Chuyện thật về người có mình đồng da sắt ở VN

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 09/07/2010 06:00:00 +07:00

Ông chà khối thép vẫn đang hồng rực ấy vào gan bàn chân của mình. Chà đi chà lại mấy lần rồi ông lại đưa dao lên miệng và lại đi một vòng trước mặt mọi người.

Nơi người Arem và Macoong sinh sống ở một thung lũng nằm tít sâu trong rừng Trường Sơn, giáp với biên giới nước Lào. Nơi thâm sơn chỉ có một màu xanh ngằn ngặt của đại ngàn ấy, hai tộc người này đã trải qua những cuộc chiến sinh tồn đầy cam go, khắc nghiệt. Bởi thế, bây giờ, dù đã phần nào tiếp cận với thế giới văn minh nhưng ở thung lũng hoang dã này vẫn còn tồn tại những bùa phép rất đỗi lạ kì...

Kì 1: Đốt môi, lưỡi, gan bàn chân bằng dao nung đỏ

Chúng tôi bị mê hoặc bởi câu chuyện của một cán bộ biên phòng. Lên công tác tại xã vùng biên Tân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), người lính trấn ải này đã chứng kiến một chuyện mà giờ kể lại vẫn chẳng ai tin. Một buổi đi địa bàn, anh bắt gặp một cán bộ xã đang làm phép để chữa bệnh cho một người dân. Sau khi niệm chú, vị cán bộ xã đó đã ngậm hẳn con dao đỏ rực được nung rất lâu trong than hồng để làm phép...


Cũng như nhiều người, tôi chẳng tin điều lạ lùng ấy. Thế nhưng, cán bộ biên phòng này bảo, cứ lên đó thì khắc phải tin.

Kì nhân chốn đại ngàn

Con đường 20 huyền thoại nối liền trung tâm huyện Bố Trạch tới Tây Trường Sơn rồi chạy tuột sang biên giới nước Lào. Đây là con đường được đắp bằng xương bằng máu. Chiến tranh, giặc Mỹ điên cuồng bắn phá Đông Trường Sơn, ngăn cản đường tiếp viện của ta cho miền Nam ruột thịt. Bởi thế, năm 1966, con đường này đã được gấp rút khai thông. Quân dân ta bạt núi, chặn khe dưới bom đạn bời bời. Không biết bao nhiêu bộ đội, thanh niên xung phong đã anh dũng ngã xuống để từng đoàn xe bon bon ra tiền tuyến. Bây giờ, đường 20 vẫn chẳng khác xưa là mấy. Vẫn gập ghềnh, lởm chởm những đá tai mèo.

Ông Giàu cầu khẩn xin ma mót để mình biểu diễn pháp thuật. 

Sau đúng hai ngày mệt mỏi vạ vật ở khắp các hốc đá và những chốt kiểm lâm sơ sài của Hạt kiểm lâm rừng quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng chúng tôi đã đến được xã Tân Trạch, nơi định cư của đồng bào người Arem. Có lẽ, đây là xã có số hộ dân ít nhất Việt Nam. Cả xã có gần 50 hộ dân, sống quây quần trên một quả đồi thoai thoải, cạnh những núi đá cao chót vót.

Tìm nhân vật chính trong câu chuyện của vị sĩ quan biên phòng mà tôi đã từng được nghe không khó lắm. Ông là Đinh Giàu, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Tân Trạch và là anh ruột của Chủ tịch UBND xã.

Theo những người dân ở đây thì ông Đinh Giàu là một pháp sư có tiếng, ông chuyên dùng pháp thuật để trị bệnh cho mọi người. Trước khi gặp ông, tìm hiểu, chúng tôi được biết, ông chỉ làm phép khi có bệnh nhân tìm đến yêu cầu cứu giúp. Bởi thế, muốn được tận thấy khả năng siêu phàm của vị pháp sư vùng sơn cước này, chúng tôi đã phải nhờ sự giúp đỡ của Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Chí Sĩ.

Đêm ấy, bỏ dở cuộc lửa trại tưng bừng mừng Ngày thành lập đoàn thanh niên (26/3/2010) do các giáo viên trường PTCS Tân Trạch tổ chức, ông Sỹ đã đưa tôi đến nhà ông Đinh Giàu. Ngồi bên bếp lửa, ông Giàu bảo: “Mình chưa làm thần chú để biểu diễn bao giờ cả! Nhưng nhà báo đã lên tới đây rồi thì sáng mai cứ qua đây. Mình sẽ cố gắng xin thần linh xem thế nào!?”.

Sau đêm lửa trại, chúng tôi đến nghỉ nhờ tại một trạm kiểm lâm. Trạm này có anh trạm phó tên Phương là người dễ mến. Anh mới nhận công tác ở trên này được mấy tháng. Khi lên đây, thấy người Arem có nhiều phong tục tập quán lạ lùng, đặc biệt là những khả năng siêu phàm đầy bí ẩn ma mị, anh đã rất tò mò. Thế nhưng, càng tìm hiểu lại càng thấy bất ngờ bởi có những chuyện không tài nào lý giải nổi.

Sáng sớm hôm sau, mặt trời vừa ló chúng tôi đã máy ảnh, máy quay chỉnh tề để tìm đến nhà ông Đinh Giàu. Bước lên sàn nhà đã thấy mấy người đàn ông ngồi khoanh chân hút thuốc. Họ hút những điếu thuốc được cuốn bằng lá cây rừng. Một cán bộ biên phòng cũng có mặt. Cán bộ này bảo, đã nghe ông Giàu dùng pháp thuật chữa bệnh cho nhiều người nhưng chưa có cơ hội được tận thấy. Bởi thế, nghe tin ông sẽ biểu diễn để nhà báo ghi hình, nên phải xuống xem rõ thực hư.

Khi chúng tôi vừa yên vị, ông Giàu bảo, ông phải làm lễ xin thần linh và ma mót (ma nhà). Nếu thần linh, ma mót đồng ý thì cuộc biểu diễn mới được tiến hành. “Nếu có người đau thì xin được ngay và xin rất đơn giản! Nhưng giờ không có người bệnh thì khó lắm!”. Một người ngồi cạnh ông Giàu nói chêm vào.

Chẳng để khách phải sốt ruột đợi lâu, ông Giàu bắt tay ngay vào việc. Một chiếc mâm đồng cũ rỉ được bưng ra, đặt ở giữa gian nhà, ngay dưới ban thờ ma mót. Nghiêm trang, ông Giàu biện lễ. Ông lấy chiếc bát đựng trầu cau đã úa héo trên ban thờ xuống đặt vào giữa mâm. Trong chiếc bát ấy có cả những điếu thuốc to cỡ ngón tay cái cũng được cuốn vội bằng lá cây rừng. Tiếp đó, ông lấy túi hạt vừng cũng từ trên ban thờ, rắc quanh bát. Chờ người nhà đi mua rượu về, ông đặt luôn chai rượu vào mâm. Ông bảo, nếu đúng thủ tục thì phải biện lễ bằng rượu vò, nhưng giờ gấp gáp, lấy ruợu chai chắc thần linh cũng lượng thứ cho.

Môi sắt răng đồng

Khi đã đủ các thứ cần thiết, ông Giàu gọi người nhà mang con dao ông vẫn dùng để phát nương lên. Ông đưa cho chúng tôi cầm thử. Con dao dày cỡ đốt ngón tay, bản rộng chừng mười phân, cầm nặng trĩu. Ông Giàu bảo, dao càng dày thì nhiệt càng lớn và càng lâu nguội. Cho chúng tôi xem xét kỹ lưỡng xong, ông lại bảo người nhà nổi than hồng để cho dao vào nướng. Ở trên nhà, ông Giàu bắt đầu vào phần lễ của mình. Ông châm cây nến được làm từ sáp ong và cắm ngay cạnh bát đựng trầu thuốc. Ông Giàu bảo, phải thắp nến bằng sáp ong chứ không được thắp bằng bất cứ chất liệu cháy nào khác. Người Arem, người Macoong ở thũng lũng này đều làm thế, cứ cầu khẩn thần linh là thắp nến bằng sáp ong được lấy từ đại ngàn.

Khi ngọn nến cháy bùng bùng, ông Giàu rót một chén rượu và lẩm nhẩm cầu khấn. Cố dỏng nghe nhưng tôi cũng chẳng biết ông khấn gì. Chỉ loáng thoáng thấy mấy câu “giúp đỡ nhà báo trung ương” gì đó. Vừa rì rầm khấn ông Giàu vừa gãi tai, thoa mặt nghe chừng căng thẳng lắm. Khi tôi và mọi người vẫn căng mắt dõi theo nhất cử nhất động của ông thì bất chợt ông nâng chén rượu, uống một hơn, khà một tiếng thể hiện sự mãn ý, hài lòng. Uống xong, ông đứng phắt dậy, chẳng nói câu gì mà đi thẳng xuống bếp.

Dưới bếp, mấy đứa trẻ con vẫn ngồi sưởi lửa bình thường. Có lẽ, chúng không cho rằng việc của ông Giàu sắp làm là hệ trọng. Có lẽ, chứng kiến nhiều nên chúng đã quá quen. Xuống bếp, ông Giàu vớ ngay lấy con dao đã được nung đỏ rực từ mũi tới chuôi. Như để cho chúng tôi nhìn kĩ, ông gõ mạnh con dao vào chiếc kiềng sắt. Muội than từ con dao bắn ra lấp lánh.

Khi máy ảnh của chúng tôi đã chớp trọn vẹn cảnh đó, ông Giàu thản nhiên đưa con dao đỏ hồng ấy vào miệng ngậm và đi thẳng lên trên nhà. Cảnh ấy khiến những người lần đầu được thấy như chúng tôi sợ hãi. Ai cũng thần sắc thất kinh, mắt tròn mắt dẹt.
Con dao hồng rực vừa lấy từ bếp ra được ông Giàu ngậm ngay vào miệng. 
Ông Giàu quệt con dao đỏ hồng vào gan bàn chân.  

Lên tới nhà trên, vẫn ngậm dao trong miệng, ông đảo một vòng trước mặt mọi người. Khi thấy tất thảy “khán giả” đã mãn nhãn với cảnh tượng hãi hùng đó, ông chậm bước tới trước ban thờ nhả dao ra và phỉ nước miếng vào phần đỏ nhất. Những tiếng xèo xèo phát ra trong chớp mắt. Chẳng để mọi người kịp trấn tĩnh, ông chuyển sang màn thứ hai. Ông chà khối thép vẫn đang hồng rực ấy vào gan bàn chân của mình. Chà đi chà lại mấy lần rồi ông lại đưa dao lên miệng và lại đi một vòng trước mặt mọi người. Xong xuôi, ông nhúng con dao vào xô nước đã để sẵn ngay cạnh góc nhà. Xô nước réo ùng ục, khói phun lên nghi ngút.

Biểu diễn xong, ông Giàu lẹ làng ngồi xuống và thản nhiên trò chuyện với mọi người. Ông bảo, ông sẽ biểu diễn lại một lần nữa để chúng tôi ghi hình được rõ hơn. Lại những pha làm phép sởn gai ốc như khi nãy được người đàn ông có vóc dáng thấp bé ấy trình diễn. Kinh hoàng hơn, lần này, ông Giàu còn thè lưỡi liếm vào phần đỏ nhất của con dao. Việc kinh hoàng ấy, ông làm một cách ngon lành như đứa trẻ mút que kem mát lạnh. Xong, con dao lại được nhúng vào xô nước, lại những tiếng ùng ục liên hồi réo lên.

Lúc này, để cho chúng tôi thấy ông hoàn toàn bình thường sau hai cuộc làm phép trên, ông đã há miệng để chúng tôi kiểm tra. Lạ lùng thay, miệng ông như được cấu tạo bằng sắt bằng đồng, tuyệt nhiên không có vết bỏng hay phồng rộp gì.

Sứ mệnh thần y

Thong thả cuốn điếu thuốc, ông Giàu bảo, chữa bệnh cho mọi người, cứ khi ngậm dao xong, ông lại phả hơi nóng từ miệng mình vào chỗ đau của bệnh nhân. Đàn ông thì phả chín lần, đàn bà thì bẩy lần. Bệnh nặng thì chỉ cần để ông làm phép chữa trong vòng một tuần thì thế nào cũng thuyên giảm.

Liệu pháp kinh hoàng này, theo ông Giàu, hiệu nghiệm nhất là chữa các bệnh liên quan đến xương. Ông kể, trước đây, ông đã từng chữa lành cho một người đi rừng bị đá lăn dập hết chân bên phải. Bệnh nhân này xuống bệnh viện tỉnh, các bác sĩ ở đây bảo chỉ còn cách duy nhất là cắt bỏ toàn bộ phần chân bị thương tích ấy. Hôm đó, xuống viện thăm người quen, thấy cảnh nhà người bệnh xấu số khó khăn, giờ cắt bỏ chân thì coi như mất hẳn trụ cột trong nhà. Bởi thương nên ông đã nằng nặc bảo để ông chữa hộ mà không lấy một trinh một cắc nào. Dù đã hết lời thuyết phục nhưng người nhà bệnh nhân vẫn chẳng dám tin. Họ không tin cũng phải bởi trông ông chẳng giống một thầy lang mát tay cho lắm. Vậy là ông phải viết giấy cam đoan, sau một tuần để ông chữa chạy mà không khỏi thì hẵng đưa tới bệnh viện. Khi đó, tiền thuốc thang ở viện, ông chịu hết.

Nghe ông nói chắc như đinh đóng cột vậy nên thân nhân người bệnh cũng phần nào yên tâm và họ đã miễn cưỡng gật đầu. Đúng như những gì đã nói, chỉ sau 7 ngày… làm phép, vết thương của người không may mắn trên đã có dấu hiệu phục hồi. Thêm một tuần điều trị nữa, người bệnh đã chống nạng nhúc nhắc đi. Và, sau một thời gian kiêng khem đúng chỉ dẫn, người bệnh đã lành lặn hẳn. Kỳ diệu hơn, ngay sau đó, ra viện chụp chiếu lại, bệnh nhân ấy đã vô cùng kinh ngạc khi thấy xương chân mình không hề có dấu hiệu gì thể hiện sự rạn gẫy. Tất thảy các ống xương nguyên vẹn như thể chưa từng hứng chịu sự va đập nào.

Ngoài chữa các bệnh về xương, ông Giàu bảo, phép nhiệm màu trên còn có thể chữa các bệnh liên quan đến cơ, gân, khớp… Tất nhiên, mỗi chứng bệnh phải dùng một lời chú khác nhau.


Còn tiếp…

Theo Đào Tuệ Linh (Tuổi trẻ thủ đô)
Bình luận
vtcnews.vn