Chuyện lạ ở nơi đua nhau "móc mắt" cho người dưng

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 21/06/2010 08:10:00 +07:00

(VTC News) - "Mẹ đã quyết định hiến mắt cho con chị Khuy rồi, mọi người đừng ngăn cản nữa. Đằng nào khi chết, mắt cũng bị phân hủy"...

(VTC News) - “Thôi cô chú về đi, chúng tôi không đồng ý cho mẹ tôi móc mắt cho mọi người đâu. Chúng tôi thà mang tiếng còn hơn trông thấy mẹ chết mà không toàn thây”, anh Mai Văn Vinh con cụ Nguyễn Thị Hoa, xóm 8A, Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình nói gay gắt.

Người phụ nữ với gương mặt khắc khổ nói như van nài: “Tôi biết gia đình mình cũng khó xử lắm, nhưng nếu gia đình không đồng ý cho cụ hiến giác mạc cho cháu Khuy nhà tôi thì không biết bao giờ nó mới được nhìn thấy ánh sáng. Gia đình nó sẽ sống thế nào? Ai sẽ nuôi mấy đứa con của nó nên người? Tôi xin gia đình hãy mở rộng từ bi. Gia đình tôi sẽ mang ơn mọi người suốt đời”.

Cụ Nguyễn Thị Là, 93 tuổi, đã đăng ký hiến mắt. Ảnh: Công Tâm.

“Chúng tôi rất hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của cháu Khuy. Nhưng chúng tôi cũng không thể làm khác được. Anh chị và cháu thông cảm giúp cho", chị Mai Thị Sâm con cụ Hoa xen vào.

 

“Các cô chú không đồng ý thì thôi vậy. Các cô chú cũng có cái khó mà. Bố mẹ đưa con về thôi. Chờ một thời gian nữa con thay giác mạc cũng được mà”, Khuy đưa tay khua khua tìm bố mẹ.

 

Mọi người toan đứng dậy ra về, bỗng từ trong buồng, cụ Nguyễn Thi Hoa nói vọng ra: “Mẹ đã quyết định hiến mắt cho con chị Khuy rồi, mọi người đừng ngăn cản nữa. Đằng nào khi chết, mắt cũng bị phân hủy, như vậy sao không cho người khác đôi mắt ấy để họ được nhìn thấy ánh sáng và sống có ích cho xã hội, con cái họ không phải bơ vơ? Các con cứ để cho mẹ được toại nguyện đi, như thế mẹ chết cũng thanh thản vì cuối đời vẫn còn để phúc lại cho con cháu”.

 

Thấy cụ Hoa kiên quyết, mọi người không ai dám ngăn cản nữa, nhưng vẫn đặt ra yêu cầu là “chỉ được lấy một mắt thôi đấy”. Tuy nhiên, bà Hoa lại mong muốn được hiến cả hai mắt để đem lại nguồn sáng cho hai người.

 

Rủ nhau hiến mắt cho người

 

Ngày 5/4/2007, tin bà Hoa mất đã làm cho câu chuyện về “bà Hoa sẽ hiến mắt” nóng hơn cả cái nóng đầu hè. Đâu đâu cũng bán tín, bán nghi không biết bà Hoa cho mắt thế nào? Sao người ta có thể móc mắt của người này thay cho người khác được nhỉ?

Chủ tịch xã Cồn Thoi, Vũ Mạnh Thắng. Ảnh: Công Tâm.

Chiếc xe của bệnh viện đỗ xịch trước cổng nhà bà Hoa. Hai người mặc áo blue nhảy xuống xe, bước nhanh vào nhà. Người dân thấy vậy kéo đến ầm ầm, không biết đến để chia buồn với gia đình hay đến để xem người ta lấy mắt bà Hoa. Trong tiếng sụt sùi, những tiếng thì thầm chốc chốc lại vang lên: “Đúng là số bà Hoa khổ thật, chết rồi vẫn bị người ta móc mất mắt. Không biết khi lên thiên đàng có nhìn được gì không?”, “Bà Hoa già rồi nên bị lẩm cẩm mới đồng ý cho mắt người khác. Không hiểu mấy người con nhà này vô tâm hay sao mà để cho người ta “đè” ra móc mắt?”... người ta cứ mỗi người một giọng như vậy.

 

“Nói thật, trước khi mẹ tôi mất nói là muốn hiến giác mạc, chúng tôi đồng ý cho mẹ vui thôi. Đến khi các bác sỹ đến lấy mắt, chúng tôi cũng hoảng. Nhiều người khuyên là không cho nữa cũng chẳng ai dám lấy mắt của mẹ tôi. Nhưng nghĩ lại danh dự của gia đình, nghĩ lại điều ước của mẹ là muốn để phúc cho con cháu, để lại một chút gì đó cho người còn sống… dù có chết mẹ cũng thanh thản, nên mấy anh em chẳng ai dám can ngăn”, chị Mai Thị Sâm, con cụ Hoa chia sẻ.

 

Tuy nhiên, việc “lấy mắt” của cụ Hoa không như mọi người nghĩ. Toàn bộ quy trình lấy giác mạc của cụ không quá 15 phút. “Mọi người đoán chúng tôi đã lấy giác mạc của cụ chưa?”, một bác sỹ cất tiếng. Sau một phút nín lặng, có tiếng ai đó nói vùng vằng: “Mấy ông bác sỹ này hay nhỉ? Mắt cụ ấy còn nguyên thế, đã lấy gì đâu”. Vị bác sỹ lại từ tốn: “Chúng tôi đã lấy xong giác mạc của cụ rồi, không có chuyện hiến giác mạc là phải móc mắt đâu”. Vừa nói, người bác sỹ vừa đưa chiếc lọ bên trong có chứa ít dung dịch. Mọi người phải căng mắt nhìn mới thấy một miếng màng trong suốt đang lơ lửng bên trong. Đến lúc này mọi người mới hiểu lấy giác mạc không cầu kỳ và đáng sợ như mình nghĩ.

 

Hai tháng sau ngày cụ Hoa mất, chị Nguyễn Thị Khuy ở Đắk Lắk và một người ở Thọ Xuân, Thanh Hóa đã đến gia đình cảm ơn và xin được làm con nuôi của cụ Hoa. Nhờ cụ hiến giác mạc mà mắt của họ sáng trở lại sau bao năm mù lòa. Việc cụ Hoa hiến giác mạc được Trung ương Hội Chữ thập đỏ, Bệnh viện Mắt trung ương tặng bằng khen và ghi nhận cụ là trường hợp đầu tiên của Việt Nam hiến giác mạc.

 

Câu chuyện cụ Hoa đem lại ánh sáng cho hai người trước khi ra đi mãi mãi là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

 

“Nói thì đơn giản vậy, nhưng để thay đổi được hệ tư tưởng của người dân thì không phải dễ. Khi tuyên truyền cho người dân nên hiến giác mạc cho Ngân hàng mắt của Bệnh viện Mắt trung ương để đem ánh sáng cho những người khác, thì nhiều người dân cho rằng, đã là ngân hàng là kinh doanh. Không biết giác mạc khi họ hiến có đến được những người cần hay không? Hay đây chỉ là lý do để Ngân hàng giác mạc kiếm tiền? Chắc gì người nghèo đã được hưởng?…”, ông Nguyễn Đình Tú, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cồn Thoi chia sẻ.

 

Tuy nhiên, nhờ sự tuyên truyền, giải thích, động viên của chính quyền địa phương, đặc biệt là linh mục An Tôn Đoàn Minh Hải xứ Cồn Thoi, Bệnh viện Mắt trung ương, nên bà con đã hiểu được ý nghĩa của việc hiến giác mạc là đem lại ánh sáng cho những người không may mắn khác.

 

Nhận thấy việc tuyên truyền không chỉ là ngày một, ngày hai có thể làm được, không chỉ  một cấp, một ngành có thể làm được, mà cần sự chung tay của toàn thể các cấp, các ngành. Do đó, chính quyền địa phương, linh mục, các sư thầy đã phát động việc hiến giác mạc như một phong trào lớn, cần làm sâu sát và triệt để. Nhờ đó mà số lượng người đăng ký và hiến thành công ngày càng nhiều.

 

Chị Nguyễn Thị Lan, con gái của ông Nguyễn Đình Tú, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cồn Thoi, vốn chịu thiệt thòi từ nhỏ, mắc bệnh tim bẩm sinh nên không có khả năng lao động. Trước khi chết, nghe mọi người nói hiến giác mạc sẽ đem lại ánh sáng cho những người mù lòa khác, ngay lập tức chị đăng ký. Tuy nhiên, khi biết tin chị đăng ký hiến mắt, mọi người thân đều phản đối kịch liệt.

 

“Mặc dù tôi làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, đi tuyên truyền người khác hiến giác mạc giúp người, nhưng đến trường hợp của con gái tôi, tôi lại không thể làm được. Mặc dù ý tưởng hiến giác mạc là do con gái tôi quyết định, nhưng thấy nó cả đời thiêt thòi, mang bệnh tật trong người, không được ăn học đàng hoàng thành người như các anh chị em của nó, tôi thấy thương quá, quyết ngăn cản" - ông Nguyễn Đình Tú lý giải.

 

Tuy nhiên, người con gái của ông đã cương quyết: “Cả đời con sống vô tích sự, chỉ đem lại nỗi buồn, sự lo lắng cho mọi người. Nay con sắp chết cũng mong làm được một việc có ích cho đời, âu cũng là giúp đỡ những người chịu thiệt thòi như con. Con tin rằng, khi họ không bị mù lòa nữa, họ lại có thể làm được nhiều việc có ích cho gia đình và xã hội. Con mong bố mẹ nghĩ rằng, mặc dù con chết đi, nhưng đôi mắt của con vẫn còn nhìn thấy bố mẹ và người thân”.

 

Cần nhân rộng phong trào

 

“Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và vận động nhân dân, đến nay toàn xã đã có 35 trường hợp hiến mắt thành công. Trong đó, người ít tuổi nhất là em Trần Văn Thuận, sinh năm 1992, người cao tuổi nhất là cụ Trần Văn Hiền, 104 tuổi. Đặc biệt, xã tôi có 3 trường hợp một nhà có 2 người cùng hiến mắt, đó là hai mẹ con chị Nguyễn Thị Lành, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Huệ và anh Mai Văn San cùng người em của mình. Ngoài ra, hiện nay xã có thêm 121 người đã đăng ký hiến mắt" - ông Vũ Mạnh Thắng, Chủ tịch xã vui vẻ cho biết.

 

Nghe mọi người nhắc đến công lao của linh mục Đoàn Minh Hải, chúng tôi đã tìm gặp và được ông chia sẻ: “Nhận thấy đó là việc làm tốt, có ích cho xã hội thì tôi làm thôi. Tôi thấy trong thực tế có nhiều người khỏe mạnh nhưng đôi mắt bị hỏng không thể lao động, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trong khi đó, đằng nào người chết cũng bị tan biến, sao mình không động viên mọi người làm việc thiện, bác ái vào cuối đời để linh hồn được thanh thản chứ?”.

 

Theo hướng dẫn của ông Nguyễn Chí Nguyện, Bí  thư Chi bộ xóm 8A, chúng tôi đến gặp hai vợ chồng cụ Nguyễn Thị Là (93 tuổi), cụ Nguyễn Văn Thơ (92 tuổi). Mặc dù hai cụ rất yếu, nhưng khi được hỏi vì sao các cụ lại hiến giác mạc, cụ Là nói: "Hai vợ chồng tôi sắp chết rồi, cũng muốn để lại cái gì đó có ích cho xã hội. Mình chết là hết, có biết gì đâu. Nhưng đó cũng là tấm gương để con cháu học tập".

Anh Bùi Hồng Sơn, Kỹ thuật viên Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt trung ương:


"Cho đến nay, cả nước ta mới có 69 người hiến giác mạc, trong đó, riêng xã Cồn Thoi có 35 người.


Hiện tại, Bệnh viện Mắt trung ương đang có gần 600 người đăng ký được ghép giác mạc, tuy nhiên, số lượng người hiến lại rất ít. Vì vậy, mô hình hiến giác mạc như ở Cồn Thoi cần được nhân rộng".





 

Công Tâm

Bình luận
vtcnews.vn