Chuyện quy hoạch làm “nóng” nghị trường TP.HCM

Thời sựThứ Tư, 07/07/2010 06:21:00 +07:00

(VTC News) – Tại kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 18 – khóa VII đang diễn ra, vấn đề quy hoạch, xây dựng ở khu trung tâm và vấn đề giao thông là chủ đề “nóng” nhất.

(VTC News) – Tại kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 18 – khóa VII đang diễn ra, vấn đề quy hoạch, xây dựng ở khu trung tâm và vấn đề giao thông là chủ đề “nóng” thu hút sự quan tâm của các đại biểu.

Quá nhiều cao ốc làm mất bản sắc dân tộc

Vào phiên trả lời chất vấn trực tiếp các đại biểu HĐND và cử tri TP vào sáng 6/7, GĐ Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM Trần Chí Dũng khẳng định: “TP.HCM không có công trình xây dựng cao ốc nào có sai phạm về mặt giấy phép. Tất cả đều theo đúng quy hoạch chung của TP mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt”.

Ông Dũng báo cáo tiếp: gần 75% cao ốc nằm trong vùng trung tâm TP.HCM (quận 1, 3) trong tổng số hơn 1.000 cao ốc khác nhau (trên 9 tầng). Hiện đang thi công thêm gần 150 cao ốc nữa, chuẩn bị hoàn thiện trong tương lai rất gần. Phần trình bày này của ông Dũng ngay lập tức đã gây “nóng” nghị trường TP. Hàng loạt các câu hỏi chất vấn của đại biểu đã được đề nghị lên đoàn chủ tọa kỳ họp.

Bà Ngô Minh Hồng (GĐ Sở Tư pháp TP.HCM) mở “phát pháo” đầu tiên: “Hiện có rất nhiều khu nhà cao tầng của TP nằm trên những con đường rất nhỏ (mà những con đường này cũng không có đề án quy hoạch mở rộng). Rất nhiều các cao ốc hiện đại mọc lên đã làm phá vỡ nét kiến trúc cổ của TP như tòa nhà Vicomm vừa mới khánh thành tại công viên Chi Lăng (Q.1) là một ví dụ cụ thể. Các vấn đề về bãi đậu xe, chừa lề đường cho người đi bộ ở những khu vực có cao ốc được quy định thế nào? Có được tính đến khi cấp phép hay không?”

Hiện quá nhiều cao ốc mọc lên ở TP.HCM (ảnh có tính minh họa từ Internet) 

Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa thì "đòi" Sở này phải giải thích ngay việc tại sao lại xây dựng quá nhiều cao ốc ở ngay khu vực trung tâm TP, khi mà lãnh đạo TP lại có chủ trương dãn dân ra các vùng đô thị vệ tinh. Từ việc này, chắc chắn sẽ gây sức ép nặng nề cho giao thông đi lại của người dân TP, dẫn đến việc kẹt xe ngày càng nặng nề.

Giải trình về những vấn đề các đại biểu quan tâm, ông Trần Chí Dũng khẳng định: Quy hoạch phát triển chung của TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 1998 là mô hình phát triển đa trung tâm, trong đó xác định là khu vực quận 1,2, 3 và khu vực đô thị mới Thủ Thiêm là trọng yếu. Do vậy, việc tập trung nhiều các cao ốc ở những khu vực nói trên là điều dễ hiểu.

Về các bãi đậu xe ngầm và trên mặt đất, GĐ Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM nhấn mạnh: Khi tiến hành lập thủ tục cấp phép xây dựng các cao ốc, TP có quy định là chỗ để xe theo tỷ lệ 1,5 chỗ để xe/ căn hộ cao cấp và 1 chỗ để xe/1 căn hộ dạng trung bình. “Chúng tôi đã yêu cầu các chủ đầu tư phải đảm bảo tỷ lệ này, và luôn tổ chức các đoàn kiểm tra” – ông Dũng nói tiếp.

Trao đổi thêm về vấn đề này, hầu hết các đại biểu HĐND TP.HCM đều không đồng tình với thông tin mà ông Dũng đưa ra, vì trên thực tế, những người đi làm hay hội họp tại khu vực trung tâm TP đều luôn phải đau đầu với vấn đề chỗ để xe hơi, xe gắn máy.

Bà Phạm Phương Thảo – Chủ tịch HĐND TP.HCM nhắc Sở Quy hoạch Kiến trúc: “Các quy hoạch về kiến trúc, xây dựng của TP phải luôn được công khai cho người dân biết để có ý kiến. Quy hoạch phải luôn đảm bảo sự phát triển bền vững, vừa đáp ứng theo yêu cầu của hiện tại nhưng cũng cần phải để ý đến tương lại (khi mà TP.HCM đạt con số 10 triệu dân). Nếu các giá trị cảnh quan lịch sử của TP không được bảo tồn thì TP sẽ trở thành một “TP mất trí nhớ (bà Thảo ví von – pv)”.

Kẹt xe, lô cốt: Chuyện dài nhiều tập và muôn thuở

GĐ Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Phượng đăng đàn ngay sau đó đã thông báo một tin vui: Trong 6 tháng đầu năm 2010, TP.HCM đã giảm được khoảng 85 rào chắn (lô cốt), hiện chỉ còn khoảng gần 120 lô cốt. Hiện rất nhiều vị trí lô cốt đã lùi xa khu vực trung tâm, và tiến đến những khu vực vùng ven, ngoại thành.

Đại biểu Võ Văn Sen lên tiếng ngay lập tức: “Sở đánh giá thế nào về các lô cốt thi công không tái lập mặt đường, gây tai nạn cho người dân mà báo chí đã từng nêu?. Trả lời vấn đề này, ông Phượng nói: “Chúng tôi luôn nghiêm khắc xử phạt với các nhà thầu thi công chậm chạp, chây lười việc tái lập mặt đường. 6 tháng đầu năm đã có 573 trường hợp thi công vi phạm, xử phạt gần 2,1 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước”.

Đại biểu Sen tiếp tục đề cập: “Hiện TP đã có trên 5 triệu phương tiện giao thông cá nhân gồm xe máy, xe ô tô. GĐ có cho rằng 5, 7 năm nữa, TP.HCM sẽ bế tắc về mặt lưu thông trên đường hay không”.

Kẹt xe, ùn tắc giao thông kéo dài luôn là vấn đề muôn thuở của TP.HCM (ảnh: N.D) 

GĐ Sở GTVT TP.HCM cho rằng vấn đề kìm hãm sự phát triển các phương tiện giao thông cá nhân là vấn đề lớn, cần sự chung tay góp sức của toàn bộ các Sở, ban ngành của TP, thậm chí sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ và Trung ương. Hiện Sở đã trình UBND TP.HCM đề án quy hoạch giao thông đến năm 2020 của TP, trong đó các giải pháp hạn chế xe cá nhân là vấn đề ưu tiên hàng đầu.

Tiếp đó, những vấn đề như các dự án vay vốn ODA dành cho các công trình giao thông bị “đội vốn” tăng trầm trọng, vấn đề quy hoạch mang lưới xe buýt, việc xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc, Metro cho TP.HCM….cũng được các đại biểu đặt ra cho người đứng đầu ngành GTVT TP. Tất các mọi ý kiến này đều được ông Trần Quang Phượng giải đáp một cách rõ ràng, chi tiết và có thừa nhận trách nhiệm của Sở mà mình đang phụ trách.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho rằng: Hiện này TP.HCM chỉ dành 5% quỹ đất cho vấn đề giao thông là không hợp lí, trong khi đó bình thường tỷ lệ này là phải 20% ở các TP lớn trên thế giới. Bà Thảo đề nghị Sở GTVT cần phải rút kinh nghiệm nghiêm túc, thực hiện ngay những ý kiến mà các đại biểu nêu ra trong phiên chất vấn. Nếu vấn đề nào quá tầm, cần có văn bản đề nghị sự hỗ trợ từ lãnh đạo UBND TP.HCM, HĐND TP cũng như các cấp cao hơn từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành.

Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn