Chuyện lạ ở Việt Nam: Ném xôi, gà vào nhau

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 28/03/2013 06:11:00 +07:00

(VTC News) - Cả người ném và bị ném, ai trúng xôi, thì cả năm công việc hanh thông, may mắn, tình cảm dạt dào.

(VTC News) - Cả người ném và bị ném, ai trúng xôi, thì cả năm công việc hanh thông, may mắn, tình cảm dạt dào.


Chúng tôi đến Mù Cả đúng vào hôm diễn ra lễ hội Gạ ma thú, sự kiện được coi trọng bậc nhất trong năm của người Hà Nhì ở vùng đất thượng nguồn sông Đà. Bí thư kiêm Chủ tịch xã Toán Ma Tơ cười lớn: “Ngày vui của thôn bản, ở lại chung vui với người Hà Nhì chúng tôi thôi”.

Ông Lù Trọng Đại, Trưởng phòng Văn hóa thể thao và Du lịch huyện Mường Tè đi cùng chúng tôi cũng vui vẻ nói: “Không mấy khi được gặp dịp bà con tổ chức lễ hội này đâu. Tình cờ mà cũng là duyên kỳ ngộ đấy”.

Thế là hành trình từ huyện Mường Tè (Lai Châu) qua cầu Pắc Ma để sang A Pa Chải (Điện Biên) của chúng tôi tạm dừng lại ở đất Mù Cả, nơi sinh sống của hơn 400 hộ dân với 2010 người Hà Nhì Hoa (Hà Nhì Hoa phân biệt với Hà Nhì Đen) này.

Một góc bản Mù Cả 
Đang dịp vui nên nhà sẵn đồ ngon, Toán Ma Tơ gọi người nhà đem chiếc mâm tròn to đẹp nhất, bày thứ rượu đượm nhất ra giữa nhà đón khách. Trong lúc đó, ông Lù Trọng Đại tranh thủ cung cấp thêm thông tin cho chúng tôi:

“Mù Cả là tên đọc trại của “Mò cá”, tên bản khởi nguồn của người Hà Nhì. Mù Cả là một trong hai nơi mà cộng đồng người Hà Nhì ở nước ta còn giữ nguyên bản lễ cúng Gạ ma thú đấy”.

Người Hà Nhì quan niệm, núi rừng, con thú, cây rừng cũng có cuộc sống như con người. Mỗi loại cây đều có một vị thần làm chủ. Trong rừng, còn có các thần khác như thần đá, thần suối, thần vũng nước rộng… Ngoài ra, còn có một số ác ma hay hại người là những người chết bất đắc kỳ tử trong rừng, như ma người chết do hổ vồ, hay gấu tát, hay rắn cắn.

Nhưng cai quản tất cả là Thần rừng A Pố Xả Kha, con trai thứ 5 của Ngọc Hoàng. Thần rừng là phúc thần, nhưng cũng sẵn sàng trừng trị những ai phá hoại cuộc sống trong rừng.
Tín hiệu bản đang có lễ Gà ma thú ở Mù Cả 

Vì vậy, vào dịp tháng hai âm lịch hàng năm, người Hà Nhì lại cúng Gà ma thú, cầu mong một năm mới yên lành, no ấm, mùa màng tốt tươi, vật nuôi dồi dào.

Lễ cúng thường diễn ra trong ba ngày với rất nhiều nghi lễ diễn ra đồng thời tại nhiều địa điểm như trong rừng, ngoài sông suối, tại bản. Không phải ai cũng được đến tất cả các nơi diễn ra lễ cúng. Riêng phụ nữ không được tham gia lễ cúng rừng.

Chúng tôi bắt gặp ở con đường chính đi vào Mù Cả một chiếc cổng lớn mới được dựng, treo phủ đầy lá cây như một chiếc rèm xanh. Bên phải, phía trước cổng có một chiếc sào dựng tấm liếp đan thưa, là dấu hiệu bản đang có lễ nghi quan trọng.
Trong dịp lễ Gà ma thú, người Hà Nhì không được ra khỏi bản  
Có một đám thanh niên đang vui vẻ bên rượu bày trên đám lá chuối rừng, ca hát trông coi cổng. Họ cho biết, trong 3 ngày lễ Gạ ma thú, người dân không được tự ý ra vào bản. Muốn đi ra hoặc vào, phải được già làng làm “lý” cho bằng những sợi dây chỉ màu buộc tay, đội mũ và đeo một quả trứng hồng trong chiếc rọ nhỏ xinh.

Một người bỗng nhón một nắm xôi, vo tròn trong tay, rồi ném mạnh vào tôi. Những người khác cũng vui vẻ ném những nắm xôi nhỏ vo tròn như viên bi vào những người còn lại. Ông Lù Trọng cười, giải thích cho những người khách đang ngơ ngác:

“Tục lệ truyền thống của người Hà Nhì nơi đây là vậy, ném xôi vào người khác như một lời chúc may mắn, no đủ. Ai cũng có thể ném xôi vào người khác. Ai được ném nhiều xôi vào người là nhận nhiều lời chúc mừng nhất”.

Đem câu chuyện hỏi Bí thư Toán Ma Tơ, ông cười ngất: “Trong 3 ngày cúng, chỉ có ngày cúng bản có tục lệ này. Xôi là món chính trong bữa ăn hàng ngày của người Hà Nhì, nên rất được coi trọng.

Việc vo tròn rồi ném xôi đi không có nghĩa là lãng phí hay thiếu tôn trọng miếng ăn. Đó là biểu tượng của sự no đủ. Cả người ném và bị ném, ai trúng xôi, thì cả năm công việc hanh thông, may mắn, tình cảm dạt dào.
Xôi nếp được vo viên nhỏ ném vào người khác để cầu may mắn 
Ném xôi không chỉ tạo nên không khí vui vẻ mà là mong muốn mùa sau thóc gạo dư thừa, luôn luôn no đủ. Nó tương tự như lễ té nước của người Lào vậy, người bị té nước nhiều luôn được coi là may mắn nhất”.

Ông Toán Ma Tơ cũng không ngần ngại phàn nàn về việc sau bữa ăn chung của cả bản, dường như nền nhà chi chít xôi, cơm nếp, bánh dày lẫn với nhiều đồ ăn khác. Đám thanh niên cứ vo những nắm thật to, nhằm vào các cô giáo hay khách ném tới tấp. Nhiều khi không chỉ xôi, thịt gà, mà cả thức ăn,hay cái gì vớ được trong mâm.

“Đó không phải là nét truyền thống, đôi khi tạo nên sự không vui. Chúng tôi vẫn nhắc nhở đám trẻ sau ngày lễ, nên học hỏi và tôn trọng điều hay, tránh điều dở. Nhưng mỗi năm mới có một lần, lại dịp vui, nên chúng quên hết” - ông Lù Trọng giải thích thêm.
Nắm tay xiết chặt cùng mong một năm mới an lành, no ấm  

Sáng hôm sau, chúng tôi theo chân Toán Ma Tơ lên xem người dân nhộn nhịp chuẩn bị cho một nghi thức quan trọng của lễ cúng. Trên một con dốc ngắn, tại ngôi nhà nhỏ của phó bản Khoàng Gia Sè, từ sáng sớm đã rất đông tiếng nói cười.

Già làng Pờ Pó Xá có mặt từ lâu, nhổm dậy mời khách vào chung vui. Những cánh áo nhiều màu sắc của bà con tiến lại hoan hỉ nắm tay khách. Rau rừng nấu canh, ăn sống cùng rượu ngô, thịt gà được bày ra. Tất nhiên không thể thiếu món xôi.

Vẻ mặt già làng rất thành kính, trang nghiêm trong buổi lễ cầu an cho cả thôn bản. Từ ngày hôm nay trở đi đến hết tháng, ông Pờ Pó Xá sẽ không được ăn rau dẫn, lá vả nữa, muốn ăn phải xen vào trong bát canh thịt cúng bản.

Vợ ông từ hôm nay cũng phải sang hàng xóm ngủ nhờ đến. Kiêng kỵ phải được thực hiện nghiêm ngặt, bởi nếu không, e rằng trong bản không được may mắn, vui vẻ vì thần rừng quở phạt.

Tất cả cùng chăm chú lắng nghe lời khấn bằng tiếng Hà Nhì. Rồi tự mỗi bàn tay người này tìm sang người bên cạnh, nắm chặt, kết thành vòng tròn. Già làng Pờ Pó Xá hô: “Cho mừ cho ì là” (Chúc dồi dào sức khỏe). Tất cả cùng giơ bàn tay nắm chặt, reo lên: “Cho ì là pố” 3 lần.

Những tiếng reo hò vang vọng khu bản nhỏ, khuất nơi rừng già sương phủ.

Gia Phong
Bình luận
vtcnews.vn