Chuyện người Mông đầu tiên ở Hà Giang ra thăm Trường Sa

Thời sựChủ Nhật, 17/06/2012 05:52:00 +07:00

Ông Vừ Sé Cơ chia sẻ: “Bác thấy các đồng chí bộ đội hải quân rất là vất vả. Trên kia cũng khó khăn, núi đá tai mèo, khó khăn về cuộc sống nhưng lại có...

Ông Vừ Sé Cơ chia sẻ: “Bác thấy các đồng chí bộ đội hải quân rất là vất vả. Trên kia cũng khó khăn, núi đá tai mèo, khó khăn về cuộc sống nhưng lại có đường sá đi lại, có chợ đi, có hàng xóm đi chơi hằng ngày. Ở đảo Trường Sa, bộ đội và nhân dân nước biển không dùng được, đi chơi không có đường đi”.

Không rõ trên cả nước đã có người Mông nào ra đến Trường Sa chưa, nhưng ông chắc chắn là người Mông Hà Giang đầu tiên. Ông là Vừ Sé Cơ, người xóm Ma Xí B, xã Ma Lé, là người Mông có uy tín nhất, giỏi làm ăn nhất và được đi nhiều nơi nhất của huyện Đồng Văn (Hà Giang). “Mình là ở đỉnh đầu Tổ quốc, cột cờ Lũng Cú thôi, cũng là bảo vệ biên giới. Ở trên mình cũng khổ, nhưng mà đi một lúc là được về nhà. Ở đây đi mãi không được về mà bộ đội Trường Sa với người dân mang cả nhà ra đây trông cột mốc đấy! Mình đi được chuyến này sẽ mang cái Trường Sa về tuyên truyền cho dân mình”.

Năm nay 58 tuổi, nhưng tính ra có đến 30 năm ông công tác ở xã với đủ các vị trí, trong đó có 2 khóa làm Phó Chủ tịch xã, 2 khóa làm Chủ tịch. Dù vậy, ông Vừ Sé Cơ nói tiếng phổ thông vẫn chưa thực sõi. Có nhiều từ ông nói bị mất âm, phải cố gắng lắm mới hiểu được, như “bao nhiêu năm nay” thì thành “ba nhi na nai”, nhưng suốt những ngày trên tàu HQ 996 ra thăm Trường Sa, rất nhiều người thích ngồi nghe ông kể chuyện.

Mọi người yêu cái sự hồn nhiên của ông, và cũng ngưỡng mộ tấm lòng, uy tín của ông. Mấy cán bộ tỉnh đi cùng đoàn với ông kể, ở xã Ma Lé, có ông Mùa Vả Li phạm tội giết người rồi trốn sang Trung Quốc đến vài tháng, lực lượng chức năng không làm cách nào liên lạc được. Thế mà chỉ cần ông nhắn: “Bảo nó về bác Cơ nói chuyện”, thế là người kia về.

Ông bảo: “Tao nghe dân bản kể đấy, có thể mày cũng dính vào một tí. Nói thật đi rồi tao mới tìm cách giúp mày”. Ông Li bảo: “Có bác giúp thì tôi cứ nói thật thôi”, kể lại đầu đuôi rồi ra đầu thú. Người Mông là thế, đã tin rồi, yêu rồi thì bảo gì cũng nghe. Nhân dân trong xã bây giờ, có vấn đề gì cũng đều đến chỗ ông hỏi ý kiến, kể cả vướng mắc với pháp luật cũng như chuyện gia đình.

“Nói chung là làm cán bộ lâu năm thì mình cũng phải nghiên cứu làm cho đúng, cái gì dân khó khăn thì mình phải giúp, kéo nhau lên” – ông Cơ giải thích cho cái uy tín của mình. Thế nhưng không phải chỉ vì ông là cán bộ lâu năm mà người dân tin yêu ông như thế.

Từ ngày nghỉ việc ở xã vì “cán bộ bây giờ phải có trình độ, phải biết cái máy tính, mà mình chỉ học hết lớp 2”, ông về nhà tìm cách phát triển kinh tế. Sống với cao nguyên đá từ thuở lọt lòng, ông biết trồng cấy thì tứ đời đói kém, bèn nghĩ cách xoay ra chăn nuôi. Trăn trở, thất bại cũng nhiều, cuối cùng ông cũng gây dựng được đàn bò vài chục con, lại thêm đàn dê, đàn lợn, đàn gà.

Bác Vừ Sé Cơ trên đảo Trường Sa. 

Cuộc sống khấm khá dần lên, ông còn có điều kiện cho cả 3 con trai đi học đại học. Hiện gia đình ông có đàn bò hơn 50 con, đàn dê hơn 100 con, mỗi năm xuất chuồng được hơn 1 tấn lợn, gà thì không tính. Mỗi năm trừ hết chi phí, ông cũng lãi được 50 – 60 triệu đồng.

Với suy nghĩ “đoàn kết với nhau như lợn ăn chung một máng”, ông bắt đầu tính đến giúp đỡ bà con trong xóm. Ông cho họ mượn bò, mượn dê chăn đổi, đến lúc đẻ ra bò con, dê con thì trả lại bò mẹ cho ông.

Ngày Chính phủ phát động phong trào định canh định cư, ông cũng xắn tay làm, mở được đến 3 hécta ruộng bậc thang. Trong số ấy, ông chỉ canh tác trên 1 hécta, còn lại cho bà con mượn đổi, đến bao giờ đủ thóc gạo ăn rồi, mở được ruộng mới thì trả lại để ông cho người khác mượn.

Cứ như thế, ông trở thành chỗ dựa của bản làng và cũng được mời đi khắp nơi báo cáo điển hình tiên tiến. “Mình có khi là người Mông được đi nhiều nhất Đồng Văn đấy. Được xuống Hà Nội mấy lần rồi, được vào cả quê Bác nữa, nhưng toàn đi ôtô, lần này mới được biết đến cái tàu hỏa, tàu thủy”.

Sống trên núi lâu năm, chả biết biển là thế nào, ông sợ lắm. Đến ngày thứ 3, thứ 4 trên tàu, thấy nhiều người say sóng ngất ngư mà mình vẫn khỏe, ông mới yên tâm. “Trên kia chỉ được xem qua tivi, giờ mới biết đi cái tàu hỏa, tàu thủy cũng tốt lắm. Nghe Bí thư (Tỉnh ủy Hà Giang – PV) nói là lần này phải cho về bằng máy bay một cái nữa cho biết” – ông cười thích chí.

Thế là một lần đi này, ông không những được đi các loại phương tiện hiện đại nhất, lần đầu tiên biết biển, còn lần đầu tiên biết đất nước mình dài thế nào. Nhưng hơn cả cái sướng ấy, ông thương nhân dân trên đảo với bộ đội hơn. Thương nhất là mọi người không được… đi bộ nhiều, không có đường, có chợ để đi chơi như người Mông quê ông. “Bác thấy các đồng chí bộ đội hải quân rất là vất vả. Trên kia cũng khó khăn, núi đá tai mèo, khó khăn về cuộc sống nhưng lại có đường sá đi lại, có chợ đi, có hàng xóm đi chơi hằng ngày. Ở đảo Trường Sa, bộ đội và nhân dân nước biển không dùng được, đi chơi không có đường đi”.

Người Mông không biết nói văn hoa, đối với ông “dân tộc nào cũng là thịt”, cũng biết đau khổ, hạnh phúc, cũng đang bảo vệ Tổ quốc. “Qua nhiều na (năm) nghe sách báo, xe (xem) tivi là nó có hình ảnh Trường Sa, đến bây giờ được đi cái chuyến này, tôi rất cảm động. Không biết nói gì hơn, tôi sẽ tiếp thu và đem cái đảo Trường Sa này trở lại lên vùng cao để tuyên truyền cho bà con nhân dân hiểu biết. Dưới này cột mốc của Trường Sa đấy, hải quân, cả người dân họ đưa cả gia đình đi trông cột mốc, vì quần đảo Trường Sa cũng là đất nước Việt Nam mình!”

Theo CAND

Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012

Xem thêm tại đây


Bình luận
vtcnews.vn