Chuyện lạ ở Quảng Bình: Chỉ cần bó củi, chàng trai có thể ăn nằm cùng cô gái

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 31/05/2015 06:53:00 +07:00

Người con trai chỉ cần lên rừng đẵn bó củi khô, ban đêm mang đến để trước cổng nhà cô gái và gia đình cô gái lấy bó củi vào đun, chàng trai có thể tự do đi lại.

Người con trai chỉ cần lên rừng đẵn bó củi khô, ban đêm mang đến để trước cổng nhà cô gái và gia đình cô gái lấy bó củi vào đun, chàng trai có thể tự do đi lại, ăn nằm như thể vợ chồng.


Đầy rẫy bi kịch

Hiếm có nơi nào mà anh em, họ hàng lại lấy nhau nhiều như ở Rào Tre. Cậu lấy cháu, con anh lấy con em, con cô, cháu cô, lấy con cậu, cháu cậu… Tất cả giống như một vòng xoáy tội lỗi, mịt mù không lối thoát.

Cuốn sổ công tác của đại úy Nguyễn Giang Nam (Trạm quân dân y Rào Tre, Đồn biên phòng Bản Giàng), ngoài một danh sách nối dài những cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống còn có thêm phần phụ lục ghi chép các trường hợp có biểu hiện yêu đương cần ngăn chặn kịp thời.

"Phải tìm đủ mọi cách để ngăn cản anh em người Chứt không lấy nhau", cuối bản danh sách, Nam viết dòng chữ chẳng khác gì mệnh lệnh.

Quyết tâm có thừa, nhưng bằng cách nào? Bộ đội biên phòng cắm bản nói với tôi, bao nhiêu năm nay, họ cùng với các cấp ban ngành ở đây đã tìm đủ mọi cách chỉ để chống lại một bó củi thôi mà gian nan vô kể.

Phải. Chỉ một bó củi mà Hồ Gio có thể lấy Hồ Thị Hoa dù cha của ông Gio và mẹ của bà Hoa là anh em ruột. Hồ Hải lấy chị Hồ Tương dù Tương là cháu gọi Hải bằng cậu. Hồ Nhỏ lấy Hồ Hùng dù Nhỏ là con cậu, Hùng là con cô. Hồ Bình lấy Hồ Bốn nhưng bố Bình và bố của Bốn là hai anh em ruột...

Hồ Thị Trang, đứa trẻ không có bàn chân trái, là nạn nhân của hôn nhân cận huyết 

Rồi những Hồ Cương, Hồ Văn Hà, Hồ Thị Sâm… Và còn nhiều, rất nhiều. Hôn nhân cận huyết giống như bóng đêm bao phủ Rào Tre mà những người muốn ngăn ngừa lại ngồi ngoài sáng. Hệ lụy đau lòng cứ tiếp diễn mỗi ngày.

Đại úy Nam cùng trưởng bản Rào Tre Hồ Thị Nam dẫn tôi đến gia đình vợ chồng Hồ Văn Hà và Hồ Thị Sâm. Gọi là vợ chồng nhưng cũng giống như bao gia đình khác trong bản, Hà và Sâm về ở với nhau mà chả cần cưới hỏi hay đăng ký kết hôn gì.

Hà gọi bố của Sâm bằng cậu ruột. 8 năm trước, dù không biết tuổi của mình bao nhiêu, nhưng khi thấy trong bụng thinh thích, Hà lên rừng đẵn củi về đặt cổng nhà ông cậu, dạm gả đứa em gái cho mình. Họ về ở với nhau rồi đẻ một lèo 3 đứa con.

Nom qua thì cũng như những gia đình bình thường khác, duy một nỗi, 3 đứa con của Hà, đứa nào đứa nấy ốm đau quặt quẹo, suy dinh dưỡng rất nặng.

Tội nhất là đứa con gái thứ hai, 5 tuổi, tên là Hồ Thị Trang. Từ lúc sinh ra con bé đã không có bàn chân bên trái, từ phần cẳng chân trở xuống trông như chân voi, một khối u to đùng.

Còn bàn chân bên phải thì các ngón tết vào nhau, trồi lên một cục thịt thừa giống như ngón chân thứ 6.

Đau đớn nhất có lẽ là trường hợp gia đình Hồ Cương và Hồ Thị Thành. Thành gọi Cương bằng cậu ruột. Về ở với nhau sinh được 3 đứa con nhưng hai đứa mất khi vừa đẻ ra được thời gian ngắn. Đứa còn lại cũng nay ốm mai đau, không thể đến trường.

Trưởng bản Hồ Thị Nam rầu rĩ: Từ ngày xưa, khi còn ở trong rừng, do không có điều kiện tiếp xúc bên ngoài nên người Chứt đã quen với việc anh em lấy nhau. Bây giờ về bản rồi nhưng vì thấp bé, ốm đau nhiều nên không lấy được người ngoài, phải lấy người trong bản.

Đại úy Nam nói thêm, trong nỗ lực ngăn chặn hôn nhân cận huyết ở Rào Tre, người ta đã thống kê cả bản hiện có 14 thanh niên. Tỉ lệ rất chênh lệch, 12 nam, 2 nữ. Đã có những phương án giải cứu tập trung vào các đối tượng tiên tiến này, nhưng thất bại.

Mấy năm trước về thăm bản Rào Tre, chứng kiến những bi kịch mà người Chứt nơi này đang phải gánh chịu, nhạc sĩ An Thuyên, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật quân đội đứng ra giúp đỡ bằng cách chọn một số thanh niên ưu tú của bản cho đi học.

Một góc bản Rào Tre 

Hồ Xuân Kham và Hồ Thị Đình Xuân là những người được chọn đi theo vị nhạc sĩ ra Hà Nội. Hồ Xuân Kham học họa, còn Hồ Thị Đình Xuân học bên âm nhạc.

 Đường sá đi lại chưa có, anh em bộ đội ở Trạm biên phòng cắm bản “chữa cháy” bằng cách, bất cứ lúc nào rảnh rỗi cánh bộ đội lại lấy xe máy chở thanh niên trai tráng đi sang các bản “tìm người yêu”. Đường rừng khó khăn thì đi đường vòng. Từ Rào Tre đến vùng Ra Mai (Quảng Bình) xa gần cả trăm cây số, nhưng vì tình thế cấp bách họ vẫn cứ phải đi.
Được đâu chừng 3-4 năm, cả Kham và Xuân đều đòi về. Xuân lấy lý do về học nốt cấp 3 còn Kham phải về để lấy vợ.


Thì ra, dù học hành ở xa nhưng trong bụng Kham lúc nào cũng nghĩ về đứa em gái con cậu tên là Hồ Thị Xanh. Mấy lần nghỉ tết, nghỉ hè Kham đã đặt củi ở nhà ông cậu, hai đứa ăn nằm với nhau và có thai. Kham bỏ học luôn.

Bây giờ “niềm hi vọng của bản” Rào Tre đã 2 lần làm bố. Một lần không giữ được, còn đứa bé hiện tại không biết thế nào.

Năm ngoái, GS Lê Đức Hinh từ trường Đại học Y Hà Nội vào khám bệnh ở Rào Tre, khi trông thấy đứa con trai của Kham đã nhất quyết vận động các cấp chính quyền đưa thằng bé đi mổ gấp nhưng Kham chưa chịu vì không có tiền.

Nghe kể, cũng chuyến ấy, Trường ĐH Y Hà Nội đã thực hiện nghiên cứu về nhân trắc học đối với 35 hộ gia đình người Chứt ở Rào Tre.

Kết quả cho thấy, nguy cơ suy thoái giống nòi ngày càng lớn bởi hôn nhân cận huyết thống, trẻ con mắc nhiều bệnh tật và dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng…

Những cuộc khảo sát tiếp theo đều có chung kết luận: Rào Tre đang đứng trước nguy cơ diệt vong.

Trăm phương nghìn kế nhưng... thiếu tiền

Nhất định phải tìm được cách. Từ bộ đội biên phòng đến các cấp chính quyền huyện Hương Khê đều nhận được mệnh lệnh từ cấp trên với nội dung như thế.

Sau nhiều cuộc khảo sát thực tế, phương án đầu tiên được các cấp ban ngành tính đến là mở đường.

Phải có một con đường xuyên rừng nối từ bản Rào Tre sang các bản làng vùng miền núi tỉnh Quảng Bình để người Chứt có cơ hội giao lưu, tìm hiểu và kết duyên với các dân tộc khác.

Trung tá Dương Thanh Tịnh, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Rào Tre, người đầu tiên đề xuất phương án mở đường kể, từ nhiều năm trước, trai gái người Chứt đã băng rừng hò hẹn với trai gái ở những bản làng người Rục, người Mã Liềng, người Chứt ở những vùng biên giới tỉnh Quảng Bình.

Cũng đã có người Rục bên ấy theo người Chứt về bên này và người Chứt ở Rào Tre đi về làm dâu bên ấy, nhưng họ đến với nhau âm thầm, không ai biết vì đi lại chủ yếu bằng đường rừng.

Cung đường khoảng chừng 15 km mới đến được bản kia. Nhanh thì mất một ngày, chậm phải một ngày một đêm.

Cũng được đôi ba cặp về ăn ở với nhau nhưng rồi tan đàn xẻ nghé hết vì xa xôi, vì các bản nảy sinh mâu thuẫn, trai bản chặn đường đánh nhau để bảo vệ con gái bản mình.

“Sau khi phát hiện con đường xuyên núi Kà Đay mà thanh niên các bản vẫn thường đi lại, chúng tôi đã đề xuất lên trên xin mở ngay “con đường tình yêu” để cứu người Chứt khỏi tình trạng hôn nhân cận huyết.

Năm 2014, đại diện MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đề xuất tỉnh Hà Tĩnh lập dự án trình Chính phủ xin mở đường nối bản Rào Tre sang Quảng Bình để thanh niên giao lưu, tìm hiểu đi đến hôn nhân nhưng tất cả cũng chỉ mới dừng lại ở ý tưởng.

Hình như thiếu vốn. Rào Tre vẫn nguyên trạng một thung lũng khép kín, không có lối đi lại tìm hiểu, giao lưu”, trung tá Dương Thanh Tịnh phàn nàn.

Chuyện tình hay hơn tiểu thuyết

Một ngày giữa tháng Tư vừa rồi, bản Rào Tre xẩy ra một sự kiện mang tính chất lịch sử. Lần đầu tiên sau 25 năm hòa nhập với thế giới văn minh, đồng bào người Chứt có đám cưới đầu tiên với một người ngoài bản.

Con gái ông Hồ Pắc tên là Hồ Thanh Mai đồng ý làm vợ chàng thanh niên người Kinh tên Lê Xuân Công, một anh lính biên phòng xuất ngũ.

"Đó là một đám cưới vô cùng đặc biệt", trung tá Nguyễn Văn Sâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Giàng vẫn còn rất hồ hởi khi kể lại.

Lê Xuân Công và Hồ Thanh Mai trong ngày cưới 

Trung tá Sâm chính là vị chủ hôn trong "đám cưới lịch sử" được tổ chức vào ngày 7/4, ngay tại Trạm biên phòng Rào Tre. Đó cũng là lần đầu tiên người Chứt chứng kiến một đám cưới đúng nghĩa.

Bốn năm trước, cũng vào những ngày tháng Tư đổ lửa miền biên ải, trong một đêm giao lưu văn nghệ ở trung tâm xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) họ đã gặp nhau.

Khi ấy Công là anh lính nghĩa vụ đầy nhiệt huyết, lý tưởng, còn Mai là cô nữ sinh của Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Hương Khê.

Dường như định mệnh đã sắp đặt sẵn, họ cùng hát song ca một bài trong chương trình văn nghệ, cùng nhau tham gia những trò chơi, cùng nhau tham gia buổi giao lưu giữa các cơ quan với dân bản... Và cùng để ý đến nhau.

Sau lần gặp gỡ ấy, Công trở về đơn vị còn Mai tiếp tục đi học. Ở Rào Tre, nơi mà muốn trẻ con đi học còn phải đến tận từng nhà để gọi thì việc Mai học đến cấp ba là chuyện hiếm hoi vô cùng.

Mai lại còn là cô gái xinh nhất bản. Vì thế, trước cổng gia đình ông Hồ Pắc đêm nào cũng có 4-5 bó củi của đám thanh niên dạm hỏi Mai theo tục lệ đồng bào.

Rất nhiều người đánh tiếng với gia đình ông Pắc, nhưng đã từ lâu, suy nghĩ của Mai đã vượt ra khỏi bóng tối đang bao trùm lên bản.

Người Chứt ở bản Rào Tre hôm nay 

Cô biết, những cuộc hôn nhân cận huyết thống đang bào mòn giống nòi người Chứt ở đây. Cô biết, trong những bó củi hằng đêm đặt trước cổng nhà mình có không ít chủ nhân là anh em trong họ.

Học hết cấp III, cô trở về làm Phó Bí thư Chi đoàn, tham gia các lớp dạy bổ túc cho trẻ em trong bản. Một năm sau Công xuất ngũ. Anh khoác ba lô lên bản Rào Tre tìm Mai với quyết tâm thổ lộ tấm lòng mình.

“Khó khăn lắm em mới nói được lời yêu với Mai nhưng ban đầu cô ấy không đồng ý. Lúc đó em đã rất thất vọng, nghĩ rằng Mai không có tình cảm với mình nên lập tức xách ba lô quay trở về gia đình rồi đi vào Nam làm ăn.

Một thời gian sau, thông qua Hồ Tình, một người bạn cùng đơn vị, cũng là người ở bản Rào Tre em mới biết Mai từ chối vì vẫn còn mặc cảm mình là người dân tộc thiểu số.

Phải mất một thời gian dài sau đó, khi em trở về quê, thường xuyên đi lại, quan tâm, thuyết phục Mai mới đồng ý. Có lẽ là thấu hiểu được tình cảm chân thành của em nên một thời gian sau Mai đã nhận lời", Công kể, còn Mai chỉ biết ngồi cười tủm.

Tưởng như trắc trở thế đã qua, nhưng không, tất cả mới chỉ bắt đầu. Ngày Công và Mai yêu nhau, từ chính quyền địa phương đến cánh bộ đội biên phòng cắm bản tìm nhiều cách động viên, giúp đỡ, vun vén thêm hạnh phúc đôi trẻ, nhưng cản trở lớn nhất như nhiều người vẫn dự đoán, đến từ gia đình của chàng trai.

Quê Công ở xã Phúc Đồng (huyện Hương Khê), vùng bán sơn địa cách bản Rào Tre gần 50 cây số. Bố anh mất sớm, mẹ già con một nương tựa lẫn nhau, từ nhỏ Công đã phải xa quê bôn ba đủ thứ nghề kiếm sống.

Ngày Công đưa Mai về ra mắt, biết cô là người Chứt ở Rào Tre, anh em họ hàng trăm người như một ra sức phản đối. Họ nhất quyết cự tuyệt cô gái đến từ Rào Tre, một nơi mà đời sống thường xuyên lên đài báo, ti vi bởi những hủ tục, lạc hậu, đói nghèo...

Không cần uống nước, ăn chiếc kẹo của đôi bạn trẻ, cả họ bỏ về hết, chỉ còn lại Công, Mai và bà mẹ già ngồi thẫn thờ nhìn lên di ảnh chồng trên chiếc bàn thờ cầu cứu

'Thương con lắm, nhưng bà không thể chống lại các bậc cao niên trong họ. Bao năm nay, khi Công biền biệt, bà chẳng sống nưa tựa vào họ là gì?

Biết không thể thuyết phục được mọi người, Công dẫn Mai đến quỳ trước mặt mẹ già xin đưa Mai quay trở lại Rào Tre. Anh nói với mẹ mình, hai đứa sẽ tìm đất lập nghiệp trên đấy, bao giờ ổn định sẽ làm lễ cưới và đón mẹ lên.

Gạt từng giọt nước mắt khô, bà mẹ gật đầu, bà biết tính con, hắn đã quyết cái gì thì không bao giờ thay đổi.

Hai năm sau, ngày 7/4/2015, đám cưới của họ được tổ chức trong một không gian ấm cúng do Đồn Biên phòng Bản Giàng dựng nên.

Treo thưởng cho các cặp uyên ương

Tôi hỏi Công: Làm rể người Chứt thấy thế nào? Anh trả lời: Ban đầu thì cũng có nhiều cái lạ lẫm, giao tiếp còn khó khăn, nhưng bây giờ thì đã quen, em thấy cũng bình thường. Mấy năm yêu Mai và bây giờ thành chồng vợ, thỉnh thoảng vẫn thấy Công nói tiếng Chứt như người đồng bào, đánh đàn Trơ bon, một nhạc cụ của người Chứt hay ra phết.
Trung tá Nguyễn Văn Sâm tâm sự rằng, giữa đồng bào người Chứt và Bộ đội Biên phòng dường như có một sợi dây tình cảm vô cùng đặc biệt.


Có một câu chuyện mà anh em luôn nhắc nhở nhau về trách nhiệm đối với đồng bào, trước đây, khi người Chứt vừa được phát hiện, một đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh do ông Đặng Duy Báu, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh lúc bấy giờ dẫn đầu, khi khảo sát ở Rào Tre đã phải ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Làm sao để cứu giúp được tộc người Chứt bây giờ?”.

Lúc ấy chỉ có Bộ đội Biên phòng dám đứng ra "trả lời" câu hỏi ông Bí thư Tỉnh ủy. Trung tướng Võ Trọng Việt, lúc ấy là đại tá, Chỉ huy trưởng Bội đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra những lời quả quyết: “Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh sẽ hồi sinh dân tộc Chứt, bằng mọi giá đưa tộc người này tiếp cận với xã hội văn minh…”.

Tinh thần ấy, 25 năm sau, trong lúc các phương án giải cứu người Chứt đang gặp quá nhiều khó khăn, vẫn còn đang dang dở thì Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh âm thầm hành động.

Nếu cứ để người Chứt bị cô lập mãi thế này thì không có cách nào thoát ra được. Chưa có người Chứt nào lấy chồng, lấy vợ bên ngoài thì bộ đội biên phòng phải tiên phong hỏi cưới người Chứt trước.

Trước đám cưới của Công và Mai ở Rào Tre, người Chứt ở bên bản Giàng cũng đã chứng kiến những câu chuyện tình rất đẹp.

Anh lính biên phòng Đặng Tuấn Anh quê ở Nam Định nên duyên với cô giáo người Chứt Hồ Thị Loan năm 2011, đến nay họ đã có 2 người con. Hai năm sau, cũng ở bản Giàng, lại thêm một chiến sĩ biên phòng tên Thành kết hôn với cô gái người Chứt tên Hồng... Đến nay, cuộc sống của họ đang vô cùng hạnh phúc.

Trung tá Sâm nói rằng, để động viên, hỗ trợ điều kiện tối đa cho các cặp uyên ương xác định gắn bó với mảnh đất này, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã lên phương án vận động, treo thưởng, đặc biệt là xin chính quyền địa phương cấp đất, hỗ trợ làm nhà cho họ ổn định đời sống.

Tất nhiên là trên cơ sở các cặp đôi có tình cảm với nhau. Ngoài ra, sau khi họ nên duyên, anh em biên phòng cũng thường xuyên giúp đỡ trong sinh hoạt, SX.

Khi chúng tôi rời Rào Tre, trung tá Sâm nắm tay hẹn: Chúng tôi vừa có thông tin, trong bản hiện đang có một đôi đang tìm hiểu. Anh chàng người Kinh ngoài xã Hương Liên yêu cô gái Chứt trong này. Sắp tới nếu họ cưới nhau sẽ mời anh lên dự.


Nguồn: Hoàng Anh(Nông nghiệp VN)
Bình luận
vtcnews.vn