Phú Thượng hiện tại đang sở hữu cả mảnh vườn trồng duy nhất một loại đào Thất Thốn.

Ông Hồ Tý dáng người gầy còm, thanh mảnh, nhưng đôi mắt tinh anh, những ngón tay mềm mại như người nghệ sĩ đồng quê. Ông không buồn kiểu trần tục sắp bị mất miếng cơm, manh áo, bởi vì dù Nhà nước có đổ bê tông hết cánh đồng Phú Thượng thì ông vẫn còn mảnh vườn đào con con đặc sắc này để hàng ngày ngắm nghía, tỉa tót. Điều ông buồn là mai này làng Phú Thượng không còn nghề trồng đào nữa, rồi thì cái thú chơi đào cũng sẽ lùi vào quên lãng.

Ông Hồ Tý trầm ngâm: “Bây giờ khắp nơi người ta trồng đào nên dù Nhật Tân, Phú Thượng có hết đào thì đến Tết vẫn mỗi nhà vẫn có cành đào để cắm. Nhưng đào không đẹp thì cái thú chơi đào thanh tao cũng theo đó mà mất đi”.

Để có gốc đào này, người nghệ nhân phải mất 80 năm trời tỉa tót, nuôi dưỡng. 

Ông Hồ Tý lật đật dẫn tôi ra vườn đào trái nhà. Một mảnh đất xinh xinh có những cây đào già cỗi, cổ quái. Không có vài bông hoa đỏ thắm điểm trên cành, e ấp giấu mình trong hốc thân thì có lẽ tôi không nhận ra đó là đào nữa.

Tôi hỏi về nghệ thuật chơi đào thế, ông cứ thế tuôn ra một mạch, nào thế trực liên tri, ngũ phúc, tam đa, huyền, hoành, thất thiền, nghênh phong, thác đổ, phu thê, mẫu tử… Ông giải thích cặn kẽ từng thế, mỗi cây là một thế khác nhau.

Nghe ông Hồ Tý phân tích dáng thế, nhìn những gốc đào mốc thếch, xù xì, vằn vện, cổ kính, tôi như thấy hình bóng, tâm hồn của người nghệ sĩ già chốn đồng quê lặn sâu vào từng thớ gỗ. Có nghe ông giảng giải mới thấy được công phu của người chơi đào chân chính.

Gọi là đào Thất Thốn vì mỗi thốn cành cây, tức là độ dài bằng đốt ngón tay, có thể ra được 7 bông hoa. Cũng có ý kiến cho rằng vì lá của loại đào này dài tới bảy tấc nên nó có tên như vậy. Loại đào này có xuất xứ từ Trung Quốc. Xưa kia, chỉ có vua quan phương Bắc mới được chơi. Loại đào này phát triển rất chậm, cây chỉ cao độ vài chục phân. Hoa đào Thất Thốn cũng nở muộn, độ mùng mười tháng giêng mới nở rộ. Tuy nhiên, hoa rất to, bền và điều đặc biệt là cả gốc cây xù xì cũng có thể nảy ra vài bông hoa đỏ thắm.

Nghệ nhân Tư Khương bên cây đào cổ cho thuê 6.000USD trong mấy ngày Tết 2009. 

Để có được một cây đào Thất Thốn đẹp, không biết bao nhiêu tâm huyết của người trồng phải đổ vào đấy. Trông những cây đào thấp lè tè trong vườn, khó ai có thể tưởng tượng nổi ông Hồ Tý đã phải bỏ ra 20-30 năm tâm huyết.

Đào Thất Thốn lớn rất chậm lại đỏng đảnh. Nếu chăm không cẩn thận, đúng quy trình thì nó sẽ không lớn, hoặc lớn mà chẳng ra hình thù gì. Ngoài việc tưới tắm, chăm bón tỉ mẩn còn phải có bàn tay và khối óc tinh túy để uốn nắn từ khi cây mới nảy mầm. Khi cây đào còn bằng ngón tay đã phải dùng dao cắt gọt quanh thân để hãm sự phát triển của cành và tạo vẻ xù xì độc đáo.

Người dân Phú Thượng có câu “Tam trảm thành đào” (Ba lần đốn thì mới thành cây đào đẹp), tuy nhiên với cây đào Thất Thốn thì phải “thập tam trảm” mới thành đào được. Công phu cắt gọt có thể nói là khâu khó nhất. Loại đào này rất dễ chết nên nếu gọt mạnh tay thì cây sẽ chết, còn nhẹ tay quá thì không có tác dụng. Sau mấy chục năm trồng đào Thất Thốn, ông Hồ Tý đưa ra kết luận: “Trồng mười cây giỏi lắm được hai cây!”. Công phu như thế nên ông coi những cây đào của mình như báu vật, như một phần máu thịt của ông.

Những cây đào quý như thế, nên các đại gia dù có cả trăm triệu, cũng không dễ gì mua được một gốc đào Thất Thốn thấm đẫm mồ hôi người nghệ nhân mấy chục năm ròng.


Toan Tuyết


 

“Chung sức vì đồng bào nghèo cả nước” - Ủng hộ đồng bào nghèo cả nước qua cổng thông tin 1400.

Nhắn tin theo cú pháp UHgửi 1409 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực vì đồng bào nghèo cả nước.


Bình luận
vtcnews.vn