Chuyện lạ về anh nông dân vỗ béo chuột... làm giàu

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 10/10/2012 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Hàng ngày, anh đổ thóc sạch cho chuột ăn. Chuột ăn thóc chỉ chừng 10 ngày đến nửa tháng là béo núc níc. Khách thích con nào thì mua về làm thịt.

(VTC News) - Sau khi bài viết về chuyện săn chuột, thú ăn thịt chuột của người quê lúa Thái Bình của nhà sử học Đặng Hùng đăng tải trên Báo điện tử VTC News, ông đã nhận được nhiều chia sẻ của người dân quê lúa.


Một số độc giả cung cấp thông tin để nhà sử học Đặng Hùng có được những bài viết thú vị về món thịt chuột. VTC News tiếp tục gửi tới độc giả bài viết hấp dẫn về thịt chuột ở Thái Bình.

Săn chuột bằng… kích điện

Sau khi đăng bài viết về thú ẩm thực chuột ở quê nhà, tôi nhận được điện thoại của một bợm nhậu, là tín đồ thịt chuột, rằng chẳng tuần nào anh không chén một vài bữa thịt chuột. Không có món chuột, rượu cũng chẳng thèm uống. Anh còn cung cấp thông tin về một người chuyên săn chuột, rồi vỗ béo chuột để bán cho dân trong vùng. Chuyện này quả thực rất lạ lùng.

Tôi đã ngay lập tức tìm về thôn Liên Thanh (Thái Thuần, Thái Thụy) để tìm gặp anh Lê Tiến Bắc, là người nổi tiếng khắp huyện Thái Thụy vì có biệt tài săn chuột và vỗ béo chuột để bán.

Chuột bán ở chợ 

Nhà anh Bắc chơ vơ ở rìa làng, xung quanh là ao hồ, đồng ruộng bát ngát. Anh Bắc tính tình xởi lởi, tiếp đón vui vẻ. Biết tôi tìm hiểu về chuyện săn chuột, vỗ béo chuột, anh rất hào hứng.

Theo anh, người dân trong làng Liên Thanh, dù không phải tất cả, nhưng có đến quá nửa đều khoái khẩu món thịt chuột. Nhưng về kỳ tài săn chuột thì anh là số một.

Để phục vụ cho việc săn chuột, anh mua sắm rất nhiều thiết bị. Đắt nhất là chiếc đèn pin chuyên dụng dành cho thợ mỏ. Loại đèn này rất sáng và có thể dùng được 8 tiếng liên tục.

Thứ không thể thiếu được là bộ kích điện loại mạnh, truyền điện xa. Bộ kích điện này có giá tới 2 triệu đồng.

Sở dĩ anh Bắc nghĩ ra trò săn chuột bằng kích điện là bởi xưa kia anh thường đi kích cá. Đây là sáng tạo đơn giản nhưng ít ai nghĩ ra. Tuy nhiên, thiết bị này chỉ hợp với việc săn chuột ban đêm, ở các cánh đồng trũng, ngập nước.

Bẫy chuột do anh Bắc sáng tạo rất hiệu quả 

Vậy nên, mỗi mùa anh Bắc sử dụng một cách săn chuột khác nhau. Mỗi loài chuột anh có một bí quyết riêng để tóm chúng hiệu quả nhất.

Vào vụ chiêm, mùa mưa, nước ngập, đêm nào anh Bắc cũng soi chuột từ 7 giờ tối đến 1-2 giờ sáng. Anh đi dọc ruộng lúa, bờ mương. Tên chuột thấy ánh điện sáng liền chạy xuống ruộng, nhảy xuống mương. Anh Bắc đuổi theo gí điện là lũ chuột ngất đứ đừ. Anh bẻ răng, tống chuột vào giỏ. Lát sau, chuột lại tỉnh, khỏe như bình thường.

Với cách săn chuột bằng kích điện, mỗi đêm anh có thể thu về hàng chục cân chiến lợi phẩm. Nhiều hôm vợ đi theo, xách chuột mỏi cả tay. Anh cũng săn được chuột đất, chuột cống kiểu này, nhưng không thường xuyên lắm. Giống chuột đất rất tinh khôn, thấy tiếng động từ xa là chui tọt vào hang ngay.

Chú chuột bị dính bẫy 
Cha con anh Bắc và chiến lợi phẩm 

Với sáng kiến săn chuột bằng kích điện, một mình anh Bắc bảo vệ cả cánh đồng rộng mênh mông của xã Thái Thuần khỏi sự phá hoại của bọn chuột. Tôi trộm nghĩ, nếu mỗi làng có một anh Bắc, thì nông dân khỏi phải lo nạn chuột phá hoại, giúp nông dân giữ được cả ngàn tấn thóc.

Tôi đề nghị được đi cùng anh Bắc săn chuột ban đêm để thực tế cách săn chuột. Anh Bắc bảo, trời vào thu không khí lạnh, chuột sẽ không ra ăn lúa, nên không tóm được. Đúng như tiên đoán của anh, chúng tôi đi đến rạc cẳng mà chỉ tóm được hai tên chuột vàng.

Kích điện tóm chuột 

Cao thủ bẫy chuột cống

Riêng chuột cống, chỉ sống ở ven làng, đào hang sâu ở những chỗ hiểm yếu để lẩn trốn, đêm đêm bắt trộm gà vịt. Nó không nhảy xuống nước, nên không tóm được bằng kích điện. Giống chuột này cực kỳ tinh khôn, bắt được nó cũng rất vất vả.

Anh Bắc đã đi nhiều nơi, học hỏi thợ săn chuột ở các vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, thợ săn chuột ở nơi khác cũng ít săn được chuột cống, chuột đất. Vả lại, họ đánh chuột theo kiểu đặt bẫy, nên chuột chết thẳng cẳng. Mà chuột chết thì không ăn được, cùng lắm chỉ làm thức ăn cho rắn, cá sấu.

 
Ngoài săn chuột để bán, anh Bắc còn dùng chuột thừa để nuôi chó 

Loại bẫy tóm sống chuột cũng có ở nhiều nơi, nhưng bọn chuột đất, chuột cống khôn ranh nên chỉ lừa được vài con mà thôi. Chúng sẽ rút kinh nghiệm ngay, không bao giờ ăn mồi trong bẫy.

Sau nhiều đêm trằn trọc, ủ mưu cách tóm bọn chuột cống trong làng, anh nghĩ ra chiếc bẫy khá lạ. Tự anh đóng mấy chục chiếc bẫy kiểu này. Chỉ cần chuột chạm chân vào cửa bẫy, không cần động vào miếng mồi, bẫy cũng sập.

Chiều xuống, anh Bắc đi quanh làng, tìm hang chuột cống, chuột đất đặt bẫy ở ngay miệng hang. Đêm anh dạo vài lần thu lượm chiến lợi phẩm.

Anh đã tóm hàng chục tấn chuột cống, chuột đất ở mấy xã xung quanh. Một kg chuột cống, chuột đất anh bán tại nhà với giá 200 ngàn đồng. Mùa hiếm chuột thì anh bán tới 300 ngàn/kg. Thế nên, chỉ đi săn chuột mà anh xây được nhà hai tầng khang trang nhất xóm.

Cháo chuột để nuôi chó 

Theo anh Bắc, vào mùa gặt, đặc biệt là vụ mùa, chuột béo, tóm được bao nhiêu chuột, bán sạch veo bấy nhiêu. Nhưng vào mùa khác, không có lúa, chuột gầy, thịt không ngon, nên anh thả chúng vào mấy cái bồ đựng thóc.

Hàng ngày, anh đổ thóc cho chuột ăn. Chuột ăn thóc chỉ chừng 10 ngày đến nửa tháng là béo núc níc. Khách mua chuột đến nhà anh, chỉ tên chuột nào, anh tóm cho tên chuột đó.

Bình thường, trong nhà anh luôn có hàng trăm chuột cống, chuột đất. Nhưng trước hôm tôi đến, một nhóm cựu chiến binh tổ chức liên hoan, rồi nhóm công nhân điện lực đã mua sạch số chuột anh vỗ béo để liên hoan.

Ngoài việc săn chuột bán, anh Bắc còn bắt chuột để nuôi chó. Anh xây hàng loạt chuồng chó, nuôi mấy chục con một lúc. Chó được xơi những chú chuột nhỏ, chuột nhà, hoặc chuột ế. Anh cũng làm lông, thui vàng, rồi nấu cháo chuột cho chó ăn. Chó ăn cháo chuột lớn nhanh như thổi, vừa béo lại nạc. Anh mua chó con, chỉ nuôi 2 tháng là xuất chuồng, thu mỗi năm vài chục triệu.

Săn chuột ở Thái Bình 

Đặc sản chuột

Ở Thái Bình, dù rất nhiều làng quê ăn thịt chuột, nhưng ở chợ quê ít khi thấy bày bán thịt chuột. Mỗi làng có vài nhóm thợ săn chuột và ít khi các thợ săn dư chuột để phải mang ra chợ.

Người dân thèm thịt chuột thường đặt hàng thợ săn trước. Ai cũng biết làm thịt chuột, nên họ thường mua chuột sống về, tự làm thịt, vặt lông, thui vàng và chế biến món tùy thích.

Tuy nhiên, cũng có một số chợ bán mặt hàng đặc sản này. Nổi tiếng cả huyện Thái Thụy về món chuột là chợ An Tiêm (xã Thụy Dân). Ở chợ này, có cả chục hàng bán chuột vào mỗi buổi chiều.

Chợ An Tiêm, nơi thường xuyên bán đặc sản thịt chuột 

Mùa gặt lúa, chuột béo, dân thích ăn, thì hàng chuột bày bán la liệt trong chợ. Chợ họp từ 3 giờ chiều đến 6 giờ tối. Các thứ khác thì ế, chứ chuột thì chỉ một lát là hết veo. Ai muốn ăn chuột thì phải đi thật sớm hoặc phải đặt hàng trước. Chuột bán ở chợ An Tiêm đã làm sạch, thui vàng, chỉ việc đem về chế biến.

Người Thái Thụy cũng là những đầu bếp tài hoa trong việc chế biến thịt chuột. Chuột được chế biến thành hàng chục món khác nhau, nhưng độc đáo nhất ở Thái Thụy là món chuột ép lá ré.

Để làm được món này, phải có nguyên liệu là chuột cống, chuột đất, bởi chúng to, thịt chắc. Chuột cống, chuột đất được hấp chín với riềng, sả, rồi banh chuột ra, đặt chuột ngồi lên lá ré, lại đắp một lượt lá ré trên lưng, sau đó đè cối đá nặng 70kg đến 1 tạ lên chuột.

Chừng tiếng sau, con chuột bẹp dí thành miếng thịt săn chắc. Chặt chuột miếng to, rồi chấm với mắm gừng, ngon không gì tả nổi. Còn vô vàn những món ăn được chế biến từ chuột nữa.

Còn tiếp…

Nhà sử học Đặng Hùng

Bình luận
vtcnews.vn