Chuyện người phụ nữ mở lọ mỡ người ở Hà Giang để tìm cha

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 20/11/2015 07:12:00 +07:00

Lọ mỡ người ở Hà Giang một câu chuyện đau đớn, có gì đó rùng rợn thê lương về một thời tăm tối kinh hoàng của miền địa đầu cực bắc tỉnh Hà Giang.

Tuy nhiên, hơn 50 năm trôi qua, sau khi được đổ từ ống bương mới tịch thu chuyển sang cái chai thủy tinh, thì hiện vật cứ vơi cạn dần.

Lọ mỡ người trưng bày tại bảo tàng.
Lọ mỡ người trưng bày tại bảo tàng. 

Ông Trịnh Văn Đảm, hơn 80 tuổi, sống ở TP.Hà Giang - người dự phiên tòa xét xử lũ phỉ tàn sát người ở Đồng Văn năm 1959 - kể: “Phỉ ngày xưa sợ lắm. Tôi gặp chúng nó, thấy ám ảnh nhất là lúc tòa tuyên án. Quần áo nó mặc bình thường như người Mông thôi, nhưng nét mặt nó hung dữ kỳ lạ lắm, thái độ của nó lúc ra phiên tòa cũng vẫn rất hung hãn, kiêu căng, ngông nghênh. Cầm đầu là tên Vàng Chỉn Cáo. Tội ác của nó khủng khiếp lắm. Có những tang chứng đang lưu giữ tại bảo tàng, nó giết người lấy mỡ rán cho vào ống bương xào rau ăn dần.

Tại tòa, nó kể, nó bắn cán bộ mình, nó treo lên buộc vào gốc cây mận làm bia bắn thi. Trong phiên tòa bọn nó nhận tội hết, nó chỉ cho người ta xem luôn những ống đựng mỡ người. Nó kể, nó rán mỡ người để khống chế những cán bộ đi theo cách mạng, chống lại chúng nó. Bây giờ, mỗi lần gặp lại hiện vật lọ mỡ người trong bảo tàng kia, tôi lại khóc và về nhà lại mất ngủ.

Cả tuổi trẻ của tôi cống hiến cho việc mở đường Hạnh Phúc xuyên cao nguyên đá và mở đường dọc ngang tỉnh Hà Giang, hơn ai hết, tôi hiểu nỗi đau nổi phỉ cũng như tội ác thời trung cổ của chúng. Những hiện vật như vậy, khi trưng bày ở bảo tàng, rất quý giá trong tố cáo cái ác, cái xấu và cho con cháu hôm nay thấy được sự hy sinh của thế hệ đi trước, vì bình yên cuộc sống.


Ấy là một câu chuyện đau đớn, có gì đó rùng rợn thê lương về một thời tăm tối kinh hoàng của miền địa đầu cực bắc tỉnh Hà Giang. Phỉ giết cán bộ yêu nước vào năm 1959 trong cái loạn đóng cổng trời của các thế lực phản động. Chúng khênh họ ra chợ, xả thịt, rán mỡ, nấu thắng cố thịt người để ăn với nhau.

Cán bộ lên xét xử tội ác của phỉ, chúng khai ra, bà con kể lại và rồi người ta choáng váng khi thu được đúng tang vật “rạch giời rơi xuống” là một ống bương đựng mỡ người. Gạt nước mắt, anh cán bộ bảo: Đó phải là một hiện vật bảo tàng xứng tầm, để mãi mãi lịch sử cần phải lên tiếng diệt trừ cái ác, từ đó tôn vinh các giá trị của sự bình yên và lòng nhân ái.

Hơn nửa thế kỷ qua, dù qua nhiều tên gọi và nhiều lần tách nhập, lọ mỡ người vẫn lận đận được chuyển mấy trăm cây số đi khắp các bảo tàng tỉnh Hà Giang, tỉnh Hà Tuyên (cũ), rồi cả bảo tàng Khu tự trị Việt Bắc (cũ). Và tháng 10.2015, một diễn biến vô cùng bất ngờ xảy đến: Có hai phụ nữ trung niên đến gặp thạc sĩ Âu Văn Hợp - Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Hà Giang - để xin… mở lọ mỡ người, lấy một ít đi xét nghiệm AND. Bởi họ tin rằng, nhiều khả năng, mỡ ấy đã được rán từ thịt của chính cụ thân sinh ra họ - liệt sĩ Nguyễn Thanh Chữ.

Lọ mỡ người của Bảo tàng tỉnh Hà Giang chắc chắn ở Việt Nam không có thêm “phiên bản” hoặc “dị bản” nào nữa. Hiện vật thì không được sờ vào, nhất là khi đó là mỡ của một hoặc vài người cán bộ đã vì nước vì dân mà bị lũ lòng lang dạ sói giết theo lối tàn khốc, man rợ hơn cả thời Trung cổ. Tuy nhiên, hơn 50 năm trôi qua, sau khi được đổ từ ống bương mới tịch thu chuyển sang cái chai thủy tinh, thì hiện vật cứ vơi cạn dần.

Cán bộ bảo tàng phải “nhốt” lọ mỡ người vào tủ kính kín, gắn xi keo ở miệng chai, tuy nhiên, không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, lọ mỡ vẫn cứ vơi một cách đáng rùng mình nhất. Tấm bìa dựng cạnh hiện vật lọ mỡ người kia, thuyết minh rõ: Đó là lọ mỡ người, được cán bộ ta thu từ ống bương mà phỉ rán mỡ cán bộ rồi tích trữ tại xã Lũng Phìn, trước là huyện Đồng Văn, nay là huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Chuyện xảy ra vào tháng 12 năm 1959. Bên cạnh là la liệt các hiện vật khác, cả một gian trưng bày tố cáo tội ác của phỉ. Chúng mổ bụng, moi gan, nấu ăn, treo xác cán bộ lên làm bia tập bắn. Điều này cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Giang có chép.

Phòng trưng bày cũng đầy đủ ảnh: Con dao của tên phỉ khét tiếng Sùng Mí Thưng đã dùng để xả thịt rán mỡ cán bộ năm 1959; bộ ảnh xét xử tội ác của bè lũ phỉ đông nhung nhúc, “phiên tòa lưu động” với đông đảo bà con với panô căng rộng dòng chữ “tin tưởng triệt để vào đường lối xét xử của Đảng và Chính phủ”; kia nữa, con dao mà phỉ Nguyễn Pó Thiên ở Hoàng Su Phì đã dùng để giết 7 cán bộ ta; xa xa là chiếc câu liêm cong như lưỡi hái thần chết, do tên phỉ Tráng Séo Khún điều khiển, hắn giết tới 50 dân thường ở Cốc Pài, Xín Mần, với lý do là vận động nổi phỉ cùng chúng mà bà con không đi theo.

Bức chân dung còn lại của người liệt sĩ Nguyễn Thanh Chữ bị xẻo thịt, rán mỡ tại Đồng Văn, năm 1959
Bức chân dung còn lại của người liệt sĩ Nguyễn Thanh Chữ bị xẻo thịt, rán mỡ tại Đồng Văn, năm 1959 

Trong bảo tàng Hà Giang, có lẽ, hiện vật ám ảnh bất cứ ai nhất, vẫn là lọ mỡ người trưng bày ở tầng 2. Nhiều người bảo, vào khu trưng bày này, họ thấy rùng mình, toát mồ hôi hột, họ nghe những tiếng căm giận, quật cường của bà con và cán bộ nơi đây, trong cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn thuở ấy. Anh Âu Văn Hợp, sau cả chục năm ròng gặp lại, tôi thấy anh vẫn giản dị, trung hậu, nhỏ nhẹ như vậy.

Và vẫn là giám đốc bảo tàng. Có người bảo, cái chức đó ít người tranh giành, mà anh Hợp thì đắm say với các hiện vật bảo tàng độc đáo của Hà Giang. Anh bảo: Cũng có người tranh luận, khen chê xung quanh việc “nên hay không nên” trưng bày lọ mỡ người kia. Bởi nhiều người không muốn nhớ về một giai đoạn mông muội, tăm tối, man rợ đến thế. Nhưng cái gì của lịch sử thì cần phải trả nó về đúng vị trí “trùng khít” và nguyên thể của nó chứ.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, trải nhiều lần tách nhập, dọn kho, chuyển giao công tác, thậm chí cán bộ đi thu “vật chứng” lọ mỡ người cũng chết cả rồi. Nhân chứng vụ việc cũng về với tổ tiên hết. Hồ sơ vụ việc rất mỏng. Nhưng cái “cốt” của hiện vật thì quá rõ, “bìa” của lý lịch ghi rõ: Lọ mỡ người, năm 1959. Có các chi tiết thế này, khi bảo tàng đem trưng bày ở Đồng Văn để tố cáo tội ác của phỉ, thì bà con đến xem rất đông.

“Phiên tòa lưu động” xét xử tội ác của lũ phỉ man rợ đông đảo bà con tham dự với panô căng rộng dòng chữ “tin tưởng triệt để vào đường lối xét xử của Đảng và Chính phủ”.
“Phiên tòa lưu động” xét xử tội ác của lũ phỉ man rợ đông đảo bà con tham dự với panô căng rộng dòng chữ “tin tưởng triệt để vào đường lối xét xử của Đảng và Chính phủ”. 

Họ bảo, cán bộ làm sai rồi, lọ mỡ người mà chúng tôi thấy nó phải ở ống tre, ống bương chứ. Điều đó cho thấy, việc rán mỡ, xả thịt, đựng mỡ trong ống bương đã có trong ký ức của nhiều bà con. Việc này trùng khít với mô tả của cán bộ văn hóa về việc họ chuyển mỡ từ ống bương sang lọ thủy tinh để trưng bày. Thêm nữa, ví dụ như trường hợp của các cán bộ thương nghiệp, thuế, hải quan bị phỉ giết, chuyện rán mỡ, nấu thắng cố được ghi lại rất rõ.

Có ngày giờ, có hành vi và có cả tên của liệt sĩ. Gần đây, khi nhà báo đến phỏng vấn các ông Mua Vản Sấu (xã Sủng Là), ông Bình, ông Giàng Pà Sính (xã Lũng Phìn), rồi ông Trịnh Văn Đảm (thành phố Hà Giang), ông Nguyễn Bình Địch (nguyên cán bộ lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì), đại tá Nguyễn Kim Chung (nguyên cán bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang)… đều là những bà con, cán bộ, lãnh đạo cao niên am hiểu vụ việc, nhiều người trực tiếp chứng kiến phiên tòa xét xử tội ác của phỉ trước hàng vạn đồng bào, lời khai “ăn gan uống máu, rán mỡ, nấu thắng cố người” của phỉ, đều kể các câu chuyện tương tự những gì đã viết ở trên.

Theo chúng tôi, đó là lời xác nhận sự thật đau lòng mà không muốn tin chúng ta cũng buộc phải tin, không muốn nghe thì lịch sử vẫn cứ lên tiếng và sẽ còn lên tiếng. Ông Chung còn nhấn mạnh, lúc mới thu được lọ mỡ người theo lời khai “đã ăn mất một nửa lọ” của phỉ, người của ta lúc đầu nghi là chúng rán mỡ cán bộ hải quan, nhưng cả khu vực bấy giờ chỉ có 6 cán bộ hải quan. Mãi sau này, họ mới biết, đó là mỡ của hai cán bộ thương nghiệp.

Khi sự thật đã không thể rõ ràng hơn, thì mới đây, con gái liệt sĩ Nguyễn Thanh Chữ đến gặp ông Giám đốc Bảo tàng Hà Giang và xin được mở nắp lọ mỡ người lấy “mẫu vật” đi xét nghiệm AND. Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Ninh (con gái liệt sĩ Chữ) cho biết:

Chị Nguyễn Thị Ninh - cán bộ y tế về hưu, con gái liệt sĩ Chữ - kể chuyện về cha mình và mong muốn được đem “lọ mỡ người” đi xét nghiệm ADN.
Chị Nguyễn Thị Ninh - cán bộ y tế về hưu, con gái liệt sĩ Chữ - kể chuyện về cha mình và mong muốn được đem “lọ mỡ người” đi xét nghiệm ADN. 

Tại sao chị tin trong hiện vật bảo tàng lọ mỡ người kia có thể có một phần thân xác của bố chị?

Chị Nguyễn Thị Ninh: Lúc bố tôi mất, tôi mới chỉ 4 tuổi, cô em ruột mới 2 tuổi, lúc bé tôi không biết gì cả. Lớn lên nghe người ta kể thì hai chị em mới bảo nhau đi tìm hiểu: Xem bố mình làm việc ở cơ quan nào, ở huyện xã nào, bố bị giết ở đâu, giết theo kiểu gì. Tôi bắt xe khách qua xã Lũng Phìn, trước nó thuộc huyện Đồng Văn, nay sang huyện Mèo Vạc. Gặp một cụ già địa phương tên là Bình, hỏi ông ở đây lâu chưa, bảo ông ở đây cả một kiếp người rồi. Phỉ giết năm đó nhiều người lắm, mày là con thằng Chữ phải không, mày nói giống giọng bố mày, đứa em có hai răng khểnh và trắng trẻo như bố mày. Ông Bình làm chúng tôi rùng mình, sợ hãi, bất ngờ.

Sao ông lại nhận ra chúng tôi và đọc đúng tên bố tôi ngay? Sau này, ông ấy bảo, gặp chị là ông cũng đã rùng mình rồi vì có gì đó rất lạ. Về sau chị tìm được cốt của bố chị, thì mới đưa mẹ chị lên khu mộ. Chị đến chỗ dân họ chôn bố chị ấy. Xót xa nhất là giả sử bom Mỹ giết “đùng” một cái thì còn đỡ đau, xót nhất là họ kể, nó xả thịt bố chị, nó nấu thắng cố nó ăn với nhau! (khóc).

Chị Nguyễn Thị Ninh: Bố tôi là cán bộ thương nghiệp. Hôm đó là thứ bảy, ông mới 22 tuổi, ông và một cán bộ cùng cơ quan đi từ Phó Bảng sang Lũng Phìn thu thuế, thu được ít quá, hai ông ngủ lại ở trụ sở thương nghiệp thì phỉ ập đến. Hai người chui lên khe đá nằm cạnh cái đền ở đó. Bố tôi trốn ở đó, tưởng đã yên rồi, trốn quá lâu, lại căng thẳng, ông thèm thuốc quá nên hút thuốc lá, thế là bị chúng phát hiện. Hôm đó, theo ông Bình và các nhân chứng là ngày 14.11.1959 âm lịch. Nó vào bắt giết và sáng hôm sau đem ra chợ làm thịt.

Ông cụ Bình kể với tôi như thế. Phỉ nó xả thịt bố tôi để dọa dân. Tôi nghe thông tin đó từ rất lâu, gần đây mới tình cờ biết hiện vật lọ mỡ người ở Bảo tàng tỉnh Hà Giang, lại ghi rõ lọ mỡ không biết của ai, chỉ biết của hai cán bộ thương nghiệp nên tôi rất nghi ngờ. Xem lại thông tin từ bao năm nay, thì lại rùng mình: Mọi thông tin trùng khớp. Cả địa danh, thời gian, cách xả thịt rán mỡ đó. Thú thật, tôi cũng không muốn khơi lại nỗi đau này làm gì. Nhưng, đọc thông tin nói là lọ mỡ không có danh tính, nên hai chị em muốn tìm hiểu, xét nghiệm AND của lọ mỡ.

Nếu là bố mình thì vẫn để bảo tàng thôi, nhưng cần phải biết rõ. Chứ bây giờ mà nói mỡ đó của bố mình thì mẹ tôi chắc đau đớn đến mức không sống nổi, bà già rồi và ở vậy nuôi con, đau đớn cả một đời rồi. Có lần tôi nằm mơ bố tôi về, bố cho tôi một cái chum giống như của cải gì đó, giống như hũ rượu cần đó, bịt kín lắm, định mở ra xem nhưng ông bảo đừng mở ra…

Lúc ông ra đi và không bao giờ trở về nữa, thì chị còn rất nhỏ. Xin hỏi chị, ký ức của chị về ông là thế nào?

- Ông là người dân tộc Tày. Bà mẹ tôi vẫn còn, năm nay 84 tuổi, bố tôi SN 1938, tuổi Dần, nếu còn sống thì nay chỉ 78 tuổi. Mẹ tôi hiện nay sống ở huyện Bắc Quang, lúc bố tôi mất ông mới 22 tuổi. Trí nhớ của tôi tốt lắm, nhớ rõ ông về là tháng 10, bố cắt tóc cho con gái, ông còn sờ vào tai tôi, bảo rằng con ngoan, bố đi công tác về bố mua hoa tai cho con. Đó là lần cuối tôi gặp bố, bố không bao giờ về nữa. Mỗi lần sờ lên tai, tôi lại khóc và nhớ ông.

Chị đã tìm thấy mộ bố mình ra sao?

- Sau khi bố tôi bị mổ bụng, xả thịt, rán mỡ, lúc phỉ đi rồi thì bà con thu gom thi thể lại, mang chôn. Lúc đó thiếu thốn, chỉ có 4 tấm ván thôi, 2 tấm xếp, hai tấm dựng, thiếu hai tấm mà cũng phải đem chôn. Họ gắn một miếng gỗ nghiến có khắc chữ, ghi họ tên, cơ quan thương nghiệp trên phần mộ tạm. Họ lấy dao khắc tên “Nguyễn Thanh Chữ” hẳn hoi. Ông Bình còn dẫn tôi lên chỗ đó, trên có 7 ngôi mộ, bố tôi ở ngôi thứ 2 khi đi từ ngoài đường lên trên núi.

Mộ bố tôi giờ được quy tập ở nghĩa trang Pả Vi - Mèo Vạc, ghi rõ “Liệt sĩ Nguyễn Thanh Chữ”, hy sinh năm 1959. Ông Bình còn kể, hôm bố tôi bị phỉ sát hại, trăng sáng lắm, hôm sau có sương muối luôn. Gia đình cũng đã tìm nhà ngoại cảm để hỏi cho chắc ăn. Hồi đó, lúc bốc mộ cho bố tôi, hai chị em không được chứng kiến, nghe nói, phòng LĐTBXH Mèo Vạc họ nhờ người bốc. Tôi sợ nhầm lẫn nên nhờ nhà ngoại cảm lên, khấn bố nếu đúng cốt dưới mộ là của bố thì bố hiện lên cho nhà ngoại cảm biết. Nhìn thì mình không thấy gì, chỉ biết tin lời nhà ngoại cảm, họ bảo đúng là của cụ rồi.

Chị Ninh và gia đình, cả ông Âu Văn Hợp và Bảo tàng Hà Giang, đều hy vọng nhiều, nhưng cũng băn khoăn nhiều về việc: Làm thế nào để xét nghiệm ADN tìm được người bố đã vì nước quên thân cho hai chị em chị Ninh? Vả lại, việc đó có nên làm không và nếu làm thì có ra kết quả thật không? Có kết quả rồi thì để làm gì? Đây là những câu hỏi khó, không chỉ cần phải được soi rọi bằng ánh sáng khoa học…

KÍNH MỜI ĐỘC GIẢ ĐỌC LOẠT BÀI BÍ ẨN LỌ MỠ NGƯỜI TẠI ĐÂY: Kỳ 1: Những chuyện kinh thiên động địa về tội ác của phỉ ở Hà Giang
Kỳ 2: Phỉ rán mỡ người
Kỳ 3: Giải mã bí ẩn lọ mỡ người ở Hà Giang


- Chị có biết kỹ hơn về cái chết của bố chị - liệt sĩ Nguyễn Thanh Chữ không?

Chúng tôi nhận lời “nhờ vả” tử tế từ phía anh Hợp, từ phía chị Ninh, rằng sẽ đem những băn khoăn này đặt lên bàn các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu của nước nhà. Việc này thì không khó. Nhưng có câu trả lời rồi, làm gì tiếp với nó, lại không phải là chuyện dễ dàng. Xét nghiệm được không?

Có người nói có, có chuyên gia lại nói không, nhất là với lọ mỡ nghi là tổng hợp “thịt da” của không chỉ một người, nó lại được lưu giữ từ hơn nửa thế kỷ trước. Với tôi, câu chuyện này như là một cầu nối thiêng liêng và ám ảnh bậc nhất giữa hiện vật bảo tàng trong tủ kính, trong chai thủy tinh gắn keo kín mít kia với từng số phận con người đang hằng đêm gạt nước mắt nghĩ về cha mẹ mình, nghĩ về số phận của lương dân trong những sự kiện rợn người sau nách núi.

Phía sau các cổng trời chất ngất, ủ trong mây núi, vẫn còn trùng trùng các “bí ẩn lịch sử” cần lời giải.

Nguồn: Đỗ Doãn Hoàng(Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn