Chuyện luyện diễu binh của những "bóng hồng"

Thời sựThứ Hai, 04/10/2010 02:29:00 +07:00

Chị Nga, 25 tuổi, công tác tại Học viện Quân y định tổ chức lễ cưới vào ngày 10/10. Nhưng từ tháng sáu, khi có lệnh triệu tập, dự định đó đành gác lại.

Chị Trịnh Thị Mai Nga, 25 tuổi, công tác tại Học viện Quân y định tổ chức lễ cưới, lấy ngày Đại lễ 10/10 là ngày lên xe hoa. Nhưng từ tháng sáu, khi có lệnh triệu tập, các dự định đó đành gác lại. "Ban đầu thấy băn khoăn, nhưng từ ngày hạnh phúc riêng tư được chuyển thành sự đóng góp cho ngày trọng đại của dân tộc, thì đó là hạnh phúc vô cùng lớn lao" - chị Nga chia sẻ.

 

Rạng ngời, răm rắp khối diễu binh nữ CSGT 

Để có đội hình tươi tắn, ngời sáng mà nghiêm trang, những cô gái Công an, Quân đội tập luyện chuẩn bị diễu binh chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội phải trải qua nhiều bài luyện đặc thù.

Hai khối nữ tham gia diễu binh Đại lễ, gồm khối nữ Cảnh sát giao thông (CSGT) và nữ sỹ quan Thông tin liên lạc, Bộ Quốc phòng. Ngoài ra còn một số khối nữ khác trong đội hình diễu hành và đứng nghiêm.

Khác với huấn luyện khối nam, việc tập luyện diễu binh đối với khối nữ đòi hỏi những người thầy vừa có kinh nghiệm huấn luyện đội ngũ, lại vừa giàu kỹ năng sư phạm, nhất là am hiểu tâm lý của phái đẹp. Nếu như khối nữ CSGT được tuyển chọn từ những sinh viên đang học tập tại Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát, những người chưa vướng vào chuyện gia đình và chỉ cần dành thời gian tập luyện đều đặn, sau học bù, thì với khối sỹ quan Thông tin liên lạc Bộ Quốc phòng, phần lớn họ là những người đã có gia đình, đang công tác tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là khó khăn lớn khi tập luyện, vừa lý do sức khoẻ, vừa điều kiện công tác, ăn ở xa nhà của các nữ sỹ quan.

Hôm đến sân bay Hoà Lạc chứng kiến buổi tổng luyện, chúng tôi nhận thấy, các khối nữ sỹ quan thông tin liên lạc với trang phục váy xanh, lưng đeo máy thông tin vô tuyến điện PRC-1187 răm rắp trong hàng quân.

Đại uý Nguyễn Văn Thanh, Chính trị viên tham gia huấn luyện cho biết, trong số 210 chị em khối nữ thông tin thì có gần 50 đồng chí đang có con nhỏ. Họ đều đang công tác tại các đơn vị thông tin Bộ Quốc phòng ở 27 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có người đến từ miền Nam, tận Bình Phước, Bình Dương. Từ đầu hè, các nữ sỹ quan đã có mặt tại Hà Nội và bước vào tập luyện cho đến nay. Thời gian ăn ở tập trung, họ sống trong môi trường tập thể và tuân thủ giờ giấc, điều lệnh của lực lượng vũ trang.

"Tất cả đều thực hiện chế độ luyện tập nghiêm ngặt, sáng báo thức lúc 5h kém, đến 6h đã ra thao trường luyện tập, 10h nghỉ trưa, đến 15h lại tập tới 18h, tối 21h đi ngủ, giữ sức cho ngày hôm sau. Cứ như vậy, lịch trình đều đặn đã 3 tháng nay, mỗi tuần chị em được nghỉ ít buổi để bảo đảm sức khoẻ" - Đại uý Thanh cho biết.

Có chị dẫu đã có dự định tổ chức cưới nhưng vì việc chung, đành gác lại việc tư để tham gia tập luyện, sau hoàn thành mới tính. Đó là chị Trịnh Thị Mai Nga, 25 tuổi, công tác tại Học viện Quân y. Trước đó, chị và người yêu đã định tổ chức lễ cưới, lấy ngày Đại lễ 10/10 làm ngày lên xe hoa. Nhưng từ tháng sáu, khi có lệnh triệu tập, các dự định đó đành gác lại. "Ban đầu thấy băn khoăn, nhưng từ ngày hạnh phúc riêng tư được chuyển thành sự đóng góp cho ngày trọng đại của dân tộc, thì đó là hạnh phúc vô cùng lớn lao" - chị chia sẻ.

Với khối nữ CSGT, tất cả đều là học viên các trường CAND nên không mang gánh nặng gia đình, con cái như sỹ quan thông tin. Họ đều là học viên đang sống và học tập tập trung, quá trình ở trường đã được huấn luyện đội ngũ, điều lệnh nên việc tập luyện khá thuận tiện. Tuy nhiên, khi tham gia, tất cả đều phải gác lại chuyện học tập trong hơn 3 tháng.

Tháng bảy, theo lịch thì đó là thời gian các em được nghỉ hè, song thời gian này dành hết cho việc tập luyện. Theo các giáo viên huấn luyện diễu binh, hiện một số quy chuẩn như đi nghiêm, bồng súng trong khối diễu binh có những điều chỉnh so với trước. Các động tác đánh tay dứt khoát, mạch lạc và đưa tay cao vuông góc với vai, trong khi chân duỗi thẳng và các động tác phải dứt khoát, đều.

Việc huấn luyện khối nữ không chỉ bằng mệnh lệnh, bởi đích đến là kết quả mà số nữ thường có tâm lý dễ mặc cảm, nếu bị ảnh hưởng tâm lý sẽ khó lòng tập luyện thành công. Thực tế thì không ai muốn mình bị phê bình đi kém làm ảnh hưởng đến hàng ngũ, ngay cả việc bị say nắng, ngất thì việc bỏ một hai buổi tập có thể khiến những em này khó bắt kịp đồng đội. Do đó, những động tác chỉ bảo, luyện đi luyện lại, kèm với những câu chuyện hài hước, vui vẻ sẽ khiến các em có tâm lý thoải mái, tươi vui, tập luyện hiệu quả…

Việc cả khối đi đều răm rắp phải là cả quá trình khổ luyện. Đây là chia sẻ kinh nghiệm của giáo viên bộ môn Quân sự, Học viện An ninh: Xem diễu binh, duyệt binh, chúng ta thấy từng hàng quân đi luôn thẳng hàng, không một bước chân nào vung cao hơn, không một bờ vai nào nhô cao hơn đồng đội. Chiều cao đồng đều là một yêu cầu bắt buộc khi lựa chọn đội hình, ở ta thường cao từ 1,75m trở lên với nam và 1,6m trở lên với nữ. Nhưng thật ra đã có một bí quyết nhỏ giúp cho hàng ngũ diễu binh đảm bảo đều tăm tắp trăm người như một. Đó là bí quyết "móc ngoặc", tức móc ngón tay út trong đội ngũ duyệt binh đi nghiêm.

Khi duyệt binh, ngón tay cái của mỗi người trong hàng ngũ luôn ép sát đường chỉ quần, còn ngón tay út thì luôn ngoặc vào ngón tay út của người liền kề. Sự gắn kết ấy khiến hàng quân luôn "dính" với nhau thành một khối, các chiến sĩ vai kề vai, không để người nào trong hàng quân vượt lên trước. Khi diễu binh, tất cả ngẩng cao đầu, cùng đánh mắt sang trái hoặc sang phải để đảm bảo thẳng hàng răm rắp. Nếu người nào trong hàng ngũ có "chân dài", bước đi dài hơn những người còn lại thì phải tìm cách rút chút xíu để không bị vượt lên so đồng đội…

Theo Phan Đăng/CAND

Bình luận
vtcnews.vn